Người Việt đáng yêu, người Việt dễ ghét

Từ trước đến nay, một cách công khai, trên sách báo cũng như trên các diễn đàn, hình như ai cũng nói người Việt…đáng yêu.

Mà không phải chỉ có người Việt Nam mới nói thế. Nhiều người nước ngoài thường đi Việt Nam cũng không ngớt khen là người Việt Nam đáng yêu. Cách đây mấy năm, có một sinh viên người Na Uy sang Úc du học. Trên đường từ Na Uy sang Úc, anh ghé Việt Nam chơi hai tuần. Lý do ghé Việt Nam chỉ có tính chất thực dụng: Vật giá rẻ. Vậy thôi. Nhưng hai tuần ở Việt Nam đã làm thay đổi hẳn kế hoạch học tập của anh. Mê Việt Nam trong thời gian hai tuần ấy, sang Úc, anh quyết định chọn Tiếng Việt làm một trong hai môn học chính trong chương trình Cử nhân. Hỏi: Mê nhất ở Việt Nam là điều gì? Anh đáp: Con người. Và nói thêm: “Người Việt rất đáng yêu”.

Ảnh: chungta.com

Cách đây mấy ngày, tôi cũng lại gặp một sinh viên khác, cũng mê Việt Nam như thế. Sau khi học xong trung học, thay vì vào đại học ngay, cô quyết định nghỉ một năm để đi làm và đi du lịch. Sau khi qua nhiều nước, cô ghé Việt Nam. Cũng chỉ là một quyết định tình cờ. Thoạt đầu, định ở vài ba tuần. Nhưng rồi cô lại đâm mê Việt Nam. Bèn quyết định ở lại thêm vài tháng. Trong vài tháng ấy, cô xin dạy học trong một trung tâm sinh ngữ tại Sài Gòn. Cô càng mê hơn nữa. Về lại Úc, cô bèn quyết định học tiếng Việt để sau này có cơ hội quay sang làm việc lâu dài tại Việt Nam. Hỏi lý do, cô cũng đáp như anh sinh viên người Na Uy kể trên: “Người Việt đáng yêu”.

Người Việt đáng yêu như thế nào? Tôi chưa bao giờ có ý định làm một cuộc điều tra thật đàng hoàng về đề tài này. Nhưng từ những gì tôi nghe từ các sinh viên cũng như bạn bè, đồng nghiệp của tôi, những nét đáng yêu nhất của người Việt Nam thường được nêu lên là: vui vẻ, cởi mở và thân thiện.

Tuy nhiên, tất cả những điều kể trên chỉ là một khía cạnh. Có một khía cạnh khác, vì lịch sự, người khác ít nói; và vì tự ái, chúng ta cũng ít khi đề cập: Có vô số người chê người Việt là cục cằn, thô lỗ, ích kỷ, tham lam vặt, hay nói dối vặt, thiếu kỷ luật, thiếu lịch sự, nói chung, là…dễ ghét. Ngay chính những người được xem là “mê” Việt Nam cũng thấy điều đó. Và dĩ nhiên, với tư cách là người Việt Nam, chúng ta cũng thừa biết điều đó.

Thật ra, ở quốc gia nào cũng có những người đáng yêu và những người dễ ghét. Đó là chuyện bình thường. Tuyệt đối không có gì đáng ngạc nhiên cả. Chỉ có vấn đề là: ở nhiều nơi, nét đáng yêu và đáng ghét ở con người chủ yếu là do cá tính, hay nói cách khác, do Trời sinh; còn ở Việt Nam (nói riêng, chứ VN không phải trường hợp duy nhất) chủ yếu do văn hoá. Ở những nơi khác, sự phân bố của những người được xem là đáng yêu và những người bị xem là đáng ghét hoàn toàn có tính ngẫu nhiên; ở Việt Nam thì khác: nó có tính quy luật để theo đó, người ta có thể vẽ lên được một “bản đồ” đáng yêu / đáng ghét của người Việt một cách khá chính xác.

Đại khái “bản đồ” ấy như thế này:

Người Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.

Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu cũng thấy có nhiều người Việt Nam dễ ghét.

Cái dễ ghét ấy có thể được nhìn thấy ngay trên các chuyến bay về Việt Nam: Theo nhận định của nhiều người vốn đi nhiều, ít có tiếp viên hàng không nào dễ ghét như tiếp viên hãng Hàng Không Việt Nam; ít có công an cửa khẩu và nhân viên hải quan nào dễ ghét như những người làm việc tại các sân bay quốc tế tại Việt Nam. Một sinh viên người Úc, rất mê Việt Nam, và vì mê Việt Nam, cuối cùng, lấy vợ Việt Nam. Chính trong thời gian làm đám cưới, phải chạy vạy làm đủ các loại giấy tờ, từ hôn thú đến bảo lãnh vợ sang Úc, anh phờ phạc cả người. Quay về Úc, anh than: Chưa bao giờ anh thấy nhân viên hành chính ở đâu dễ ghét bằng các nhân viên hành chính ở Việt Nam.

Một người bạn khác của tôi, về Việt Nam thăm thân nhân bị bệnh, phải nằm bệnh viện, than: Chưa bao giờ thấy bác sĩ và y tá ở đâu lại dễ ghét như ở Việt Nam. Mặt mày ai cũng hầm hầm hay lạnh tanh. Người ta hỏi gì cũng quát, nạt. Họ chỉ dịu giọng được một lát khi nhận tiền lót tay. Một người bạn khác rất có thiện chí giúp đỡ Việt Nam, nhiều lần tổ chức quyên góp từ quần áo, sách vở đến máy vi tính ở Úc để chuyển về tặng cho người Việt; nhưng sau đó, đâm nản, cuối cùng, bỏ cuộc. Anh nói: “Mình mang quà về giúp, nhưng ở đâu cũng bị làm khó dễ.” Và kết luận: “Người Việt thật dễ ghét!”

Xin lưu ý: những nhân viên các cấp bị xem là dễ ghét trong công sở ấy có thể trở thành cực kỳ dễ thương với bạn bè, người thân hoặc người quen. Một viên công an mặt mày lúc nào cũng lạnh như tiền có thể là một người cởi mở, hào hiệp và hào phóng khi ngồi vào bàn nhậu với bạn bè. Nhưng trong quan hệ công cộng thì họ lại biến thành một người khác hẳn.

Có thể nói gọn lại thế này: Trong quan hệ cá nhân, người Việt thường đáng yêu; nhưng trong quan hệ công cộng, nhất là ở công sở, người Việt thường rất dễ ghét.

Cũng có thể nói một cách khái quát hơn: ở Việt Nam, một số không ít người  cứ hễ có chút quyền lực, người ta liền biến ngay thành người dễ ghét. Bản tính dễ thương đến mấy cũng thành dễ ghét.  Bởi vậy, nhiều người nhận xét: Chơi với người Việt thì vui, nhưng làm việc với người Việt thì đúng là một cực hình. Trên bàn nhậu, ai cũng thông minh, biết điều, cởi mở; nhưng quay lại bàn giấy thì người ta lại khó khăn, tắc trách.

Do đó, vấn đề không phải là bản tính mà là văn hoá.

Bạn có nghĩ vậy không?

  • Bài viết do một bạn đọc gửi đến HNX

Tại người hay tại môi trường văn hóa

Gần đây, ở Hà Nội năm nào người ta cũng tổ chức các lễ hội hoa. Lễ hội nào cũng “hoành tráng” với hàng ngàn chậu hoa, trong đó có nhiều loại được xem là kỳ hoa, được trưng bày lộng lẫy. Năm nào cũng có cả hàng chục ngàn người đến thưởng thức. Năm nào thành phố cũng huy động một lực lượng công an cực kỳ hùng hậu, nghe nói đến năm bảy trăm người, đến bảo vệ. Nhưng năm nào kết cục cũng như nhau, vô cùng nhếch nhác: Người ta dẫm đạp lên hoa, ngắt hoa, thậm chí, cướp cả chậu hoa hay cành hoa mang về nhà. Một lễ hội của cái đẹp, rốt cuộc, để lại một hình ảnh vô cùng xấu về một nếp sống rất thiếu văn minh và văn hoá.

Một câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao?

Nên nhớ, ở Việt Nam, không phải chỉ có Hà Nội mới tổ chức các lễ hội hoa như thế. Cuối năm vừa rồi, ở Đà Lạt cũng có festival hoa. Cũng đẹp. Cũng lớn. Nhưng không hề nghe nói đến nạn dẫm đạp lên hoa, ngắt hoa hay cướp hoa. Ở Sài Gòn, cũng thế. Năm nào cũng có chợ hoa. Cũng có cả hàng chục ngàn người nườm nượp đến xem. Cũng chụp hình làm kỷ niệm. Nhưng không nghe ai nói đến cảnh đạp lên hoa để chụp hình. Cũng không nghe ai nói đến cảnh người ta nhào đến giật các cành hoa rực rỡ ấy để mang về nhà mình chưng bày.

Nạn dẫm đạp lên hoa, ngắt hoa, giật hoa và cướp hoa chỉ xảy ra ở Hà Nội.

Tại sao?

Nhiều người nói: Tại người Hà Nội. Tôi không tin: Người Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng là thanh lịch cơ mà? Người ta lại nói: Không phải là dân Hà Nội gốc mà là những người tứ xứ đến sinh sống ở Hà Nội. Tôi cũng không tin: Ở đâu lại chẳng có những người tứ xứ đến sinh sống? Về phương diện này, độ tạp về dân cư của Hà Nội chưa chắc đã bằng Sài Gòn hay Đà Lạt, những nơi có một lịch sử khá mới, rất hiếm có những người tự xưng là dân gốc. Có người lại nói: Đó là những phần tử thiếu giáo dục. Tôi lại càng không tin: Xem hình những cảnh dẫm hoa, giật hoa và cướp hoa đăng trên báo, tôi thấy họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, già có, trẻ có, nhưng tất cả đều ăn mặc đàng hoàng đẹp đẽ. Chắc chắn họ không phải là đám du thủ du thực.

Tôi nghĩ chúng ta không thể tìm được câu trả lời nếu chỉ chăm chăm tìm kiếm gốc gác của những người ấy. Cho họ là người Hà Nội gốc hay Hà Nội mới chỉ gây nên những kỳ thị mang tính địa phương vừa không đúng vừa chỉ gây chia rẽ một cách vô ích.

Vậy tại sao chuyện dẫm hoa, nhổ hoa, ngắt hoa, cướp hoa chỉ xảy ra ở Hà Nội?

Xem các bức ảnh đăng báo, tôi chú ý đến điều này: Những người ấy vừa dẫm lên hoa vừa cười toe toét. Họ vừa cướp hoa vừa cười toe toét. Nhìn, tôi tin chắc họ không phải chỉ là một thiểu số ít ỏi kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”. Ít, họ không thể lộng hành như thế khi có cả hàng mấy trăm công an và hàng mấy ngàn nhân viên an ninh canh gác khắp nơi. Tuy nhiên, tôi cũng tin điều này nữa: Trong số những người có “thành tích” dẫm hoa, nhổ hoa, cướp hoa ấy, không ít người đã từng đi Đà Lạt và Sài Gòn; không ít người từng tham dự các festival hoa ở Đà Lạt cũng như chợ hoa ở Sài Gòn. Nhưng ở đó, họ không làm như vậy. Ở đó, họ biến thành những người đàng hoàng, lịch sự, tử tế.

Vậy, tại sao?

Vấn đề theo tôi, không phải là do con người mà là do ở môi trường, chủ yếu là môi trường văn hoá. Nói một cách tóm tắt, theo tôi, có những môi trường có khả năng giúp con người kiềm chế được bản năng; và có những môi trường làm cho người ta tự nhiên trở thành buông thả, bất cần, mặc cho các thói xấu tha hồ lộ diện.

Tôi từng thấy rất nhiều người Việt Nam, khi ra nước ngoài, tự nhiên trở thành lịch sự hơn hẳn. Đi, họ biết nhường đường. Đụng phải người khác, họ biết xin lỗi. Mua hàng xong, họ biết cám ơn. Hút xong gói thuốc lá, họ loay hoay tìm thùng rác để vất. Những người ấy, tôi biết, về lại Việt Nam, đâu lại hoàn đấy. Ra đường, họ sẽ chen lấn không kém người nào cả. Đụng ai, họ sẽ trừng mắt lên nhìn. Mua hàng xong, họ lẳng lặng bỏ đi. Hút xong gói thuốc lá, họ sẽ vất thẳng gói thuốc xuống đường.

Dĩ nhiên tôi không ngây thơ đến độ tin là môi trường có thể giết chết hết mọi thói xấu. Nhưng tôi tin là nó có thể kiềm chế được, ít nhất, phần nào đó, nhất là những thói xấu trong giao tiếp. Con người, không ai muốn bị người khác coi thường. Để tránh bị coi thường, người ta thường có khuynh hướng tuân theo các quy ước và chuẩn mực văn hoá chung quanh. Nhưng như vậy thì cần có hai điều kiện. Thứ nhất, những quy ước và chuẩn mực ấy phải rõ ràng và phải phổ biến. Thứ hai, chúng trở thành tiêu chí để đánh giá nhân cách mọi người trong xã hội. Người nào đi ngược lại các quy ước và chuẩn mực ấy tự nhiên trở thành dị hợm ngay tức khắc. Chính vì sợ bị xem là dị hợm, người ta tự kiểm soát mình một cách khắt khe hơn, nghĩa là…lịch sự hơn.

Tôi tin đó là lý do chính khiến một số người có thể thản nhiên dẫm hoa, nhổ hoa và cướp hoa ở nơi này lại không hề làm như vậy ở những nơi khác.

Bởi vậy, biện pháp chính để ngăn chận những hành vi kém văn minh và văn hoá ấy là phải xây dựng cho được một thứ văn hoá công cộng ở đó mọi người biết và tôn trọng những quy ước và chuẩn mực văn hoá chung. Mà văn hoá công cộng lại không thể tách khỏi toàn cảnh văn hoá của xã hội. Có điều nói đến vấn đề toàn cảnh văn hoá của xã hội, chúng ta lại sẽ đụng đến vô số những vấn đề khác vừa phức tạp vừa dài dòng.

Thôi, để dịp khác.

  • Nguyễn Hưng Quốc

Thảo luận: Giới trẻ Việt Nam thay đổi quá nhanh?

HNX: Dưới đây là ý kiến của một số bạn nước ngoài và VN về sự thay đổi của giới trẻ hiện nay. Đất nước thay đổi từng ngày nên việc giới trẻ có sự khác biệt trong phong cách, nếp nghĩ cũng không phải là điều khó hiểu. Tuy nhiên nên thay đổi theo đường hướng nào thì lại là một vấn đề cần phân tích, tranh luận.

Nohara May

(Người Nhật, trưởng văn phòng đại diện Công ty Onlink Japan)

Tôi đến VN lần đầu vào năm 2000 và quyết định ở lại đây từ 2005. Nếu không có tình yêu mãnh liệt với vùng đất này, tôi đã không theo học tiếng Việt từ chập chững ABC tới trình độ cao học như bây giờ.

Tôi yêu nơi này bởi:

– Xã hội an toàn

– Khí hậu rất tốt

– Thức ăn ngon

Thật khó tìm lại những nét đẹp thuần thiết của thiếu nữ Sài Gòn 10 năm trước

Nhớ ngày xưa khi còn ngồi ghế giảng đường ở Nhật, tôi đã lập trình cuộc đời mình là sẽ tốt nghiệp, lập gia đình và làm việc mãi mãi ở Nhật. Thế mà chỉ một dịp được đến thăm VN, tôi đã ra một quyết định khiến ai nấy đều bất ngờ là sẽ tới VN sinh sống và chấp nhận học lại từ đầu, bỏ hẳn tấm bằng đại học chuyên ngành xã hội học ở Nhật. Và chắc chắn đây là một quyết định đúng đắn, bởi cha mẹ tôi sau khi qua thăm tôi đã gật đầu đồng ý với quyết định từng được cho là nông nổi ngày nào.

Thật ra, trước khi làm điều gì tôi đã phải tìm hiểu, phân tích rất kỹ càng. Tôi đã tìm hiểu nhu cầu cần nhân sự biết tiếng Việt trong xã hội hay của các công ty Nhật trong tương lai sẽ cao tới mức nào, và nếu biết tiếng Việt thì khả năng thăng tiến của tôi cao hơn khi biết tiếng Anh hay không…?

Chính vì thế ngoài yếu tố bị thu hút bởi nền văn hóa, tôi cũng đã trình bày với cha mẹ những lý do hợp lý trên, bên cạnh đó đưa ra các mốc thời gian chắc chắn để trở về nước. Tôi cũng hứa sẽ chịu trách nhiệm những việc mình đã và sẽ làm.

Nói điều này, tôi muốn hướng tới việc giới trẻ Việt có lẽ còn coi nhẹ việc xác định hướng đi, đưa ra mục tiêu ngắn và dài hạn trong công việc, cuộc sống. Các bạn cũng chưa quen với việc ngồi lại cùng gia đình để giải thích rõ tại sao mình lại chọn giải pháp đó cho cuộc đời.

Phần lớn mọi người đều làm theo các hướng như: thấy mọi người ra sao mình làm như thế cho hợp thời hoặc chưa có lập trường cụ thể… Khi bạn tập đưa ra bình luận, quan sát và lời hứa thì chắc chắn bạn sẽ làm việc có trách nhiệm, hiệu quả hơn.

Các bạn trẻ Việt cũng có sự thay đổi quá lớn trong cách vận trang phục, ứng xử văn hóa nơi công cộng. Nhớ năm 2000 khi tôi tới VN, mọi người hầu hết đều ăn mặc vô cùng giản dị và rất ít người trẻ trang điểm khi ra đường. Lúc ấy hầu hết các bạn đều sở hữu một nét thuần khiết châu Á, không rườm rà, đó chính là điều khiến những ai đến từ các nước đã phát triển như tôi cảm thấy rất thích thú, yêu mến. Bây giờ ra đường tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ tại đây ăn mặc, trang điểm, tiêu xài… y hệt bên Nhật!

Tôi dám chắc những chiếc xe mắc nhất, những bộ quần áo hợp thời “gây sốc” nhất tại Nhật… đều có thể phát hiện khắp nơi trong thành phố này. Điều khó hiểu và đáng nói là ở chỗ thu nhập cũng như mức sống ở Nhật rất cao và chênh lệch nhiều so với VN, tại sao giới trẻ VN có thể làm được điều này?

Tôi biết VN là một quốc gia đang phát triển, nhưng dường như sự phát triển trong cách sống của giới trẻ đã đi quá nhanh so với kinh tế. Tôi không mong muốn được thấy VN phát triển theo hướng như thế. Bản thân tôi muốn đi theo hướng của những phụ nữ Việt thời xưa, ăn nói nhỏ nhẹ và luôn đơn giản hóa trong ăn bận, tôn trọng vẻ đẹp và sự giàu có bên trong hơn.

Tôi cũng lưu ý một điều khi một bạn trẻ Việt đi một mình thì không sao, nhưng nếu đi theo nhóm và đến một nơi công cộng thì hầu hết đều không còn quan tâm đến không gian xung quanh nữa. Họ cười nói lớn tiếng, chạy giỡn và có những hành động thể hiện sự không tôn trọng những người gần đó. Dường như họ quan niệm đơn giản “Đi nhiều người nhất thì phải đồng nghĩa với việc gây được nhiều sự chú ý nhất”. Và thế là tôi biết mỗi khi có một nhóm bạn trẻ kéo tới ngồi kế bên thì tốt nhất chúng tôi phải là “người ra đi”!

Mười năm trước, giới trẻ Việt ngoan và hiền lắm. Tôi mong sao điều đó sẽ được giữ lại mãi mãi, nhưng có vẻ như đây chỉ là điều viển vông…

CÔNG NHẬT ghi

Họ đã “siêu” thay đổi

Đúng là so với khoảng thời gian mười năm trước, bây giờ giới trẻ đã có sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh những thay đổi tích cực như thông thạo ngoại ngữ, vi tính hơn thì họ cũng táo bạo hơn. Đơn cử như việc cứ đến một số trường đại học, cao đẳng, trường quốc tế giờ tan học… sẽ thấy các màu áo siêu mỏng, tóc siêu thẳng và váy siêu ngắn xuất hiện ngập tràn…

Nguyễn Ngọc Yến Chinh

(nhân viên Mommy Spa)

Hụt hẫng vô cùng!

Tôi thích tìm nguồn cảm hứng từ những điều đơn sơ, thế nhưng khi đến TP.HCM thì có vẻ điều đó đã trở thành xa xỉ. Thật khó để tìm một cô gái tóc dài và sở hữu nét đẹp tinh khiết, dịu dàng lướt trong tà áo dài. Bây giờ đi đâu cũng thấy tóc duỗi, tóc quăn, tóc tém… và ai cũng chu môi, phùng má để tạo được cái gọi là “xì tin kiểu Hàn Quốc” khi chụp ảnh. Nhiều lần thấy một cô bé xinh xinh đi ngang qua, tôi giơ máy định chụp hình thì kiểu cách ấy tái diễn, tôi đành miễn cưỡng chụp mà lòng tiếc ngẩn ngơ.

Brian C.

(họa sĩ, người Úc)

Xin cảm ơn bài viết của tác giả OHARA MAY. Một lần nữa tôi xin khẳng định lại: Giới trẻ Việt Nam thay đổi quá nhanh. Thay đổi trong cách ăn nói, trang phục, phong cách, trong suy nghĩ và trong tư tưởng.

So với các bạn trong lớp thì tôi là người già nhất. Nói như các bạn vẫn hay gọi tôi là thế hệ 8X. Trong lớp tôi phần lớn là các bạn sinh năm 1990, 1991. Còn tôi lớn hơn họ chừng 4, 5 tuổi. Khoảng cách đó tuy không thật sự lớn về mặt thời gian, nhưng khoảng cách về phong cách ăn mặc, nói năng đều khác biệt, thậm chí là một trời một vực. Quan niệm của tôi đã đi học thì phải ăn mặc chỉnh tề, giản dị. Hãy thể hiện mình là người đang ngồi trên ghế nhà trường, chịu sự giáo dục uốn nắn cũng như những quy phạm trong trong trường.

Khác hẳn với điều đó, các bạn tôi rất thoáng trong cách ăn mặc. Mặc gì đến trường không quan trọng, người mặc váy, người mặc đồ jean. Có người mặc quần lửng, thậm chí nhiều bạn mặc váy ngắn đến trường. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất tôi thấy ở các bạn trong lớp so với tôi là cách ăn nói. Từ lóng xuất hiện phần lớn trong từng câu nói của các bạn.

Nếu kể một câu chuyện về phim ảnh, chuyện phiếm thì tôi chỉ hiểu chưa được 50%. Bởi vậy tuy lớn hơn nhau có mấy tuổi nhưng tôi phải vất vả kiếm bạn cùng trang lứa để chơi, tâm sự cho hợp nhau. Đồng ý là xã hội phát triển thì giới trẻ cũng cần sự hòa nhập, thay đổi nhưng các bạn trẻ của chúng ta đang hòa tan một cách đáng lo ngại.

Nguyễn Mậu Trường

Ý kiến riêng của bạn? Bạn có thể comment ở đây hoặc gửi cho toà soạn TTO

Lễ hội qua đi, điều gì ở lại?

“Tôi vẫn tưởng tượng Đại lễ 1000 năm phải là cơ hội để người dân ôn lại lịch sử, nhìn lại nền văn hóa lâu đời, và là dịp phát huy lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn tưởng tượng, lẽ ra từ lâu rồi, các nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ ngồi lại với nhau say sưa tranh luận về cội nguồn dân tộc, về các bài học lịch sử, chính trị, hay văn hóa của tiền nhân; cùng đưa ra các ý tưởng xây dựng kịch bản đại lễ trong niềm tự hào…”

Lễ hội: nơi phơi bày văn hóa dân tộc

Những ngày cuối năm, thời gian của Tết, của mùa xuân và của mùa lễ hội, hẳn là thời điểm mang nhiều cảm xúc và chờ mong đối với nhiều người. Đặc biệt với những người đang ở xa quê, sự nôn nao này càng rõ ràng hiện hữu hơn hết.

Một phần trong đó, lễ hội nơi quê nhà cũng là một phần nhung nhớ xao động, nơi ấy có bản sắc văn hóa, có truyền thống địa phương, có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên quê hương để thẩm thấu vào tiềm thức và trái tim mỗi con người.

Hẳn nhiên, lễ hội là một giá trị tinh thần rất thân thiết.

Nhưng ở khía cạnh khác, lễ hội cũng là nơi thể hiện rõ ràng nhất văn hóa sống, văn hóa cư xử hay sự văn minh của con người, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Lễ hội Ký ức cầu Long Biên, Ảnh: VNN

Có lẽ không cần nhắc lại, nhưng những gì diễn ra ở các lễ hội hoa, hay nhiều sự kiện văn hóa khiến mỗi người dân Việt có tự trọng đều không khỏi cảm thấy xót xa day dứt.

Đất nước chưa giàu, người dân còn vất vả, bài ca đó chúng ta đã thuộc làu, nhưng đâu có nghèo đến nỗi phải tranh giành dẫm đạp nhau vì vài bông hoa, mấy quả bóng bay hay vài tấm giấy màu lấp lánh. Cái sự nghèo này, hóa ra không nằm ở khía cạnh kinh tế nữa, mà ở đâu đó sâu sắc hơn, chua chát hơn.

Gương mặt ngỡ ngàng của người nghệ sĩ nước ngoài nhìn cảnh người dân lao vào tranh cướp những chiếc nón treo trong một triển lãm sắp đặt ngoài trời; hay những giọt nước mắt xót xa của người nghệ nhân già bất lực nhìn những chiếc vẩy kết bằng hoa của hai con rồng – công trình ông đã dốc sức cả tháng ra làm – phút chốc đã xác xơ dưới những bàn tay thô lậu; đã tạo thêm những cảm xúc không muốn có trong những trái tim nhạy cảm.

Lễ hội hoa – được hiểu là một sự kiện để con người có dịp thưởng lãm, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên đất trời, để thu hút nhiều hơn du khách đến với nơi được gọi là chiếc nôi văn hiến, đương nhiên là sự kiện quá đẹp, quá có ý nghĩa. Cái đẹp cứu rỗi cuộc đời, ai đó triết lý, để làm được một thủ đô đẹp hơn, để con người văn minh hơn, công sức ấy, mười mấy tỷ đồng ấy chẳng xứng đáng lắm sao?

Nhưng khi hội hết, hoa tan, còn lại điều gì, phải chăng là một đống rác, cả ở trên đường phố lẫn trong cảm xúc. Dĩ nhiên đó là cách nói tiêu cực nhưng không phải không chính xác.

Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái từng day dứt: “Hoa là biểu tượng cái đẹp rồi, nhưng lần nào tổ chức lễ hội cũng lộ cái xấu. Lễ hội là để vui chơi, ngắm nhìn và tận hưởng, là để làm con người hạnh phúc, mà lần nào cũng để lại dư âm buồn, lần nào cũng đau lòng thì làm làm gì?”

Đành rằng là vui, là xì xụp đông đúc nhưng dân trí có cao lên không, kiến thức về danh nhân, lịch sử, văn hóa địa phương có được người dân biết đến nhiều hơn không; sau lễ hội chúng ta thu hoạch được điều gì? chẳng ai biết.

Việt Nam đã cùng nhân loại bước sang năm 2010, năm của các sự kiện quan trọng và các đại lễ hội. Nhân tài vật lực sẽ bỏ ra là không nhỏ, có quá nhiều điều để chúng ta suy nghĩ băn khoăn.

Đạo diễn Lê Quý Dương từng bày tỏ: “Chiếc đồng hồ đếm ngược đến Đại lễ 1000 năm đã được dựng lên từ lâu. Chưa qua Bờ Hồ chưa đến Hà Nội, ai đến thủ đô cũng phải tranh thủ đi qua nơi thiêng liêng này, và đều nhìn thấy đồng hồ đếm ngược.”

Điều tôi mong mỏi và không khỏi ngạc nhiên là hình như ngoài đồng hồ ra, tôi không thấy không khí chờ đợi đại lễ ở thủ đô. Tôi vẫn tưởng tượng Đại lễ 1000 năm phải là cơ hội để người dân ôn lại lịch sử, nhìn lại nền văn hóa lâu đời, và là dịp phát huy lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn tưởng tượng, lẽ ra từ lâu rồi, các nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ ngồi lại với nhau, bất kể trong các hội thảo nghiêm túc hay nơi vỉa hè trà đá để say sưa tranh luận về cội nguồn dân tộc, về các bài học lịch sử, chính trị, hay văn hóa của tiền nhân; cùng đưa ra các ý tưởng xây dựng kịch bản đại lễ trong niềm tự hào”.

‘Tôi cũng tưởng tượng, trong các trường học hay các diễn đàn văn học nghệ thuật đang diễn ra những cuộc thi tìm hiểu hay sáng tác để các em hiểu hơn về cội nguồn và đề cao lòng tự tôn dân tộc; hoặc trên các mặt báo hoặc các diễn đàn khác đang sôi nổi những ý kiến xây dựng đất nước, vẽ bức tranh 1000 năm sau… vv.. ”

Năm 2010, năm của các sự kiện quan trọng và các đại lễ hội. Nhân tài vật lực sẽ bỏ ra là không nhỏ, có quá nhiều điều để chúng ta suy nghĩ băn khoăn. Ảnh: VNE

Thật ra mong muốn của Lê Quý Dương cũng là mong muốn của nhiều người. Không phải ở chuyện sẽ múa gì hát gì, bao nhiêu người sẽ diễu hành, bao nhiêu hoa cờ biểu ngữ sẽ được chăng, mà sự trông đợi ở ngày Đại lễ to lớn hơn, dài rộng hơn, sâu xa hơn như thế.

Trên phố các quý ông quý bà với áo hai dây quần cộc hay cởi trần ngồi vắt chân hút thuốc lào nơi vỉa hè. Những cảnh tượng như mô tả của nhà báo Nguyễn Quang Thiều trong bài: Nỗi xấu hổ ở sân bay quốc tế Nội Bài có thể bắt gặp  tại nhiều chỗ, nhiều nơi. Người ta thản nhiên đến vô tình thảy rác xuống đường, trong khi người lao công gần đó đang cặm cụi quét quét, dọn dọn.

Đường phố ngày càng trở nên ngột ngạt hơn với lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng dày đặc, khói xăng mịt mù, ngập ngụa. Nhưng vật chất ngày càng giàu có hơn nhưng dường như lại làm văn hoá  eo hẹp đi. Quá dễ dàng để nhìn thấy những vụ cãi cọ xô xát trên đường.

Những lỗ hổng đó có tổ chức hàng ngàn sự kiện văn hóa, hàng trăm lễ hội cũng chẳng lấp đầy được trong mắt du khách.

Đôi khi tôi cứ bị ám ảnh với những ý nghĩ lẩm cẩm: Liệu trong lễ hội Ký ức cầu Long Biên, chúng ta có thể thay việc treo đèn, kết hoa, thả diều hay triển lãm trên cầu bằng cuộc ra quân của thanh niên, sinh viên thủ đô trong việc dọn sạch môi trường hai bờ sông, tẩy xóa những bút tích vô ý thức trên thành cầu; thay các buổi biểu diễn bằng các cuộc thi diễn thuyết về lịch sử cây cầu gắn liền với công cuộc bảo vệ thủ đô…

Hay số tiền tổ chức lễ hội này khác được tổ chức các phong trào làm đẹp thủ đô, hay thưởng những sáng kiến giải quyết các vấn đề tồn tại  đang làm Hà Nội xấu xí….

Tôi cũng bị ám ảnh mãi câu nói đùa của một chị lao công hôm dọn rác lễ hội phố hoa: “Vì là hoa họ mới tranh nhau thế chứ! Nếu thay hoa bằng lễ hội… rác thì chẳng có cảnh đó đâu!”

Với tôi, câu đó không đùa chút nào. Triển lãm sắp đặt, hay lễ hội sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu phế thải, tại sao không? Không kém phần hấp dẫn và chắc chắn thông điệp về môi trường của nó sẽ có tác động mạnh mẽ.

Văn hóa của một xã hội, đôi khi lại được xây đắp từ những thứ rất bình thường, rác chẳng hạn!

  • Hoàng Hường (Theo Tuanvietnam.net)

Xin đừng “bóp cổ” công viên

Mất không gian công cộng, mất công viên, chúng ta không chỉ mất những lá phổi xanh của mình mà còn mất ký ức, mất bản sắc…

Theo thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gần đây, diện tích cây xanh công cộng trên đầu người ở nội thành Hà Nội là 0,9 m2/người. Diện tích cây xanh này gồm cây xanh ở các vườn hoa, công viên, ở các dải phân cách đường và trên các vỉa hè đường.

Trong khi đó, tỷ lệ này trên thế giới rất cao: ở London, Berlin, New York, Moscow đều gần 30m2/người. Tỷ lệ trên ở TP.HCM còn thấp hơn, khoảng 0,7m2/người. Hà Nội đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ là 16m2/người. TP.HCM đặt chỉ tiêu “hiện thực” hơn: 4-5m2/người cho đến năm 2025. Tại sao ta dùng từ “hiện thực” ở đây?

Bởi vì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ ngày càng phình to vì sự di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị. Nhà cửa, đường sá sẽ là ưu tiên hàng đầu rồi mới đến công viên cây xanh. Chưa nói đến chuyện đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây xanh công cộng, chỉ cần lo giữ cho làm sao các công viên, vườn hoa hiện tại không bị “bóp cổ” bởi vô số các hoạt động thương mại, dịch vụ khác là tốt lắm rồi.

Tình trạng phổ biến hiện nay ở các vườn hoa là mặt bằng bị chiếm dụng để kinh doanh quán giải khát, quán nhậu với bàn ghế bày ra bít hết đường chạy của người tập thể dục. Nhiều mặt tiền công viên bị chiếm dụng để kinh doanh cây cảnh, mở siêu thị, làm bãi giữ xe. Còn khuôn viên bên trong công viên bị chiếm dụng để làm sân quần vợt, sân khấu ca nhạc, nhà hàng tiệc cưới. Như công viên Tao Đàn rộng 18ha ở TP.HCM chẳng hạn, công ty cây xanh chỉ quản lý có 9,8ha, phần còn lại là trụ sở các cơ quan, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống.

Công viên Thống Nhất là công viên lớn nhất ở Hà Nội với 27,8 ha diện tích mặt đất và 21ha mặt nước. Nhưng nếu so với các công viên trên thế giới thì chưa thấm vào đâu. Central Park ở New York rộng 341ha, quần thể Hyde Park và Kensington Gardens ở London rộng 253ha. Vậy mà Thống Nhất còn nhiều phen bị nhăm nhe “xẻ thịt”.

Năm 2007, dưới sức ép của dư luận, dự án Disneyland xây dựng trong khuôn viên công viên Thống Nhất đã bị hủy bỏ. Nhưng đến năm 2009, dự án khách sạn Novotel on the Park của liên doanh Tập đoàn Accor, Tập đoàn đầu tư SIH và Tổng công ty Du lịch Hà Nội lại chèn vào đó. Novotel on the Park đã gây lên sự bất bình mạnh mẽ trong nhân dân.

Central Park nằm ngay ở khu Manhattan giàu có nhất New York, thủ đô tài chính của thế giới. Nếu chính quyền New York mà cho “xẻ thịt” Central Park để làm các khách sạn thì họ đã kiếm được bộn tiền. Nhưng họ không bao giờ làm thế bởi công viên được mở năm 1859 này là trái tim và lá phổi của thành phố, mỗi năm đón tới 25 triệu lượt khách. Các tòa nhà cao ốc có thể được dựng lên rất nhiều nhưng không tòa nhà nào thay thế được tính biểu tượng cho New York của Central Park. Một khi công viên bị “xẻ thịt” thì không thể nào “đắp thịt” lại cho nó được nữa.

Một trong các yếu tố nhằm nâng cao diện tích cây xanh công cộng của một thành phố là nâng cao diện tích cây xanh ở các khu chung cư, đô thị mới. Song nhiều nhà đầu tư thiếu hợp tác trong lĩnh vực này. Quy chuẩn về mật độ xây dựng ở một khu đô thị mới được Bộ xây dựng ban hành là không được quá 40% nhưng tại nhiều khu đô thị, mật độ xây dựng lên tới 70%. Các nhà đầu tư thường xây các khu nhà “chật căng” trong khu đất của mình để tối đa hóa lợi nhuận. Ở các khu tập thể, chung cư cũ, diện tích cây xanh, sân chơi cũng đang “teo biến” dần để nhường chỗ cho nhà cửa, các hoạt động, kinh doanh.

Mọi người có vẻ như đang nỗ lực biến không gian công cộng thành không gian riêng của mình. Có một kiến trúc sư từng nói: “Không gian công cộng là nơi lưu giữ các ký ức của một cộng đồng”. Mất không gian công cộng, mất vườn hoa, mất công viên, chúng ta không chỉ mất những lá phổi xanh của mình mà còn mất ký ức, mất quá khứ, mất bản sắc…

* Tính theo đầu người, số lượng công viên trong thành phố chúng ta là ít, nhưng thực tế công viên lại đang bị “dư” vì chẳng có mấy người thích vào vì tình trạng bát nháo ở đây. Trước khi nghĩ đến việc xây thêm những công viên mới, tôi nghĩ chúng ta cần cải tổ những công viên hiện có (tình trạng hồ không có nước, cây xanh chết khô, hoa thì xơ xác) để chúng có thể thành những mảng xanh thực sự cho thành phố. Ngô Thanh Hải (32 tuổi, kỹ sư, Lam Sơn JOC)


* Tôi từng nghe tin về dự án xén đất ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) để xây khu vui chơi, khách sạn. Hình như cũng đã tiến hành cắt xén được vài ngày rồi, nhưng vì cộng đồng kiến nghị mà kế hoạch này phải ngưng lại. Nghe mà thấy chán. Cứ cái kiểu chạy đua xây cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại như hiện nay, thành phố mình chẳng mấy chốc vắng bóng công viên. Nguyễn Phương Chi (24 tuổi, giảng viên đại học KHTN, TP.HCM)

Thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới

* Sacramento – thành phố nổi tiếng của bang California (Mỹ) là nơi có số lượng cây xanh nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới (bao gồm cả Paris, Pháp).

* Nhờ có nhiều tán cây xanh bao phủ khắp nơi, ở Sacramento mùa hè rất mát mẻ, nhiệt độ cao nhất chỉ 36 độ C. Người ta cho rằng, bầu không khí luôn trong lành, dễ chịu dưới tán cây xanh cũng giúp các lái xe bình tĩnh hơn khi cầm vô-lăng.

* Hiện nay, thành phố Sacramento đang thực hiện kế hoạch 40 năm để tăng gấp đôi số lượng cây xanh bao phủ. Kế hoạch này do tổ chức phi lợi nhuận Sacramento tree foundation (Quỹ phát triển cây xanh Sacramento) thực hiện, kêu gọi những người dân tình nguyện tham gia trồng thêm cây xanh khắp các nẻo đường, con phố với mục tiêu là đạt số lượng 5 triệu cây xanh mới vào năm 2025.

* Nếu Sacramento thành công thì ngoài việc giúp không khí trong lành hơn, nguồn nước sạch hơn… còn giảm đi một nửa số lượng những ngày sương mù ở đó, một nhà khoa học của Nasa cho biết như vậy.

  • Đinh Hiệp (Theo Thanh Nien Online)