Chuyện trẻ em đi vệ sinh ở xứ ta và xứ người

Tôi còn nhớ thời du học Ba Lan giữa những năm 1970, đi phiên dịch cho một bác cán bộ của ta. Chuyến đi công tác vòng quanh Ba lan, mất khoảng một tháng bằng ôtô. Phía bạn chuẩn bị khá kỹ cho lịch trình, từ cơ quan này sang cơ quan khác rất chặt chẽ. Đến cổng đã có người ôm hoa đứng đón và đưa thẳng vào phòng họp.

Lúc họp trông bác có vẻ căng thẳng, không tập trung vào cuộc gặp, có lúc vã cả mồ hôi. Sau vài lần thì tôi mới hiểu là bác đã cao tuổi nên có nhu cầu đi “nhẹ” thường xuyên. Vì thế mỗi lần gần tới chỗ mới, bao giờ tôi cũng đề nghị ôtô dừng lại một quán để tôi vào uống cafe…còn bác đi giải quyết “nỗi buồn”.

Thật ra, tại các sảnh của văn phòng hiện đại, gần phòng họp bao giờ cũng có toalet. Nhưng dân ta hay xấu hổ, chả lẽ vừa đến tay bắt mặt mừng lại chạy tọt vào nhà vệ sinh? Đó là nỗi lo không chỉ của trẻ thơ mà cả người lớn, từ nông dân đến quan chức, cả Tây lẫn ta, về một nhu cầu chính đáng và thuộc về “quyền làm người”.

Tôi thấy khách phương Tây rất tự nhiên. Nếu có nhu cầu, họ sẽ nói ngay là “muốn vào WC chút” và không ai cười chuyện ấy cả. Nhưng dân Á Đông ta lại lịch sự không đúng lúc nên cứ nhịn và vì thế mà buổi tiếp đãi trở thành cuộc tra tấn âm thầm. Tôi cứ nghĩ hoặc do nhà vệ sinh của dân ta trong quá khứ quá bẩn nên nhắc đến từ đó làm ta ngượng hoặc thời đi nhà trẻ bị cấm đi toalet thường xuyên nên lớn lên đã thành bệnh xấu hổ khi vào nhà vệ sinh.

Nhà tôi cũng có hai cháu gửi nhà trẻ. Mỗi lần gửi các cháu đến lớp, tôi đi xe máy đến văn phòng với bao nhiêu nỗi lo. Chuyện gì sẽ xảy ra với con mình đây? Chúng có đánh nhau không? Đôi lúc về tắm cho con thấy còn bàn tay người lớn phát còn vằn đỏ, ai không khỏi xót xa.

Mình vẫn tét vào mông chúng lúc cơn giận nổi lên, nhưng nếu người khác làm tương tự thì ta không thể chấp nhận được nhất là cô giáo. Nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là “tối qua cu Bin không ị, chỉ sợ hôm nay đến lớp đùn ra quần, cô giáo phạt”. Cháu còn bé quá, chưa biết kêu cô khi muốn đi tè. Các cháu vốn mải chơi, lúc gọi cô “con muốn” thì quần đã ướt sũng.

Bạn cứ tưởng tượng, một cô phụ trách 10-15 cháu, chỉ cần một buổi sáng có hai ba cháu có nhu cầu thì coi như buổi dậy các cháu hôm đó đi đứt. Không kể cứt đái ra bê bết, thối hoăng làm cả lớp tán loạn, các cô tức giận và mắng mỏ các cháu. Để giảm thiểu việc thiếu vệ sinh ấy cho mình, các cô nghĩ ra đủ kiểu từ dỗ dành các cháu đừng ị ở trường đến hình phạt mắng mỏ thô bạo và kể cả không cho phiếu bé ngoan nếu đái ra quần. Cô dọa và cháu sợ quá “cứ tự nhiên ra”, thành một cái vòng luẩn quẩn. Các cô nuôi dậy trẻ có quyền sinh sát với cả đứa trẻ lẫn bố mẹ chúng nên tha hồ ra oai.

Ảnh minh họa(diendantinhoc.com)

Lo con mình không biết nói, sợ chúng bị hành hạ, hầu hết bố mẹ đều theo giải pháp là “dĩ hòa vi quí”, muốn cô giáo yêu con mình hơn đứa khác là được. Thấy con bị đánh, phạt tường hay bị xỉ vả thì cách tốt nhất là hôm sau đưa cái phong bì nằng nặng, may ra cô có cười tươi hơn. Cô nhận phong bì rồi nhưng con ị đùn vẫn bị ăn đòn. Nếu bà mẹ đến trường làm cho ra nhẽ thì cho hoặc con nghỉ học hoặc chuyển trường khác.

Chuyện con tôi đi nhà trẻ ở Mỹ

Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo của ta hầu hết là nghèo nàn, chật chội, các cô nuôi dậy trẻ trình độ chưa cao và thu nhập thấp nên mới sinh ra lắm chuyện kể cả phong bì. Các cháu bĩnh ra quần vẫn xẩy ra trên lớp do “sợ phạt”.

Thay vì khuyên bảo một cách kiên trì, hầu hết các thầy cô và các bậc cha mẹ đều dọa nạt, thậm chí roi vọt… Đó là thói quen khó thay đổi được, trừ phi như bên Mỹ, nếu phát hiện bố mẹ hay cô giáo đánh trẻ con thì công an sẽ còng tay và đưa ra tòa.

Các bậc cha mẹ nên cố gắng rèn con đi toalet đúng giờ, tốt nhất là vào buổi tối. Đấy là lý tưởng vì cha mẹ tự chăm con mình thì vẫn tốt hơn. Việc đó không thể có ngay được mà là sự huấn luyện rất kiên trì ngay từ bé. Một cô giáo phải chăm 20 đứa trẻ thì không thể nào chu đáo được. Chỉ cần một đứa “bĩnh” làm cho cả lớp hôm đó mất vui. Cứ tưởng tượng ngày nào cũng có một bé hay hai bé có “vấn đề” lúc cả lớp đang hát hò vui vẻ.

Do điều kiện công tác nước ngoài, hai đứa cháu nhà tôi hiện đang học nhà trẻ bên Mỹ. Thú thực gửi cháu đi tôi rất lo. Chỉ sợ cháu đùn ra quần thì xấu hổ lắm. Tuy nhiên, cô giáo ở đây rất chu đáo. Cứ khoảng một tiếng đến một tiếng rưỡi, tùy lứa tuổi, các cô nhắc các cháu xếp hàng đi vệ sinh. Cô còn hỏi cháu nào có nhu cầu đi nặng. Cháu bé nhà tôi mới sang nên không biết tiếng Anh. Cô giáo còn hỏi là khi cháu có nhu cầu thì nói như thế nào. Tôi tả cho cô giáo hành động và thái độ của cháu khi đó, chẳng hạn cu Bin thì chạy cuống lên và kêu “ị rồi, ị rồi”. Tôi lo lắng bảo cô sợ nhất là cháu đi nặng. Cô cười rất niềm nở:”Tôi sẽ lo cho cháu, anh đừng ngại”. Tôi hỏi đi hỏi lại nhưng cô vẫn nói là OK mà.

Có lần cháu cũng bị sự cố. Tôi giở ba lô thì thấy quần áo bẩn đã được gói trong túi ni lông rất kỹ và một mẩu giấy viết tay của cô giáo “Xin lỗi, hôm nay chúng tôi đã sơ ý nên bị bẩn ra quần. Hy vọng gia đình sẽ thông cảm. Tôi đã nhắc cháu nếu có nhu cầu thì phải nói ngay”.

Có lẽ thói quen không dám “đòi ị” đã ăn sâu vào tiềm thức từ thời gian cháu đi nhà trẻ ở Hà nội. Nhận được tờ giấy nhỏ đó, chúng tôi hiểu là cần huấn luyện cho cháu đi đúng giờ ở nhà và cách cháu thể hiện nhu cầu cho cô biết. Hai năm các cháu đi học, tôi chưa bao giờ thấy ai dám dọa trẻ đi mẫu giáo không được “ị” ở trường.

Hồi ở Việt Nam, mẹ cháu cũng thích đưa phong bì để con nhà mình được ưu ái hơn nếu xảy ra “sự cố”. Thật ra, đưa phong bì cũng là một hành động tiếp tay cho cô giáo “nặng tay” với đứa trẻ khác ít tiền hơn, có sự phân biệt đối xử ngay trong một lớp. Nhưng không đưa phong bì thì không yên tâm chút nào.

Giải pháp nào ?

Bây giờ nếu tôi bàn nên bỏ chuyện phong bì, bạn đọc sẽ chê tôi đang ở bên Mỹ nên nói thế nào cũng được. Thôi ta cứ đợi ông Bộ trưởng Bộ GD và ĐT giải quyết dứt điểm chuyện đó. Còn chuyện phong bì sẽ còn tồn tại lâu lâu. Hội phụ huynh nên thống nhất cách đưa tiền đóng góp của phụ huynh thế nào một cách minh bạch để giúp nhà trường và lớp giải quyết các khó khăn trước mắt và thêm thu nhập cho các cô giáo một cách thỏa đáng. Nếu các bậc cha mẹ vẫn tiếp tục đi đêm bằng phong bì vẫn không tránh được con ị đùn bị ăn đòn.

Còn với các cô giáo trường mầm non hay nuôi dậy trẻ thì có lẽ tôi không cần nhắc lại. Họ đã học rất kỹ và đã từng thề nguyện yêu nghề “vì tương lai con em chúng ta”. Chỉ có điều ra công tác, với thực tế của cuộc sống và chuyện phong bì có thể làm một số người mất hết lương tâm nghề nghiệp “trồng người”. Mong các cô hiểu cho, quyền được đi nhà vệ sinh lúc có nhu cầu là một quyền rất cơ bản của đứa trẻ và bất kỳ ai.

Việc các cô mắng mỏ, dọa nạt các em nhỏ vì vệ sinh không đúng lúc là hành động không thể tha thứ được. Các bậc cha mẹ ai cũng muốn các cháu bé “đi” ở nhà họ nhưng ai mà biết được điều gì với con trẻ. Đó là nhu cầu bất thường và không kiểm soát được.

Vì thế, các cô hãy coi đó là phần trách nhiệm của mình trong thời gian ở trường. Chính bản thân các cô cũng có con cái và sẽ gửi chúng đến trường. Nếu bản thân mình không có lương tâm với con người thì đừng mong người khác yêu con mình. Các cô nên hiểu các cháu không có lỗi mà chỉ có người lớn chúng ta có lỗi.

Việc thường xuyên hỏi xem cháu nào có nhu cầu “nặng” cũng giúp bản thân cô đỡ bị mệt hơn là dọa cho cháu sợ quá “tè ra quần”. Thấy cháu nào không may bĩnh ra lớp thì cô cũng chỉ cần giúp cháu thay quần áo, cho vào túi nilong, gửi mẩu giấy về cho bố mẹ nói nhẹ nhàng “Hôm nay tôi không để ý nên cháu bị sự cố. Mong gia đình thông cảm”. Tôi dám chắc tất cả các bố mẹ hẳn sẽ cố lo cho con mình và dậy chúng đi ở nhà vì thật ra họ rất thông cảm với các cô.

Nếu cứ tiếp tục dọa nạt và phạt các cháu về những chuyện tưởng như nhỏ kia những đứa trẻ kia lớn lên sẽ nghĩ gì về nền giáo dục đất nước. Ra đời, họ nhìn thấy ngang trái cũng không dám lên tiếng và phải xấu hổ với cả chuyện đi nhà vệ sinh.

Chúng ta đang giáo dục thế hệ trẻ để bước vào Toàn cầu hóa. Muốn thế hệ tương lai hội nhập, hãy cho dậy cho các cháu lòng tự tin kể cả việc muốn đi vệ sinh khi có nhu cầu. Có lẽ nào, khi trưởng thành rồi mà cứ phải âm thầm “nhịn” những nhu cầu đòi hỏi rất con người như bác cán bộ trên phải toát mồ hôi trong hội họp quốc tế.

Hiệu Minh

Theo Blog Hiệu Minh

HNX:  Không biết tình trạng nhà vệ sinh ở các trường học mấy năm nay có chuyển biến gì không nhỉ? Vì nếu nhà vệ sinh vẫn bẩn thì các em dẫu muốn, dẫu “buồn lắm” cũng không dám đi.

Chúng tôi sợ tai nạn giao thông lắm!

Xe cảnh sát cũng gây tai nạn giao thông. Ảnh Tư liệu


Chúng tôi vô cùng sợ tai nạn giao thông! Mỗi sáng chúng tôi đi làm, con cái chúng tôi đi học là mỗi lần tim tôi lo lắng, nỗi lo tai nạn giao thông rình rập khắp nơi.

Ngay trước của nhà khi con cái chúng tôi đi xuống đường mà dọc đường ô tô đậu đầy không nhìn rõ đường.

Buổi trưa tan học về, chúng không thể đi lên vỉa hè, đi vào nhà vì vỉa hè bị chiếm dụng làm chỗ ăn uống xô bồ, lộn xộn trên một tuyến phố ngay giũa Trung tâm Thủ đô là phố Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm.

Chỉ có các quan chức là vô tư, hồn nhiên trước tình cảnh Tai nạn giao thông làm chết người nhiều hơn cả chiến tranh, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp mọi miền đất nước.

Thiên tai địch hoạ như bão lụt, lũ quét, sóng to gió cả giữa biển khơi v.v… ghê gớm thế mà hàng năm cũng chỉ lấy đi khoảng 500 tính mạng con người, bằng một nửa  số người mất đi do TNGT hàng tháng trên mặt đất, mà đài báo đã ầm ĩ lên.

Không thể đổ cho nhân dân thiếu ý thức tôn trọng luật lệ giao thông. Dân thiếu ý thúc là tất nhiên rồi. Có thế người dân chúng tôi mới mất tiền thuế nuôi một bộ máy hàng bao nhiêu cán bộ, để họ duy trì trật tự, kỷ cương chứ.

Những người tôn trọng trật tự, kỷ cương không thể tự đánh nhau với những người vô ý thức được.

Công an và các bộ phận chức năng trong Chính quyền phải giải quyết, giữ trật tự, xử lý những người vô ý thức. Song họ vô tư quên nhiệm vụ của mình. Làm thì qua loa chiếu lệ, đánh trống bỏ dùi nên TNGT không những không giảm mà ngày càng tăng.

Báo Lao Động hãy đại diện cho chúng tôi, hỏi giùm chúng tôi các vị có trọng trách … xem các vị ấy suy nghĩ thế nào và có ý định làm gì để giảm TNGT giúp dân không ?

Bạn Nguyễn Hồng Phương

Các ý kiến đóng góp khác:

hoang anh
Chúng tôi cũng sợ tai nạn giao thông lắm

Chúng tôi cũng sợ tai nạn giao thông lắm. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi không khỏi xót xa thương cảm cho các nạn nhân của tai nạn giao thông và không khỏi lo sợ cho chính mình, cho con mình và những người thân của mình.

Chúng tôi muốn kêu gọi mọi người hãy tham gia giao thông thật cẩn thận, nhất là những tài xế lái xe tải, xe buýt, xe container. Hãy vì sự an toàn cho mình và cho mọi người mà đi thật cẩn thận.

Tue
Giao thông ở ta khiếp thật!

Hàng ngày chúng tôi đi làm phải trải qua một quãng đường vài chục km, mặc dầu được xe ôtô đưa đón, nhưng chứng kiến cảnh tai nạn xảy ra không ít.

Thật sự mà nói, buổi tối trước lúc lên giường ngủ thì mới biết là ngày đó mình không có sự cố về giao thông! Thật khủng khiếp!

nguyễn hữu cường

Nguyên nhân ra đường thiếu an toàn
Mỗi ngày giao thông Việt Nam cướp đi ko biết bao nhiêu mạng người. Cái đấy trong chúng ta không ai là ko biết.

Có thể nói đó là 1 trong những nguyên nhân trực tiếp và cơ bản mà rất nhiều người không dám ra đường hay không cho con em là học sinh một mình tham gia giao thông, bởi ko ai biết 5′ sau 10′ sau họ đã ko còn nữa.

Vậy nguyên nhân là do đâu? Theo ý kiến chủ quan của tôi:

Thứ nhất: cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta quá kém. Thiếu thốn trầm trọng trong khi tỉ lệ người dân tham gia giao thông tăng rất nhanh. Theo báo cáo, số phương tiện giao thông của nứơc ta tăng nhanh nhất trong khu vực châu Á. Cụ thể là xe máy, trong khi thỉnh thoảng tối mới nghe trên các phương tiện là nước ta, thành phố này kia đang khởi công xây dựng hay nâng cấp tuyến đường mới và có lẽ 10 năm nữa sẽ bắt đầu triển khai.

Thứ 2: do bộ Giao thông quá thiếu quan tâm đến tình hình giao thông công cộng. Gì mà  có hiện tượng công an đứng đầy đường, tắc ngay trước mặt không có phản ứng gì tích cực nhưng ai không đội mũ bảo hiểm là xơi ngay.

Một  đoạn đường nào bị hỏng, chắn đường tầm 1 tháng. rồi đổ nhựa cho cao hơn hẳn 5cm. Tôi ko biết bao giờ nó sẽ lún xuống bằng đường cũ nhưng đi lại thấy khó khăn hơn là cái đầu tiên.

Thứ 3 là do ý thức chấp hành của người dân.”Sao vượt đèn đỏ?” – “Em quen rồi, mà  em không vượt, thằng đằng sau nó đâm cho. Không tiến cũng phải tiến”.

Thứ 4: do ý thức của cơ quan điều hành. Dân nói à, nghe thấy rồi. Cấp trên nói à: quen rồi. Và thế là kệ. Chỉ khổ chúng ta!!!

Nói như vậy. Có thể do bùng phát giao thông, quá nhiều phương tiện và con người cùng lưu hành thì cũng khó cho các vị ấy. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận như vậy được.

Phải có ai cơ quan nào chịu đứng ra. Kiên quyết thì may ra đến thế hệ con cháu chúng ta mới đuợc an toàn mà đi học.

PHẠM N CHÍNH
Tình trạng giao thông

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của bạn Hồng Phương. Người dân có quyền phê phán, chỉ trích và yêu cầu các “công bộc”, các cơ quan nhà nước phải làm tốt trách nhiệm của mình được giao, chứ không phải những việc vừa qua như vụ Vedan, rồi tình trạng ngộ độc thực phẩm và tình trạng giao thông khủng khiếp như hiện nay.

Để xảy ra là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm thì họ phải đứng ra xin lỗi, nhận khuyến điểm…hoặc có thể phải từ chức nếu quá nghiêm trọng. Vì người dân đã phải đóng thuế để trả lương cho họ.

Lê Đức

Đề nghị các cơ quan cho trưng các khẩu ngữ mạnh (như ta đã in trên vỏ bao thuốc lá) để răn như: – Vượt đèn đỏ là “vô học” (lắp đặt tại các nơi có đèn tín hiệu GT) – Đi nghược chiều là “người thiếu giáo dục” (lắp tại các đường một chiều) – vv … Vì có đến 30% số người biết sai nhưng vẫn thực hiện hành vi sai trái (cả già lẫn trẻ)..

Theo LĐO

Nguy cơ ngộ độc: Cốm Vòng ‘được’ phun phẩm màu và chất tạo ngọt

Để tạo vị ngọt và màu xanh đặc trưng, các cơ sở sản xuất cốm đã phun phẩm màu công nghiệp và chất tạo độ ngọt có khả năng gây ung thư, tổn thương gan, thận cho người sử dụng.

Ít ai biết rằng, màu xanh của cốm và vị ngọt lại được tạo ra bằng những thứ nước đựng trong chai, lọ, hay các gói bột hoá học không rõ nguồn gốc.

Nghề làm cốm thủ công chân truyền ngày xưa đang có nguy cơ bị mai một và thay vào đó là những mẻ cốm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang được bán rộng rãi ở khắp Hà Nội.

Chúng tôi về làng Vòng. Vào sâu trong làng, tìm đến một gia đình làm cốm là hộ chị Dung. Chị Dung đi vắng, con gái chị cho biết, chị đã mang cốm lên chợ Hàng Da bán từ sáng sớm.

Trong sân nhà chị vẫn ngổn ngang các bát nhựa đựng phẩm màu đã khô két, một chiếc chổi lúa nhỏ cũng được nhuộm màu xanh và các gói bột trắng, viên nhỏ như viên thuốc được đựng trong một chiếc hộp nhựa.

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua cốm để gửi cho họ hàng ở nước ngoài, cô bé hẹn trưa quay lại gặp bố mẹ. Rót thứ nước đặc màu xanh cổ vịt ra chiếc bát nhựa, tôi thử nhúng ngón tay vào, lập tức cả ngón tay bị nhuộm thành màu xanh đậm.

Vòng sang làng Mễ Trì Hạ, chúng tôi được giới thiệu đến nhà chị Hiền. Chị Hiền hồ hởi lấy trong tủ lạnh ra một bọc cốm đựng trong túi nilon mời chúng tôi ăn thử.

Ngỏ ý muốn mua một kilôgam cốm không có phẩm, tôi được chị giới thiệu: “Đấy gọi là cốm mộc. Muốn ăn cốm ấy thì phải đặt trước, sáng mai quay lại lấy vì chồng chị đang đi mua thóc bên Bắc Ninh về, chiều mới làm”.

Phía trong sân sau nhà chị đang phơi một chiếc chiếu bốn rìa loang lổ phẩm màu. Chị cho biết, đây là chiếc chiếu để đựng cốm sau khi sàng, sẩy và hồ xong.

Theo chị, để có được 1kg cốm cần 3kg thóc tươi. Khác với chiếc chổi lúa dùng để vẩy phẩm vào cốm ở nhà chị Dung, chị Hiền có hẳn một bình phun để phun phẩm cho đều.

Nếm thử một chút cốm trong bọc nilon thấy có vị ngọt lợ, chị H. vội vàng giải thích: “Nhà chị không cho đường hoá học vào cốm, chỉ cho phẩm thôi, còn bọc cốm này là bán hộ nhà hàng xóm. Chưa có ai ăn cốm nhuộm phẩm bị ngộ độc đâu, em cứ yên tâm. Chứ gửi biếu mà dùng cốm mộc thì không đẹp mắt”.

Chị giải thích, cốm mộc màu rất xấu, trắng bạc. Nếu để nguyên màu cốm như vậy thì không bán được nên hầu hết các hộ trong làng Mễ Trì đều dùng phẩm để nhuộm.

Phẩm màu được mua lại của những người làm kem, làm bánh cốm và mua trên phố Hàng Buồm. Và theo chị Hiền, đã nhiều năm nay, cốm được phun phẩm tạo màu xanh.

Chúng tôi tìm đến một vài hộ làm cốm khác ở Mễ Trì. Nỗi thất vọng về cốm lớn dần khi nhà nào chúng tôi đến cũng có chung công thức nhuộm phẩm màu từ những chai, những gói phẩm, đường hoá học không có nhãn mác, ngày sản xuất, liều lượng.

Theo những người làm cốm ở đây, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy thỉnh thoảng vẫn cử người xuống kiểm tra ATVSTP trong chế biến cốm nhưng người dân làm cốm ở đây vẫn hoàn toàn tự phát. Đến mùa cốm thì làm, hết mùa lại nghỉ.

Nghề làm cốm chỉ như một nghề tay trái. Trung bình mỗi nhà khi vào mùa cốm thường làm được 5-7kg cốm/ngày. Ở làng Mễ Trì, có tới 50% hộ làm cốm. Hằng ngày, hàng chục thúng cốm vẫn được đưa đi bán khắp các phố phường Hà Nội. Người mua không thể phát hiện được cốm đã bị nhuộm phẩm màu và đường hoá học.

Cũng chẳng ai biết rằng, nếu ăn cốm nhuộm phẩm, tẩm đường hoá học không rõ nguồn gốc ấy thì sức khoẻ của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu, bởi chưa có một kết quả kiểm tra, đánh giá nào từ phía các cơ quan chức năng về việc nhuộm phẩm vào cốm.

Rời làng Mễ Trì với hai gói phẩm màu và mấy viên thuốc dùng để nhuộm cốm, chúng tôi đến gặp kỹ sư Trần Cẩm Tú, Cửa hàng trưởng Cửa hàng phụ gia thực phẩm an toàn (Hội Khoa học An toàn thực phẩm Việt Nam).

Bà Tú cho biết, không thể xác định được các loại hoá chất này. Trong danh sách các loại chất phụ gia thực phẩm được bán ở cửa hàng không hề có loại nào tương tự như vậy.

Bà Tú cũng cho biết thêm, ngay cả với các loại chất phụ gia được phép sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm cũng phải dùng với liều lượng quy định chứ không thể dùng bừa bãi.

Theo một người bán chất phụ gia thực phẩm ở phố Hàng Buồm, mấy viên dạng viên thuốc màu trắng là một chất tạo độ dẻo thường được nhiều người cho vào bánh cốm. Như vậy, với những viên thuốc này, hoàn toàn có thể “phù phép” những mẻ cốm làm bằng thóc già, cứng trở nên mềm dẻo.

Sớm hôm, tiếng chày giã cốm vẫn vang lên thậm thịnh khắp các đường làng, ngõ xóm ở làng Vòng và làng Mễ Trì, những tiếng chày đã được động cơ hoá. Đã vào cuối mùa cốm, cả làng Vòng chỉ còn dăm ba nhà cố làm nốt những mẻ cốm cuối cùng trước khi thóc già, không thể giã cốm. Nhưng ngay cả khi mùa cốm mới bắt đầu, làng Vòng cũng chỉ còn mươi nhà theo nghề làm cốm.

Số còn lại, nhanh nhạy hơn với cơ chế thị trường, họ mua cốm từ làng Mễ Trì về bán cho khách với thương hiệu cốm làng Vòng. Chị Nguyễn Thị Loan, một người làm cốm ở xóm 3, Mễ Trì cho chúng tôi biết, gia đình chị thường xuyên làm cốm để bán buôn cho các gia đình bán cốm ở làng Vòng.

Không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều hộ khác trong làng Mễ Trì cũng phải bán lại cốm cho khách ở làng Vòng: “Khách mua cốm thường chuộng cốm Vòng. Làng Mễ Trì phát triển nghề làm cốm sau nên muốn bán được thường phải mượn danh cốm Vòng để bán”.

Từ làng Vòng, cốm chính thức được bán đi khắp nơi. Từ những gánh hàng rong đến TP HCM, theo chân khách du lịch…

Dường như không còn là nếp cái hoa vàng của cánh đồng làng Vòng. Để phục vụ đủ cho nhu cầu của khách, thóc nếp được thu mua khắp nơi. Chẳng ai dám chắc những gói cốm nhuộm phẩm và đường hoá học ấy sẽ mang lại hậu quả gì cho sức khoẻ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nhiều người làm cốm đã công khai sử dụng các chất hoá học để chế biến cốm mà không có cơ quan chức năng nào thẩm định.

Theo kỹ sư Trần Cẩm Tú, Cửa hàng trưởng Cửa hàng tư vấn cung ứng phụ gia an toàn của Hội Khoa học An toàn thực phẩm Việt Nam – 144 Nguyễn Khuyến, Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 11 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm, tuy nhiên số cửa hàng bán phẩm màu an toàn thì đếm chưa hết đầu ngón tay.

Điều nguy hại là phẩm màu ngoài danh mục cho phép với những dư lượng kim loại nặng tồn đọng có thể gây hậu quả di truyền, biến dị xấu về gen cho những thế hệ sau. Nếu ăn phải thực phẩm có phẩm màu công nghiệp có thể gây độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng.

Theo CAND

“Cháu muốn làm hot girl!”

Mai sau cháu ước làm gì? Cô cháu gái tôi hồn nhiên trả lời: “Cháu muốn làm hot girl. Hot girl hay được lên báo”. Nó không hiểu hot girl đâu phải là một nghề mà chỉ là từ do giới truyền thông tạo ra và nhồi nhét vào đầu lũ trẻ.

Thích làm… người trên báo

Nếu như dăm bảy năm về trước, mỗi học sinh, nhất là học sinh tiểu học đều có một ước mơ: hoặc làm giáo viên, hoặc làm bác sĩ, cao xa hơn thì mơ làm phi công, làm nhà khoa học… thì một vài năm trở lại đây, khi người ta đổ xô đi làm báo tuổi teen, thay đổi đến chóng mặt về nội dung cũng như hình thức của các tờ báo thì một xu hướng mới trong các em nhỏ đã ra đời. Giờ đây, những ước mơ trở thành diễn viên, ca sĩ, MC hay bất cứ thứ gì dễ được lên báo và nổi tiếng đang là xu hướng phổ biến.



Các em đang bắt chước các “thần tượng” với những giá trị ảo, phù phiếm

Cô cháu gái tôi là một ví dụ. Mới chỉ 11 tuổi nhưng cô bé đã thích làm đỏm và đặc biệt thích đọc các mục giải trí trên các báo. Thần tượng của cô bé là Vân Navy, Miss Audition, một cô gái 9x lúc nào cũng nổi bật bằng cách ăn mặc khác người. Nhưng khi tôi hỏi, Vân Navy làm gì thì cháu gái tôi không trả lời được. “Cháu thấy chị ấy có đóng phim, có đi hát hay sao ấy. Nhưng nghề chính hình như là hotgirl vì cháu thấy trên các báo đều nói vậy”!

Không xem bất cứ bộ phim nào cô hotgirl này đóng, cũng không biết cô gái đó nổi tiếng với bài hát gì nhưng cháu gái tôi vẫn một mực cho rằng cô nàng này rất giỏi. Bằng chứng là nhất cử nhất động của cô, từ việc tự chụp ảnh ở trường quay, tới việc đi làm ở một chỗ nào đó cũng được đưa lên mặt báo. Đã thế còn được rất nhiều người hâm mộ, khen cô nàng này xinh, dễ thương…

Trường hợp cháu gái tôi không phải là ngoại lệ. Có khá nhiều em nhỏ, chỉ ở độ tuổi thiếu niên thôi cũng đang quay cuồng trong cái vòng lốc của những hotgirl, hotboy. Mới chục tuổi đã thích làm tóc xoăn, nhuộm tóc đỏ, thích vẽ móng, quần sooc, áo hai dây… Với lũ trẻ, những cô nàng xinh xinh trên báo sẽ trở thành thần tượng và hình mẫu.

Với những hình mẫu ấy thì xem ra lũ trẻ không cần học nhiều mà chỉ cần kịp mốt hoặc có thêm một chút tài lẻ. Chưa bao giờ các lớp học hát, học múa, học MC… lại rầm rộ và đông vui như bây giờ. Cũng chưa bao giờ có nhiều cuộc thi tổ chức dành cho tuổi teen như hiện nay: thi nữ sinh thanh lịch, thi MC, thi diễn viên, thi tiếng hát này tiếng hát nọ, thi ảnh đẹp…

Nhưng các cuộc thi về kiến thức thì lại quá ít và nếu có thì cũng không mấy người tham gia. Trong khi đó các em lăn xả vào các cuộc thi mang tính “nghệ thuật”, các em ra sức phô bày khả năng nhảy nhót hát ca hoặc tạo dáng trước máy ảnh… chỉ với mục đích duy nhất: để nổi tiếng. Nhưng cái giá cho việc ý thức về sự nổi tiếng quá sớm ấy là một lỗ hổng tri thức đang ngày một lớn dần.

Dẫn… chệch đường

Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi chúng ta đều được bố mẹ trang bị cho câu nói của Lê nin: “Học, học nữa, học mãi”. Ngoài trường học, trẻ em còn có thể học ở rất nhiều nơi. Trong sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, báo chí trở thành một kênh học tập của các em nhỏ.

Khi khẳng định một điều gì đó, rất nhiều em nhỏ nói thêm rằng “báo nói vậy”. Điều đó có nghĩa là với các em, báo chí là một người dẫn đường, người định hướng.

Nhưng hiện nay, báo chí đang định hướng cho các em những gì?

Một người bạn kết thúc tuổi học trò cách đây 5 năm không nén được tiếng thở dài khi cầm trên tay tờ báo một thời đã trở thành sách gối đầu giường của cậu. “Ngày xưa nó là tờ báo để học, học cách sống, học cách viết và học cả nhiều tri thức mà sách giáo khoa không có. Nhưng bây giờ nó trở thành tớ báo để xem, để giải trí”.

Hình như một số tờ báo bây giờ sợ các em học nhiều quá, ngộp thở nên ra sức kiếm tìm cho các em những thông tin giải trí. Vì thế mà với độc giả của những tờ báo này việc đọc vanh vách tiểu sử của một ca sĩ còn dễ dàng hơn là học thuộc một bài thơ hoặc là đọc tên các ngôi sao nước ngoài  nhoay nhoáy nhưng điểm tiếng Anh vẫn lẹt đẹt.

Trước kia những tờ báo dành riêng cho các em như Hoa học trò, Mực tím, Thiếu niên tiền phong là cả một thế giới kiến thức được truyền tải một cách khéo léo và linh hoạt. Những truyện ngắn, những bài thơ của chính các độc giả sáng tác giúp các em nhận ra tài năng của mình. Những ô chữ, những câu đố vui luôn là một thách thức thú vị dành cho các em. Nhưng giờ đây, thơ văn bị coi như cái gì đó “sến” quá, những câu đố, ô chữ cũng bị bỏ đi một cách không thương tiếc.

Với những tờ báo được coi là đặc trưng cho lứa tuổi học trò  như Hoa Học trò, Mực tím hoặc mới hơn là Kênh 14.vn, phải tới 80% tin tức là giải trí. Thậm chí có nhiều ngày, 100% tin tức trên kênh 14.vn không liên quan một chút nào tới học hành.

Mục Học đường trên tờ báo điện tử này là chuyên mục mới, mỗi ngày chỉ lèo tèo 2,3 bài trong khi các mục khác phải tới 6,7 thậm chí cả chục bài. Song hầu hết những tin tức về học đường của các báo này đều chỉ là những thông tin xung quanh vấn đề trường lớp chứ không hàm chứa kiến thức trong đó. Thậm chí đến một tờ báo dành riêng cho tuổi nhỏ cũng bị cơn bão “giải trí” thao túng.

Tôi vẫn còn nhớ có lần khi cầm tờ báo Thiếu niên tiền phong trên tay, lật trang giữa thấy ngay một bài đinh, hai mặt giới thiệu về cô ca sĩ đa tài Ngô Thanh Vân hát hay, làm người mẫu giỏi, đóng phim hay nhưng tuyệt nhiên không nói Ngô Thanh Vân phát triển sự nghiệp từ một nền tảng tri thức bền vững… Ít nhất thì như thế các em mới nhận ra rằng, muốn làm diễn viên, ca sĩ, hay làm bất cứ thứ gì cũng phải bắt đầu từ việc học.

Việc các em nhỏ thần tượng một cá nhân nào đó, việc các báo đài ngợi ca một tài năng đều không có gì đáng phàn nàn. Nhưng với trẻ em, việc định hình một tấm gương, một hình mẫu có ảnh hưởng rất nhiều tới sự định hướng cho cuộc sống sau này. Trong khi đó, ngày lại ngày một số sản phẩm truyền thông liên tục nhồi vào nhận thức của các em những lời ca ngợi về mấy cô gái, chàng trai lúc nào cũng mặt hoa da phấn, lúc nào cũng đồ hiệu nọ, sản phẩm kia. Như thế liệu có khiến các em sai đường?

Theo Nguyễn Ngọc Bích – Sức Khỏe Và Đời Sống

*Hà Nội Xanh đã thay đổi tiêu đề bài viết

DecorXanh: Biến tạp chí cũ thành “đồ độc”!

Bạn đang tìm một chiếc bàn nhỏ cho bộ loa? Hay một cái đôn để đặt chậu cây? Cùng DecorXanh thử một ý tưởng chúng mình vừa sưu tầm được nhé!

20080824-dsc_0009

Tất cả những gì bạn cần chỉ là một vài tờ tạp chí cũ, nhưng phải cùng kích cỡ nhé.

Cách làm đơn giản thế này thôi:

Bắt đầu từ giữa quyển tạp chí, bạn lấy khoảng 10 trang bẻ cong sang phải và nhét vào khe giữa, rồi lại 10 trang sang trái … tiếp tục như vậy cho đến hết cả quyển.

20080824-dsc_0021

Với các quyển tạp chí khác bạn cũng làm như vậy. Sau đó bạn xếp những quyển tạp chí đã được „bẻ cong“ này lại sao cho tạo thành một hình trụ và dùng ghim cố định chúng với nhau.

20080824-dsc_0024

Thế là xong rồi! Cái loa này tương đối nặng đấy, vậy mà cũng đứng được vững vàng trên chiếc đôn này nhé 😉

20080824-dsc_0014

Tất nhiên dùng bao nhiêu quyển tạp chí cho một cái đôn như vậy còn tùy thuộc vào độ dày của tạp chí, độ dày/mỏng của giấy cũng như khối lượng của đồ vật mà bạn muốn đặt lên nó 🙂

Cũng theo cách này, bạn còn có thể làm được nhiều thứ hay ho khác:

magvert2081808

bookshelf081808

Rất đơn giản và độc đáo phải không các bạn? Chúc các bạn thành công 🙂