Môi trường và đói nghèo

Hiền Nguyễn

Theo VOVNEWS.VN

(VOV) – Chưa có một nghiên cứu nào đưa ra kết luận chính xác về sự liên quan giữa môi trường với đói nghèo. Song thực tế cho thấy, việc môi trường bị hủy hoại và đói nghèo dường như là cái vòng luẩn quẩn.

Nôm na là thế này. Người dân thiếu ăn thì khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả tài nguyên rừng, tài nguyên đất và tài nguyên nước. Hệ quả tất yếu khi các nguồn tài nguyên này dần cạn kiệt là thiên tai, bão lũ, hạn hán xảy ra. Và gánh chịu hậu quả không ai khác chính là người dân nghèo.

Theo các chuyên gia, trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam chúng ta mất trắng 51.000 ha rừng, trong đó 20.000 ha là chuyển sang mục đích khác, phần lớn là rừng tự nhiên đầu nguồn. Mặc dù số rừng trồng hàng năm có tăng lên, nhưng độ che phủ và chất lượng rừng không thể được như rừng tự nhiên. Rừng chính là “máy điều hòa khí hậu” khổng lồ, giúp giảm nhẹ thiên tai, phòng chống bão lũ, hạn hán.

Các trận bão lũ trong vài năm trở lại đây có 1 nguyên nhân không thể phủ nhận là do nạn phá rừng đầu nguồn. Mỗi năm hàng chục nghìn người dân trở thành đối tượng nghèo và tái nghèo do thiên tai, bão lũ. Kế đến là hạn hán ở miền Bắc. Sông Hồng năm sau cạn nước hơn năm trước. Các hồ không còn nước để chứa nước là hậu quả của nạn phá rừng, ngăn sông. Hiện tượng El Nino, trái đất nóng lên, hệ quả của việc thiên nhiên bị tàn phá, đang làm đau đầu các chuyên gia và các quốc gia.

Theo Báo cáo tổng hợp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nhiệt độ trái đất tăng hơn 2°C, mực nước biển dâng 1m thì có thể làm tan biến những núi băng ở Himalaya vốn là nguồn cung cấp nước và lương thực cho hơn hai tỷ người, các rạn san hô ở Indonesia sẽ bị tan vỡ, các quốc đảo nhỏ như Fiji, Samoa và Vanuatu sẽ bị thiệt hại hàng năm lên tới 7% GDP, một số quốc gia có thể mất đi hoàn toàn.

Riêng Việt Nam, 22 triệu người phải di dời, khoảng 1/5 dân số sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị phá hủy. Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do là quốc gia có bờ biển dài trong khu vực.

Có người đã từng ví von: Nếu anh bắn vào môi trường bằng súng lục, thì môi trường thiên nhiên sẽ tàn phá anh bằng đại bác. Xin đừng để con cháu chúng ta mai sau sẽ phải hứng chịu “loạt đại bác” đó!/.

Thiên nhiên điêu đứng

Vương Trí Nhàn

So với những đoạn đường Trường Sơn thì con đường chúng tôi đi hôm ấy từ Phú Thọ qua Thanh Sơn về Trung Hà không phải là xấu, và đất bụi chưa lấy gì làm nhiều. Nhưng đoạn đường trong liên tưởng là thuộc thời chiến tranh, còn hôm nay chúng tôi đi trên con đường thời bình.

Bởi vậy tôi nghĩ mình có quyền sốt sáy không yên, và cả một chút xót xa, khi nhìn những cây nhỏ lúp xúp bên đường. Lá nào lá nấy phủ đầy bụi, bụi dày đặc; nhiều chỗ một vài giọt mưa xuân để lại những vết loang lổ chỉ tố thêm cho người ta biết rằng không phải một mà là nhiều lớp bụi đã chồng lên nhau, để xóa đi màu xanh và làm cho không một cây nào còn là cây nữa.

Đến cả cây cối thiên nhiên cũng vì người mà phải sống vạ vật thế này ư? – nhiều sự liên tưởng dồn dập kéo đến trong tâm trí tôi. Có lúc nghĩ đến những hàng cây bị biến thành chỗ treo hàng hóa nhiều vỉa hè Hà Nội. Lại có lúc nghĩ đến một mẩu tin trên báo về giống tê giác. Trong khi ở Malaysia, tê giác đẻ rất đều kỳ thì ở một vườn quốc gia Việt Nam, giống này tịt đẻ, chỉ vì người ta vừa làm một con đường băng qua khu rừng nó sống.

Nhưng thiên nhiên không phải chỉ khổ lây với người.

Tệ hại hơn, trong nhiều trường hợp khác, nó còn là đối tượng bị chúng ta hủy hoại.

Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cấm đánh bắt cá nhỏ, ai trót câu được mà không thả chúng về nguồn sẽ bị phạt nặng. Còn ở ta, ngay giữa Hà Nội, ngoài sông Hồng, người ta dùng cả điện ắc quy để diệt cá.

Trong Nam Hoa kinh, một triết gia nhiều chất hư vô là Trang Tử từng nêu ra một nhận xét, những cây gỗ vô dụng có cái lợi, không ai thích đẵn nó, vì thế nó sống mãi, trong khi những cây hữu dụng lại sớm bị nhăm nhe khai thác.

Cây cối ở ta đang làm chứng cho nhận xét đó của Trang Tử. Mấy năm trước đã có chuyện mấy cây sưa trong công viên nhà nước bị chặt bán. Còn đây là chuyện ở Quảng Bình dịp Tết Canh Dần vừa qua: hàng loạt cây bên các ngân hàng và các tiệm vàng bị tàn phá. Vì người ta tin rằng cây ở đó có mang theo lộc. Thật đúng là “cháy thành vạ lây”. Bỗng dưng tàn đời không có lý do nào cả.

Động vật hoang dã cũng nếm đủ nỗi khổ đúng theo kiểu mà Trang Tử đã cảnh báo. Chỉ vì thịt chúng ngon, lạ, các bộ phận của chúng là những vị thuốc chữa bệnh, mà các loài vật tuyệt vời đó bị săn đuổi đến cạn kiệt.

Riêng loài gấu ở ta lại còn rơi vào cái bi kịch thê thảm là bị hành hình dần dà theo nhịp điệu của cái cưa cùn. Bị nuôi trong hoàn cảnh giả tạo, hơn nữa luôn luôn bị rút mật một cách tàn bạo, không biết bao nhiêu chú gấu lực lưỡng biến thành một giống lờ đờ chậm chạp, kéo lê cuộc đời sống dở chết dở. Còn sống đó mà chúng không còn là mình, đến nỗi khi có người đến giải thoát thì không thể trở về rừng tìm lại cuộc sống bình thường được nữa.

Giở trang tin các mạng dễ dàng tìm thấy tin những con hổ ở Hà Nội bị bức tử.

Một người nước ngoài nhiều lần đi dọc từ Nam ra Bắc bảo rằng các bạn có thấy không, nhiều ngọn núi đá của các bạn ven đường một mạn từ Ninh Bình đến Hà Nam đang vẹt đi mòn đi, một số đang biến mất.

Rồi đến cả sông nữa. Chẳng phải là nhiều con sông của chúng ta đang bị xúc phạm, kể từ làm bẩn đến gây ô nhiễm, và trước khi được tuyên bố như Thị Vải (tên một bài báo trên SGTT 5-12-2009 Thị Vải là dòng sông đã chết) thì chúng đang trở nên thân tàn ma dại?!

Vâng, trước khi được chính thức khai tử, tôi đoán hẳn Thị Vải đã trải qua tình trạng sống lê lết trong bệnh tật. Sông bốc mùi dơ. Sắc nước ngả màu. Tôm cá trong lòng nổi lềnh bềnh vì hóa chất độc hại. Tức là một tình trạng sống dở chết dở của loài gấu mà trên đây tôi vừa nói. Và đến ngày hôm nay con sông chết vẫn nằm đó. Liệu đến bao giờ người ta mới quên nổi? Chắc không bao giờ!

Rồi với các thế hệ sau, thời của chúng ta sẽ được ghi nhận như là thời của những con bạc triệu đô, vụ PMU18… Và thời có những con sông chết như sông Thị Vải!

Hiếm khi thấy báo chí ta đưa tin về cuộc sống của một ngọn núi, một con sông. Bởi vậy cái tin Thị Vải đã chết dẫu sao cũng là một đặc ân. Chỉ lạ một nỗi là cái tin đau đớn đó không gây nên chút dư ba nào cả. Người ta chỉ nhắc đến nó khi đặt vấn đề bồi thường. Ngoài ra, chả thấy ai viết về chính cái chết của sông lấy ít dòng cảm động.

Tôi nói điều này từ góc độ một người làm công tác văn học.

Trong văn chương ta, sông là sức sống, sông là vẻ đẹp. “Đẹp đẽ thay tiếng hát của dòng sông”. Mở đầu tùy bút Sông Đà, Nguyễn Tuân từng đưa lên làm đề từ câu thơ đó của W.Whitman. “Đầu xuân gió mát tựa hè – Nở bung hoa gạo bốn bề trăng xuân – Sông là người đẹp khỏa thân – Non xanh mơn mởn bước gần bước xa…”. Huy Cận đã viết như thế trong một bài thơ làm hồi miền Bắc một thời thịnh trị trước chiến tranh.

Lúc này đây, những người còn nhớ đến Thị Vải và những con sông đang chết đang cần đến những lời thiết tha tương tự của các thi sĩ. Liệu có ai đáp lại không?

Theo Blog Vương Trí Nhàn

Gửi người Việt Nam hoang phí

Khương Duy

Mỗi mảnh đất của quê hương là một mảnh thịt xương người Việt đã ngã xuống để giữ gìn. Sao không bằng sức mình làm giàu trên mảnh đất ấy? Trao nó vào tay người ngoài không chỉ là hoang phí mà còn là một mối nguy hiển hiện. Đó là một sự lãng phí có tội với tương lai của đất nước.

“Tiết kiệm là quốc sách” – câu nói ấy được lặp đi lặp lại không biết bao lần trên sách vở, báo đài nhưng dường như tác dụng của nó thực sự chưa thấm vào đâu. Tôi chợt nghĩ, đó là do người Việt Nam chúng ta không những không có bản tính tiết kiệm mà ngược lại còn vô cùng hoang phí, nên khẩu hiệu ấy mới như “nước đổ lá khoai”.

Hãy bỏ qua những “tiểu tiết” như tắt điện, tắt điều hoà khi ra khỏi phòng hay những bữa tiệc xa hoa của không ít người Việt Nam khiến người nước ngoài cũng phải “nể” – những sự hoang phí mang tính cá nhân như thế chưa thấm vào đâu so với “trào lưu” hoang phí của cả một đất nước.

Bắt đầu từ chuyện những hồ nước Hà Nội bị san lấp và nhiều cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” khắp các tỉnh thành đột nhiên biến thành sân golf hay được bê tông hoá thành khu công nghiệp. Đúng sai, phải trái thế nào người dân đã nói quá nhiều. Tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng việc xẻ thịt ao hồ, đồng ruộng như thế là cực kỳ hoang phí.

Ảnh: e-city.vn

Đâu phải thành phố nào trên thế giới cũng được thiên nhiên ban tặng hệ thống hồ đẹp và dày đặc như Hà Nội. Vậy mà chúng ta đã biến bao hồ lớn hồ nhỏ của thủ đô thành ao tù chứa rác, thậm chí còn muốn bức tử chúng để xây cao ốc, chung cư. Và dù biết rằng phải mất mấy trăm năm, mấy ngàn năm những mảnh đất cằn khô mới thành ruộng nước hai mùa trồng lúa, chúng ta vẫn nhẫn tâm đổ bê tông cốt thép lên trên để “xây cho nhà cao cao mãi”. Hành vi đó có thể gọi là gì ngoài hai từ hoang phí?

Ai đi qua đường Láng sẽ nhìn thấy tấm biển đề “Di tích lịch sử văn hoá Chùa Nền”, tấm biển mờ mịt vì bụi, chỉ lối vào một ngôi chùa luôn đóng cửa im ỉm, sân chùa đã được trưng dụng làm kho hàng, bãi gửi xe, trước cổng chùa ngổn ngang xi măng, sắt thép. Có phải vì cả nước có quá nhiều những “di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng” nên chúng ta thành ra coi thường? Nếu cứ hoang phí các di tích như thế, đến lúc chúng ta sẽ phải xếp chúng vào “sách đỏ” vì nguy cơ tuyệt chủng.

Cả những “di sản văn hoá phi vật thể” cũng đâu được chúng ta trân trọng. Sự hoang phí đội lốt bảo tồn mới đáng sợ làm sao: chúng ta háo hức giới thiệu với thế giới về ca trù, quan họ; sung sướng nếu trong cuộc giao lưu, bạn bè nước ngoài nói vài câu tiếng Việt hay hát một điệu dân ca. Nhưng chính chúng ta đâu có biết trân trọng chúng? Bao nhiêu người Việt Nam ngồi xem hết một vở chèo hay một vở cải lương? Chúng ta đối xử một cách lạnh nhạt những thứ mà ngoài miệng xưng tụng là tinh hoa. Với sự hoang phí ấy, liệu bao nhiêu bằng  công nhận của UNESCO mới đủ để giúp những tài sản tinh thần của dân tộc ta thôi tuyệt chủng?

Tôi chợt lạnh người khi gần đây báo chí đang xôn xao về chuyện nhiều địa phương cho nước ngoài thuê rừng, thuê đất. Ảnh: cadn.com.vn

Một sự lãng phí đáng lo ngại hơn nữa – lãng phí nhân tài. Đất nước ta có truyền thống hiếu học và trọng người có học. Nhưng giữa trọng thị và biết cách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhân tài lại có khoảng cách khá xa. Đã có bao nhiêu người tu nghiệp trời Tây, mong được về làm việc trong cơ quan Nhà nước nhưng rồi đành ngán ngẩm khăn gói ra đi “làm thuê cho Tây”. Bao nhiêu vị có học hàm học vị vẫn hàng ngày đến cơ quan chỉ để nhâm nhi nước chè? Bao nhiêu luận văn, luận án phủ bụi trong thư viện?

Nhân tài không phải như ao hồ tự nhiên mà có, để có một nhân tài, người mẹ đã đổ mồ hôi trên cánh đồng, người cha đã sôi nước mắt trên những cuốc xe ôm, người con đã mờ mắt vì những đêm chong đèn thức trắng. Vậy mà nhân tài cuối cùng đi đâu? Chợt nhớ lời của người xưa: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhưng với Việt Nam, có lẽ không phải số nhân tài quá ít nên không đủ lấp đầy “nhà trống”, mà vì nó trống trải, lạnh lẽo, khó sống quá nên nhân tài vào cửa trước ra cửa sau. Ai đó đã đúc kết một câu nói chua chát nhưng không phải không có lý rằng người Việt ta “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì không dám dùng.” Nếu vẫn giữ sự lãng phí nhân tài, liệu đến bao giờ chúng ta mới có thể hoá rồng, hoá hổ hay mãi mãi chỉ loay hoay trong cái bẫy thu nhập trung bình?

Tôi chợt lạnh người khi gần đây báo chí đang xôn xao về chuyện nhiều địa phương cho nước ngoài thuê rừng, thuê đất. Chao ôi, mỗi mảnh đất của quê hương là một mảnh thịt xương người Việt đã ngã xuống để giữ gìn. Sao không bằng sức mình làm giàu trên mảnh đất ấy? Trao nó vào tay người ngoài không chỉ là hoang phí mà còn là một mối nguy hiển hiện. Đó là một sự lãng phí có tội với tương lai của đất nước.

Nếu không chịu tỉnh mộng, vẫn tưởng người Việt chúng ta luôn biết tiết kiệm, biết trân trọng những thứ mình có, đến một ngày sực tỉnh muốn trân trọng, muốn tiết kiệm những thứ ấy e đã muộn rồi.

Theo TVN/VNN

Làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? – P/v Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh



Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chính thức công bố, VN trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại có góc nhìn khác về kết quả này.


Thu nhập chủ yếu từ tài nguyên

Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về kết quả mà WB vừa công bố?

Trước hết, có thể nói chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, là một chỉ tiêu thô, tổng hợp và nó không nói gì được về sự bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. Có thể, một vài đại gia về bất động sản, ngân hàng, chứng khoán có thu nhập cả hàng trăm triệu USD/năm, trong khi đó những người nông dân nghèo, vẫn đang rất nghèo. Việc công bố về tỷ lệ hộ nghèo của VN (12,3%), nhưng ngay cả con số đó cũng chưa bao quát được hết, vì cái chuẩn hộ nghèo của chúng ta đã không kịp điều chỉnh theo trượt giá và chỉ tiêu lạm phát.

Có nghĩa là ông không đồng ý với WB?

Chưa hẳn thế. Theo tôi, việc VN từ một nước nghèo, có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình đã là một kết quả rất đáng trân trọng thể hiện nỗ lực của VN trong vòng nhiều năm. Nhưng chúng ta cần phải nhìn lại và xem mức thu nhập đó có được dựa trên kết quả nào và trong tương lai, VN sẽ có thể vượt lên được cái “bẫy” có thu nhập trung bình hay không?

Cái “bẫy” ở đây là gì, thưa ông?

Người ta phân biệt cái “bẫy” thu nhập trung bình thành hai loại: Bẫy lương thấp, tức là những nước nghèo chỉ có làm gia công, lắp ráp, nên lương thấp. Còn công việc nghiên cứu khoa học, phát triển, triển khai, thiết kế thì không làm được. Việc phân phối, tiếp thị cũng không làm được. Để làm được các khâu đó đòi hỏi phải có trình độ cao.

Ngay thu nhập trung bình, người ta cũng chia ra làm 3 nhóm: Thu nhập trung bình thấp (1.000- 4.000 USD/người/năm). Trung bình trung bình (4.000- 8.000 USD/người/năm) và trung bình cao (tức 8.000-9.600- 9.800 USD/người/năm). Còn trên 10.000 USD/người/năm là nước có thu nhập cao và gia nhập nhóm OECD (các nước phát triển mới), mà gần đây nhất là Chile đã đạt được mức này.

Như ông vừa nói, cần phải xem mức thu nhập đạt được dựa trên kết quả nào, vậy VN đạt được thành tựu là nước có thu nhập trung bình dựa vào đâu?

Để đạt được thành tựu này, VN đã có một số thay đổi lớn: Chúng ta đã chuyển ra kinh tế thị trường, phát huy được tinh thần kinh doanh, sự năng động của những người dân và thu hút được đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt để đạt được sự tăng trưởng đó là chúng ta dựa vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ, tức làm gia công, lắp ráp. Thu nhập của VN hiện nay dựa vào tới hơn 70% từ tài nguyên, gồm có: Dầu thô, than đá, các khoáng sản, gỗ, gạo, thuỷ sản, cao su, cà phê. Thủy sản cũng chỉ mới là đông lạnh, chưa có chế biến. Điểm chúng ta phải tỉnh táo nhận ra, khi chúng ta đạt được mức thu nhập trung bình là trong bối cảnh, bất bình đẳng trong xã hội đã ở mức rất cao. Một số người buôn bất động sản, buôn bán chứng khoán rất giàu nhưng không tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Như vậy, có thể nói thu nhập của chúng ta vẫn chủ yếu là “bán máu” (khai thác tài nguyên) và “ăn sổi” (bất động sản, chứng khoán)?

Chúng ta rất mừng khi một người nông dân áp dựng KHCN vào sản xuất các cây, con mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhưng chúng ta cũng hết sức lo ngại, khi có những kẻ khai thác, tàn phá tài nguyên như đạp đá, bốc cát bừa bãi. Tất cả những cái đó đều không nộp vào ngân sách và ít tạo ra công ăn việc làm. Chúng ta đạt được mức thu nhập đó, nhưng cái vốn quý lớn nhất của chúng ta, là con người, thì lại không đào tạo được họ để trở thành những người có trình độ cao.

Chúng ta vẫn chưa thể đào tạo được chuyên gia nào để hoạt động, làm việc ở nước ngoài bằng nền giáo dục của chúng ta. Hầu hết những người VN đang làm việc ở nước ngoài hiện nay đều được đào tạo ở nước ngoài. Rồi chúng ta cũng không có một chuyên gia tài chính nào được đào tạo ở trường VN mà đi “kiếm cơm” được ở nước ngoài.

Thu nhập của VN hiện nay dựa vào tới hơn 70% từ tài nguyên.
(Ảnh minh họa)

Cải cách toàn diện để vươn lên

Như ông nói ở trên, vấn đề thu nhập ở đây của chúng ta mới dựa vào “sức”, chứ chưa dựa vào “trí”. Để chuyển từ “sức” sang “trí”, chúng ta cần những thay đổi gì?

Chúng ta đạt được thành tựu này trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn rất nghiêm trọng từ sông ngòi cho đến ao, hồ. Rồi nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng, phá rừng làm cho nước nguồn ngày càng cạn kiệt, lũ bão ngày càng gay gắt hơn, khô hạn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng đó, chúng ta cũng phải thấy hết được những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót để khắc phục.

Ngay khi công bố kết quả này, WB cũng đã có rất nhiều lời khuyên đối với VN, nhất là về vấn đề cải cách để tiếp tục phát triển. Theo ông, VN cần phải cải cách những lĩnh vực nào?

Như tôi đã nói, chúng ta rất lo ngại cái “bẫy” thu nhập trung bình như các nước Đông Nam Á, từ Thái Lan đến Philippin, Malaysia, Indonesia…chỉ quanh quẩn ở mức thu nhập trung bình từ nhiều năm nay, tức chỉ dao động ở mức từ 1.500-5.000 USD/người/năm, không lên nổi. Chỉ có Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc vươn lên được.

Cũng xin lưu ý là, chúng ta đạt được thành tựu này trong bối cảnh nạn tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng. Bản thân chúng ta cũng lên án rất gay gắt tham nhũng, nào là “giặc nội xâm”, kẻ thù của đất nước nhưng trên thực tế việc hành động đạt được kết quả rất thấp.

Một khi muốn đạt được mức tăng trưởng mà giảm dần việc phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, chúng ta sẽ cần chuyển sang khai thác những nguồn lực nào?

Phải có sự cải cách rất rõ từ giáo dục, cho đến y tế, môi trường và phải có một quyết tâm chính trị như cách làm của Hàn Quốc, từ một nước rất nghèo phải đi XK lao động, XK tóc giả, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã chuyển sang đóng tàu, XK ôtô, điện tử. Do đó, chúng ta cần chuyển từ việc tăng trưởng chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang xây dựng các DN có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thế giới, phát triển KHCN, dựa vào đội ngũ lao động có trình độ, trí thức.

Phải giải quyết từng bước, có quyết tâm những sự bế tắc như tôi đã nói ở trên, trước hết là thay đổi bộ máy hành chính có năng lực hơn, tiếp tục chống tham nhũng, giải quyết ô nhiễm môi trường, thu nhập bất bình đẳng và các vấn đề xã hội.

Thực tế, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta là như vậy, nhưng tiền lại chỉ tập trung vào một số ít người, còn đại đa số dân ta vẫn nghèo. Chúng ta có nên kiến nghị WB thay đổi công bố này?

Chúng ta không thể thay đổi được hoặc báo cáo với họ là chúng ta tái nghèo, mà phải vươn lên, phải tiến tới thành một nước phát triển, làm nghĩa vụ đi giúp đỡ các nước khác như cách làm ban đầu là chia sẻ và cử chuyên gia sang châu Phi hỗ trợ về SXNN. Có thể coi đây là bước ngoặt của sự thay đổi, chúng ta đang đứng giữa ngã 3 đường, nếu không vượt qua được, mình sẽ mãi mãi trở thành một nước “làng nhàng” quanh quẩn ở ngưỡng 1.000- 2.000 USD/người/năm, đấy là chưa kể đến các sự tác động mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Bauxite Việt Nam

Cái giá phải trả cho hy sinh môi trường

Sau một thời kỳ phát triển, doanh nghiệp Việt Nam đã tiến những bước dài trong phát triển nội lực, họ đã đủ sức để đi qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mới trong năm 2010 khi thị trường hồi phục. Tuy nhiên, sự phát triển về quy mô và sự thâm dụng tài nguyên đã để lại gánh nặng môi trường, mà không dễ dàng giải quyết một sớm một chiều. Chạy theo tăng trưởng, bất chấp các thủ tục bảo vệ môi trường, xả nước bẩn ra sông rạch… đang là nguyên nhân chính bức tử các dòng sông, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống hiện nay.

Đừng biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp

Núi nix phế thải của Hyundai – Vinashin ở thôn Mỹ Á, xã Ninh Thuỷ (tháng 8.2005). Ảnh: Lan Trang

Ông Lê Như Ái, giám đốc công ty nước uống tinh khiết Sapuwa, bức xúc: “Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa về bảo vệ môi trường, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá được. Đừng quá hào hứng với những con số đầu tư, chạy theo chỉ số GDP, chạy theo thành tích, biến Việt Nam thành “bãi rác công nghiệp” của các nước tiên tiến”.

Theo ông Ái, công nghệ sản xuất lạc hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ai cũng biết thế, nhưng do luật còn có kẽ hở, nên không ít nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng để đổ vào Việt Nam hàng loạt những dây chuyền công nghệ đã lỗi thời, với thiên hình vạn trạng những “chiêu” lừa, như dán lại nhãn mác để “qua mặt” quy định. Đó là chưa kể một số nhà đầu tư trong nước còn tiếp tay cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc phá hoại môi trường. “Rất nhiều doanh nghiệp vi phạm luật bảo vệ môi trường, chỉ có bị lộ hay chưa bị lộ mà thôi”, ông Ái kết luận.

Giám đốc công ty Le & Associates và Motibee bà Phan Thị Mỹ Lệ cho rằng doanh nghiệp nước ngoài dù ý thức rất rõ về luật, nhưng nếu ta chủ quan, họ vẫn làm bậy như thường. Với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ý thức bảo vệ môi trường thường mới chỉ là đối phó. Đối phó để xuất khẩu được hàng, đối phó để qua mặt thanh tra…

“Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững phải liên kết chặt chẽ với nhau. Trong khi đó, hiện tại ý thức bảo vệ môi trường của doanh nhân Việt Nam còn thấp, đa số chạy theo lợi nhuận”, bà Lệ nói. Vẫn theo bà Lệ, sự kiện Vedan là một ví dụ cho thấy pháp luật còn quá lỏng lẻo. Hành vi gây ô nhiễm môi trường của Việt Thắng cũng phải xử lý thật nghiêm mới có tác dụng răn đe.

Ông Đoàn Đình Quốc, tổng giám đốc DQ corp, ưu tư: “Thực sự chúng ta đã và đang đánh đổi. Nhiều thành tựu của các công ty thu được từ sự hy sinh môi trường thiên nhiên và cuộc sống của người dân. Chân thành mà nói, chính cả bản thân tôi, đôi lúc vẫn chưa thực sự đặt việc bảo vệ môi trường đúng với yêu cầu xứng đáng của nó trong chiến lược phát triển kinh doanh nói chung”.

Xử phạt quá nhẹ, doanh nghiệp coi thường

Số lượng doanh nghiệp không chấp hành quy định bảo vệ môi trường đang tăng lên đến mức lo ngại. Trong khi đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm lại gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Xuân Trường, giám đốc Creations tâm sự: “Cha tôi qua đời vì bệnh ung thư, nên tôi thấm thía hơn ai hết nỗi đau khi nhìn các dòng sông đang chết. Thế nhưng vẫn có ít doanh nghiệp thực sự đầu tư nghiêm túc cho xử lý nước thải, đa số là lách luật để giảm chi phí. Nếu pháp luật có hình thức chế tài mạnh hơn, công minh hơn, dẫn đến phá sản doanh nghiệp, mới có thể ngăn ngừa được tình trạng gây ô nhiễm”. Ngoài ra, ông Trường cho rằng, cần có cơ chế để chống tham nhũng, có thưởng phạt xứng đáng cho người phát hiện và bảo vệ họ, vì bộ máy công quyền không thể kiểm soát hết được.

“Hầu hết mức xử phạt đều chưa hợp lý, tạo nên nhiều tiền lệ xấu, khiến doanh nghiệp coi thường, vi phạm lặp lại trở thành phổ biến”, ông Đoàn Đình Quốc phân tích. Ở nhiều quốc gia, đôi khi chỉ vì một vi phạm nhỏ, doanh nghiệp phải trả giá rất lớn, nhất là niềm tin của người tiêu dùng. Còn ở ta, rất nhiều doanh nghiệp gây hậu quả rất lớn với môi trường nhưng chỉ bị xử phạt kiểu hình thức, rồi đâu lại vào đấy.

Cái giá phải trả

Do đầu tư ban đầu chưa hợp quy chuẩn, nên khi vi phạm, nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc thay đổi kỹ thuật. Ông Trần Hữu Chinh, tổng giám đốc công ty Fideco, nói: “Để luật được thực thi, Nhà nước cần phải kiểm soát gắt gao những nhà đầu tư khu công nghiệp trong phương án báo cáo về phát triển và tác động môi trường trước khi phê chuẩn”.

Tại Fideco, theo ông Chinh, đã từng phải sửa lại hoàn toàn hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đông lạnh Hải Việt ở Vũng Tàu khi bị cảnh báo. Cụ thể là ngưng mấy tháng sản xuất để xây thêm một bể chứa tập trung, xử lý hết chất độc hại trước khi xả ra ngoài. Đến nay, đầu ra của nước thải từ Hải Việt đã đạt chuẩn loại A.

“Các sở, ban ngành địa phương phải hết sức gương mẫu trong việc giám sát, kiểm tra, có biện pháp mạnh mẽ, rút giấy phép kinh doanh, chứ không để tình trạng vi phạm kéo dài”, ông Chinh đề nghị.

Là người gắn bó với ngành công nghiệp nặng, từng ngày nhìn thấy dòng sông Thị Vải đang hồi sinh khi Vedan ngưng xả chất độc hại, ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt đặt vấn đề: “Tại sao suốt mười năm qua Vedan qua mặt được pháp luật?”. Theo ông Thái, vấn đề lớn nhất cần thay đổi không phải tìm ra doanh nghiệp nào vi phạm, mà phải tìm ra ai đã đứng đằng sau, bảo kê cho việc đó. Tại Thép Việt, chúng tôi đã chọn công nghệ bảo vệ môi trường của châu Âu, nên nước được hoàn nguyên. “Ý thức về môi trường là nền tảng đúng để doanh nghiệp phát triển. Bản thân tôi đã nói với cả nhà là đừng bao giờ dùng bột ngọt Vedan, đó là cái giá lớn nhất mà doanh nghiệp phải trả”.

Để tránh tình trạng rất nhiều doanh nghiệp vi phạm luật, ông Lê Như Ái đề xuất: “Cần công khai những doanh nghiệp vi phạm luật qua các phương tiện truyền thông để người dân được biết và có thái độ cương quyết với sản phẩm đó”. Theo chuẩn mực quốc tế, để xuất khẩu sản phẩm gỗ sang nước ngoài, nhà sản xuất phải chứng minh nguồn nguyên liệu là gỗ trồng, chứ không phải gỗ khai thác tự nhiên. Thế nhưng có không ít doanh nghiệp vẫn “đánh lận con đen”.

“Tôi luôn ý thức biến 200 nhân viên của mình thành 200 gia đình tốt. 200 công dân tốt, có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh cá nhân và phong cách sống đẹp. Khi mỗi công dân ý thức được bảo vệ môi trường, thì xã hội mới phát triển bền vững”, ông Ái nói.

  • Kim Yến – Ngân Hà (Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Ông Đặng Quốc Toản, tổng giám đốc công ty năng lượng dầu khí châu Á đưa ra giải pháp cụ thể để tiết kiệm năng lượng: “Chính Thủ tướng Nhật Koizumi đã kêu gọi và làm gương cho cả nước Nhật chỉ sử dụng điều hoà nhiệt độ khi trời quá nóng trên 250C. Thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact. Sử dụng hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, các thiết bị tiết kiệm năng lượng, điện gió ở quy mô lớn và quy mô nhỏ, cung cấp điện cục bộ cho từng khu vực dùng cho chiếu sáng, cho thông tin liên lạc, cho đèn đường, cho công viên, toà nhà, khách sạn, biệt thự… Đó là những hành động thiết thực cần làm ngay, là lương tâm và trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước”.

Tại TP.HCM, trong số 935 doanh nghiệp đang hoạt động ở 12 khu công nghiệp và ba khu chế xuất, có đến 230 doanh nghiệp phát sinh nước thải với quy mô lớn nhưng chỉ có 81 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Theo thống kê của ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam, tính đến hết năm 2008, cả nước có gần 200 khu công nghiệp (đang vận hành, xây dựng cơ bản lẫn đăng ký đầu tư).

Con số ấn tượng về sự gia tăng của các khu công nghiệp cũng đồng nghĩa với những lo ngại về ô nhiễm môi trường.