Câu chuyện nước đóng chai

Nguồn: nhiethuyet.org

Tiếp theo bộ phim Câu chuyện đồ đạc (Story of Stuff) nói về thói quen tiêu dùng vô tội và vô vàn hệ lụy đến môi trường, bà Annie Leonard lại cho ra đời một bộ phim ngắn (10′) đi sâu vào một trong những hàng hóa rất thông dụng đối với tất cả chúng ta: nước đóng chai. Bộ phim cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về nền sản xuất nước đóng chai công nghiệp hiện nay và những mối liên hệ đến các tài nguyên khác trên Trái Đất, kể cả dầu mỏ.

Xin mời các bạn cùng xem phim Câu chuyện nước đóng chai. Hy vọng rằng bạn sẽ có cái nhìn khác về nước đóng chai.

Bộ phim được cấp bản quyền tự dọ, bạn có thể tải về và chia sẻ với mọi người hay tổ chức những buổi chiếu phim cho cộng đồng xung quanh.

Địa chỉ download tại đây.

Xem người Đức giáo dục về môi trường cho trẻ nhỏ

Nguồn: kenh14.vn

Thay vì kể cho con những chuyện thần tiên, nhiều bậc cha mẹ ở Đức dành thời gian kể cho trẻ con những câu chuyện về thiên nhiên và cách bảo vệ môi trường. Cứ như thế, các phụ huynh nâng cao cho trẻ nhận thức về môi trường từ khi chúng còn rất nhỏ…

Vào tuần lễ cuối cùng của tháng 10, thủy triều ở Hamburg – cảng lớn nhất của nước Đức đang tăng lên, cao hơn nhiều so với mức của năm ngoái. Guido Neumann, giám đốc một công ty ở Hamburg, đã đưa cậu con trai lên 7 Leander tới bến cảng, họ đi dọc bờ đê để ngắm cảnh thủy triều lên.

Neumann cho biết: “Tôi nói với con trai lý do tại sao thủy triều lên nhanh như vậy. Nếu thủy triều tiếp tục dâng, chúng tôi phải xây những con đê cao hơn để bảo vệ nơi ở của mình.”

Khi đi dọc theo hai bờ đê, chú bé Leander nhìn thấy thủy triều dâng và chuyện trò với bố về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.

Trẻ em ở Berlin (Đức) trong một buổi trồng cây. Ở Đức, trẻ em được giáo dục về môi trường từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Plant for the Planet)
Gia đình anh Neumann là một ví dụ tiêu biểu về việc giáo dục cho trẻ nhỏ về môi trường ở nước Đức – nước có hệ thống phân loại rác rất chặt chẽ nhưng vô cùng thành công. Hệ thống tái chế “Green Dot” đã trở thành một trong những sáng kiến tái chế thành công nhất.

Điểm chủ chốt của hệ thống này là các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải trả phí “Green Dot” cho các sản phẩm: sản phẩm càng có nhiều bao bì đóng gói thì mức phí này càng cao. Nhờ quy định này mà dù mỗi năm nước Đức có 30 triệu tấn rác nhưng hệ thống phân loại đã giúp nước này phải sử dụng ít giấy hơn, ít thủy tinh và ít kim loại hơn. Do vậy mà họ phải tái chế ít rác hơn. Báo chí Đức dự đoán rằng nhờ hệ thống “Green Dot”, mỗi năm sẽ giảm được 1 triệu tấn rác.

Neumann có hai con trai là Leander và Joost (4 tuổi), anh bắt đầu dạy cho các con về môi trường khi chúng mới 2 tuổi. Lúc ấy, anh cũng dạy các con cách phân loại rác trong nhà.

Hiện nay chú bé Joost đã biết phân loại giấy từ đám rác thực phẩm và phân loại các loại rác chai lọ. Anh Neumann rất vui khi các con phân loại rác rất thành thục.

Phân loại rác chỉ là một khía cạnh trong việc giáo dục học định hướng môi trường mà Neumann dạy các con. Hàng ngày, anh đều kể cho các con nghe những câu chuyện về thiên nhiên. Từ khi hai con còn nhỏ, Neumann đã kể cho chúng nhiều chuyện về môi trường ví như việc bảo vệ gấu bắc cực, bảo vệ các núi băng trôi.

Đến khi hai con trai của Neumann vào học mẫu giáo, hàng tuần chúng đều dành một tiếng để nghe kể các câu chuyện về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, hàng tuần, cậu con trai lớn đang học lớp 2 của Neumann đều cùng các bạn thảo luận về việc bảo vệ môi trường. Các em nói với nhau về cách bảo vệ cá voi, rồi cách làm sạch nguồn nước.

“Tôi là người luôn quan tâm đến môi trường nên tôi rất vui khi các con mình có thêm kiến thức về việc bảo vệ môi trường sống”, Neumann kết luận.

Câu chuyện đồ đạc

Nguồn: nhiethuyet.org

Từ khâu thác nguyên liệu cho đến tiêu thụ, sử dụng và cuối cùng là thải bỏ — mọi thứ chúng ta dùng đều ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng nơi chúng ta đang sống và cả những nơi khác, nhưng phần lớn các tác động này lại ít được chú ý.

Câu Chuyện Đồ Đạc (Story of Stuff) là bộ phim tài liệu ngắn gọn (20′) trình bày nhanh mặt trái của xã hội sản xuất và chủ nghĩa tiêu dùng đang lan rộng ngày nay.

Câu Chuyện Đồ Đạc trình bày các mối quan hệ mật thiết của rất nhiều vấn đề môi trường và xã hội, qua đó kêu gọi chúng ta khẩn thiết phải xây dựng một thế giới bền vững hơn.

Hy vọng bộ phim dí dỏm này sẽ làm bạn cười một chút, suy nghĩ một chút và thay đổi cái nhìn của bạn về các đồ dùng xung quanh vĩnh viễn.

Trang web của phim.

Bản tiếng Việt của bộ phim là kết quả hợp tác của Nhiệt HuyếtTGC (Hà Nội) trong 2 tháng. Cố vấn David Brown. Điều phối bởi Thế Hệ Xanh.

Download bản tiếng Việt tại đây

Bộ phim được cấp bản quyền tự dọ, bạn có thể tải về và chia sẻ với mọi người hay tổ chức những buổi chiếu phim cho cộng đồng xung quanh.

Xem trực tuyến (tiếng Anh):

Những thầy giáo “nhí” trong nhà

Vương Linh
Theo VnExpress

Vừa đi lớp về, bé Nấm, 4 tuổi (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) hô to: “Bố ơi, bố tắt đèn giùm con, cao quá con không với nút tắt được. Cô giáo bảo phải tiết kiệm điện, sao nhà mình mở nhiều đèn thế bố?”.

Anh Đức, bố bé Nấm cho biết, nhờ cô con gái nhỏ mà gần đây, cả gia đình anh đã học thói quen tiết kiệm điện, nước. Có hôm, thấy nhà ngoài, trong bếp đến toa lét, ban công đều bật đèn sáng choang, Nấm chạy khắp nhà kêu toáng lên: “Bố ơi, mẹ ơi, tắt điện thôi, tắt điện thôi, kẻo ít nữa nhà mình lại không có điện đâu ạ”. Hôm khác, khi bố mở vòi nước để rửa tay rồi quên vặn chặt lại, khiến nước vẫn rỉ tí tách, bé cũng nhắc nhở ngay: “Bố phải vặn vòi nước lại chứ, lãng phí quá”.

Anh Đức cho biết, những lời nói của Nấm thường rất có “trọng lượng” nên được cả nhà tự giác tuân theo. Không chỉ thế, cô bé còn sống rất tình cảm, và đôi khi những cách thể hiện nho nhỏ của con, khiến anh giật mình về sự vô tâm của mình.

Có hôm, mẹ đi làm về muộn, hai bố con ăn cơm trước, vừa ngồi đến mâm cơm, bố thấy Nấm chạy đi lấy chiếc bát nữa, rồi vừa gắp hai miếng cánh gà vào đó vừa bảo: “Mẹ thích ăn nhất cánh gà, bố con mình để phần mẹ nhé”.

“Hồi còn ở với bố mẹ, mình quen được chiều, nên cũng không hay để ý đến người khác. Khi nghe con nói thế, tự dưng mình thấy ngượng quá, bởi mình đã quá vô tâm, vì có khi chẳng biết người thân thích ăn gì và đã bao giờ biết để phần ai cái gì đâu”, anh Đức thổ lộ.

Ảnh: Hoàng Hà.
Đôi khi, lời nói hay cử chỉ của trẻ có thể “dạy” người lớn những bài học về giá trị cuộc sống. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Chị Thảo Trang (Thanh Xuân Nam, Hà Nội) thì cho biết, bình thường, chị cũng dạy con phải biết giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác bừa bãi hay phải để đồ trong nhà đúng nơi quy định, nhưng đôi khi, vì vội vàng, hay vì đãng trí mà chính chị làm sai và bị Quỳnh – cô công chúa 5 tuổi của mình – “chỉnh” ngay.

“Như hôm trước cho bé đi lăng Bác, con vừa hút sữa xong, mình cầm hộp để ở ngay ven đường, thế là nhóc lên tiếng ngay: ‘Mẹ ơi, sao mẹ không để vào thùng rác’. Mình bảo ‘quanh đây chẳng có chỗ nào để rác, mẹ để tạm đây rồi cô vệ sinh nhặt hộ cũng được’, nhưng con bé không chịu mà cầm lấy hộp sữa bỏ lại vào túi nilong và bảo tí nữa gặp thùng rác sẽ cho vào”, chị Trang kể lại “bài học” tuần trước.

Theo lời chị, ở nhà, Quỳnh cũng được bố đặt cho biệt danh là “cảnh sát” vì hay “tuýt còi” mỗi lần bố quăng đồ bừa bãi hay hút thuốc lá. “Cũng nhờ con bé mà anh xã nhà mình bỏ dần được thuốc đấy”, chị Trang khoe.

Chị kể, chồng chị nghiện thuốc lá khá nặng. Mấy lần anh định bỏ nhưng không dứt được. Một hôm, cô con gái đi học về chạy nhào vào ôm lấy bố: “Bố ơi, bố đừng hút thuốc lá nữa, con yêu bố lắm, con không muốn bố chết sớm đâu”. Cả nhà đang ngơ ngác không hiểu gì thì cô nhóc mếu máo: “Hôm nay cô giáo bảo ai hút nhiều thuốc lá là sẽ bị ung thư và chết sớm, cả mẹ và con ở cạnh bố cũng sẽ bị bệnh. Bố đừng hút nữa bố nhá”.

Chị Trang cho biết, sau đó, Quỳnh còn bắt bố ngoắc tay hứa là sẽ không hút thuốc nữa, và nếu làm sai thì sẽ con gái sẽ không thơm bố nữa và bố sẽ không được ngủ cùng hai mẹ con. Không chỉ nói vậy, hôm nào bố đi làm về Quỳnh cũng ra ngửi miệng bố xem có mùi thuốc lá không. Ai cho kẹo, cô nhóc còn để dành cho bố “để bố ăn cho đỡ thèm thuốc”.

“Chẳng biết vì ‘chiến dịch’ bắt bố cai thuốc sát sao quá hay vì cảm động mà anh xã đã hút ít hẳn. Còn mình cũng học được một bài học: Làm gì phải đến nơi đến chốn và nếu thuyết phục bằng sự quan tâm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều việc chỉ trích hay chỉ nói suông”, chị Trang thổ lộ.

Chị Nhuận (phố Hoàng Mai, Trương Định, Hà Nội) lại học được cách phải kiềm chế cảm xúc và tập thói quen “nói sao phải làm vậy” từ cậu con trai lên 4 của mình.

Chị kể, chị hay dạy con phải nói năng lễ phép, không được nói trống không và khi chơi với bạn thì nhất định không được đánh bạn. Cậu bé khá bướng bỉnh và cũng nhiều lần không nghe lời khiến chị bực bội, quát ầm lên, hay tét cho con mấy cái vào mông. Một lần, sau khi bị mẹ “xử” như thế, cậu nhóc quay sang bảo mẹ: “Mẹ ơi, thế con không được nói trống không với người khác, không được đánh bạn, còn mẹ thì được đánh con và nói trống không với con ạ?”. Lúc này, chị Nhuận đành nhẹ giọng: “Ừ thì tại lúc đấy con làm mẹ buồn và bực quá. Mẹ làm thế cũng là sai, mẹ xin lỗi con”.

Chị Nhuận cho biết, mỗi lần vợ chồng chị có chuyện bất đồng, giận dỗi, lỡ nói cộc lốc với nhau thì cũng bị cậu con “sửa lưng” ngay và nhờ thế mà hai người chú ý hơn đến lời ăn tiếng nói với nhau và cách cư xử với con.

Dành rất nhiều tình cảm trìu mến trong những trang viết cho hai đứa con của mình, anh Ngọc Phan (Đồng Nai) cũng từng thổ lộ trên blog: “Chính các con đã dạy cho ba biết sống tốt hơn”.

Trên trang mạng, anh Phan kể, một lần, khi cả gia đình đi du lịch, tới nơi, dù đã hơn 10 giờ đêm, cậu con trai 4 tuổi của anh vẫn một mực đòi được gọi điện về cho cô giúp việc và bà để “mọi người yên tâm”. “Lúc đó, ba chạnh lòng nhớ, không biết bao nhiêu lần ba đi công tác, chưa khi nào ba có ý thức gọi điện thoại về báo tin cho bà nội là ba đã xuống máy bay an toàn”, anh Phan thổ lộ.

Còn cô con gái mới 9 tuổi lại “dạy” cho anh bài học về tính tiết kiệm và biết nghĩ đến người khác. Anh kể, khi lên lớp 3, dù bộ đồ thể dục của năm trước đã ngắn cũn và rách cả một lỗ ở đầu gối nhưng cô bé vẫn vui vẻ mặc và nhất định không mua bộ mới khi mẹ dẫn đi chọn đồ và bảo rằng: “Mua bộ mới làm gì cho tốn tiền, bộ này con vẫn mặc tốt mà”. Thỉnh thoảng, con gái anh còn lo lắng hỏi rằng bố mẹ có vất vả quá không khi nuôi cả hai chị em đi học trường dân lập.

“Nhiều khi ba đã chi những khoản tiền lớn rất vô bổ, rất ngông cuồng, không băn khoăn gì cả. Mẹ và các con chắc là không biết. Và ba xấu hổ lắm con gái ạ!”, anh Phan tâm sự trên trang blog.

Theo một chuyên gia giáo dục, tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm và trong sáng. Bố mẹ là những người thày đầu tiên, dạy các em về cách sống, cách nhìn cuộc đời. Nhưng đôi khi, chính sự trong sáng, ngây thơ và tấm lòng nhân hậu thuần khiết của trẻ nhỏ lại “dạy” người lớn những bài học vô cùng quý giá, mà nếu không lắng lại, không quan tâm và thực sự biết lắng nghe con em mình, chính bạn sẽ để phí.

Môi trường và đói nghèo

Hiền Nguyễn

Theo VOVNEWS.VN

(VOV) – Chưa có một nghiên cứu nào đưa ra kết luận chính xác về sự liên quan giữa môi trường với đói nghèo. Song thực tế cho thấy, việc môi trường bị hủy hoại và đói nghèo dường như là cái vòng luẩn quẩn.

Nôm na là thế này. Người dân thiếu ăn thì khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả tài nguyên rừng, tài nguyên đất và tài nguyên nước. Hệ quả tất yếu khi các nguồn tài nguyên này dần cạn kiệt là thiên tai, bão lũ, hạn hán xảy ra. Và gánh chịu hậu quả không ai khác chính là người dân nghèo.

Theo các chuyên gia, trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam chúng ta mất trắng 51.000 ha rừng, trong đó 20.000 ha là chuyển sang mục đích khác, phần lớn là rừng tự nhiên đầu nguồn. Mặc dù số rừng trồng hàng năm có tăng lên, nhưng độ che phủ và chất lượng rừng không thể được như rừng tự nhiên. Rừng chính là “máy điều hòa khí hậu” khổng lồ, giúp giảm nhẹ thiên tai, phòng chống bão lũ, hạn hán.

Các trận bão lũ trong vài năm trở lại đây có 1 nguyên nhân không thể phủ nhận là do nạn phá rừng đầu nguồn. Mỗi năm hàng chục nghìn người dân trở thành đối tượng nghèo và tái nghèo do thiên tai, bão lũ. Kế đến là hạn hán ở miền Bắc. Sông Hồng năm sau cạn nước hơn năm trước. Các hồ không còn nước để chứa nước là hậu quả của nạn phá rừng, ngăn sông. Hiện tượng El Nino, trái đất nóng lên, hệ quả của việc thiên nhiên bị tàn phá, đang làm đau đầu các chuyên gia và các quốc gia.

Theo Báo cáo tổng hợp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nhiệt độ trái đất tăng hơn 2°C, mực nước biển dâng 1m thì có thể làm tan biến những núi băng ở Himalaya vốn là nguồn cung cấp nước và lương thực cho hơn hai tỷ người, các rạn san hô ở Indonesia sẽ bị tan vỡ, các quốc đảo nhỏ như Fiji, Samoa và Vanuatu sẽ bị thiệt hại hàng năm lên tới 7% GDP, một số quốc gia có thể mất đi hoàn toàn.

Riêng Việt Nam, 22 triệu người phải di dời, khoảng 1/5 dân số sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị phá hủy. Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do là quốc gia có bờ biển dài trong khu vực.

Có người đã từng ví von: Nếu anh bắn vào môi trường bằng súng lục, thì môi trường thiên nhiên sẽ tàn phá anh bằng đại bác. Xin đừng để con cháu chúng ta mai sau sẽ phải hứng chịu “loạt đại bác” đó!/.