Xin đừng “bóp cổ” công viên

Mất không gian công cộng, mất công viên, chúng ta không chỉ mất những lá phổi xanh của mình mà còn mất ký ức, mất bản sắc…

Theo thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gần đây, diện tích cây xanh công cộng trên đầu người ở nội thành Hà Nội là 0,9 m2/người. Diện tích cây xanh này gồm cây xanh ở các vườn hoa, công viên, ở các dải phân cách đường và trên các vỉa hè đường.

Trong khi đó, tỷ lệ này trên thế giới rất cao: ở London, Berlin, New York, Moscow đều gần 30m2/người. Tỷ lệ trên ở TP.HCM còn thấp hơn, khoảng 0,7m2/người. Hà Nội đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ là 16m2/người. TP.HCM đặt chỉ tiêu “hiện thực” hơn: 4-5m2/người cho đến năm 2025. Tại sao ta dùng từ “hiện thực” ở đây?

Bởi vì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ ngày càng phình to vì sự di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị. Nhà cửa, đường sá sẽ là ưu tiên hàng đầu rồi mới đến công viên cây xanh. Chưa nói đến chuyện đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây xanh công cộng, chỉ cần lo giữ cho làm sao các công viên, vườn hoa hiện tại không bị “bóp cổ” bởi vô số các hoạt động thương mại, dịch vụ khác là tốt lắm rồi.

Tình trạng phổ biến hiện nay ở các vườn hoa là mặt bằng bị chiếm dụng để kinh doanh quán giải khát, quán nhậu với bàn ghế bày ra bít hết đường chạy của người tập thể dục. Nhiều mặt tiền công viên bị chiếm dụng để kinh doanh cây cảnh, mở siêu thị, làm bãi giữ xe. Còn khuôn viên bên trong công viên bị chiếm dụng để làm sân quần vợt, sân khấu ca nhạc, nhà hàng tiệc cưới. Như công viên Tao Đàn rộng 18ha ở TP.HCM chẳng hạn, công ty cây xanh chỉ quản lý có 9,8ha, phần còn lại là trụ sở các cơ quan, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống.

Công viên Thống Nhất là công viên lớn nhất ở Hà Nội với 27,8 ha diện tích mặt đất và 21ha mặt nước. Nhưng nếu so với các công viên trên thế giới thì chưa thấm vào đâu. Central Park ở New York rộng 341ha, quần thể Hyde Park và Kensington Gardens ở London rộng 253ha. Vậy mà Thống Nhất còn nhiều phen bị nhăm nhe “xẻ thịt”.

Năm 2007, dưới sức ép của dư luận, dự án Disneyland xây dựng trong khuôn viên công viên Thống Nhất đã bị hủy bỏ. Nhưng đến năm 2009, dự án khách sạn Novotel on the Park của liên doanh Tập đoàn Accor, Tập đoàn đầu tư SIH và Tổng công ty Du lịch Hà Nội lại chèn vào đó. Novotel on the Park đã gây lên sự bất bình mạnh mẽ trong nhân dân.

Central Park nằm ngay ở khu Manhattan giàu có nhất New York, thủ đô tài chính của thế giới. Nếu chính quyền New York mà cho “xẻ thịt” Central Park để làm các khách sạn thì họ đã kiếm được bộn tiền. Nhưng họ không bao giờ làm thế bởi công viên được mở năm 1859 này là trái tim và lá phổi của thành phố, mỗi năm đón tới 25 triệu lượt khách. Các tòa nhà cao ốc có thể được dựng lên rất nhiều nhưng không tòa nhà nào thay thế được tính biểu tượng cho New York của Central Park. Một khi công viên bị “xẻ thịt” thì không thể nào “đắp thịt” lại cho nó được nữa.

Một trong các yếu tố nhằm nâng cao diện tích cây xanh công cộng của một thành phố là nâng cao diện tích cây xanh ở các khu chung cư, đô thị mới. Song nhiều nhà đầu tư thiếu hợp tác trong lĩnh vực này. Quy chuẩn về mật độ xây dựng ở một khu đô thị mới được Bộ xây dựng ban hành là không được quá 40% nhưng tại nhiều khu đô thị, mật độ xây dựng lên tới 70%. Các nhà đầu tư thường xây các khu nhà “chật căng” trong khu đất của mình để tối đa hóa lợi nhuận. Ở các khu tập thể, chung cư cũ, diện tích cây xanh, sân chơi cũng đang “teo biến” dần để nhường chỗ cho nhà cửa, các hoạt động, kinh doanh.

Mọi người có vẻ như đang nỗ lực biến không gian công cộng thành không gian riêng của mình. Có một kiến trúc sư từng nói: “Không gian công cộng là nơi lưu giữ các ký ức của một cộng đồng”. Mất không gian công cộng, mất vườn hoa, mất công viên, chúng ta không chỉ mất những lá phổi xanh của mình mà còn mất ký ức, mất quá khứ, mất bản sắc…

* Tính theo đầu người, số lượng công viên trong thành phố chúng ta là ít, nhưng thực tế công viên lại đang bị “dư” vì chẳng có mấy người thích vào vì tình trạng bát nháo ở đây. Trước khi nghĩ đến việc xây thêm những công viên mới, tôi nghĩ chúng ta cần cải tổ những công viên hiện có (tình trạng hồ không có nước, cây xanh chết khô, hoa thì xơ xác) để chúng có thể thành những mảng xanh thực sự cho thành phố. Ngô Thanh Hải (32 tuổi, kỹ sư, Lam Sơn JOC)


* Tôi từng nghe tin về dự án xén đất ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) để xây khu vui chơi, khách sạn. Hình như cũng đã tiến hành cắt xén được vài ngày rồi, nhưng vì cộng đồng kiến nghị mà kế hoạch này phải ngưng lại. Nghe mà thấy chán. Cứ cái kiểu chạy đua xây cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại như hiện nay, thành phố mình chẳng mấy chốc vắng bóng công viên. Nguyễn Phương Chi (24 tuổi, giảng viên đại học KHTN, TP.HCM)

Thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới

* Sacramento – thành phố nổi tiếng của bang California (Mỹ) là nơi có số lượng cây xanh nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới (bao gồm cả Paris, Pháp).

* Nhờ có nhiều tán cây xanh bao phủ khắp nơi, ở Sacramento mùa hè rất mát mẻ, nhiệt độ cao nhất chỉ 36 độ C. Người ta cho rằng, bầu không khí luôn trong lành, dễ chịu dưới tán cây xanh cũng giúp các lái xe bình tĩnh hơn khi cầm vô-lăng.

* Hiện nay, thành phố Sacramento đang thực hiện kế hoạch 40 năm để tăng gấp đôi số lượng cây xanh bao phủ. Kế hoạch này do tổ chức phi lợi nhuận Sacramento tree foundation (Quỹ phát triển cây xanh Sacramento) thực hiện, kêu gọi những người dân tình nguyện tham gia trồng thêm cây xanh khắp các nẻo đường, con phố với mục tiêu là đạt số lượng 5 triệu cây xanh mới vào năm 2025.

* Nếu Sacramento thành công thì ngoài việc giúp không khí trong lành hơn, nguồn nước sạch hơn… còn giảm đi một nửa số lượng những ngày sương mù ở đó, một nhà khoa học của Nasa cho biết như vậy.

  • Đinh Hiệp (Theo Thanh Nien Online)

Giàu hay hạnh phúc?

Chính phủ nhiều nước đã suy nghĩ lại mô hình phát triển đất nước của mình vì họ cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu là do các nước đã chạy theo tăng trưởng GDP. Điều này dẫn đến hệ lụy nền kinh tế tăng trưởng nóng, lạm phát, môi trường bị hủy hoại.
Xe hơi chen chúc vào giờ cao điểm tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đức Trí

Xe hơi chen chúc vào giờ cao điểm tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đức Trí

Các nhà kinh tế và chính phủ một số nước châu Âu cho rằng cần điều chỉnh theo hướng không xem tăng trưởng GDP là mục tiêu mà làm thế nào để người dân hạnh phúc hơn mới là mục tiêu.

Đa dạng hóa về mặt tinh thần, môi trường không bị ô nhiễm, đặc biệt là sự quản trị tốt của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương chính là mô hình phát triển tương lai mà các nước hướng đến.

Chúng ta cũng đạt mục tiêu phải phát triển cân đối, chú ý bảo vệ môi trường, ổn định xã hội… nhưng thực tế cho thấy chưa hẳn như vậy. VN đặt yêu cầu dài hạn phải bảo đảm tăng trưởng bền vững nhưng quá trình tổ chức vẫn xem tăng trưởng GDP là mục tiêu quan trọng và cái giá phải trả chúng ta cũng đã nhìn thấy trong những năm qua: lạm phát quá cao, đầu tư ngân sách quá nhiều, đâu đâu cũng là đại công trường…

Nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh thì khó có thể “sang trang” được trong chặng đường đi tới tương lai. Có thể kinh tế VN sẽ vẫn tăng trưởng và đạt những mục tiêu đề ra nhưng đó là tăng trưởng rất chật chội, ngột ngạt và có thể phải trả giá bằng những bất ổn như lạm phát quay trở lại tác động đến đời sống kinh tế – xã hội, chênh lệch giàu nghèo gia tăng….

Bài học Trung Quốc cho thấy nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng phân hóa giàu nghèo quá lớn. VN có thể đứng vào hàng các nước có thu nhập cao trong tương lai nhưng con số thu nhập bình quân của mọi người có thể cũng chênh lệch rất lớn. Điều này sẽ làm giảm ý nghĩa phát triển chung của xã hội. Chúng ta cần phải có những quyết sách và hành động cụ thể hơn để mở thêm nhiều cơ hội cho tất cả mọi người. Trong đó cơ hội đầu tư phải được bình đẳng, không phân biệt trong nước, nước ngoài, tư nhân hay nhà nước.

  • PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ
    LÊ NAM ghi (Theo Tuổi Trẻ Online)

Mông người Mỹ, mông người Sing, mông người Việt Nam..

Đào Tuấn

Tháng 9-1993, vụ cậu sinh viên 18 tuổi người Mỹ Michael Peter Fay bị Singapore xử phạt 6 roi vì lỗi vẽ bậy lên xe hơi người khác đã gây phản ứng ầm ĩ khắp thế giới. Đến mức Tổng thống Mỹ bấy giờ là Bill Clinton phải lên tiếng xin tha cho Fay. “Nể mặt” ông Clinton, chính quyền Singapore cũng chỉ giảm cho Fay 2 roi. Vẽ bậy, cũng như xả rác, hút thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng, không chịu dội toilet sau khi sử dụng ở Singapore à một trong 40 lỗi bị xử phạt rất nghiêm. Ngoài chuyện phạt tiền, phạt tù còn bị đánh đòn bằng một cây roi dài tới 1,09m, đánh với tốc độ 160 km/h và tạo một lực nặng ít nhất 90 kg. Chính sự nghiêm minh trong việc xử lý những hành vi vi phạm dù nhỏ của bất cứ ai đã làm Singapore trở thành một trong số những quốc đảo sạch nhất trên thế giới với những lệnh cấm được dân chúng, quan chức và cả những người nước ngoài răm rắp thực thi.

Ở Việt Nam, cũng đã có chuyện cấm rác, cũng cấm đái bậy và mới đây nhất, là chuyện cấm thuốc lá. Nhưng ở Việt Nam khói thuốc vẫn bay như nó vẫn bay dù rằng lệnh cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng đã có hiệu lực từ mười năm, chứ không phải chỉ một tuần nay sau quyết định mới nhất của Thủ tướng.

Nếu một quyết định cấm mà hoàn toàn không có hiệu lực trong thực tế thì chỉ do hai lý do: Hoặc là lệnh cấm đó sai; hoặc nó đúng nhưng đã không được thực hiện. Nếu không được thực hiện thì rõ ràng là do người bị cấm vẫn cứ hút thuốc và người giám sát lệnh cấm đó… mặc kệ, hoặc là chính họ cũng đang hút thuốc.

Cấm gì chứ cấm hút thuốc chả ai lạ. Từ năm 2000, Chính phủ đã có nghị quyết 12 ban hành “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá”. Rồi đến năm 2005, lệnh cấm hút thuốc được ban hành trong một văn bản pháp quy có tính ràng buộc cao là nghị định 45 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế). Nghị định ban hành nhưng không thấy có ai bị xử phạt, dù mức phạt được quy định rất rõ là từ 50-100 ngàn đồng. Văn bản ban hành xong liền ngay lập tức bị lãng quên. Quên vì không ai biết, cũng chẳng ai thi hành, và vì thế nó chỉ có giá trị trên giấy.

Đến năm 2007, lại một lần nữa chuyện hút thuốc lá lại bị cấm. Cũng vẫn là một văn bản pháp quy, chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cũng ngay sau đó chịu chung số phận với nghị định 45.

(Xâm hại “thuần phong mỹ tục” sẽ bị lột trần mông mà đánh roi)

Và bây giờ, cũng lại chỉ hai năm sau, một lệnh cấm nữa, nội dung không gì mới ngoài chuyện cấm hút thuốc lá nơi công cộng, lại được ban hành. Và thực tế cũng đang chứng minh quyết định 1315 lần này cũng sẽ lại chỉ có hiệu lực trên giấy, cũng sẽ ngay lập tức rơi vào lãng quên và cũng sẽ bị…mỉm cười.Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuân, VN là nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới, tới 56%. Thống kê cho thấy bình quân hàng năm người dân chi cho việc hút thuốc hơn 14 ngàn tỷ đồng. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy chỉ tính riêng chi phí điều trị cho 3 trong số 25 căn bệnh do thuốc là gây ra cũng đã là hơn 1 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra một người hút thuốc có thể tiêu tốn cho thuốc lá số tiền tương ứng với 1/3 số tiền dành cho lương thực, bằng 1,5 lần số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục theo bình quân đầu người.

Cũng chính vì vậy, chả có gì phải bàn chuyện đúng sai của lệnh cấm.

Cả nghị quyết, nghị định, cả chỉ thị, cả quyết định, tức là không thiếu một loại văn bản nào về chuyện cấm. Việc cấm cũng không sai. Nhưng trong suốt 10 năm qua, lệnh cấm chỉ có hiệu lực trên giấy là bởi cấm hút thuốc cũng như cấm vứt rác ra đường, cấm tè bậy, bị thiếu quá nhiều yếu tố để có thể khả thi.

Chẳng hạn như là chuyện xử lý. Muốn lệnh cấm có hiệu lực thì phải có người áp dụng chế tài, cụ thể là xử phạt. Nhưng liệu chưa tới hai chục ông thanh tra y tế cho mỗi tỉnh và vài cán bộ uỷ ban mỗi phường, xã có thẩm quyền xử phạt theo lệnh cấm có “đủ sức” để đối phó một nửa dân số là đàn ông (và 2% dân số là đàn bà) vẫn đang phả khói mỗi ngày? Liệu chỉ một vài “Phòng hút thuốc” chính quy đặt ở một số sân bay lớn có đủ chỗ cho mấy chục triệu dân còn chưa bỏ được thói quen hút thuốc? Và với mức phạt, cao nhất chỉ 100 ngàn đồng, ít đến mức Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ông Lý Ngọc Kính nhận xét là “Chả ai buồn đi phạt vì không bõ” liệu có phải là liều thuốc hữu hiệu đủ sức răn đe vi phạm?

Trở lại với vụ Michael Peter Fay. Hồi đó, phát ngôn của một phán quan Singapore đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, rằng: “Ở Singapore, không phân biệt mông quan chức, mông dân thường, mông người Sing hay mông người Mỹ. Chỉ có mông vi phạm mà thôi”.

Hà Nội là Thủ đô, là thành phố đầu tiên thực hiện chính sách không hút thuốc trong công sở và nơi công cộng nhưng chỉ ít ngày trước, Báo An ninh thủ đô, một tờ báo của Hà Nội dẫn đánh giá của nhóm nghiên cứu trường ĐH Y tế công cộng trong một số khu vực: y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, giao thông vận tải rằng: “sự vi phạm hút thuốc trong công sở và nơi công cộng khá phổ biến. Hầu hết lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đều hút thuốc, vấn đề phòng chống thuốc lá không được ưu tiên, việc thực hiện chính sách này ở khu vực công sở còn mang tính hình thức”.

Câu trả lời nằm ở đó chăng?

Theo blog Đào Tuấn

* Tiêu đề do HNX thay đổi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người?

Blog Xuân Bình

Trên Face book bố con viết bâng quơ: Chúc mừng sinh nhật Mi. Một năm trước, câu cửa miệng của con là hệ hệ. Bây giờ, câu cửa miệng của con là “oooi kinh”. Và thế là bác lại nhớ một bài viết cũng có được 2 tuổi. Soi vào những câu nói của con, những lời bài viết, bác vẫn chỉ thấy vẹn nguyên một nỗi đau về kiếp làm Người.


Mi ơi, chào con.

Mi – Hà Anh 2 ngày tuổi

Mi – Hà Anh 2 ngày tuổi

Một góc nhìn… tử tế nhất bệnh viện

Con mới chào đời, con là thiên thần, thiên sứ… Con sẽ thiên khải về một tương lai tốt đẹp!

Trưa ngày 7 tháng 11 năm 2007

Bác đến thăm khi con đã được hai ngày tuổi. Con đừng trách bác đến thăm muộn nhé. Đã lâu bác không ra đường vào giờ cao điểm. Hôm đó, trên đường đến bệnh viện, bác phải rất khó khăn để vượt qua những con đường ngùn ngụt người đi, ầm ầm tiếng các loại động cơ, quá nhức óc vì tiếng còi xe, ngột ngạt khói bụi, phố phường xộc xệch…Cũng như những tháng ngày khác trong năm, mùa thu quánh lại quá nhiều nỗi lo âu, mỏi mệt trên bao gương mặt người.

Nơi con chào đời cảnh tượng cũng chẳng có gì đẹp đẽ hơn ngoài đường nếu không muốn nói rằng còn có nhiều điều vô cùng tồi tệ. Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này bác vẫn choáng váng bởi khái niệm về bệnh viện phụ sản. Những căn phòng chật chội và cả hành lang nhập nhoạng, nơi nào cũng đầy ứa, ngổn ngang bà đẻ. Căn phòng của con kê sát ba chiếc gường inox lạnh tanh. Chân tường được ốp gạch men trắng, đầu gường hai mẹ con nằm có gắn một cái lavabo.

Bác điếng người vì ý nghĩ là con và biết bao sinh linh đã sống những ngày đầu tiên của kiếp người trong… toilet. Trong một không gian ngự trị bởi một thứ mùi tanh tanh đặc trưng, mẹ con và các phụ sản khác như dính bết xuống gường bởi họ choàng đắp trên người một kiểu áo quần cùng loại vải với chăn và ga. Những tấm vải rẻ tiền có in đoảng những cánh hoa màu gì đó tạm gọi là hồng hồng. Những cánh hoa đã thực sự úa tàn, tất cả đều không thể cũ và bẩn hơn. Trong vỏ lốt ấy các bà mẹ đều bay biến đâu mất dáng vẻ gợi cảm và kiêu hãnh của phái đẹp.

Không phải bây giờ các thiên thần bé nhỏ mới sinh ra trong điều kiện bĩ cực thế này đâu Mi ơi. Hai con bác, anh bé (Bút) sinh cách đây 4 năm ở một bệnh viện lớn, anh lớn (Phim) sinh cách đây 9 năm ở một nhà hộ sinh nhỏ nhưng các anh con cũng chung cảnh ngộ thê lương tựa như thế này!?

Ở nhà hộ sinh X, cái chốt của chiếc gường gấp bị hỏng. Khi bác bước chân lên để nằm với Phim, hai nửa của giát gường bất ngờ gập lại. Phim chưa đầy 5 giờ tuổi, tí nữa bị kẹp dí như mẩu bánh mì trong máy nướng bánh Cucina.

Ở bệnh viện Y, bác sỹ khám cho bác Huyền (khi mang bầu But) ghi hẳn vào bệnh án: nghi bệnh…. Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam??? Nơi bác Huyền nằm chữa bệnh phải gọi chính xác là lò… mổ. Bác rất tiếc là đã bỏ lỡ cơ hội chụp một dãy phụ sản kiễng chân trên ghế nhựa, gếch mũi lên lỗ tò vò để… thở. Ngoài trời dông gió lạnh người. Bên trong Lò Mổ, hai chiếc quạt công nghiệp chạy 24/24 cũng đang muốn …chảy mỡ.
….
Bác phải cúi người để chụp những bức ảnh đầu tiên về con. Tư thế ấy hình như giúp bác bẻ gập và cất giấu đi những ẩn ức, đau đớn. Lúc ấy bố con đăm đắm nhìn con và thở dài một câu Kiều: Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Bác và bố con cùng lúc nhìn nhau thảng thốt như lần đầu chúng ta bàn luận truyện Thiên thần sám hối của nhà văn Tạ Duy Anh. Câu chuyện kể về một thai nhi đã chần chừ khi chưa muốn chui ra khỏi bụng mẹ ấm êm để sống kiếp người sau khi cảm nhận thấy bao câu chuyện đau đớn, nhiêu nhương trong bệnh viện.

Ngày 16 tháng 11 năm 2007

Con đã từ biệt cái bệnh viện ghẻ lạnh để trở về với ngôi nhà nhỏ bé thân thương của gia đình. Nhà con trên tầng 5 một khu tập thể cũ kỹ. Nhưng bác thấy nó dễ thương như cái tổ chim. Bác thích đến đó được nghe những câu hỏi thông minh của chị con, nghe tiếng cười hiền lành của mẹ con và nghe tiếng bố con rù rì bàn chuyện văn, chuyện đời. Mỗi lần như thế một con Kingkong thô kêch như bác lúc nào cũng ngỡ mình chỉ là một chú chim sâu tí hin.
Sau một lúc chuyện trò bằng ánh mắt với bác con lại thiếp đi trong một giấc ngủ bình yên, ngon lành. Bác lại chụp ảnh con. Lần này con không mím môi hay nhếch mép như hôm trong bệnh viện nữa.

Bác và bố con ra ban công hút thuốc, tán gẫu. Từ trên cao các chi tiết của đời sống dưới đường phố bị thu nhỏ kích cỡ nên có phần đáng yêu hơn một tẹo.

Đêm, Hà Nội dường như đã choàng khoác vẻ đẹp mơ mị. Hôm trước bác có xem bộ phim Quyền lực của bóng đêm được đạo diễn David L. Cunningham chuyển thể từ tiểu thuyết The Dark Is Rising của Susan Cooper. Phim diễn tả cuộc chiến cam go không khoan nhượng giữa ánh sáng và bóng tối. Cậu bé Will Stanlon phải dùng đến sáu bùa chú ẩn dấu sức mạnh của lửa, gỗ, đá, nước, kim loại và linh hồn mới chiến thắng được sự tàn huỷ thế giới của bóng đêm đen tối.

Khi đó bác chợt nhớ đến tên gọi của hai chị em con- Thiên Minh và Hà Anh. Thiên Minh là ánh sáng của Trời cao. Hà Anh- tên con là một áng mây đỏ. Cả hai ấp ủ ước nguyện của bố mẹ con về những nguồn ánh sáng tuyệt diệu của trời đất và tình người.

Nếu tên các con ghi trong giấy khai sinh đều là các từ ghép Hán- Việt giàu hình tượng, trừu tượng và đa nghĩa thì tên gọi ở nhà lại hoàn toàn ẩn giấu những thông tin khác biệt. Chị Thiên Minh được bố mẹ con gọi yêu là Lô. Còn chị Lô lại muốn mọi người đặt tên con là Mi.

Lô là viết tắt chữ đầu của Lobachevski, là nhà khoa học có tên được đặt cho con phố chạy qua trường đại học của bố con ở mãi tít bên Nga. Lobachevski là nhà toán học nổi tiếng của Nga thế kỷ 19, người đã tạo ra nền tảng của hình học Hyperbol phản biện lại thuyết hình học phẳng của Euclid. Chính Einstein đã dựa vào một số phát minh trong thuyết này của Lobachevski trong quá trình viết ra Thuyết tương đối Từ lớp học của bố con có thể nhìn ra đường Lobachevski.

Còn Mi là viết tắt từ chữ cái đầu của hai từ Mezdunarodnaija Informasia (khoa Báo chí quốc tế) thuộc trường đại học danh tiếng thế giới…. Ngày còn sinh viên, bố con khoái chí với không gian sống có văn học bên trong, toán học bên ngoài. Không gian đó tiếp tục được duy trì và mở rộng ảnh hưởng trong cuộc sống của gia đình con hôm nay. Một cuộc sống cần có cái “vỏ” ngoài khoa học, chắc chắn để ôm ấp, gìn giữ những cảm xúc, tình thương yêu…

Bác viết những dòng nhật ký này về con mà như tự an ủi, vỗ về. Thực ra người lớn chúng ta chán lắm, rắc rối lắm và nhiều mặc cảm lắm. Chúng ta kỳ vọng, gưỉ gắm vào từng tên gọi các con những điều mà chúng ta thiếu thốn, khao khát. Bên tai bác vẫn như văng vẳng lời của thai nhi, nhân vật của Thiên thần sám hối: Hãy biến mỗi khoảnh khắc sống thành hy vọng.

Hãy chiếu rọi vào những khoảng âm u trong đời sống chúng ta chút niềm tin, Mi ơi!

HN, 11- 2007, 11- 2009