HN: Khu dân cư 5 năm sống chung với… ghẻ nước

Chuyển đến khu tái định cư để Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) xây khu The Manor, gần 5 năm nay, người dân khu tái định cư Đồng Me (Hà Nội) không biết nước sạch là gì. Còn hầu hết trẻ con trong khu đều mắc bệnh ghẻ nước.

Tất cả các hộ trong khu tái định cư này đều phải xây bể lọc nước vì không có nước sạch, và phải dùng nước giếng khoan. Nhưng các bể lọc nước này đều màu vàng khè, nước trong bể nổi váng do nguồn nước ở đây quá ô nhiễm. Bể lọc nước nhà anh Hòa (một người dân tại đây) mới dọn rửa được một tuần nhưng đã ố vàng như từ mấy tháng nay không được thau rửa.

Bể lọc nước mới được thau rửa 1 tuần đã có màu vàng khè. Ảnh: Thanh niên

Không chỉ có màu vàng đục một cách đáng sợ, nguồn nước giếng khoan của những người dân ở đây còn có mùi tanh rất khó ngửi, kể cả khi lọc rồi vẫn không hết mùi. Anh Hòa rót cho tôi một cốc nước, nước có màu đục, bên dưới toàn cặn và có mùi tanh nồng. Anh Hòa giải thích: “Lọc thế nhưng khi nấu sôi để một lát thì lắng đầy cặn bên dưới, còn nếu pha chè thì nước chè đen kịt lại”.

Nước bị ô nhiễm là thế nhưng những người dân ở đây hàng ngày vẫn phải dùng để sinh hoạt. Nhà nào có điều kiện thì mua nước bình về uống và nấu cơm. Còn nhà nào khó khăn thì vẫn phải dùng nước này để ăn uống. Nhưng có khá giả thì cũng chỉ dám mua nước bình về để nấu ăn, tắm thì hơn 100 hộ dân ở đây cũng vẫn phải ’’nhắm mắt cho qua’’.

Người lớn đã đành phải chịu nhưng trẻ con thì khác. Tại khu dân cư này, trẻ con đứa nào đứa nấy đều bị mẩn ngứa khắp người thường xuyên. Có những đứa ngứa quá gãi nhiều nên thành ghẻ, lở loét khắp người. “Người bọn trẻ cứ quanh năm thế này đây, không tắm thì ghẻ do bẩn mà tắm thì ghẻ do nước”, chị Liên (một người dân ở đây) vừa than phiền vừa vạch áo con chị cho chúng tôi xem. Trên người những đứa trẻ trong khu, vết sẹo cũ chưa hết thì đã xuất hiện những đám mẩn ngứa mới.

Khi vận động người dân di dời khỏi khu vực đất ở của mình (hiện là khu đô thị The Manor) để đến khu tái định cư Đồng Me, chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) hứa hẹn sẽ nhanh chóng hoàn thành cơ sở hạ tầng cho khu dân cư này. Tuy nhiên đã gần 5 năm nay mà chủ đầu tư vẫn “im hơi lặng tiếng”. Đã nhiều lần những người dân trong khu tái định cư Đồng Me kiến nghị, yêu cầu Sudico thực hiện lời hứa của mình, nhưng lần nào chủ đầu tư cũng phớt lờ yêu cầu đó của người dân. Và cũng 5 năm, những hộ dân này vẫn phải sinh hoạt bằng nguồn nước ô nhiễm và những đứa trẻ mỗi ngày lại thêm những vết sẹo mới trên người do ghẻ nước.

Không chỉ thiếu nước sạch, các hộ dân ở đây còn phải sống chung với tình trạng thiếu điện do phải mắc điện nhờ của hợp tác xã Mễ Trì. Chờ đợi mãi chủ đầu tư vẫn không mắc điện cho, các hộ trong khu tái định cư đành phải tự bỏ tiền ra mắc nhờ điện của hợp tác xã Mễ Trì. Do vậy, những người ở trong khu tái định cư Đồng Me phải dùng điện với giá 2.500 đồng một số.

Khi chúng tôi đến, mới khoảng 3 giờ chiều nhưng những người dân trong khu tái định cư đã í ới gọi nhau đi cắm cơm. Chị Liên cho biết: “Ở đây toàn mất điện vào giờ cao điểm, không nấu sớm thì điện đâu mà cắm cơm. Hơn nữa, không ăn cơm sớm thì lát nữa lại phải ăn cơm trong bóng tối thôi”

Theo Vietnamnet

TPHCM và Hà Nội: Tỷ lệ thất thoát nước sạch cao nhất nước

SGGP). – Ngày 19-6, tại TPHCM, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức hội nghị chuyên đề “Kinh nghiệm và thực tiễn trong công tác giảm nước không doanh thu” nhằm thảo luận về các giải pháp hạn chế thất thoát nước sạch hiện nay.

Theo Chủ tịch VWSA Nguyễn Tôn, TPHCM và Hà Nội là 2 TP lớn cung cấp nước sạch chiếm gần phân nửa sản lượng nước sạch của cả nước. Riêng TPHCM, sản lượng nước sạch cung cấp cho người dân chiếm đến 1/3 tổng sản lượng nước sạch cung cấp cả nước với hệ thống đường ống cấp nước dài hơn 3.350 km, lượng nước sạch cung cấp đạt 1.246.000m³/ngày đêm.

Hiện nay cả TPHCM và Hà Nội đều có mức thất thoát nước sạch trên 40%, cao nhất cả nước, trong khi sản lượng thất thoát nước sạch của cả nước chỉ khoảng 33%. Ông Tôn cho rằng, trên thế giới, các nước tiên tiến có tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình khoảng 15%, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng dao động trong khoảng 20% – 30%, mức thất thoát nước sạch tại TPHCM và Hà Nội hơn 40% là quá cao so với các TP lớn của các nước trong khu vực.

Nguyên nhân là do đường ống cấp nước tại TPHCM và Hà Nội đã quá cũ, lạc hậu, có đến khoảng 30% các tuyến ống dẫn nước đã trên 30 năm sử dụng, các mối nối đường ống cũ mục, dẫn đến việc rò rỉ thất thoát một lượng lớn nước sạch. Hơn nữa, do việc thi công các công trình ngầm không đồng bộ dễ gây vỡ đường ống cấp nước, tình trạng ăn cắp nước sạch bằng cách khoan thẳng vào mạng đường ống, lắp đặt ống riêng để sử dụng không qua đồng hồ đo đếm cũng góp phần làm tăng tỷ lệ thất thoát nước và gây nguy hại cho đường ống chính, có thể gây vỡ, rò rỉ nước…

Theo Tổng Giám đốc Sawaco Trần Đình Phú, từ nay đến năm 2015, TPHCM cần hơn 9.000 tỷ đồng để cải tạo, thay thế trên 3.300 km đường ống cấp nước sạch hiện nay.

L.Long

TPHCM: Mỗi ngày thất thoát 500.000m3 nước sạch

(LĐ) – Tỉ lệ thất thoát nước sạch tại TPHCM được đánh giá là thuộc hàng “đại gia” tại Việt Nam – với tỉ lệ thất thoát hiện nay trên 40% tổng lượng nước sạch cung cấp hằng ngày.

Tổng số tiền thất thu do lượng nước sạch của TPHCM bị thất thoát mỗi năm có thể xây dựng được 25.000 căn nhà đại đoàn kết.

Nước sạch tràn lênh láng ra đường.

Tại hội nghị “Kinh nghiệm và thực tiễn chống thất thoát nước sạch” do Hội Cấp – thoát nước VN (VWSA) cùng TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức ngày 19.6, ông Nguyễn Tôn – Chủ tịch VWSA – cho rằng, tỉ lệ thất thoát nước sạch bình quân của cả nước là 33%, trong đó TPHCM có tỉ lệ thất thoát cao nhất (trên 40%).

Số liệu báo cáo của Sawaco cho thấy, tổng số lượng nước sạch do Sawaco cung cấp khoảng 1.246.000m3/ngày đêm. Như vậy, với tỉ lệ thất thoát khoảng 40% thì mỗi ngày thành phố có 500.000m3 nước sạch bị thất thoát.

Và nếu tính đơn giá nước thấp nhất trong định mức (2.700 đồng/m3), số tiền bị thất thu mỗi ngày lên đến 1,4 tỉ đồng và một năm khoảng 500 tỉ đồng. Một đại biểu tính toán, số tiền thất thu hằng năm do thất thoát nước sạch của TPHCM tương đương với việc xây dựng 25.000 căn nhà đại đoàn kết.

Phát hiện một trường hợp câu nối đường ống gian lận nước sạch.


Theo ông Lý Chung Dân – Phó TGĐ Sawaco – có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thất thoát nước (gian lận, đồng hồ hư hỏng, súc xả đường ống…), song nguyên nhân chủ yếu vẫn do rò rỉ từ hệ thống đường ống cấp nước. TP có khoảng 3.400km đường ống cấp nước các loại, thì có đến 30% đường ống cũ kỹ, có thời gian sử dụng trên 30 năm thường xuyên bị vỡ, nên dẫn đến tỉ lệ thất thoát nước khá lớn. Trong khi đó, việc dò tìm, thi công thay thế các tuyến ống nước cũ mục gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lý Chung Dân cho biết thêm, Sawaco đang thực hiện chương trình giảm thất thoát nước trên địa bàn TPHCM, với mục tiêu đến năm 2025 giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch xuống còn 25%. Để đạt mục tiêu này, Sawaco đang triển khai 2 dự án lớn thực hiện phân vùng, tách mạng thiết lập những khu vực đồng hồ tổng kiểm soát và quản lý.

Trước mắt, một dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ khoảng 45 triệu USD sẽ tập trung triển khai ở vùng dân cư đông, mạng lưới cấp nước dày đặc có tỉ lệ thất thoát cao như: Q.1, 3, 5 và 10 (vùng 1); các quận 11, Tân Bình và Tân Phú (vùng 2). Dự kiến đến năm 2012, dự án này sẽ hoàn thành với mục tiêu giảm được khoảng 125.000m3 nước sạch thất thoát mỗi ngày (tức khoảng 10%).

Đối với những vùng còn lại, Ngân hàng Phát triển Châu Á đang tài trợ vốn để nghiên cứu khảo sát, lập dự án. Ước tính, tổng vốn thực hiện dự án giảm thất thoát nước cho các vùng này khoảng 60 triệu USD.

Theo chuyên gia giảm thất thoát nước của một Cty tại Singapore – ông Clive Harrison – song song với phân vùng, tách mạng để kiểm soát thì việc thay thế đường ống mới là điều hết sức cần thiết.

Ông Clive Harrison đề nghị, mỗi năm TPHCM nên thay thế mới khoảng 250 – 300km đường ống cũ đã xuống cấp, và khi thay thế cần phải chú ý hạn chế tối đa những mối nối, vì càng nhiều mối nối, lượng nước bị rò rỉ, thất thoát từ những vị trí này càng lớn.

Nguồn: Lao Động online

Lại bàn việc tiết kiệm nước

KTĐT – Trong chuyến đi thăm Ixraen, tôi cứ nhớ mãi cách tiết kiệm nước của họ. Không phải chỉ một địa phương, một nơi nào đó tiết kiệm nước, mà cả đất nước này tiết kiệm nước, coi đó là quốc sách, là trách nhiệm công dân vì cuộc sống của họ và con cháu họ.

Trước hết là nước dùng hàng ngày để nấu ăn, uống, tắm giặt, rửa ráy. Số nước này dùng xong được thải vào hệ thống ống nước thải chung của cả nước, nước thải sẽ chảy ra những hồ chứa lớn. Từ đây nước thải được xử lý qua nhà máy xử lý nước thải được xây dựng ngay ven hồ chứa. Xử lý xong, nước thải đi theo đường ống dẫn tới các căn hộ để tưới cây, trồng trọt, tưới tắm cho các vườn hoa thành phố… thông qua một hệ thống nước tưới nhỏ giọt. Đó là những ống dẫn nước nhỏ có đường kính dưới 2cm, trên dọc thành ống người ta khoanh những lỗ nhỏ cách nhau đều đặn từ 20 đến 30cm, mỗi lỗ nhỏ đó lắp một van nhựa chỉ cho phép nước bên trong ống nhỏ giọt ra bên ngoài qua các van kể trên. Tốc độ nhỏ giọt tùy theo yêu cầu tưới cây mà xác định xem bao nhiêu giây hoặc phút, nhỏ giọt một lần để đảm bảo lúc nào đất trồng cũng có độ ẩm nhất định.
Ở Ixraen, người ta không tưới phun nước như ở các nước khác mà chỉ dùng duy nhất biện pháp tưới nhỏ giọt. Đến đâu bạn cũng gặp những ống nước nhựa nằm lấp ló ven vườn ăn quả, vườn hoa công cộng hay bãi cỏ tự nhiên. Tất cả những nơi đó lúc nào cũng đều được tưới nhỏ giọt nên không khí Trung Đông dù nắng nóng, nhưng dễ chịu do độ ẩm của vườn hoa, cây cỏ ở khắp nơi tỏa ra làm giảm nhiệt độ trong không khí.

Tình trạng lãng phí nước ở Việt Nam hiện còn rất phổ biến

Ixraen chỉ có một con sông nhỏ, đó là sông Gioóc-đan. Con sông này nước Gioócđani bên cạnh cũng sử dụng. Ngoài nguồn nước sông này, người ta dùng nước ngầm qua hệ thống khoan sâu bơm nước lên hồ chứa rồi bơm vào hệ thống ống dẫn nước sạch đến các thành phố, khu phố, căn hộ. Vì nước là tài nguyên quý hiếm nên người dân Ixraen có ý thức tiết kiệm nước rất cao, tuyệt đối không lãng phí nước.
Ở Ai Cập, Xyri, Gioócđani… người dân đều có ý thức tiết kiệm nước tương tự vì họ coi nước là nguồn sống của họ. Không có nước sẽ không canh tác được, cuộc sống sẽ cơ cực.
Ở nước mình, thiên nhiên ưu đãi nên có tới trên 300 con sông lớn, nhỏ, chưa kể suối trong, kênh rộng, hồ lớn. Chỗ nào cũng có nước. Nước ở khắp nơi, khắp chốn. Có lẽ vì vậy mà dân ta lãng phí nước ghê gớm, gây ô nhiễm nguồn nước ghê gớm. Bao nhiêu sông ngòi, hồ ao bị ô nhiễm chất thải đến mức tôm cá không thể sống nổi. Ta mới chỉ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gần 20 năm nay, mới có chừng 200 khu công nghiệp, khu chế xuất, vậy mà chất thải, nước thải của những khu công nghiệp này đã làm điêu đứng bao dòng sông chỉ vì chúng ta chưa coi trọng việc xử lý nước thải, rác thải để bảo vệ môi trường. Sự phát triển mà chúng ta cần là sự phát triển bền vững, đảm bảo phát triển đi đôi với cải thiện môi trường sống cho con người và các loài động thực vật khác. Việc “bức tử” các dòng sông vừa là lãng phí nước, vừa là tàn nhẫn với môi trường sống của con người và các loài động thực vật khác.

Vỡ đường ống cấp nước ở TPHCM

Vỡ đường ống cấp nước ở TPHCM

Cứ nhìn cách tát nước, xịt nước tưới cây ở nước ta đã thấy chúng ta chưa chú trọng tiết kiệm nước. Ở thành phô, nước máy dùng xả láng, mỗi người mỗi ngày dùng trên 100 lít. Trên đường phố, nhiều ống nước bị vỡ, nước chảy ra lênh láng cả ngày, cả mấy ngày mới được khắc phục, sửa chữa. Hao hụt nước từ nơi sản xuất, nơi phân phối đến hộ gia đình hiện vào khoảng 20 – 28%. Như vậy là cứ 100 lít nước từ nơi sản xuất qua đường ống tới người tiêu dùng đã mất đi từ 20 đến 28 lít. Giá thành một khối nước phải gánh cho lượng nước thất thoát kia người tiêu dùng phải chịu. Đó cũng là một loại hình lãng phí nước.
Đừng tưởng rằng ta có hơn 300 con sông và hàng ngàn ao hồ, kênh rạch, suối là chúng ta không bao giờ phải lo thiếu nước sạch cho sinh hoạt của con người và cho việc tưới tiêu của hơn 4 triệu ha lúa, vài triệu ha vườn cây ăn quả, cây công nghiệp. Nếu cứ cái đà lãng phí nước như hiện nay cộng với nạn gây ô nhiễm các dòng sông, ao hồ… như trong gần 20 năm qua thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thiếu nước sạch. Xin hãy chung tay tiết kiệm nước, hãy chấm dứt nạn không xử lý nước thải đã đổ ra sông ngòi, hồ ao… Chỉ có làm như vậy, chúng ta mới đảm bảo có đủ nước cho hiện tại và tương lai, đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho muôn đời con cháu.

N.N.K

Tắm chung với người mình yêu, tại sao không?

Tắm chung với người mình yêu thương, vừa tiết kiệm nước, vừa vui!

tamchungwhynot