Xem người Đức giáo dục về môi trường cho trẻ nhỏ

Nguồn: kenh14.vn

Thay vì kể cho con những chuyện thần tiên, nhiều bậc cha mẹ ở Đức dành thời gian kể cho trẻ con những câu chuyện về thiên nhiên và cách bảo vệ môi trường. Cứ như thế, các phụ huynh nâng cao cho trẻ nhận thức về môi trường từ khi chúng còn rất nhỏ…

Vào tuần lễ cuối cùng của tháng 10, thủy triều ở Hamburg – cảng lớn nhất của nước Đức đang tăng lên, cao hơn nhiều so với mức của năm ngoái. Guido Neumann, giám đốc một công ty ở Hamburg, đã đưa cậu con trai lên 7 Leander tới bến cảng, họ đi dọc bờ đê để ngắm cảnh thủy triều lên.

Neumann cho biết: “Tôi nói với con trai lý do tại sao thủy triều lên nhanh như vậy. Nếu thủy triều tiếp tục dâng, chúng tôi phải xây những con đê cao hơn để bảo vệ nơi ở của mình.”

Khi đi dọc theo hai bờ đê, chú bé Leander nhìn thấy thủy triều dâng và chuyện trò với bố về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.

Trẻ em ở Berlin (Đức) trong một buổi trồng cây. Ở Đức, trẻ em được giáo dục về môi trường từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Plant for the Planet)
Gia đình anh Neumann là một ví dụ tiêu biểu về việc giáo dục cho trẻ nhỏ về môi trường ở nước Đức – nước có hệ thống phân loại rác rất chặt chẽ nhưng vô cùng thành công. Hệ thống tái chế “Green Dot” đã trở thành một trong những sáng kiến tái chế thành công nhất.

Điểm chủ chốt của hệ thống này là các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải trả phí “Green Dot” cho các sản phẩm: sản phẩm càng có nhiều bao bì đóng gói thì mức phí này càng cao. Nhờ quy định này mà dù mỗi năm nước Đức có 30 triệu tấn rác nhưng hệ thống phân loại đã giúp nước này phải sử dụng ít giấy hơn, ít thủy tinh và ít kim loại hơn. Do vậy mà họ phải tái chế ít rác hơn. Báo chí Đức dự đoán rằng nhờ hệ thống “Green Dot”, mỗi năm sẽ giảm được 1 triệu tấn rác.

Neumann có hai con trai là Leander và Joost (4 tuổi), anh bắt đầu dạy cho các con về môi trường khi chúng mới 2 tuổi. Lúc ấy, anh cũng dạy các con cách phân loại rác trong nhà.

Hiện nay chú bé Joost đã biết phân loại giấy từ đám rác thực phẩm và phân loại các loại rác chai lọ. Anh Neumann rất vui khi các con phân loại rác rất thành thục.

Phân loại rác chỉ là một khía cạnh trong việc giáo dục học định hướng môi trường mà Neumann dạy các con. Hàng ngày, anh đều kể cho các con nghe những câu chuyện về thiên nhiên. Từ khi hai con còn nhỏ, Neumann đã kể cho chúng nhiều chuyện về môi trường ví như việc bảo vệ gấu bắc cực, bảo vệ các núi băng trôi.

Đến khi hai con trai của Neumann vào học mẫu giáo, hàng tuần chúng đều dành một tiếng để nghe kể các câu chuyện về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, hàng tuần, cậu con trai lớn đang học lớp 2 của Neumann đều cùng các bạn thảo luận về việc bảo vệ môi trường. Các em nói với nhau về cách bảo vệ cá voi, rồi cách làm sạch nguồn nước.

“Tôi là người luôn quan tâm đến môi trường nên tôi rất vui khi các con mình có thêm kiến thức về việc bảo vệ môi trường sống”, Neumann kết luận.

Tuổi trẻ thành phố với ngày hội môi trường

Hồng Phượng
Theo ThiênNhien.Net

ThienNhien.Net – Nằm trong hoạt động trọng tâm của Tháng Thanh niên 2010, sáng 28/03, Ngày hội “Tuổi trẻ thành phố với môi trường” do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tổ chức đã khai mạc tại Nhà văn hóa Thanh niên, thu hút hàng nghìn đoàn viên, thanh niên thành phố tham dự.

Sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động thiết thực đã được diễn ra đồng loạt như Ngày Chủ nhật xanh – làm sạch 15 tuyến đường trọng điểm của thành phố; cải thiện môi trường tại hai điểm ô nhiễm ở quận 2 và Bình Thạnh; giới thiệu website “Thanh niên Thành phố hành động vì môi trường”; ra mắt bản đồ số hóa các điểm đen ô nhiễm trên địa bàn thành phố; phát tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường…

Tại Nhà văn hóa Thanh niên, ngoài 20 gian hàng triển lãm, giới thiệu sản phẩm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đông đảo đoàn viên, thanh niên TP. HCM cũng được tham gia vào nhiều hoạt động sôi nổi khác.

Thu hút khá đông các bạn trẻ là hoạt động làm túi giấy do Co.op Mart An Đông tổ chức. Dự kiến 6.000 túi giấy sẽ “ra đời” trong ngày hội và được Co.op Mart An Đông dùng để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thay thế túi ni-lông.

Kế đến là cuộc thi “Thiết kế sản phẩm cổ động bảo vệ môi trường” với khá nhiều sản phẩm ấn tượng như thùng rác trái tim của Quận đoàn 6 với thông điệp “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ trái tim của bạn”; hay sản phẩm bàn CD của Tổng công ty Sài Gòn với thông điệp “Tận dụng mọi thứ có thể”.

Bên cạnh đó là các phần thi “Tiểu phẩm tuyên truyền bảo vệ môi trường”, vẽ tranh “Thông điệp xanh” trên bức tường hình chiếc lá 2x15m với những ý tưởng bảo vệ thành phố xanh – sạch – đẹp; cuộc thi chìa khóa tri thức “Môi trường xanh” và diễn đàn Tiếng Anh “Thanh niên với môi trường”…

Làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? – P/v Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh



Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chính thức công bố, VN trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại có góc nhìn khác về kết quả này.


Thu nhập chủ yếu từ tài nguyên

Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về kết quả mà WB vừa công bố?

Trước hết, có thể nói chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, là một chỉ tiêu thô, tổng hợp và nó không nói gì được về sự bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. Có thể, một vài đại gia về bất động sản, ngân hàng, chứng khoán có thu nhập cả hàng trăm triệu USD/năm, trong khi đó những người nông dân nghèo, vẫn đang rất nghèo. Việc công bố về tỷ lệ hộ nghèo của VN (12,3%), nhưng ngay cả con số đó cũng chưa bao quát được hết, vì cái chuẩn hộ nghèo của chúng ta đã không kịp điều chỉnh theo trượt giá và chỉ tiêu lạm phát.

Có nghĩa là ông không đồng ý với WB?

Chưa hẳn thế. Theo tôi, việc VN từ một nước nghèo, có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình đã là một kết quả rất đáng trân trọng thể hiện nỗ lực của VN trong vòng nhiều năm. Nhưng chúng ta cần phải nhìn lại và xem mức thu nhập đó có được dựa trên kết quả nào và trong tương lai, VN sẽ có thể vượt lên được cái “bẫy” có thu nhập trung bình hay không?

Cái “bẫy” ở đây là gì, thưa ông?

Người ta phân biệt cái “bẫy” thu nhập trung bình thành hai loại: Bẫy lương thấp, tức là những nước nghèo chỉ có làm gia công, lắp ráp, nên lương thấp. Còn công việc nghiên cứu khoa học, phát triển, triển khai, thiết kế thì không làm được. Việc phân phối, tiếp thị cũng không làm được. Để làm được các khâu đó đòi hỏi phải có trình độ cao.

Ngay thu nhập trung bình, người ta cũng chia ra làm 3 nhóm: Thu nhập trung bình thấp (1.000- 4.000 USD/người/năm). Trung bình trung bình (4.000- 8.000 USD/người/năm) và trung bình cao (tức 8.000-9.600- 9.800 USD/người/năm). Còn trên 10.000 USD/người/năm là nước có thu nhập cao và gia nhập nhóm OECD (các nước phát triển mới), mà gần đây nhất là Chile đã đạt được mức này.

Như ông vừa nói, cần phải xem mức thu nhập đạt được dựa trên kết quả nào, vậy VN đạt được thành tựu là nước có thu nhập trung bình dựa vào đâu?

Để đạt được thành tựu này, VN đã có một số thay đổi lớn: Chúng ta đã chuyển ra kinh tế thị trường, phát huy được tinh thần kinh doanh, sự năng động của những người dân và thu hút được đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt để đạt được sự tăng trưởng đó là chúng ta dựa vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ, tức làm gia công, lắp ráp. Thu nhập của VN hiện nay dựa vào tới hơn 70% từ tài nguyên, gồm có: Dầu thô, than đá, các khoáng sản, gỗ, gạo, thuỷ sản, cao su, cà phê. Thủy sản cũng chỉ mới là đông lạnh, chưa có chế biến. Điểm chúng ta phải tỉnh táo nhận ra, khi chúng ta đạt được mức thu nhập trung bình là trong bối cảnh, bất bình đẳng trong xã hội đã ở mức rất cao. Một số người buôn bất động sản, buôn bán chứng khoán rất giàu nhưng không tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Như vậy, có thể nói thu nhập của chúng ta vẫn chủ yếu là “bán máu” (khai thác tài nguyên) và “ăn sổi” (bất động sản, chứng khoán)?

Chúng ta rất mừng khi một người nông dân áp dựng KHCN vào sản xuất các cây, con mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhưng chúng ta cũng hết sức lo ngại, khi có những kẻ khai thác, tàn phá tài nguyên như đạp đá, bốc cát bừa bãi. Tất cả những cái đó đều không nộp vào ngân sách và ít tạo ra công ăn việc làm. Chúng ta đạt được mức thu nhập đó, nhưng cái vốn quý lớn nhất của chúng ta, là con người, thì lại không đào tạo được họ để trở thành những người có trình độ cao.

Chúng ta vẫn chưa thể đào tạo được chuyên gia nào để hoạt động, làm việc ở nước ngoài bằng nền giáo dục của chúng ta. Hầu hết những người VN đang làm việc ở nước ngoài hiện nay đều được đào tạo ở nước ngoài. Rồi chúng ta cũng không có một chuyên gia tài chính nào được đào tạo ở trường VN mà đi “kiếm cơm” được ở nước ngoài.

Thu nhập của VN hiện nay dựa vào tới hơn 70% từ tài nguyên.
(Ảnh minh họa)

Cải cách toàn diện để vươn lên

Như ông nói ở trên, vấn đề thu nhập ở đây của chúng ta mới dựa vào “sức”, chứ chưa dựa vào “trí”. Để chuyển từ “sức” sang “trí”, chúng ta cần những thay đổi gì?

Chúng ta đạt được thành tựu này trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn rất nghiêm trọng từ sông ngòi cho đến ao, hồ. Rồi nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng, phá rừng làm cho nước nguồn ngày càng cạn kiệt, lũ bão ngày càng gay gắt hơn, khô hạn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng đó, chúng ta cũng phải thấy hết được những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót để khắc phục.

Ngay khi công bố kết quả này, WB cũng đã có rất nhiều lời khuyên đối với VN, nhất là về vấn đề cải cách để tiếp tục phát triển. Theo ông, VN cần phải cải cách những lĩnh vực nào?

Như tôi đã nói, chúng ta rất lo ngại cái “bẫy” thu nhập trung bình như các nước Đông Nam Á, từ Thái Lan đến Philippin, Malaysia, Indonesia…chỉ quanh quẩn ở mức thu nhập trung bình từ nhiều năm nay, tức chỉ dao động ở mức từ 1.500-5.000 USD/người/năm, không lên nổi. Chỉ có Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc vươn lên được.

Cũng xin lưu ý là, chúng ta đạt được thành tựu này trong bối cảnh nạn tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng. Bản thân chúng ta cũng lên án rất gay gắt tham nhũng, nào là “giặc nội xâm”, kẻ thù của đất nước nhưng trên thực tế việc hành động đạt được kết quả rất thấp.

Một khi muốn đạt được mức tăng trưởng mà giảm dần việc phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, chúng ta sẽ cần chuyển sang khai thác những nguồn lực nào?

Phải có sự cải cách rất rõ từ giáo dục, cho đến y tế, môi trường và phải có một quyết tâm chính trị như cách làm của Hàn Quốc, từ một nước rất nghèo phải đi XK lao động, XK tóc giả, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã chuyển sang đóng tàu, XK ôtô, điện tử. Do đó, chúng ta cần chuyển từ việc tăng trưởng chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang xây dựng các DN có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thế giới, phát triển KHCN, dựa vào đội ngũ lao động có trình độ, trí thức.

Phải giải quyết từng bước, có quyết tâm những sự bế tắc như tôi đã nói ở trên, trước hết là thay đổi bộ máy hành chính có năng lực hơn, tiếp tục chống tham nhũng, giải quyết ô nhiễm môi trường, thu nhập bất bình đẳng và các vấn đề xã hội.

Thực tế, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta là như vậy, nhưng tiền lại chỉ tập trung vào một số ít người, còn đại đa số dân ta vẫn nghèo. Chúng ta có nên kiến nghị WB thay đổi công bố này?

Chúng ta không thể thay đổi được hoặc báo cáo với họ là chúng ta tái nghèo, mà phải vươn lên, phải tiến tới thành một nước phát triển, làm nghĩa vụ đi giúp đỡ các nước khác như cách làm ban đầu là chia sẻ và cử chuyên gia sang châu Phi hỗ trợ về SXNN. Có thể coi đây là bước ngoặt của sự thay đổi, chúng ta đang đứng giữa ngã 3 đường, nếu không vượt qua được, mình sẽ mãi mãi trở thành một nước “làng nhàng” quanh quẩn ở ngưỡng 1.000- 2.000 USD/người/năm, đấy là chưa kể đến các sự tác động mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Bauxite Việt Nam

Giàu hay hạnh phúc?

Chính phủ nhiều nước đã suy nghĩ lại mô hình phát triển đất nước của mình vì họ cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu là do các nước đã chạy theo tăng trưởng GDP. Điều này dẫn đến hệ lụy nền kinh tế tăng trưởng nóng, lạm phát, môi trường bị hủy hoại.
Xe hơi chen chúc vào giờ cao điểm tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đức Trí

Xe hơi chen chúc vào giờ cao điểm tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đức Trí

Các nhà kinh tế và chính phủ một số nước châu Âu cho rằng cần điều chỉnh theo hướng không xem tăng trưởng GDP là mục tiêu mà làm thế nào để người dân hạnh phúc hơn mới là mục tiêu.

Đa dạng hóa về mặt tinh thần, môi trường không bị ô nhiễm, đặc biệt là sự quản trị tốt của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương chính là mô hình phát triển tương lai mà các nước hướng đến.

Chúng ta cũng đạt mục tiêu phải phát triển cân đối, chú ý bảo vệ môi trường, ổn định xã hội… nhưng thực tế cho thấy chưa hẳn như vậy. VN đặt yêu cầu dài hạn phải bảo đảm tăng trưởng bền vững nhưng quá trình tổ chức vẫn xem tăng trưởng GDP là mục tiêu quan trọng và cái giá phải trả chúng ta cũng đã nhìn thấy trong những năm qua: lạm phát quá cao, đầu tư ngân sách quá nhiều, đâu đâu cũng là đại công trường…

Nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh thì khó có thể “sang trang” được trong chặng đường đi tới tương lai. Có thể kinh tế VN sẽ vẫn tăng trưởng và đạt những mục tiêu đề ra nhưng đó là tăng trưởng rất chật chội, ngột ngạt và có thể phải trả giá bằng những bất ổn như lạm phát quay trở lại tác động đến đời sống kinh tế – xã hội, chênh lệch giàu nghèo gia tăng….

Bài học Trung Quốc cho thấy nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng phân hóa giàu nghèo quá lớn. VN có thể đứng vào hàng các nước có thu nhập cao trong tương lai nhưng con số thu nhập bình quân của mọi người có thể cũng chênh lệch rất lớn. Điều này sẽ làm giảm ý nghĩa phát triển chung của xã hội. Chúng ta cần phải có những quyết sách và hành động cụ thể hơn để mở thêm nhiều cơ hội cho tất cả mọi người. Trong đó cơ hội đầu tư phải được bình đẳng, không phân biệt trong nước, nước ngoài, tư nhân hay nhà nước.

  • PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ
    LÊ NAM ghi (Theo Tuổi Trẻ Online)

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu”

Hà Nội xưa và Hà Nội nay. Một Hà Nội thong dong và thanh bình xe đạp. Một Hà Nội ồn ào và ô nhiễm vì khói bụi xe máy, ôtô. Bức tranh toàn cảnh đầy tương phản ấy nói một điều, con đường Hà Nội hội nhập và phát triển vẫn là con đường tất yếu, nhưng cũng là con đường đặt cho các nhà quản lý thành phố phải giải một bài toán đô thị hóc búa. Làm sao để Hà Nội vừa văn minh hiện đại, nhưng vẫn giữ được văn hoá thanh lịch của Tràng An xưa?

Một chiều mùa đông khi đi công tác châu Âu, tôi đến chơi nhà người bạn Việt kiều ở ngoại ô Paris. Không hiểu vô tình hay hữu ý, khi chọn nhạc cho tôi nghe, anh lựa bài “Xe đạp ơi” của Phương Thảo – Ngọc Lễ. Anh thích bài hát vì lời ca đưa anh về phố xưa Hà Nội yên tĩnh với mối tình đầu và nỗi nhớ.

Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu.
Mối tình thơ, thoáng như một giấc mơ.
Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy
Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi.

Giữa mùa đông giá lạnh, ngồi trong nhà, lò sưởi ấm áp, nhìn ra ngoài trời đầy tuyết mênh mông, nỗi cô đơn nơi xứ người, lòng anh quay về Hà Nội xưa, thời của xe đạp và tàu điện leng keng. Anh kể cho tôi nghe ký ức ngày nào.

Anh có người yêu ở Trường ĐH Bách khoa và thường đón chị bằng chiếc xe đạp đó. Lần đầu anh được chị đồng ý cho đón ở phía cổng parabol, đường Nam Bộ, nay là đường Giải Phóng. Anh đạp xe từ từ một đoạn để chị bám yên xe, chạy theo nhảy lên phía sau làm anh loạng choạng mất tay lái suýt ngã. Phía cổng trường rộ lên tiếng cười, chị xấu hổ tưởng không có chỗ chui. Ngày ấy, anh chưa học được cách dừng xe, đợi người yêu ngồi lên baga rồi mới đi. Khi miền Nam giải phóng, thanh niên Hà Nội mới học được cách ga-lăng trên của người Sài Gòn.

Anh chị thuộc hết tất cả ngõ ngách của Hà Nội. Chỉ cần lên xe, đạp nhẹ nhàng, thế là đi đâu cũng được. Tuổi thanh niên đang sung sức, cứ tự hỏi sao mình khỏe thế. Vòng lên Bờ Hồ, ra công viên Thống Nhất rồi quay lên đường Thanh Niên. Cứ làm vài vòng là đến giờ trả chị về trường. Đi chơi hết cả mùa thu anh cũng chưa được chị bám tay vào vạt áo mà rõ ràng thấy hơi ấm của chị toả phía sau lưng anh, rất gần nhưng lại rất xa. Một lần, anh dừng xe trước cổng trường để đưa chị về. Chị nắm một bên ghi-đông, anh nắm phía bên kia. Đứng rất lâu, chẳng nói được gì. Bỗng anh nắm lấy tay chị và chỉ kịp nói: “Mai anh đón em nhé”, rồi vội vàng phóng xe đi mất, chỉ sợ chị từ chối.

Chiếc xe đạp gắn với tình yêu của nhiều người Hà Nội xưa

Chiếc xe đạp gắn với tình yêu của nhiều người Hà Nội xưa

Hai người cưới nhau, đón dâu cũng bằng chiếc xe đạp ấy. Đứa con gái đầu lòng ra đời. Mỹ ném bom Hà Nội và cả nhà lại ngồi trên chiếc xe đi sơ tán với cả gia tài. Anh đi Liên Xô du học, về nước công tác, rồi bôn ba đây đó. Cuộc sống đã khá đầy đủ và tiện nghi nhưng anh vẫn nhớ chiếc xe đạp kia. Anh ước nếu tìm lại được chiếc xe Thống Nhất cũ thì anh đã mang sang đây để làm kỷ niệm.

Một lần anh về thăm Hà Nội muốn tìm lại kỷ niệm xưa với chiếc xe đạp. Anh mượn người bạn một chiếc xe, định làm một vòng từ ĐH Bách khoa lên Bờ Hồ. Dắt xe ra đường anh mới thấy kỷ niệm lãng mạn xưa trở thành phù phiếm và hão huyền.

Hà Nội giàu có hơn và thay đổi rất nhiều. Nhiều toà nhà mới mọc lên. Đâu đâu cũng có thể thấy  nhà hàng sang trọng và khách sạn đắt tiền. Chiếc tàu điện leng keng đã biến mất không còn dấu vết. Đường phố tràn ngập xe máy và ôtô. Những chiếc xe đạp êm đềm được thay bằng hàng triệu xe gắn máy. Người ta mạnh ai nấy đi, phóng xe bạt mạng, anh sợ quá đến nỗi không dám đi qua đường. Vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ, hàng hoá la liệt. Hà Nội ngày cũng như đêm, không bao giờ ngủ vì tiếng xe máy, ôtô và đặc biệt là tiếng còi toe toe inh ỏi. Những giây phút êm đềm của Hà Nội xưa về đêm “hoa sữa nồng nàn” dường như chỉ còn trong tiểu thuyết.

Anh bảo đó chính là cái giá phải trả của sự phát triển khi người ta coi xe gắn máy và ôtô là thước đo của sự giàu có và sang trọng. Trong báo cáo hàng năm của lãnh đạo thành phố chỉ thống kê chúng ta có bao nhiêu xe máy và ôtô. Không ai thống kê “còn” bao nhiêu xe đạp. Tuy vậy, khi xã hội đã hiện đại đến một mức nào đó người ta lại muốn quay về “cái ngày xưa ấy”. Ở Mỹ hay ở châu Âu, ai đi xe đạp đến công sở lại được sự trân trọng của đồng nghiệp vì đó là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, không ô nhiễm. Anh nhớ ngày xưa, đi xe đạp mà bị tắc đường thì vác lên vai rẽ sang phố khác. Nếu ngã xe đạp đứng dậy cười với bạn, phủi quần và đi tiếp. Còn bây giờ ngồi nổ máy dưới trời nóng nực mà đợi, miệng lầm bầm nguyền rủa ai đó trong lúc đợi công an đến dẹp đường. Không kể nếu đụng xe máy hay ôtô chỉ còn cách gọi xe cấp cứu.

Đất nước đi lên nhưng chúng ta cũng đang đánh mất nhiều gía trị. Nhìn những ngôi nhà, tum cao chót vót và mỏng tang với kiến trúc đủ kiểu lạ nhất trần gian nằm bên cạnh những ngôi biệt thự lãng mạn có từ thời Pháp, cũng thấy Hà Nội đang dần mất đi vẻ đẹp ngàn năm văn hiến. Nếu ta tiếp tục vứt đi những cái mình đang có để cho thành phố hiện đại nhưng vì không có tầm nhìn thế kỷ,  thì sau này chắc chắn sẽ phải trả giá gấp nhiều lần mới tìm lại được cái mình đã phá, hoặc có những giá trị sẽ mất đi vĩnh viễn.

Anh tiếc cho Hà Nội, nơi có hàng triệu xe đạp và thành phố từng không có bụi, vẫn tự hào với mầu xanh muôn đời của những gốc cây cổ thụ trăm năm, của những hàng me, hàng  sấu, hoa bằng lăng tím và “những chiếc xe chở đầy hoa phượng” đỏ rực mùa hè. Anh bảo khu phố cổ Hà Nội của ta sẽ vẫn đẹp mãi với xe đạp, xích lô lang thang mơ mộng và tầu điện leng keng.

Bởi thế, mỗi lần trở lại Việt Nam, đi qua đường phố Hà Nội, với nỗi sợ hãi bị xe máy lao vào, bạn tôi lại nhớ đến không gian lãng mạn ngày xưa. Nhớ lúc đón cô dâu về nhà trên chiếc xe đạp và cả hơi ấm của chị phả vào lưng áo:

Nhớ khi xưa anh chở em
Trên chiếc xe đạp cũ
Dưới trăng khuya cùng trao chiếc hôn đầu.
Nhớ khi xưa bao mộng mơ
Trên chiếc xe đạp cũ
Ước mong sao tình yêu mãi không rời…

  • Nguồn: Blog Hiệu Minh