Tràn lan hoa quả sấy khô, ô mai Trung Quốc nhiễm chì

Ngay sau khi Mỹ và Malaysia cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng xí muội (ô mai) và mứt chủ yếu từ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan do có chứa hàm lượng chì vượt quá mức cho phép, Sài Gòn Tiếp Thị đã khảo sát về nhóm mặt hàng này.
  Trái cây khô, xí muội Trung Quốc bày bán tại chợ Bình Tây. Ảnh: Hồng Thái

Trái cây khô, xí muội Trung Quốc bày bán tại chợ Bình Tây. Ảnh: Hồng Thái

Qua khảo sát, chúng tôi chưa thể khẳng định sản phẩm của 15 công ty bán sản phẩm chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép đã có mặt ở Việt Nam hay chưa do 98% sản phẩm loại này của Trung Quốc đang bán trên thị trường đều không có nhãn mác bao bì.

Muốn mua bao nhiêu cũng có

Tại Bình Tây – đầu mối sỉ phân phối về các chợ lẻ miền Trung và miền Tây – xí muội xuất xứ từ Trung Quốc có mặt trên hầu hết các sạp bán mứt trái cây chế biến. Xí muội của Trung Quốc bán tại đây chủ yếu là dạng không hạt, đóng gói 3kg/bao để tiện cho khách lấy về pha chế nước uống hoặc bán lẻ. Có loại in chữ ngoài bao bì (như Sangxingliang Guoxilie), có loại hoàn toàn không có dòng chữ nào trên bao bì.

Bà Hạnh, chủ sạp chuyên bán mứt trái cây chế biến tại chợ này, giải thích hàng từ Trung Quốc chuyển về đã được đóng gói như vậy, ngay cả hàng đóng trong thùng cactông cũng không có chữ nào ghi trên thùng. “Nguyên liệu làm xí muội từ loại trái cây gì tôi cũng không biết, chỉ biết lấy về bán thôi”, bà Hạnh nói. Bà Hạnh cho biết thêm, cùng là xí muội nhưng hàng Việt Nam thì có giấy tờ chứng minh xuất xứ, còn hàng Trung Quốc thì không có.

Cùng kinh doanh mứt các loại, chủ sạp Dung cho hay, xí muội của Việt Nam không được khách hàng ưa chuộng bằng mặt hàng cùng loại của Trung Quốc vì mặn và đắt hơn hàng Trung Quốc. Chẳng hạn, một ký xí muội có hạt của Việt Nam giá 58.000đ, trong khi hàng Trung Quốc không có hạt giá chỉ 52.000đ. Chủ sạp Dung cam kết: “Cần bao nhiêu hàng Trung Quốc cũng đáp ứng được hết. Hàng loại này đang được khách hàng ở các tỉnh ưa chuộng và mua rất nhiều”.

Tương tự, tại chợ Bến Thành và An Đông, mỗi sạp đều bán khoảng 40 – 60 loại trái cây sấy, xí muội nhập như kiwi, chà là, lý, mận… Tất cả đều được đựng trong hũ hoặc bao nilông lớn, không ghi nguồn gốc, xuất xứ. Bà Ngọc, nhân viên bán hàng ở An Đông cho biết: “Loại nào cũng có mấy vị khác nhau: ngọt đậm, hơi chua hay hơi mặn. Khách Sài Gòn thích nhất loại có vị hơi chua. Còn khách du lịch, Việt kiều mua đủ loại”. Giải thích lý do tại sao không có hàng đóng gói bao bì nhãn mác rõ ràng, cô Ngọc nói: “Mua gói có bao bì giá mắc hơn 50%, nên sạp nào cũng bán như vầy”.

Các chủ sạp thường chia hàng thành hai loại: nguyên quả nguyên hạt còn đẹp bán cho khách mua về dùng. Hàng bị vỡ, giập hay bị thấm nước thì bán giá rẻ hơn cho các tiệm giải khát mua về pha nước xí muội, cắt nhuyễn pha vào kem ly…Theo một số người bán, nhiều loại ô mai, xí muội Hà Nội hiện nay thực ra là hàng Trung Quốc.

Không biết hàng Trung Quốc chứa chất gì

Tại nhiều siêu thị, hầu hết bán ô mai xí muội có ghi nhà phân phối, xuất xứ, nhà nhập khẩu… Nhưng đáng lưu ý là nhiều loại ghi là hàng Hà Nội, nhưng sản phẩm y chang như thế (xí muội không hạt, xí muội khô…) người bán ở chợ Bình Tây nói là hàng Trung Quốc do họ phân phối. Thêm vào đó, cách ghi thành phần trên tem phụ cũng chưa đầy đủ. Chẳng hạn như loại trần bì Taixuan, chỉ ghi có quả mơ, muối, đường…

Đến các tiệm bách hoá thực phẩm ở khu vực Q.1, Q.3 có thể thấy tiệm nào cũng có ít nhất 5 – 7 loại xí muội, trái cây sấy đựng trong hũ bán theo dạng cân trăm gram cho khách mua. Người bán bảo đó là hàng Trung Quốc. Cô Minh Thư, ngụ ở Q.11, người thường xuyên mua của xí muội Trung Quốc bảo: “Từ trước giờ tui thích loại nào thì cân 200g mang về, ăn hết lại mua nữa, chưa bao giờ mua hàng có bao bì nên không rõ lắm trong nó có chứa chất gì, có độc hại hay không. Tui cũng chưa nghe thông tin sản phẩm trên có hàm lượng chì vượt mức cho phép”.

Chủ cơ sở sản xuất bánh mứt Thành Long, với kinh nghiệm trên 30 năm trong nghề cho rằng: xí muội, trái cây làm mứt của Trung Quốc đang bán ở Việt Nam có dùng chất bảo quản. “Hàng của họ mang về để cả năm không hề hấn gì. Vì vậy nếu có chứa chất độc hại cho cơ thể, cũng từ chất bảo quản này mà ra. Bởi nếu chế biến từ muối, đường… được cho phép sử dụng, thì sản phẩm không thể có chì được”, bà quả quyết.

  • Theo SGTT

<img class=”aligncenter size-full wp-image-938″ title=”haiz2″ src=”https://hanoigreen.wordpress.com/wp-content/uploads/2009/10/haiz21.jpg&#8221; alt=”haiz2″ width=”57″ height=”26″ /

Mẹ tôi dạy chuyện ăn

Có lẽ vì chiến tranh, mất mùa, đói kém liên miên trong lịch sử nên người Việt mình luôn gắn từ “ăn” vào nhiều chuyện nhiều khi chẳng liên quan gì đến ăn. Làm tình sao gọi là “ăn nằm”? Thái độ cư xử với nhau gọi là “ăn ở”. Cướp của giết người nhiều khi không chỉ để ăn mà để làm giàu cũng gọi là “ăn cướp”, nhận tiền để “làm chuyện không được làm hay không làm chuyện phải làm” gọi là “ăn hối lộ” (dù những ông quan tham này chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. hay mua nhà mua đất chứ đâu phải để ăn) …
Dù mới nứt mắt, trẻ của chúng ta đã được dạy dỗ về chuyện ăn. Học ăn trước hết rồi mới đến học nói, học gói, học mở. Nhưng xem ra chuyện ăn, hay nói theo thời thượng là cái “văn hóa ăn” không còn được tử tế như xưa. Nhiều bạn nước ngoài hỏi sao người Việt ăn nhiều thế? Họ dạo phố Sài Gòn, Hà Nội hay đến tận miền Tây Nam Bộ, cả vùng núi nghèo phía Bắc luôn thấy những quán ăn quán nhậu chật ních người ăn, từ sáng tới đêm, quanh năm suốt tháng.

Ăn và ăn. Gặp nhau ăn, chia tay nhau, ăn, đi chơi cũng phải ăn mới đáng mặt “ăn chơi”, đám cưới vui vẻ ăn đã đành, đám tang cũng phải ăn thả cửa bên cạnh xác người chết. Ăn bất kỳ chỗ nào có thể ăn. Đâu chỉ trong quán ăn mà vỉa hè, bên miệng cống, dưới gốc cây, trong chợ, ngoài chợ nơi thịt chín đặt cạnh thịt sống… Ăn như là nguồn cảm hứng vô tận mà trời đất ban cho người Việt ta để trường tồn cùng năm châu bốn bể.

Mẹ tôi con nhà Nho, thường bảo: “Phép ăn uống là phải coi trọng vì bệnh tật chui vào từ cái mồm. Nhục nhã cũng do cái mồm nuốt vào. Cho nên phải biết ăn cho đàng hoàng mới nên người được”. Theo giáo huấn của mẹ tôi thì:

Ăn cái gì? Hãy ăn cái có thể ăn được, nghĩa là những phẩm vật nuôi sống người. Không được ăn đất cát, nhựa đường, ghế ngồi, sắt thép, huân chương hay bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Những thứ ấy ăn vào nuốt khó trôi, có nuốt được cũng không ngon mà có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bẩn nhất là ăn hối lộ, càng không nên.

Ăn với ai? Rượu ngon phải có bạn hiền. Ngồi ăn với kẻ thù thì nguy hiểm, với kẻ xa lạ thì không ngon. Cỗ cưới được gọi là cơm bụi giá cao vì thường phải ngồi với những người không quen biết, có thể sinh bệnh đau dạ dày. Ăn với người dưới mình, người nghèo hơn mình thì phải trả tiền, tuyệt đối không được ỉ quyền để người nghèo hay người dưới “bao” mình. Họ bớt phần bánh Trung Thu của con cái đưa biếu mình vì sợ hay vì muốn nhờ vả nên có quyền khinh mình, còn gọi mình là quân khốn nạn ăn cướp cả cơm chim.

Ăn ở đâu? Tìm nơi sạch sẽ, không ăn ở cửa sau vì miếng ăn là miếng nhục, lại thiếu đàng hoàng. Không ăn trong bóng tối vì dễ nuốt phải kế gian. Không ăn ở công đường, nơi làm việc. Hạn chế ăn cơm chùa, nhất là những thứ mua bằng tiền thuế của dân.

Lời mẹ tôi dạy về chuyện ăn còn nhiều, nhớ không xuể.

Nguyễn Quang Thân/TTVH

haiz


Vì sao không nên ăn đồ chiên rán ngoài đường?

Mỡ thối & Mỡ tái sử dụng: Ung thư và ngộ độc

Việc cơ  quan chức năng vừa phát hiện hàng tấn mỡ  thối chở đi tiêu thụ  và những cơ sở  chuyên sản xuất mỡ không đảm bảo với nguồn từ  các lò mổ lợn… khiến người dân bàng hoàng. Theo các chuyên gia, mỡ đó nếu vào cơ thể người (dù được nấu chín, rán chín) nguy cơ ung thư và ngộ độc là chắc chắn!

Xem thêm : Rùng mình xem chế biến mỡ “loại” từ bì lợn – VNN

Xem thêm: Nhiều quán ăn đường phố dùng mỡ bẩn – VNN

Mỡ – dầu  ăn không nhãn mác

Dầu ăn, mỡ nước đã qua sử dụng đóng can bán lại với giá siêu rẻ “xông xênh” đổ ngập chảo (Ảnh: Thu Hằng)

Đi một vệt những hàng bán nem chua rán, bánh chuối, khoai rán, nem rán, phở xào ở các khu vực như đầu cầu Yên Hoà, đường Thuỵ Khuê, phố Ngũ Xã… (Hà Nội), phóng viên đều thấy chủ hàng sử dụng những can mỡ, dầu màu sắc vàng xỉn và mùi khét lẹt.

Nhiều can dầu, mỡ thậm chí còn ngả sang màu nâu đồng, đỏ sậm. Những hàng ăn “vỉa hè” hầu hết đều sử dụng loại dầu ăn đóng thùng to vài chục lít không rõ nguồn gốc, giá rẻ. Hoặc tệ hơn nữa là dùng dầu ăn, mỡ nước đã qua sử dụng đóng can bán lại với giá siêu rẻ để dùng tiếp một lần nữa.

Hỏi đến giá cả, nguồn gốc của những can dầu 5 lít, 10 lít có màu vàng xỉn, không nhãn mác được các chị bán bánh chuối, khoai rán, nem rán “xông xênh” đổ ngập chảo, chúng tôi nhận được câu trả lời:nhà hàng đưa đến thế nào thì dùng thế, chẳng biết họ ở đâu, cũng chẳng biết giá cả thế nào vì hết đợt hàng  họ mới thanh toán tiền một lần…”. Tuy nhiên, cũng có chủ hàng mách: “Ở chợ Đồng Xuân nhiều lắm. Nhưng nếu cửa hàng nhỏ, hoặc nhà mình ăn thì mua làm gì!”.

Ảnh: Thu Hằng
Ảnh: Thu Hằng

Mỡ, dầu không nhãn mác, sử dụng nhiều lần nên đen kịt, có mùi hôi, khét. Nhưng điều lạ là khách vẫn vô tư ăn, chẳng có ai thắc mắc gì về những chảo mỡ  đen.

Hại gan, thận

TS Bùi Quang Thuật, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) cho biết, việc sử dụng dầu ăn, mỡ nhiều lần qua nhiệt độ khiến dầu ăn, mỡ bị  oxy hoá, các vụn thực phẩm trong quá trình chế biến rơi trong dầu, mỡ và cháy sém khiến cho các chỉ số tiêu chuẩn kể trên tăng lên vượt ngưỡng cho phép.

Khi vào cơ thể người sẽ dẫn đến ngộ độc tức thời hoặc gây hại cho gan và thận. Đối với những sản phẩm mỡ lợn nguyên khổ nếu trong điều kiện động vật được phép giết mổ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì không có vấn đề gì.

Dầu ăn, mỡ nhiều lần qua nhiệt độ khiến dầu ăn, mỡ bị  oxy hoá, dẫn đến ngộ độc tức thời hoặc gây hại cho gan và thận (Ảnh: Thu Hằng)

Nhưng nếu vệ sinh không đảm bảo, lại để quá lâu mới đem ra sử dụng, lúc này mỡ lợn đã bị ôi hoá, chắc chắn có hại cho sức khoẻ.

Cùng quan điểm trên, TS Vũ  Hồng Sơn, Phó trưởng bộ môn Quản lý Chất lượng và Công nghệ Thực phẩm Nhiệt đới (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghiệp Thực phẩm, ĐH Bách Khoa) phân tích: Dầu và mỡ về bản chất là giống nhau, đều là ester của axit béo và glyxerin, nhưng trong dầu chủ yếu là axit béo chưa bão hòa, còn trong mỡ thì lại chứa nhiều axit béo bão hòa.

Tuy nhiên, cả dầu ăn và mỡ đều có đặc điểm chung là rất dễ bị oxy hoá. Với nhiệt độ chiên, rán từ 180 – 200oC quá trình oxy hóa diễn ra mạnh hơn và tạo thành các hợp chất, các gốc tự do… Khi vào cơ thể, chúng hình thành nên các gốc tự do, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến căn bệnh ung thư.

Do đó, đối với những loại dầu, mỡ đã qua sử dụng nhiều lần có mùi ôi, khét, màu đen, đặc lại hoặc tạo thành mảng thì dứt khoát không nên ăn.

Mỡ  thối, nguy hiểm ở vi nấm

TS Sơn cho biết, với những sản phẩm mỡ lợn có dấu hiệu ôi, thối, là  chất lượng đã bị biến đổi mạnh, có thể  do bị oxy hoá bởi nhiệt độ chiên, rán hoặc bị oxy hoá bởi chính các enzym, bị thuỷ  phân ngay từ khi chờ đưa vào sử dụng, tiềm ẩn nhiều độc tố vi nấm.

Như vậy, mặc dù qua xử lý nhiệt rán thành mỡ nước cũng chỉ là sự chuyển đổi từ dạng rắn sang lỏng chứ bản chất sản phẩm không thay đổi. Nó không còn chút giá trị dinh dưỡng nào.

Thậm chí các độc tố hoá học, độc tố vi nấm không mất đi, vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển khi vào cơ thể người, là nguồn gốc sâu xa của căn bệnh ung thư.

TS Sơn khuyến cáo, nên dùng dầu ăn, mỡ đảm bảo các chỉ tiêu quy định về hoá lý vi sinh và đặc biệt chỉ nên dùng một lần chứ không vì tiết kiệm chút sản phẩm thừa mà lại rước bệnh vào thân.

TS Bùi Quang Thuật (Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công Thương) cho biết, tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như Ủy ban Thực phẩm Quốc tế Codex, các chỉ tiêu về màu sắc, mùi vị, axit và peroxit là những chỉ tiêu chính để xác định sản phẩm dầu ăn đó an toàn trong sử dụng hay không. Cụ thể, chỉ số axit (acid value) phải thấp hơn 0,6mg KOH/g. Chỉ số peroxit (peroxid value) phải thấp hơn 10meq 02/kg. Về màu sắc phải đảm bảo trong sáng, mùi vị đặc trưng của từng loại dầu, không có mùi vị lạ.

Hồng Anh – Hoài Hương/BEE.NET.VN




Nguy cơ ngộ độc: Cốm Vòng ‘được’ phun phẩm màu và chất tạo ngọt

Để tạo vị ngọt và màu xanh đặc trưng, các cơ sở sản xuất cốm đã phun phẩm màu công nghiệp và chất tạo độ ngọt có khả năng gây ung thư, tổn thương gan, thận cho người sử dụng.

Ít ai biết rằng, màu xanh của cốm và vị ngọt lại được tạo ra bằng những thứ nước đựng trong chai, lọ, hay các gói bột hoá học không rõ nguồn gốc.

Nghề làm cốm thủ công chân truyền ngày xưa đang có nguy cơ bị mai một và thay vào đó là những mẻ cốm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang được bán rộng rãi ở khắp Hà Nội.

Chúng tôi về làng Vòng. Vào sâu trong làng, tìm đến một gia đình làm cốm là hộ chị Dung. Chị Dung đi vắng, con gái chị cho biết, chị đã mang cốm lên chợ Hàng Da bán từ sáng sớm.

Trong sân nhà chị vẫn ngổn ngang các bát nhựa đựng phẩm màu đã khô két, một chiếc chổi lúa nhỏ cũng được nhuộm màu xanh và các gói bột trắng, viên nhỏ như viên thuốc được đựng trong một chiếc hộp nhựa.

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua cốm để gửi cho họ hàng ở nước ngoài, cô bé hẹn trưa quay lại gặp bố mẹ. Rót thứ nước đặc màu xanh cổ vịt ra chiếc bát nhựa, tôi thử nhúng ngón tay vào, lập tức cả ngón tay bị nhuộm thành màu xanh đậm.

Vòng sang làng Mễ Trì Hạ, chúng tôi được giới thiệu đến nhà chị Hiền. Chị Hiền hồ hởi lấy trong tủ lạnh ra một bọc cốm đựng trong túi nilon mời chúng tôi ăn thử.

Ngỏ ý muốn mua một kilôgam cốm không có phẩm, tôi được chị giới thiệu: “Đấy gọi là cốm mộc. Muốn ăn cốm ấy thì phải đặt trước, sáng mai quay lại lấy vì chồng chị đang đi mua thóc bên Bắc Ninh về, chiều mới làm”.

Phía trong sân sau nhà chị đang phơi một chiếc chiếu bốn rìa loang lổ phẩm màu. Chị cho biết, đây là chiếc chiếu để đựng cốm sau khi sàng, sẩy và hồ xong.

Theo chị, để có được 1kg cốm cần 3kg thóc tươi. Khác với chiếc chổi lúa dùng để vẩy phẩm vào cốm ở nhà chị Dung, chị Hiền có hẳn một bình phun để phun phẩm cho đều.

Nếm thử một chút cốm trong bọc nilon thấy có vị ngọt lợ, chị H. vội vàng giải thích: “Nhà chị không cho đường hoá học vào cốm, chỉ cho phẩm thôi, còn bọc cốm này là bán hộ nhà hàng xóm. Chưa có ai ăn cốm nhuộm phẩm bị ngộ độc đâu, em cứ yên tâm. Chứ gửi biếu mà dùng cốm mộc thì không đẹp mắt”.

Chị giải thích, cốm mộc màu rất xấu, trắng bạc. Nếu để nguyên màu cốm như vậy thì không bán được nên hầu hết các hộ trong làng Mễ Trì đều dùng phẩm để nhuộm.

Phẩm màu được mua lại của những người làm kem, làm bánh cốm và mua trên phố Hàng Buồm. Và theo chị Hiền, đã nhiều năm nay, cốm được phun phẩm tạo màu xanh.

Chúng tôi tìm đến một vài hộ làm cốm khác ở Mễ Trì. Nỗi thất vọng về cốm lớn dần khi nhà nào chúng tôi đến cũng có chung công thức nhuộm phẩm màu từ những chai, những gói phẩm, đường hoá học không có nhãn mác, ngày sản xuất, liều lượng.

Theo những người làm cốm ở đây, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy thỉnh thoảng vẫn cử người xuống kiểm tra ATVSTP trong chế biến cốm nhưng người dân làm cốm ở đây vẫn hoàn toàn tự phát. Đến mùa cốm thì làm, hết mùa lại nghỉ.

Nghề làm cốm chỉ như một nghề tay trái. Trung bình mỗi nhà khi vào mùa cốm thường làm được 5-7kg cốm/ngày. Ở làng Mễ Trì, có tới 50% hộ làm cốm. Hằng ngày, hàng chục thúng cốm vẫn được đưa đi bán khắp các phố phường Hà Nội. Người mua không thể phát hiện được cốm đã bị nhuộm phẩm màu và đường hoá học.

Cũng chẳng ai biết rằng, nếu ăn cốm nhuộm phẩm, tẩm đường hoá học không rõ nguồn gốc ấy thì sức khoẻ của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu, bởi chưa có một kết quả kiểm tra, đánh giá nào từ phía các cơ quan chức năng về việc nhuộm phẩm vào cốm.

Rời làng Mễ Trì với hai gói phẩm màu và mấy viên thuốc dùng để nhuộm cốm, chúng tôi đến gặp kỹ sư Trần Cẩm Tú, Cửa hàng trưởng Cửa hàng phụ gia thực phẩm an toàn (Hội Khoa học An toàn thực phẩm Việt Nam).

Bà Tú cho biết, không thể xác định được các loại hoá chất này. Trong danh sách các loại chất phụ gia thực phẩm được bán ở cửa hàng không hề có loại nào tương tự như vậy.

Bà Tú cũng cho biết thêm, ngay cả với các loại chất phụ gia được phép sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm cũng phải dùng với liều lượng quy định chứ không thể dùng bừa bãi.

Theo một người bán chất phụ gia thực phẩm ở phố Hàng Buồm, mấy viên dạng viên thuốc màu trắng là một chất tạo độ dẻo thường được nhiều người cho vào bánh cốm. Như vậy, với những viên thuốc này, hoàn toàn có thể “phù phép” những mẻ cốm làm bằng thóc già, cứng trở nên mềm dẻo.

Sớm hôm, tiếng chày giã cốm vẫn vang lên thậm thịnh khắp các đường làng, ngõ xóm ở làng Vòng và làng Mễ Trì, những tiếng chày đã được động cơ hoá. Đã vào cuối mùa cốm, cả làng Vòng chỉ còn dăm ba nhà cố làm nốt những mẻ cốm cuối cùng trước khi thóc già, không thể giã cốm. Nhưng ngay cả khi mùa cốm mới bắt đầu, làng Vòng cũng chỉ còn mươi nhà theo nghề làm cốm.

Số còn lại, nhanh nhạy hơn với cơ chế thị trường, họ mua cốm từ làng Mễ Trì về bán cho khách với thương hiệu cốm làng Vòng. Chị Nguyễn Thị Loan, một người làm cốm ở xóm 3, Mễ Trì cho chúng tôi biết, gia đình chị thường xuyên làm cốm để bán buôn cho các gia đình bán cốm ở làng Vòng.

Không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều hộ khác trong làng Mễ Trì cũng phải bán lại cốm cho khách ở làng Vòng: “Khách mua cốm thường chuộng cốm Vòng. Làng Mễ Trì phát triển nghề làm cốm sau nên muốn bán được thường phải mượn danh cốm Vòng để bán”.

Từ làng Vòng, cốm chính thức được bán đi khắp nơi. Từ những gánh hàng rong đến TP HCM, theo chân khách du lịch…

Dường như không còn là nếp cái hoa vàng của cánh đồng làng Vòng. Để phục vụ đủ cho nhu cầu của khách, thóc nếp được thu mua khắp nơi. Chẳng ai dám chắc những gói cốm nhuộm phẩm và đường hoá học ấy sẽ mang lại hậu quả gì cho sức khoẻ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nhiều người làm cốm đã công khai sử dụng các chất hoá học để chế biến cốm mà không có cơ quan chức năng nào thẩm định.

Theo kỹ sư Trần Cẩm Tú, Cửa hàng trưởng Cửa hàng tư vấn cung ứng phụ gia an toàn của Hội Khoa học An toàn thực phẩm Việt Nam – 144 Nguyễn Khuyến, Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 11 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm, tuy nhiên số cửa hàng bán phẩm màu an toàn thì đếm chưa hết đầu ngón tay.

Điều nguy hại là phẩm màu ngoài danh mục cho phép với những dư lượng kim loại nặng tồn đọng có thể gây hậu quả di truyền, biến dị xấu về gen cho những thế hệ sau. Nếu ăn phải thực phẩm có phẩm màu công nghiệp có thể gây độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng.

Theo CAND

Nước máy ‘quá liều’ Asen: Thách ai dám tẩy chay?

Kết quả phân tích mẫu của khách hàng có chỉ tiêu Asen là 0,025- 0,028 mg/l. Như VietNamNet đã phỏng vấn, giới hạn tối đa 0,01mg/l theo Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống là mức an toàn cho những người có thể trạng yếu nhất.Với những người tình trạng sức khoẻ tốt, không có điểm yếu về thể trạng, ở ngưỡng đó không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng với những người khả năng đào thải Asen kém, khả năng tích luỹ Asen cao thì từ 10 đến 20 năm đủ lượng phát bệnh.

Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết Nước máy “quá liều” Asen:  kiến kiện công ty “một đường ống”, Công ty Nước sạch Hà Nội đã có thông tin phản hồi.

Công ty Nước sạch: nước đảm bảo yêu cầu sử dụng

n
Nước sinh hoạt tại nhà ông Phan Tường vẫn là mối lo ngại – Ảnh: B.D

Cty Nước sạch Hà Nội cho biết: Chất lượng nước của nhà máy nước trước khi cấp ra mạng đều được kiểm tra chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Trong đó, chỉ tiêu Asen có kết quả đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn cho nước ăn uống.
Tuy nhiên vì chỉ tiêu này có chỉ số định lượng rất nhỏ đòi hỏi thiết bị phân tích phải có độ chính xác cao và phụ thuộc rất nhiều vào vị trí, phương pháp lấy mẫu, bảo quản phân tích theo TCVN 6182-1996.
Cty Nước sạch Hà Nội khẳng định: “Kết quả phân tích mẫu của khách hàng có chỉ tiêu Asen là 0,025- 0,028 mg/l. Đối với chỉ tiêu này so với tiêu chuẩn 1329/2002/BYT-QĐ dùng cho nước ăn uống trực tiếp có cao hơn, tuy nhiên so với tiêu chuẩn 09/2002/BYT-QĐ của Bộ Y tế ngày 11/3/2005 nước dùng cho sinh hoạt, ăn chín uống sôi thì chỉ tiêu trên còn cách xa tiêu chuẩn 0,05mg/l.

Do vậy, mẫu nước do quý khách hàng tự lấy mẫu phân tích hoàn toàn đảm bảo yêu cầu sử dụng nước sinh hoạt dân sinh”.

Để bảo vệ an toàn nguồn nước máy, Công ty Nước sạch Hà Nội khuyến cáo khách hàng sử dụng nước: Không dùng máy bơm hút trực tiếp từ đường ống cấp nước; không chứa nước trong bể chứa xây ngầm hoặc sử dụng bể chứa nước không có nắp đậy; Thông báo kịp thời cho Công ty Nước sạch Hà Nội mọi trường hợp gây hư hỏng đường ống cấp nước.

Cái lý “tiêu chuẩn nước sạch, tiêu chuẩn nước ăn”

Mô tả ảnh.

Trả lời của Công ty Nước sạch Hà Nội – Ảnh: B.D

Trong tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch (ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ Y tế) mà Công ty Nước sạch Hà Nội viện dẫn ở trên nói rõ :
quy định trong tiêu chuẩn này là nước dùng cho các mục đích sinh hoạt cá nhân và gia đình, không sử dụng làm nước ăn uống trực tiếp. Nếu dùng trực tiếp cho ăn uống phải xử lý để đạt Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành kèm Quyết định số 1329/QĐ – BYT ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế”

Như vậy, theo Cty Nước sạch Hà Nội, 0,05mg/l là lượng Asen cho phép với Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch, chứ không phải Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống.

Như VietNamNet đã phỏng vấn, giới hạn tối đa 0,01mg/l theo Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống là mức an toàn cho những người có thể trạng yếu nhất. Với những người tình trạng sức khoẻ tốt, không có điểm yếu về thể trạng, ở ngưỡng đó không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng với những người khả năng đào thải Asen kém, khả năng tích luỹ Asen cao thì từ 10 đến 20 năm đủ lượng phát bệnh.

Thế giới cũng đã ấn định mức độ an toàn của Asen trong nước ở mức 0.01mg/l.
Chưa biết người nhà ông Phan Tường có ai được coi là thể trạng yếu. Nhưng nhà máy nước đã giải thích rồi, nên khoẻ hay yếu cũng phải bấm bụng mà dùng. Có mỗi 1 cái đường ống nước, tẩy chay nó có mà chết khát…

B.D

Theo Vietnamnet