Chọn lựa

Ký của Nguyễn Thị Đức Tín

“Hai mươi năm nay, em đã làm gì?”. Sao anh lại hỏi em như thế, anh đã biết là 20 năm nay anh em làm bác sĩ mà? Hơn thế nữa, gần hai mươi bảy năm rồi, cái áo blouse trắng, mùi alcool, cái ông nghe muôn đời trên cổ, tiếng khóc, tiếng rên, tiếng thở khò khè, đôi mắt mệt mỏi, vẻ mặt nhiễm trùng, ánh nhìn cầu khẩn của bệnh nhân đã chẳng đeo đuổi theo em đó hay sao? Làm sao em kể hết cho anh nghe, làm sao em có thể thống kê được nổi khổ của bệnh nhân trong bệnh viện cũng như niềm vui của họ, của gia đình ngày xuất viện lành lặn, khỏe mạnh trở về? Làm sao bao thăng trầm, bao lo âu, bao vùi dập cũng như bao hạnh phúc, bao vinh quang của nghề nghiệp em có thể kể hết được cho anh…

___________

Mười tám tuổi, la vie en rose (Cuộc đời màu hồng, tên một bộ phim Pháp) tôi chỉ ngó về phía trước. Tú tài vừa đậu, sẽ vào đại học nào đây? Cột mốc nào sẽ cắm nơi đây, để cho con đường đời thẳng tắp, thênh thang, hay lại có 1 lối rẽ, hay lại lâm vào con ngõ cụt ? Bao nhiêu là mô ước: Làm văn sĩ, làm thi sĩ hay làm phóng viên, luật sư…?

“…” Tôi vẫn đi đến cô nhi viện ở Gò Vấp mỗi chủ nhật, cắt móng tay, hớt tóc, tắm rửa với một chút quà cho các trẻ bị bỏ rơi…Thế rồi, một sáng chủ nhật đi về Long Anh câu cá, buổi chiều trên đường về, trước mặt tôi là một tai nạn kinh hoàng vừa xảy ra trong chớp mắt: chiếc xe đò cán một phụ nữ nát hết phần đầu, máu, tóc, da và óc văng nhầy nhụa mặt đường. Bài học 5 năm trước lúc tôi 13 tuổi lập tức hiện ra khi thấy cái bụng bầu to đùng của người chết nằm kia nhúc nhích một chút; bài học ở Hội Hồng thập tự mà một anh nội trú y khoa đã dạy:”Bằng bất cứ cái gì, phải đem đứa bé ra khỏi bụng mẹ, vì nó chỉ có năm, sáu phút ân huệ của đời khi mẹ nó vừa mất”. Hình hài nát vỡ đầu kia, đâu còn gì nữa ngoài cái thai còn sống? Tôi đã rạch bụng người thiếu phụ chết thảm đó bằng con dao xẻ thơm Bến Lức bán ở dọc đường.

Tôi đã mổ bụng một người bằng đôi tay trần, bằng một con dao gọt trái cây, và bằng kí ức về bài học y tế sơ cứu, bằng những gì đã thấy qua bộ phim Helga đã được xem, nói về sự ra đời của một đứa trẻ…

Đứa bé ra khỏi bụng mẹ òa lên khóc liền, dây rốn còn lòng thòng, tử thi người mẹ, đứa con và tôi đã ngồi xe lam để đến bệnh viện. Tôi đã xúc động biết bao vì sự kì diệu đã xảy ra, một mạng sống đã được cứu thoát từ đôi bàn tay vấn máu của tôi. Có phải ông trời đã sắp đặt cho nghề nghiệp của mình? Tôi thi y khoa và đậu ngay (dù gần…chót bảng). Tôi đã bỏ 2 suất du học vì đã lỡ đậu vào trường đại học y khoa ở Việt Nam rồi. Ngày tiễn bạn lên đường, về ngồi ở thư viện Abraham Lincoln trên đường Lê Quý Đôn, nghe tiếng phản lực vút qua, như có một mất mát trong lòng. Nước mắt rơi xuống trang sách, trái tim mềm ra, trong một nuối tiếc khôn nguôi. Có phải vậy hay không, người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ ?… Có dại không, khi đứa con gái nặng ba mươi ba kí lô vào trường đại học, lần đầu tiên trong đời ôm cái sọ người, ôm khúc xương tibia học từng cái mấu nhỏ, vẫn cứ tưởng đó là xương nhựa, ngờ đâu xương người thật, quăng vội cái đầu lâu đi vì quá sợ. Sau đó, hối hận, khóc suốt đềm. Rồi mổ xác chết, rồi mân mê từng thớ cơ, xẻ trái tim ra để học mọi ngóc ngách, thám hiểm những buồng tim, mà vẫn chưa biết trái tim mình có cái gì, có ai ở trong đó… Nhớ lần đi thực tập ở nhà thương Chợ Rẫy, mà người ta gọi là nhà thương thí, vì không phải trả tiền nằm viện, điều trị…tôi phụ trách 2 giường, làm những việc như là một hộ lý vậy: bắt giòi, lau mình, canh chừng chai nước biển đang truyền cho bệnh nhân…Chiến tranh, và nhà người nông dân ở Đà Nẵng này bị bom chết cả nhà. Chuyển vào Sài Gòn, ông bị hôn mê do chấn thương não, chỉ nằm thở, bị escare, loét xương mông, và mỗi ngày tôi phải lấy nhíp gắp giòi ra, nhỏ thuốc sát trùng…

Mũi kim chích đầu tiên, chích trên hai miếng mousse của búp bê nhựa, sau đó chích cho người bị hôn mê. Ba tháng thực tập, sau ngày thứ năm mươi, người đàn ông bất hạnh đó mở mắt ra, mấp máy đôi môi, hỏi “vợ tôi đâu, con tôi đâu?” cùng với 2 dòng nước mắt lăn dài trên đôi má hóp. Và tôi biết, cuộc đời mình sẽ mãi dính liền với cái giường sắt lạnh lẽo, với mùi máu tanh nồng, với tiếng rên cố nén lại và với những dòng nước mắt. Tôi biết, và đã hiểu hết ý nghĩa của mấy từ công tác xã hội, hiểu rõ những nỗi đau thể xác và cảm nhận được cả nỗi đau tinh thần, nỗi mất mát từ trong trái tim con người. Rồi tôi cũng cảm nhận được thế nào là sự đồng cảm, sự xoa dịu của mình đối với người bệnh bất hạnh đầu tiên trong cuộc đời y khoa của mình khi bàn tay liệt rũ xuống, còn bàn tay kia nắm lấy tau tôi thật yếu ớt, thật mỏng manh mà lại tin yêu biết chừng nào… Tôi vẫn ghé qua thăm ông, sau đó bệnh nhân xuất viện, có lẽ về quê. Mười lăm năm sau, tôi có dịp đi Đà Nẵng, qua bãi biển Non Nước, lên núi Ngũ Hành Sơn, đứng ở Vọng Giang đài, nhớ đến người đàn ông khốn khổ ấy. Con sông rồi có rẽ, có nhánh ngang nhưng rồi cuối cùng cũng đổ ra biển, còn cuộc đời con người, dòng chảy đó cuối cùng sẽ đổ về đâu? Có bác sĩ nào quên được bệnh nhân đầu tiên của mình đâu? Cho nên cảnh non nước đẹp như mơ mà lòng người vẫn thấy buồn…

(còn tiếp)

Xem phần 2


Tôi thấy thân thiện với Hà Nội là nhờ những người bán rong

Tôi đến Hà Nội một mình, không quen biết ai. Đó là lý do tôi thích thú với cuộc sống đường phố, nơi mọi người ăn xôi, nem cuốn và các loại cháo, xúp từ những gánh hàng rong.

Marie Darbousset (bìa phải) cùng bạn bè -Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn khi ở giữa những người này. Tiếng mọi người nói cười, trò chuyện ồn ã khiến tôi cảm thấy vui. Bây giờ tôi vẫn đi xuống đường để mua xôi ăn. Bà bán xôi luôn vui vẻ khi có một khách hàng người nước ngoài như tôi và hay cười với tôi, thậm chí đập vào lưng tôi. Nhiều lúc bà đập mạnh đến mức tôi suýt phun cả xôi ra. Chắc bà ấy nghĩ càng đập lưng tôi mạnh thì càng cho tôi biết rõ bà ấy có thiện cảm với tôi vì bà không thể nói thành lời với tôi được, tôi không rành tiếng Việt. Với vốn tiếng Việt bập bõm, nhìn điệu bộ và nghe bà bán xôi nói, tôi đoán bà hỏi tôi quê ở đâu, bao nhiêu tuổi…

Tôi nghĩ sự thân thiện của Hà Nội sẽ không thể có được nếu không có những người phụ nữ như bà bán xôi nói trên. Ở Pháp, nơi tôi sinh ra và sống trước khi đến Canada, văn hóa này vẫn được duy trì ở những khu chợ họp vào buổi sáng. Mọi người có chút hứng khởi của một ngày mới khi đến chợ, mua sắm và chuyện trò. Đấy là phần văn hóa quan trọng của người Pháp và người ta vẫn đấu tranh chống lại những siêu thị to lớn và hiện đại, vốn đối xử với mọi người như khách hàng chứ không phải người hàng xóm thân thiện.

Tôi có nghe Hà Nội cấm bán hàng rong và không hiểu vì sao lại cấm nếu những gánh hàng này thêm hương vị vào nét đẹp của đường phố? Theo tôi, nếu không có cảm giác cộng đồng gần gũi, ấm áp mà những người phụ nữ bán hàng rong tạo ra, Hà Nội hay TP.HCM sẽ chỉ là những thành phố bình thường, thậm chí là buồn tẻ.

Tôi trân trọng những người phụ nữ dậy sớm, tần tảo đi bộ suốt ngày để kiếm được chút tiền nuôi cả bầy con nhỏ, cả gia đình. Họ không chỉ bán hàng, họ còn mang theo mình phẩm giá và sự tận tụy. Nếu không làm những việc này, họ sẽ làm gì? Cấm họ làm việc sẽ giống như lấy đi một phần tinh thần của Hà Nội. Nhiều người cho rằng hàng rong khiến giao thông tắc nghẽn, lộn xộn, nhưng tôi nghĩ phải có những giải pháp để những người bán hàng rong vẫn được bán hàng mà không gây ra những phiền toái, thay vì cấm tiệt như hiện nay.

Tôi ước những giải pháp đưa ra sẽ có ích cho tất cả mọi người, kể cả những người bán hàng rong vốn rất cần những khoản thu nhập để nuôi sống gia đình. Ở VN, mọi người thường nói đến sức mạnh của tình đoàn kết và bình đẳng. Tôi hi vọng những giá trị này sẽ không bị chối bỏ vì sự hiện đại. Tôi vẫn không hiểu tại sao trên thế giới này có xu hướng khiến mọi người đều muốn người khác giống mình hay mình giống người khác. Sự đa dạng có những nét đẹp riêng và những người bán hàng rong đã mang theo họ nét đẹp và truyền thống riêng này.

MARIE DARBOUSSET
(Oxfam Quebec, 14-16 Mai Hắc Đế, Hà Nội)

TTO

haiz21


Có ai đi giữa lòng Hà Thành, chợt muốn hét lên kêu cứu?

Hà-nội Xanh thân mến,


Ba tôi người Huế, mẹ là con gái Hà-nội. Tôi sanh ra ở cố đô Huế nhưng lớn lên ở Sài-thành, giữa hai khoảng giai đoạn ấy là những mảnh ký ức mỏng tang của những năm đầu đời, khi nhà tôi ra Hà-nội ở (ắt để mẹ tôi ở gần bà ngoại, cũng vì công việc của ông thân tôi khi ấy). Những mảnh ghép mong manh mập mờ mùi hoa nhài nhà ngoại tôi ở Lý Thường Kiệt, có cái cầu thang gỗ mà tôi mỗi lần nhìn thấy lại rất sợ, vì thấy nó to to, tối tối…ang ác, có màu xanh của balcon sắt uốn như tấm ren tinh xảo trên mấy căn nhà thời Pháp.

Tôi mang máng nhớ những khi ba tôi cõng tôi lên vai tản bộ ra cái mà tôi gọi là “công viên con cóc” (ắt hẳn nhà tôi xưa phải gần đây lắm do trong kí ức của tôi, ba đã cõng tôi đi bộ suốt ra đến công viên). Trong những nhập nhằng hồi tưởng ấy, là đoạn đê đường Thanh Niên mà với một đứa trẻ như tôi khi ấy, là cả một cái đồi cỏ thoai thoải thênh thang, một bên là cỏ xanh và gió se se, phía bên kia là dãy tường ố vàng của dãy nhà to trông buồn, già và u uất.

Hà-nội của tôi còn là bát bún ốc nước trong vị thanh thanh nhẹ nhõm, quả cả muối đến rúm ró quăn queo mà đậm đà đến tận chân tóc, cốc đỗ đen không có cái ngọt hào sảng đến dư dật của chè miền Nam, mà thanh như tiếng, như người, như trời Hà-nội.


Về sau, khi lên concept cho bộ hình Hanoi Daily và viết bài thơ Nostalgia (lấy làm thớ lợ lắm cách bày tựa nạc mỡ của mình, nhưng tại thói quen chọn ngay từ đầu tiên đến trong đầu làm tựa, về sau được tòa báo sửa lại thành Chị Tôi, nghe giống tựa bài ca, nhưng thôi kệ!), tôi vẫn thắc thỏm nhắc nhớ lại hết những hình ảnh quá vãng ấy.
Ba tuổi, tôi lớn lên làm con gái Sài-gòn nhưng có cái biệt tài tùy người đối diện mà dùng giọng Bắc, giọng Nam bộ hay giọng Huế, cái nào cũng lơ lớ, lai lai, nhưng được cái về chốn nào nơi 3 thành phố lớn cũng dễ bề hòa hợp mà nhập gia.
Ấy nhưng lần nào cũng vậy, ra Bắc công tác cũng chỉ được dăm ba hôm, khi về vẫn nắc nỏm thòm thèm bởi nỗi chưa được ngụp lặn cho thỏa trong cái không khí vừa quen vừa lạ ấy, chưa có buổi rảnh rang mà tìm ghé qua coi thử chốn xưa liệu còn nhắc nhớ gì không những mảnh mỏng tang kí ức tôi ép kỹ trong tiềm thức thiếu thời. Hà-nội vẫn “sống” quá, trôi nhanh và ồn ào, không dừng lại cho tôi được ngắm kỹ đặng mỏi mòn tìm nét thân quen. Vậy nên, mỗi bận về, lòng lại càng đòi đoạn cơn hoài cố, nhớ lại càng nhớ thêm.
Rồi mãi cho đến về sau, được vời về làm cho một tạp chí tại Hà-nội, nhờ cái duyên may được ban biên tập cưng chiều trọng dụng, lại nhiều việc cậy nhờ nên có lắm dịp được lưu lại khá lâu, thậm chí có lần còn được mời cân nhắc chuyện chuyển hẳn ra Bắc để tiện cho công việc.


Nhớ lần chụp bộ ảnh Hanoi Daily, tôi tham lam với ước nguyện chả gì hơn là hối hả tom góp lại những nét còn nét mất, cậy nhờ kỹ thuật nhiếp ảnh tân kỳ, hòng mong lưu giữ lại cho kịp, kẻo nuối tiếc khi về sau mai một.
Ngoài chuyện đã kể ở dòng tâm sự lần trước với Hà-nội Xanh, một kỷ niệm không quên của chuyến làm ảnh lần ấy là chuyện về chiếc áo cánh. Thương tiếc cái duyên nền nã, kín đáo của chiếc áo cánh bằng phin nõn mà mẹ tôi kể lại rằng bà ngoại vẫn khâu tay cho các con gái. Vậy mà giữa lòng Hà-nội, tôi mất trắng một ngày ròng mải miết tìm nơi mua chiếc áo cánh phin nõn. Đến được địa chỉ có người tốt bụng mách cho thì đã tự khi nào là cửa tiệm bán đồ chơi Tàu cho nít nhỏ. Cùng đường, hỏi liều bà chủ nhà, nghe từ “áo cánh”, bà “scan” tôi từ đầu dưới chân như nhìn một con nhỏ hoặc là “ở bển mới về, trển mới xuống” hay “ở dưới mới lên”, hoặc tệ hơn là “ở trỏng (nhà thương) mới ra”. Tôi cảm ơn (?) và đi ra sau lời mắng “Ăn mặc như dân Sài-gòn mà hỏi lạ thế?”
Chuyện thứ hai là việc quyết định về kiểu tóc. Tôi khăng khăng muốn được nhìn lại cái gáy cong, cái khóe tai trang nhã sau nét tóc vấn trần kiểu cách ngày xưa, nhưng không một hair stylist nào của Hà-nội làm tôi hài lòng. Chỉ đến buổi sáng cuối cùng, may mắn cậy được người chuyên hóa trang của hãng phim đến làm tóc cho cô minh tinh Minh-Châu, tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận.


Dự tính chuyển đổi phương án tóc sang lối bánh bẻ. Lại hàng chục cú điện thoại, những chuyến đi tận mọi ngõ ngách Hà-thành, được cái được tòa soạn cưng chiều nên tôi huy động mọi anh em trong tòa soạn cùng tham gia vào cuộc “truy tìm hiện vật” rầm rộ và quy mô. Nhưng mọi cố gắng đều đã không tìm ra được cho tôi một chiếc cặp ba lá. Chỉ một chiếc cặp ba lá.


Than ôi Tràng-an thanh tú trong tôi, giờ phải chăng chỉ còn là hiện vật, là lớp hóa trang giả hiệu vụng về, là giả cách ngô nghê mất gốc?


Tôi ra về với một nỗi sợ, mỏng tang như những ký ức thiếu thời của mình vậy, rằng đã có một điều gì đó, nhỏ thôi, đã mất đi trước khi tôi kịp sờ tay vào, được ướm thử lên người cái cảm giác “hè thì mát, đông lại ấm áp” như mẹ tôi từng kể. Một điều gì đó, nhỏ thôi, như bàn tay bà tôi thoăn thoắt vấn lượt tóc nuột nà quanh đầu, nửa dung dị nửa trang đài. Hay thậm chí chỉ mấy lá nhôm lá thép kẹp lấy mái tóc đàn bà con gái cho chân phương kẻ chỉ…

Tôi muộn rồi chăng?

Vồ vập ôm vào lòng, những muốn biến thành của riêng để ấp yêu bảo vệ, tôi đặt để vào đấy hình ảnh vườn hoa con cóc, cái mũ cối bộ đội, nét tóc bánh bẻ, vấn trần duyên dáng ngày xưa, cái phối màu ố của tường vàng và xanh xỉn của balcon sắt, cái mùi giấy của hiệu sách cũ ọp ẹp thiếu sáng, cả cái huy hoàng quá lứa của một Hà-nội đang mất dần, loãng dần, ô tạp dần. Tôi thiết tha níu giữ trong ngậm ngùi thực tế của thời gian và thời cuộc.

Có ai đi giữa lòng kinh đô văn hiến, ngậm ngùi nhìn một tòa lầu chết trong một nhan sắc đã từng hoàng kim nay hoang phế đến rợn người?

Có ai đi giữa lòng Hà-thành, đã bao giờ chợt muốn thắp một nén nhang cho một ngôi cổ tự?

Có ai đi giữa lòng Hà-thành, chợt muốn hét lên kêu cứu?


Hoa Nhài Đen

Những điều trông thấy: Chuyện trong quán ăn

Bữa ăn trưa. Đa số thực khách là công chức. Mọi người ăn uống nói cười vui vẻ, kể chuyện cơ quan, chuyện những chính sách mới, chuyện Tây chuyện Tàu. Cũng như muôn vàn các bữa ăn tụ tập đồng nghiệp trên toàn thế giới thôi. Tuy nhiên điểm khác biệt là:

+ Dùng nhiều rượu bia: Cho dù là bữa ăn trưa và ta biết là sau đó họ sẽ trở về công sở làm việc, nhưng họ uống nhiều bia lắm, mặt mũi ai nấy sáng bừng, đỏ rực, có hơi men vào thì câu chuyện rôm rả lắm, lắm lúc mọi người còn hứng khởi “zô, zô” rất sôi nổi. Ở nước ngoài những bữa ăn trưa cùng đồng nghiệp, hoặc thậm chí cùng bạn bè thì người ta tuyệt đối không dùng rượu bia vì nguyên tắc là không mang bộ mặt đỏ bừng vì hơi men đến cơ quan làm việc, và khách hàng, đối tác sẽ không thể/ không muốn trao đổi công việc nghiêm túc với người đang ngất ngây hơi men. Nếu muốn uống bia rượu với nhau thì hãy uống vào bữa tối sau khi kết thúc giờ làm việc.

+ Vứt rác khắp nơi: Giấy ăn, xương xẩu được thải ra tràn ngập bàn ăn và sàn nhà. Lỗi có thể do nhà hàng, người ta có thể đặt một thùng rác nho nhỏ xinh xinh cạnh mỗi bàn ăn cho khách vứt giấy ăn, giấy lau bát vào đó, và có thể đặt một vài cái thố cạnh bàn ăn cho khách bỏ xương xẩu, những gì không ăn được vào thì khách có thể cùng bỏ vào đó thay cho để bừa bãi trên bàn ăn, hoặc vứt thẳng xuống nền nhà.

Trong khi chờ đợi những nhà hàng văn minh như thế thì tôi trộm nghĩ rằng: mỗi khi dùng giấy ăn xong thay vì vò qua và vứt xuống sàn nhà, hãy để thẳng lên bàn thành một đống nho nhỏ. Bạn có thể dành ra chừng 30 giấy gấp lại, vuông vắn, để gọn gẽ trước mặt bạn để có thể dùng thỉnh thoảng vệ sinh cho đôi tay khi cần, hoặc bạn có thể hỏi mượn thêm một cái đĩa, bát to đặt ở góc nào đó tiện cho bạn và mọi người bỏ xương, những thứ không ăn được vào đó…Nếu mà bạn và những bạn bè cùng ăn với bạn làm như thế thì nhân viên nhà hàng sẽ dọn dẹp rất nhanh, và khi có khách mới bước vào thì họ vẫn càm thấy sạch sẽ, gọn và điều này tạo cảm giác tốt cho một bữa ăn ngon sắp tới.

+ Những âm thanh không nên có:

  • Sự ồn ào quá mức khi mọi người cụng ly, hay là tán đồng điều gì đó, sôi nổi nói chuyện:  đồng ý đã gặp nhau ăn uống thì phải vui hết mình, tuy nhiên trong quán ăn không chỉ có bạn và những người bạn của bạn, vì thế hãy chia sẻ không gian cho người khác, bạn nhé;
  • Âm thanh của việc ho hắng, khạc nhổ: đây là những âm thanh rất ảnh hưởng đến vị giác của người khác nhất là lúc đang đói và muốn dùng một bữa ngon. Vì thế để chia sẻ và giữ gìn niềm vui trọn vẹn với người khác, tôi thiết nghĩ chúng ta nên cố gắng xử lý những vấn đề rất cá nhân đó ở trong phòng vệ sinh, ở ngoài nhà hàng nơi văng người…

+ Một số cử chỉ: thường ăn xong mọi người hay phải xỉa răng hay chiêu một ngụm nước. Khi chiêu một ngụm nươc lắm khi một cách vô tình người ta hơi hơi có vẻ như muốn tranh thủ súc miệng hay sao đó, và khi xỉa răng thì sẽ xỉa một cách công khai không cần che giấu. Vâng đó là việc tự nhiên, việc cá nhân. Nhưng có lẽ sẽ hay hơn nếu ta chiêu ngụm nước nhẹ nhàng, và khi xỉa răng thì nhớ che miệng hoặc làm việc đó một cách kín đáo, dù gì nhà hàng cũng là chốn công cộng, nhiều người nhìn thấy bạn đấy. Sự lịch sự, sang trọng, nếu bạn quan tâm, thì có thể chính là từ những cử chỉ nho nhỏ thế này đấy.

Hồng Lĩnh

“Tôi sợ hình ảnh Hà Nội xanh bị mai một”

Hà Nội, cái tên đầy thơ mộng, đáng yêu này đã gắn bó với tôi một thời. Một thời khi mà những con đường đầy nắng và những tà áo dài bay phấp phới trên những chiếc xe đạp đi song song với nhau trong những giờ tan học, một thời mà xe cộ còn thưa thớt, những gánh hàng rong còn đi lại trên đường, một thời mà mỗi khi đêm về, tôi lại thấy những người nông dân gò mình trên những chiếc xe thồ, mồ hôi lấm tâm trên khuôn mặt họ dưới ánh đèn vàng mờ đục của cầu Long biên.

Tôi ko thể nào quên.

Những hình ảnh thơ mộng thế này giờ chỉ còn thấy trong các bộ ảnh cưới - Ảnh: diễn đàn xe đạp

Những hình ảnh thơ mộng thế này giờ chỉ còn thấy trong các bộ ảnh cưới - Ảnh: diễn đàn xe đạp

Ở thời điểm hiện tại, tôi có thể nói rằng Hà nội càng ngày càng trở nên nguy hiểm. Hạ tầng cơ sở không thể đáp ứng đc với tốc độ phát triển của thành phố, vậy mà người ta vẫn ép thành phố phải phát triển nhanh hơn nữa. Một thành phố phát triển khập khiễng như một ngôi nhà càng ngày càng cao trên một cái nền móng vốn đã yếu ớt. Giao thông ngày xưa là nỗi kinh hoàng của những vị khách nước ngoài đên thăm Việt Nam và bây giờ cũng đã trở thành nỗi kinh hoàng ngay cả với người dân Việt Nam.

Ý thức tôn trọng luật giao thông thấp kém, nhà nước chỉ hô hào vận động nhiều chứ cải tạo hệ thống quản lý giao thông và đào tạo ra các cán bộ giao thông thì ít. Hôm trước đọc bài “Chúng tôi là công dân của một nước đang phát triển, không phải là sinh vật lạ”, tôi tự cười… đúng đúng thật, hô hào vận động nhưng hình thức phạt không nghiêm minh, cán bộ công an vẫn vi phạm thì lòng tin của người dân vào hệ thông pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng còn hay không?

Giờ tan tầm ở Hà Nội

Giờ tan tầm ở Hà Nội

Lại nói thêm về quản lý đất đai, xã hội mà chúng ta hướng tới là một xã hội lý tưởng, nơi mà mọi con người đều có quyền bình đẳng, người giàu người nghèo đếu có chỗ đứng của mình và có những quyền lợi tối thiểu như ăn uống, y tế, bảo hiểm, các không gian vui chơi giải trí công cộng.v.v Nhưng tôi lại có cảm giác hình như những điều đó chưa diễn ra ở Việt Nam, khi mà những không gian cây xanh, không gian công cộng đang dần dần bị lấn chiếm để dành chỗ cho những dự án kinh tế béo bở, đem lại nguồn lợi nhuận lớn lao cho những người giàu (người nghèo được lợi gì?).

Hà Nội là một thành phố xanh và vẫn đang cần thêm rấtnhiều không gian vui chơi công cộng cho trẻ nhỏ (cái hầu như không có hoặc ít ) vậy mà thay vì làm thêm thì lá phổi của thành phố lại có người muốn chọc thủng. Tôi thấy buồn vì điều đó. Chỉ sợ hình ảnh một Hà Nội xanh bị mai một trong mắt bạn bè quốc tế và ngay cả trong mắt người Hà Nội.

Chúng ta còn quá ít không gian xanh cho các em bé - Ảnh: Sân chơi trẻ em tại Đức

Chúng ta còn quá ít không gian xanh cho các em bé - Ảnh: Sân chơi trẻ em tại Đức

Thiết nghĩ, không nên cho rằng vì nước mình còn nghèo nên mình phải làm như vậy. Quả thực qua nhiều việc xảy ra ở Việt Nam tôi thấy người dân mình còn có cái nhìn hạn hẹp về tương lai của đất nước, và đặc biệt là tương lai của thủ đô Hà Nội, trái tim của Việt Nam.

Tôi mong rằng Việt Nam mình sẽ có thêm nhiều chính sách mới đúng đắn hơn, thiết thực hơn cho con đường phát triển của Hà Nội, để Hà Nội vẫn giữ được hình ảnh, giữ được vẻ đẹp vốn có của mình, cũng như mạnh tay hơn trong các xử lý vi phạm, không nên giơ cao đánh khẽ, làm mất lòng tin của người dân, đưa ra những quy định cụ thể hơn về môi trường, như giờ đổ rác, các hình phạt khi đổ rác ra đường, quy hoạch thành phố với nhiều diện tích cây xanh, sân chơi cho trẻ nhỏ ở các khu đô thị mới, tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh giao thông, xử lý triệt để các vi phạm như vượt đèn, chèn vạch, đỗ xe sai nơi quy định, cấm ô tô đi lại trong khu phố cổ vào giờ cao điểm và cấm đỗ xe trong khu phố cổ, làm thêm nhiều hệ thống đỗ xe ngầm trong lòng đất trên nền tảng các bãi xe ngầm  hiện tại v.v.
Còn còn rất nhiều vấn đề khác nữa nhưng trong khuôn khổ bài viết tôi không đề cập được hết. Rất mong nhận được sự phản hồi của mọi người.

Bạn đọc LH