11 tuổi đã giúp đỡ hàng trăm bé gái mồ côi

Thật khó tin khi một đứa trẻ 11 tuổi lập ra một tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng đó là những gì cô bé Ana Dodson (bang Colorado, Mỹ) đã làm sau khi em cùng mẹ nuôi về thăm lại nơi mình đã sinh ra ở Peru vào năm 2003.

Ana (bìa phải) trong trang phục truyền thống của Peru – Ảnh: DoSomething.org

Trong bốn năm qua, Tổ chức Peruvian Hearts (Những trái tim Peru) do Ana thành lập đã hỗ trợ trẻ mồ côi Peru tổng cộng 100.000USD.

Hôm qua 13-10, Ana (15 tuổi, học lớp 10 Học viện Colorado) được trao giải thưởng thường niên Caring Institute vinh danh những cá nhân tích cực quảng bá giá trị của sự chăm sóc, đoàn kết và dịch vụ công. Ana là một trong mười người Mỹ được trao giải thưởng này.

Ana cho biết cô không bao giờ đề nghị được công nhận về những gì mình làm, song cô rất chào đón giải thưởng Caring Institute bởi nó sẽ khiến nhiều người quan tâm hơn đến Tổ chức Peruvian Hearts.

Ana cho biết sứ mệnh giúp đỡ trẻ em Peru của cô là một cam kết suốt đời, xuất phát từ việc cô nhận biết nếu bố mẹ nuôi không nhận nuôi cô thì cảnh ngộ của cô cũng chẳng khác gì các em nhỏ khác ở Peru.

Ana là con nuôi của ông bà Judith và Rocco Dodson. Khi mới 3 tuổi Ana được bố mẹ nuôi mang về Mỹ sau khi mẹ ruột cô qua đời. Năm Ana 11 tuổi, mẹ nuôi dẫn cô về thăm lại trại mồ côi Hogar ở thành phố Cusco (Peru). Trong chuyến thăm đó, Ana và mẹ nuôi mang tặng gấu bông và sách cho các em nhỏ, nhưng cô nhanh chóng nhận ra các em còn cần nhiều hơn thế.

Ana bắt đầu thu thập đồ dùng học tập để gửi cho các em nhỏ ở Peru và khởi động phong trào kết bạn qua thư giữa các bạn trong lớp học tiếng Tây Ban Nha của mình và các bạn ở trại mồ côi. Rồi Ana bắt đầu gây quỹ bằng cách vận động bạn bè, người thân và các tổ chức địa phương hỗ trợ trẻ em Peru.

Tiếp đó, Ana thành lập Tổ chức Peruvian Hearts nhằm giúp đỡ các bé gái mồ côi ở trại mồ côi Hogar. Mục tiêu của Ana là giúp các trẻ mồ côi ở đây được học hành, có cơm ăn, áo mặc và trên hết là có hi vọng về một tương lai tốt đẹp.

Khi được đề nghị gửi lời khuyên cho các bạn gái cùng độ tuổi, Ana nói rằng các bạn gái nên làm theo những gì con tim mách bảo và kiên định với những gì mình đam mê. “Nếu bạn theo đuổi ước mơ của mình và thực hiện từng bước nhỏ thì những điều lớn lao sẽ xảy đến trong đời bạn“, Ana kết luận.

Đến nay, Peruvian Hearts đã thực hiện được các mục tiêu đó của Ana. Tổ chức này có chương trình học bổng, chi trả tiền mua đồng phục, đồ dùng học tập và học phí cho các bạn nhỏ mồ côi. Tổ chức Peruvian Hearts còn gửi truyện thiếu nhi cho các em và bố trí một nhân viên gia sư đến trại mồ côi hỗ trợ các em trong học tập.

Peruvian Hearts cũng xây dựng các nhà kính ở trại mồ côi để các bạn nhỏ trồng rau, đồng thời mua gà để nuôi lấy thịt và trứng. Chưa hết, Peruvian Hearts còn mua một lò làm nến để thành viên trại mồ côi làm nến bán lấy tiền.

Hiện Peruvian Hearts cung cấp thực phẩm cho khoảng 700 em nhỏ và đang thực hiện một dự án cấp thức ăn mới.

Dù rất bận rộn với Tổ chức Peruvian Hearts, Ana còn làm tình nguyện viên cho chiến dịch Stop Child Poverty nhằm nâng cao nhận thức về cảnh nghèo của trẻ em khắp thế giới.

Ana dự định sau khi tốt nghiệp trung học sẽ học đại học ngành nghiên cứu toàn cầu và tiếp tục theo đuổi đam mê làm từ thiện và các dịch vụ cộng đồng.

Không phải đến tận bây giờ Ana Dodson mới được vinh danh về những nỗ lực của mình. Cô đã được trao nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Gloria Barron dành cho những anh hùng trẻ tuổi, giải thưởng Kids With Heart (Những trẻ em nhân hậu)… Trước đây, kênh truyền hình CNN đã làm phim tài liệu về Ana như một anh hùng trẻ tuổi.

THƯƠNG VŨ (Theo The Denver Post/Myhero)

Người phụ nữ bảo vệ Hồ Tây hàng chục năm trời

Thế hệ trí thức dấn thân hôm nay, trước nội tình “tơ vò” của đất nước, muốn giữ vững nhân cách ngay thẳng và tư tưởng độc lập, không ai không từng bị trả giá, dù ít hay nhiều. Kiến trúc sư Trần Thanh Vân là một trong số ấy.

Hàng chục năm trời chị đã dồn tâm lực bảo vệ Hồ Tây, một báu vật trời cho, cảnh quan tuyệt mỹ của Thăng Long, nơi mỗi tấc đất đúng là một tấc vàng. Chị đã cùng những người bạn chung chí hướng gắng sức đẩy lùi mọi mưu đồ xâm hại Hồ Tây hết đợt này đến đợt khác, dưới hình thức những dự án “mỹ miều” và cực kỳ “hấp dẫn”. Chị đấu tranh với chúng đến bạc tóc, đến nỗi cũng vì ngày đêm quá quan tâm đến vận mệnh “nàng Tây Thi đất Việt” (lời ví von Hồ Tây của Cao Bá Quát) mà đành bất lực nhìn đứa con thân yêu ra đi ngay trên tay mình, rồi cha mẹ cũng nối nhau qua đời khi sự nghiệp gìn giữ Hồ Tây chưa thể nói là xong. Một người bạn yêu quý của tôi cũng đã ở vào tình cảnh chị, cũng đã phải vượt qua nỗi đau đứt ruột như chị, nên mỗi lời chị viết ra, tôi biết, như bứt từ trái tim.

Trong những dòng tâm sự của chị, giờ đây, ta đọc được một sự an nhiên, điềm tĩnh của người sau nhiều năm trải nghiệm, đã nắm được quy luật an bài của Tạo Hóa, biết vững tin vào lý tưởng mà mình theo đuổi, không lùi bước, giống tảng đá trơ gan cùng sóng gió, nhưng cũng không quá nôn nóng để đến nỗi hỏng việc. Có thể nói chị giúp cho mọi người những kinh nghiệm quý báu khi đối diện với mỗi sự việc éo le, phức tạp, đòi hỏi phải nương theo xu thế bên trong của nó mà tìm ra cách ứng phó thích đáng, đúng hơn phải xem xét tinh tường cái “mắt bão” của mọi sự cố để tránh đi những tổn thất vô ích nhằm giành cho mình phần thắng cuối cùng.

Trong ý nghĩa của những lời tự bạch, xin mời bạn đọc hãy cùng chiêm nghiệm và rút ra cho mình vài điều bổ ích, qua bài viết ngẫu hứng của Kiến trúc sư Trần Thanh Vân.

Nguyễn Huệ Chi

Một vài kinh nghiệm dấn thân của Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Câu chuyện về chữ “thời”

Cụ Nguyễn Ngô Thức, tên thường gọi Ngô Thức, tên hiệu Ức Cung, năm nay đã gần 90 tuổi, là hậu duệ chính gốc của đại danh nhân Nguyễn Trãi (1380-1442) ở làng Nhị Khê thuộc huyện Thường Tín Hà Nội. Là một trí thức con dòng cháu giống, thời trẻ từng là Cục trưởng Cục Đồ bản, nhưng cụ Ngô Thức rất khiêm tốn và lặng lẽ, hiện cụ đang ở cùng với người con trai trưởng trên một căn gác chật chội ở gần Đường Láng. Sống kín đáo và ẩn dật như vậy, lại thêm bệnh điếc lác do tuổi già, nhưng cụ Ngô Thức vẫn thường có khách quen ghé thăm. Mọi người đến thăm cụ do tình cảm, do muốn thỉnh giáo cụ đôi điều về lẽ sống ở đời và đặc biệt muốn cụ “gieo cho một quẻ” để xem vận hạn năm nay lành dữ ra sao.

Cụ rất giỏi về Kinh Dịch và đã từng có nhiều học trò theo cụ tìm hiểu môn khoa học thần bí này. Cụ thường nói rằng: trong Kinh Dịch thì khó nhất là nắm được chữ “thời” mà muốn nắm được “thời” thì phải biết “nhẫn”, bởi vì cho dù ý định hay, lòng dạ tốt, nhưng thiếu kiên nhẫn đều dẫn tới kết quả chẳng ra sao. Cụ đưa ra lời khuyên là, cho dù hôm nay trời còn đang u ám, bao nhiêu tin dữ đang đổ về, nhìn thấy bánh xe không phanh lao xuống dốc, ta đừng cố dùng chút lực tàn để kéo giữ nó lại, nó có thể sẽ nghiền nát ta. Hãy để cho nó lao đi, cho đến khi “Cùng tắc biến, biến tắc thông”.

Cái lẽ của chữ “thời” chính là ở chỗ đó.

Tôi từng có quan hệ khó quên với cụ Ngô Thức.

Cách đây 11 năm, khi tôi liều lĩnh cùng KTS Nguyễn Trực Luyện Chủ tịch Hội KTS Việt Nam và KTS Hoàng Phúc Thắng (đã mất) và KTS trẻ Nguyễn Hoàng Phương chống lại dự án Thủy cung Thăng Long ở bán đảo Tây Hồ, thì cụ Ngô Thức đã đi xe đạp từ khu tập thể Kim Liên đến Quảng An quận Tây Hồ thăm tôi và động viên tôi hãy dũng cảm, đừng khiếp sợ, vì nhất định chúng tôi sẽ thắng. Sau này chúng tôi hiểu ra: chiến thắng đó không phải do chúng tôi giỏi, càng không phải do chúng tôi mạnh, mà chính là do chữ “thời”. “Thời” đó có thể là một giai đoạn dài, cũng có thể chỉ là phút giây ngắn ngủi, nhưng nếu nắm được nó để làm được việc gì tốt cho xã hội hoặc ngăn cản một sai trái có hại cho đất nước, thì nó sẽ phát huy tác dụng đúng lúc. Vậy là đủ!

Hai năm sau tôi gặp một chuyện buồn và được cụ Ngô Thức chia sẻ.

Thủy cung Thăng Long xong thì tôi bị lừa mất nhà cửa, cha mẹ bị ốm nặng, tiền bạc túng thiếu và đúng trưa Rằm tháng Bảy năm Canh Thìn, đứa con trai thân yêu của tôi qua đời vì bị cảm đột ngột. Cháu lặng lẽ bỏ tôi ra đi ngay trước mặt tôi mà tôi không kịp biết. Đối với tôi trời như đã sập xuống. Toàn thân tôi tê liệt. Hôm sau đến nhà tang lễ khâm liệm cho con mà tôi tưởng như mình nằm trong đó.

Mấy hôm sau nữa cụ Ngô Thức gọi tôi đến nhà. Lúc này cụ đã yếu hơn, tai đã nặng hơn mà chân cũng đã run. Cụ đưa cho tôi mảnh giấy xé trong vở học sinh ghi sẵn những điều sau này tôi cần xem lại, rôì cụ nắm chặt hai bàn tay tôi: “Cháu đi vào giờ chính Ngọ, được nhập mộ. Quẻ này là quẻ Sơn hỏa bí, quẻ trang sức. Đẹp lắm, hình hài nó đẹp, thời tiết đẹp, đám tang cũng đẹp. Nhưng đó là cái đẹp bên ngoài, còn cái đẹp nhân văn ở bên trong thì cha mẹ phải tự tìm để hiểu xem con nó muốn dặn mình điều gì?”

Tôi cầm mảnh giấy về nhà cất đi mà lòng không sao hết tê tái.

Vậy là đã chín năm. Chín năm là thời gian đủ dài để người ta quên đi nhiều thứ. Nhưng tôi lại trải qua nhiều biến động và không thể nào quên con tôi, nếu không nói rằng tôi luôn cảm thấy nó ở bên cạnh mình: Cha mẹ tôi đều đã mất trong năm 2002, cụ ông thọ 88 tuổi và cụ bà thọ 83 tuổi, đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng con tôi đã đòi được cho tôi ngôi nhà, một tài sản rất lớn mà có lúc tôi tưởng như mất trắng. Kỳ diệu hơn cả là con tôi đã đưa được thằng em về ở với vợ chồng tôi, một phần thưởng lớn hơn mọi phần thưởng trên đời.

Từ đó tôi có một niềm tin chắc chắn rằng trời có mắt, rằng hãy sống cho có ý nghĩa thì sẽ không bị trời phụ. Từ đó tôi tự tạo cho mình một thói quen, mỗi khi phải suy nghĩ điều gì hệ trọng, thì tôi coi như mình không tồn tại, tôi có thể đứng ngoài bản thân mình phân tích mọi tình huống sẽ xảy đến và tôi dễ dàng tìm ra cách giải quyết gọn nhẹ thông minh nhất.

Ví dụ như hôm thứ Ba vừa rôì, tôi nhận được điện thoại của một cô gái Việt Nam tên là Q.A, số điện thoại là 0988… nói rằng cô là phiên dịch cho một người Hàn quốc ở Liên danh tư vấn quốc tế PPJ. Người đó tên là “Bu”. Cô ta báo anh Bu muốn gặp tôi để trao đổi với tôi về quy hoạch Hà Nội mở rộng. Nghe ra có vẻ rất vì công việc nên lúc đầu tôi tỏ vẻ đồng ý.

Tôi hỏi:

– Cho cô biết gặp để làm gì?

Trả lời

Nghe ý kiến cô về quy hoạch Hà Nội.

Tôi nói:

– Cô phát biểu tại hội nghị phản biện rồi và cũng viết nhiều bài trên báo mạng rồi còn gì?

Trả lời:

Nhưng còn nhiều quan điểm khác, nên anh Bu muốn nghe lại ý kiến cô.

– Bao giờ hả cháu?

Trả lời:

Tùy ở cô, nhưng thứ Sáu, ngày 21/8/2009 phải báo cáo Thường trực Thủ tướng Chính phủ rồi, nên anh Bu muốn gặp cô chiều thứ tư hoặc sáng thứ Năm.

Hỏi:

– Vội thế sao? Vậy gặp ở đâu?

Trả lời:

Tại nhà cô, anh ấy không muốn cô phải đi lại vất vả.

Tôi nói:

– Nhà cô? Để cô xem xem rôì trả lời sau nhé!

Điện thoại tạm ngừng.

Nhà tôi lúc ấy không có ai, tôi nhìn tấm ảnh con trai tôi và “hỏi ý kiến” nó.

Nó bảo: “Không được đâu mẹ ơi, mẹ đang bị chiếu tướng đấy, mà người Hàn quốc lại nổi tiếng trò phong bì đi dưới gầm bàn, họ ký vơí Chính phủ ta hợp đồng vớ bở hơn 6 triệu USD thì họ sẽ đưa cho mẹ không ít đâu, lúc đó mẹ sẽ xử lý thế nào? Hơn nữa, ngày mai là ngày mồng Một tháng Bảy, cho dù không có phong bì mà chỉ có vài quả táo đặt trên ban thờ nhà ta thôi là mẹ coi như thành liệt sĩ rồi!”

Ý kiến của nó đúng quá.

Một lúc sau điện thoại lại reo:

Cô ơi, anh Bu nghe nói cô đồng ý gặp thì anh ấy vui lắm. Anh Bu mời cô chiều mai đến khách sạn Inter-Continental ở gần nhà cô để uống trà.

Thế là họ đã tiến thêm một bước và càng dễ cho tôi từ chối:

– Cháu nói hộ với anh Bu là cô rất cám ơn, nhưng cô không có thói quen làm việc bên bàn trà. Vậy nếu anh ấy muốn nghe ý kiến đóng góp của cô thì gửi cho cô một bộ tài liệu, sau khi đọc kỹ rồi cô sẽ góp ý kiến bằng bài viết. Nếu không, thông qua Chính phủ VN cô sẽ phát biểu ý kiến của mình. Thế thôi nhé, chào cháu!

Chuyện đến đây coi như chưa kết thúc, bởi vì các quan hệ phức tạp vẫn còn tiếp diễn và người ta có thể sẽ còn gặp nhau trong phòng hội nghị hay ở đâu đó với những cái bắt tay, những lời cám ơn và… cả những âm mưu.

Cuộc sống ngày nay là vậy, một thường dân, một mụ già đã bị “vứt vào sọt rác” như tôi mà còn cần tỉnh táo, cần khôn khéo trong ứng xử và cả bản lĩnh biết vượt qua những cái rất tầm thường trong con người mình, thì những người khác với cương vị, với trọng trách đang đảm nhiệm, họ có vượt qua nổi những cái bẫy đang giăng ra với họ hay không? Tôi rất thông cảm với họ và tôi hiểu thật không dễ chút nào, bởi vì trong mỗi con người chúng ta đều có phần “con” tầm thường và phần “người” cao quý, chưa nói đến sự chênh lệch đáng kể về trình độ giáo dục và trải nghiệm cuộc đời. Bởi vậy, ứng xử, tiến lui cho khéo là cả một bài toán khó và rất cần sự trợ giúp của Thánh nhân ở nơi xa và bè bạn ở gần bên. Riêng tôi, tôi muốn khuyên mọi người rằng đừng vội vã kết luận điều gì khi vừa chợt nhìn thấy một hình ảnh chướng mắt, hoặc vừa nghe thấy một tin đồn chưa thuận tai. Hãy tập nén mình lại và hãy “nhìn sâu” vào bên trong, ta sẽ thấy nhiều điều và nắm bắt được cái sẽ đến ngày mai.

Ngày mai mới là quan trọng.

Các cụ có câu rằng “cây ngay không sợ chết đứng”, vậy nếu thấy cái cây chưa thật ngay, ta có để cho nó chết đứng hay không? Hẳn là không. Nếu cứ mặc kệ cho cây chưa ngay chết hết, thì ta là cây ngay, ta đứng lại với ai?

TTV

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

*Tiêu đề do HNX thay đổi

haiz2

Cậu bé tự kỷ được vinh danh “Nhà lãnh đạo cộng đồng”

Qua blog của mình, Lewis Schofield, 14 tuổi, hiện sống ở TP Peterborough (bang Ontario, Canada), cung cấp đến mọi người thông tin xác thực về bệnh tự kỷ (một dạng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến sự phát triển của con người) mà bản thân cậu đang mắc phải.

“Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi” Lewis Schofield. Với kiến thức về công nghệ, Schofield đã dùng blog để chuyển cho mọi người thông tin về bệnh tự kỷ – Ảnh: CBC News

Những nỗ lực vì cộng đồng của cậu học sinh lớp 9 Trường cấp II Holy Cross được ghi nhận và vinh danh bằng giải thưởng Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi của Trường đại học Trent (TP Peterborough). Giải thưởng này được Trường đại học Trent trao hằng năm, vinh danh những cá nhân dưới 25 tuổi đóng vai trò dẫn đầu trong cộng đồng.

Bà Elyse Bruce, mẹ Schofield, cho biết con trai bà rất ngạc nhiên khi biết mình được đề cử giải thưởng Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi. Schofield cũng không ngờ là sau đó mình thật sự giành giải thưởng vinh dự này.

Trả lời phỏng vấn của CBC News, Schofield nói một cách giản dị: “Cháu chỉ làm những gì cháu luôn làm thôi. Cháu luôn cố gắng ở mức tốt nhất. Đó là những gì cháu được bố mẹ nuôi dạy”.

Suốt 9 năm nay, Schofield bị hội chứng Asperger, một dạng của bệnh tự kỷ. Mới đây Schofield còn bị Myasthenia Gravis, một dạng rối loạn thần kinh cơ rất nguy hiểm đến tính mạng, hiện không có biện pháp điều trị triệt để.

Dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng Schofield rất say mê công nghệ và thành thạo các kỹ năng đồ họa. Sở thích công nghệ đã khiến Schofield nảy ra ý tưởng chia sẻ những hiểu biết của mình về bệnh tự kỷ nhằm giúp mọi người nắm được sự thật về căn bệnh này.

Schofield thường xuyên online, tải lên blog các video, podcast, hình ảnh đồ họa và bài viết cung cấp thông tin về các bệnh mà cậu mắc phải, trong đó có hội chứng Asperger. Cậu còn tham gia diễn đàn tự kỷ gia đình trên Yahoo.

“Tôi chỉ muốn mọi người biết sự thật về bệnh tự kỷ thay vì những thông tin không chính xác – Schofield lý giải – Tôi nghĩ nếu mọi người đều cố gắng chút ít thì rất nhiều điều sẽ được hoàn thành”.

Bạn không phải làm những gì to tát để mang lại sự thay đổi. Bạn chỉ phải làm một cái gì đó. Không thì sẽ chẳng có gì thay đổi hay trở nên tốt hơn cả“.

“Nhà lãnh đạo cộng đồng” tuổi teen Lewis Schofield

Hội chứng Asperger mà Schofield bị mắc từ khi lên 5 tuổi đã ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác với người khác của cậu bé. Khi ấy, các bác sĩ đã tiên đoán Schofield khó sống sót. Nhưng thật tuyệt vời là cậu bé đã chung sống với bệnh suốt 9 năm nay và còn mang lại hy vọng cho những người khác thông qua kiến thức về bệnh tự kỷ được cậu chuyển lên blog.

Không chỉ dành thời gian chăm sóc trang blog, Schofield còn quyên góp tiền cho các tổ chức tự kỷ ở Canada và Mỹ bằng cách bán các tấm thiệp cậu thiết kế trên mạng.

Ngoài ra, từ năm 2006, Schofield là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí đa phương tiện Irked. Những bài viết, bài phỏng vấn và những video hài hước của Schofield đã thu hút đông đảo độc giả trên toàn cầu.

Ngày 26-10, Schofield sẽ được trao giải thưởng Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi tại buổi lễ diễn ra tại Trường đại học Trent.

THƯƠNG VŨ (Theo CBC News/Trentu)/TTO

Làng xanh, làng sạch ở Ấn Độ

TT – Làng Mawlynnong ở phía đông bắc bang Meghalaya được đánh giá là sạch nhất, xanh nhất tại Ấn Độ. Người dân trong làng ai cũng biết đọc, biết viết và mỗi nhà đều có một nhà vệ sinh riêng.

Những dịch vụ cơ bản này tưởng là chuyện bình thường, nhưng lại là bước tiến bộ lớn của ngôi làng này ở một đất nước có hơn 1 tỉ dân mà phần lớn nông dân còn rất thiếu nước sạch và hệ thống vệ sinh.

.

Ngôi làng xanh, sạch đẹp nhờ ý thức của người dân và sự quyết tâm của chính quyền

Môi trường sống tuyệt vời của ngôi làng là do sự góp sức của chính dân làng. Dù hội đồng làng có thuê người quét dọn nhưng các tình nguyện viên trong làng vẫn chung tay dọn dẹp vệ sinh nhiều lần trong ngày “vì không thể trả tiền cho quá nhiều người được” – tình nguyện viên Henry Khyrrum nói.

Các con đường đi lại trong làng luôn sạch sẽ, có những thùng đựng rác bằng tre. Túi nilông bị cấm tuyệt và rác được xử lý theo cách thân thiện với môi trường. Dân làng cho biết các bài học về vệ sinh cùng cách thức giữ môi trường xanh, sạch được bắt đầu từ trường học.

Hội đồng làng cũng rất nghiêm khắc. Trưởng làng Thomlin Khongthohrem cho biết nếu bị phát hiện vứt rác hay chặt cây, người dân sẽ bị phạt khoảng 1 USD. Khoản tiền nhỏ nhưng điều quan trọng là người bị phạt sẽ cảm thấy xấu hổ vì sự vô ý thức và thiếu tôn trọng người khác để lần sau cẩn thận hơn. Hội đồng làng liên tục đi kiểm tra các thiết bị vệ sinh ở mỗi ngôi nhà, tổ chức các đợt thảo luận về giữ gìn vệ sinh…

Các chuyên gia cho rằng Mawlynnong có hệ thống quản lý cấp địa phương rất hiệu quả. Dân cư ở đây yêu thiên nhiên. Họ bảo vệ rừng, chỉ lấy từ rừng những gì cần thiết cho bản thân chứ không buôn bán thương mại lâm sản.

Du khách khắp Ấn Độ đang đến thăm ngôi làng và rất ấn tượng về sự thành công của làng Mawlynnong hoàn toàn từ quyết tâm gìn giữ những tập tục truyền thống tốt đẹp trong bảo vệ môi trường.

  • Hạnh Nguyên (Theo TTO)

Chuyện những người hùng

“Tắt một chiếc đèn không cần thiết sẽ không tạo ra sự khác biệt. Nhưng làm vậy cả đời thì sẽ có một chút ý nghĩa. Và nếu tất cả mọi người cùng làm một điều gì đó thì chúng ta sẽ đi đúng hướng”. Đó là phương châm hành động của Pen Hadow – người đứng đầu nhóm nghiên cứu đo độ dày của băng tại Bắc Cực, một trong những thanh niên được tạp chí Time bình chọn là anh hùng môi trường.

Những người trẻ Như Pen Hadow không chỉ hành động, mà còn tạo cảm hứng để lôi kéo mọi người cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ môi trường Trái đất.

Valerie Casey – “Công ước Kyoto” cho các nhà thiết kế

Ảnh: Time

Mùa xuân 2007, nhà thiết kế Valerie Casey bất chợt cảm thấy tội lỗi. “Tôi thiết kế rất nhiều sản phẩm, từ tã trẻ em có thiết bị cảm ứng, lò nướng bánh cho tới động cơ tuôcbin và chúng không thể được coi là thân thiện với môi trường xét trên bất cứ khía cạnh nào” – Casey thú nhận. Casey quyết định xây dựng một Công ước Kyoto cho các nhà thiết kế: các biện pháp để ngành công nghiệp thiết kế trở nên thân thiện môi trường.

Trong hai năm qua, khoảng 170.000 hãng thiết kế, tập đoàn, cá nhân… đã tham gia hiệp ước của các nhà thiết kế do Casey tạo ra. Khi tham gia liên minh này, các tổ chức đồng ý thực hiện năm “hướng dẫn xanh”, bao gồm các biện pháp giảm lượng khí cacbon thải ra mỗi năm, giáo dục nhân viên về các vấn đề môi trường và thảo luận chúng với khách hàng. “Tôi coi hiệp ước này là một dự án kéo dài năm năm” – Casey tiết lộ. Cô hi vọng đến khi đó ý thức bảo vệ môi trường đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của ngành công nghiệp thiết kế toàn cầu.

Triệu Trung – Người bảo vệ những dòng sông

Ảnh: Time

Nhu cầu khổng lồ của các ngành công nghiệp và nông nghiệp đang đe dọa nguồn nước tỉnh Cam Túc, phía bắc Trung Quốc. Với chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, các nhà máy tha hồ gây ô nhiễm mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào.

Nhưng có một thanh niên đang giúp Cam Túc bớt hủy hoại những tài sản thiên nhiên giàu có của tỉnh. Triệu Trung, 27 tuổi, đến Cam Túc từ năm 2004 để làm việc cho Viện Khoa học Trung Quốc, đã thành lập tổ chức Đai lạc đà xanh (GCB) – tổ chức môi trường phi chính phủ đầu tiên tại Cam Túc. Mục tiêu của GCB là nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường, giám sát các nhà máy gây ô nhiễm và thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường. Tình nguyện viên của GCB điều tra các nhà máy trong tỉnh xả chất thải và nước thải xuống sông, và điền tên những doanh nghiệp vi phạm vào một bản đồ ô nhiễm nước quốc gia.

Bị sờ gáy, các công ty đa quốc gia có chi nhánh tại Cam Túc buộc phải thay đổi. Hãng bia Carlsberg mới đây đã trang bị cho nhà máy bia của hãng ở Cam Túc một hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Còn các công ty nhà nước thì có một “trải nghiệm” mới: bị giám sát. “Các công ty gây ô nhiễm phải chịu nhiều áp lực khi bị đưa vào bản đồ ô nhiễm nước – Triệu Trung khẳng định – Họ bị buộc phải có những biện pháp tức thời và công khai để giải quyết vấn đề”.

Nathan Lorenz và Tim Bauer – Những bếp lò sạch

Với hàng triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển, nấu ăn là hoạt động gây nguy cơ môi trường nghiêm trọng. Mỗi lần họ nấu ăn bằng bếp lò than hoặc củi, khói với đầy chất độc hại như benzen, CO hay formaldehyde bay đầy nhà. Chính những chiếc lò cũ kỹ này là thủ phạm giết chết 1,6 triệu người mỗi năm, hơn 85% trong số đó là phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi.

Khi Nathan Lorenz, 31 tuổi và Tim Bauer, 32 tuổi, tìm hiểu về vấn đề này, họ biết mình có thể tạo sự thay đổi. Năm 2003, cả hai thành lập tổ chức phi lợi nhuận Envirofit, sử dụng nghiên cứu của họ về công nghệ động cơ hai thì sạch giúp tạo ra những chiếc xe lôi tự động thân thiện với môi trường hơn cho người dân Đông Nam Á và Ấn Độ. Năm 2008, Envirofit hợp tác với Tổ chức thiện nguyện Shell Foundation sản xuất loại bếp lò ít khói và đưa đến hàng nghìn gia đình ở Ấn Độ. Thời gian tới, loại bếp lò này sẽ được tung ra thị trường ở hàng loạt nước châu Á, Phi và Mỹ Latin.

Được thiết kế để đốt khí độc trước khi chúng thoát ra ngoài không khí, bếp lò của Lorenz và Bauer giảm lượng khí thải độc hại tới 80%, tiết kiệm 60% mức tiêu thụ nhiên liệu. Với mức giá 17,5-55,6 USD, chúng không quá rẻ đối với các gia đình nghèo ở các nước đang phát triển, nhưng với khả năng tiết kiệm nhiên liệu tối đa thì đó là một sự lựa chọn hoàn hảo. “Chúng tôi muốn sản phẩm của mình phải là thứ mà người chủ tự hào khi có nó ở nhà – Lorenz khẳng định – Một sản phẩm không chỉ cứu sinh mạng của mọi người mà còn cứu cả hành tinh”.

Dorjee Sun – Nhà môi giới cacbon

Ảnh: Time

Trước 30 tuổi, Dorjee Sun, người Úc gốc Tây Tạng, đã kiếm được hàng triệu USD nhờ công ty tuyển dụng việc làm trên Internet. Nhưng đến khi thành lập Hãng Carbon Conservation – hãng môi giới các thỏa thuận đổi khí cacbon để tránh phá rừng – thì Sun, hiện 32 tuổi, mới trở nên cực kỳ bận rộn.

Sun quyết định thành lập Carbon Conservation khi chứng kiến hàng triệu hecta rừng ở Indonesia bị tàn phá mỗi năm. Khi cây bị chặt, khí nhà kính sẽ thoát ra môi trường và hành vi phá rừng tạo ra khoảng 20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu mỗi năm.

“Tránh phá rừng” là khái niệm mà theo đó các nước được nhận tiền để ngăn chặn nạn phá rừng. Đối tượng trả tiền là các nước giàu muốn có quota xả khí thải để đáp ứng những thỏa thuận quốc tế như Công ước Kyoto.

Tháng 4-2008, Sun là người môi giới thỏa thuận tránh phá rừng đầu tiên trên thế giới khi thuyết phục Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch chi tiền bảo vệ 770.000ha rừng ở Aceh, Indonesia để đổi lấy quota khí cacbon chứa trong diện tích rừng đó. Sau đó, anh đưa thống đốc Aceh đến California để cùng thống đốc California Arnold Schwarzenegger ký thỏa thuận giữa hai bang về chống nạn phá rừng. Thành công của Sun được ghi lại trong phim tài liệu The burning season (Mùa cháy) và trình chiếu tại Liên hoan phim Tribecca ở New York hồi tháng 4.

Sun hiểu rằng bảo vệ các cánh rừng trên thế giới là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Anh đã phải thuê các tay súng từng tham gia cuộc nội chiến ở Aceh để bảo vệ rừng trước những lưỡi cưa của bọn lâm tặc. “Là người lạc quan nhưng tôi cũng hiểu rằng đó chẳng khác nào là nỗ lực ngăn thủy triều – Sun thừa nhận – Nhưng tôi vẫn quyết tâm 1.000%”.

HIẾU TRUNG (Theo Time)/ TTO