“Chị mà cân điêu em cứ đốt nhà chị đi!”

Nguyễn Yến

Hiện nay ở các chợ, hầu hết những chiếc cân bàn, cân điện tử trước khi được đưa vào sử dụng đều đã được chỉnh lại, làm lợi cho người bán hàng từ vài lạng đến vài kilogram.

“Không lẽ tới đốt nhà bà bán cá”

Chị Mai (Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) đi chợ mua cá về nấu cơm thiết khách.  Thấy  con cá nhỏ mà người bán bảo đến 2 kg, chị không khỏi nghi ngờ. Cũng không biết làm thế nào để kiểm tra chị đành nhắc khéo người bán:  “Chị cân đủ vào lần sau em còn tới mua”.

Tình trạng cân thiếu diễn ra tràn làn tại các chợ.
Tình trạng cân thiếu diễn ra tràn lan tại các chợ.

Bà bán cá tươi cười như hoa, xoen xoét nói: “Chị bán hàng ở đây bao nhiêu năm chưa cân điêu cho ai bao giờ. Thiếu hoa nào chị không lấy tiền của em. Chị mà nói sai em cứ đốt nhà chị đi”.

Về nhà, mẹ chồng chị cũng thấy nghi mới đem cân ra thử . Con cá chỉ có … 1,5kg. “Không lẽ mình lại mang con cá tới chỗ bà ấy để đòi đốt nhà”, chị Mai bức xúc nói.

Giá non thì…cân non

Bạn Liên, sinh viên năm thứ ba ĐH Sư phạm Hà Nội, thì lại có kinh nghiệm dở khóc dở cười khi thường xuyên mua hoa quả tại chợ Xanh trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy): “Mua ở cửa hàng anh bán hoa quả mặt rỗ giữa chợ, lúc mua nhớ đòi cân trong nhà thì may ra còn thiếu ít thôi. Chứ cái cân ở ngoài cửa hàng, mua 3 thì hao 1 là chắc!”.

Với những loại mặt hàng giá rẻ thì cân thiếu một vài lạng, người tiêu dùng cũng chỉ mất vài nghìn đồng. Tuy nhiên, với những mặt hàng đắt tiền thì số tiền bị “móc túi” lại không phải là nhỏ.

Với mỗi một kg thịt bò, nếu cân thiếu  nửa lạng là người bán đã có thể lãi từ 8.000-10.000 đồng. Còn đối những loại hải sản như cua , tôm, ghẹ biển đắt tiền thì số tiền lãi có thể lên đến mấy chục nghìn đồng.

Việc cân thiếu không chỉ diễn ra tràn lan tại các điểm bán dạo, hàng rong,  mà tình trạng này còn rất phổ biến tại các điểm bán lẻ cố định tại các chợ.

Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi bán hoa quả, miệng rao liên hồi: “26 ngàn đồng một cân cam sành đây”. Nhiều người trả giá 23 nghìn, thậm chí 20 nghìn, người bán chỉ đẩy đưa thêm vài tiếng kỳ kèo chiếu lệ rồi gật đầu đồng ý. Và lẽ đương nhiên khi cân cam, người bán hàng sẽ cân theo kiểu…giá 20 nghìn.

Xoay một cái là tăng thêm vài lạng

Tiếp xúc với những người buôn bán tại các chợ, chúng tôi được biết, hầu hết những loại cân như cân bàn, cân điện tử trước khi được đưa vào sử dụng đều đã được chỉnh lại, làm lợi cho người bán hàng từ vài lạng đến vài kg.

Khi cân ở ngoài chợ, chỉ số cân chỉ 3kg.
Khi cân ở ngoài chợ, chỉ số cân chỉ 3kg.
Nhưng khi đến cân tại tổng cục tiều chuẩn đo lường chất lượng thì chỉ có 2,44kg.
Nhưng khi đến cân tại tổng cục tiểu chuẩn đo lường chất lượng thì chỉ có 2,44kg.

Với những thực phẩm mà người tiêu dùng thường mua với số lượng ít như: thịt bò, nấm,…thì chiếc cân chỉ điều chỉnh sai lệch đi vài hoa. Tuy nhiên với những loại thực phẩm mua với số lượng lớn như: hoa quả, hải sản,…thì cân có thể điều chỉnh sai đi vài lạng.

Theo hầu hết các tiểu thương thì việc điều chỉnh cân hết sức đơn giản. Chị Mẫn, một người bán hàng ở chợ Bưởi tiết lộ: “Đối với cân đồng hồ, chỉ cần dùng kìm xoay cái tai ấn lò xo lên một vài nấc hoặc kéo giãn dây lò xo ở bên trong là trọng lượng tăng lên, sau đó kẹp lại chì, cân lại như mới. Còn với cân điện tử, do cấu tạo phức tạp nên thường chỉ có thợ chuyên nghiệp mới làm được”.

Trước đây, mỗi khi đi mua cân mới về dùng thì mọi người phải đi qua một cửa hàng chuyên chỉnh cân để điều chỉnh. Tuy nhiên, sau thấy đơn giản, nên mọi người tự truyền tai nhau cách làm và tự chỉnh lấy cho đỡ mất công lại tốn kém.

Điều đáng nói là những chiếc cân sau khi chỉnh, nếu chỉ nhìn lên mặt cân thì không thể phát hiện được. Khi chưa đặt hàng hóa lên, chúng vẫn ở mức cân bằng.

Đã ăn cắp lại còn la làng

Khi bị khách hàng phát hiện cân thiếu, nếu là ngay tại chỗ thì các chủ hàng thường nhỏ nhẹ, cười trừ rồi cân lại cho xong. Những lời giải thích mà chủ hàng thường dùng để xoa dịu khách hàng của mình là “Chắc tại vì cân bị giằn xóc do di chuyển suốt ngày nên lò xo bị … dão khiến kim đồng hồ chạy sai. Chỉnh lại một chút là đúng ngay ấy mà”.

Thậm chí có những chủ hàng cân điêu nên khi khách hàng định đi cân lại liền ra chiêu: “Chị từ trước tới giờ không bán điêu cho ai bao giờ. Thôi nếu em mua thì chị bớt cho, coi như mở hàng chị khuyến mại”.

Tuy nhiên, đó chỉ là khi bị khách hàng “bắt tận tay”, còn với những mặt hàng đã mang ra khỏi chỗ người bán rồi thì có trời mới đòi được bồi thường.

Nhân ngày 2/9, chị Cát Tiên đi chợ Bưởi mua 2kg tôm, lúc mua hàng chị đã cẩn thận cân lại ở một hàng khác ngay cạnh hàng tôm và thấy cả 2 cân này đều có chỉ số giống nhau. Tuy nhiên, khi về nhà, chị mượn cân của hàng xóm thì hết sức bất ngờ vì thấy chỉ có 1,6kg.

Vì bị “hớ” hơn 80.000 đồng nên chị Cát Tiên đành đem ra chỗ bà bán hàng lúc nãy trả lại, bà này liền lu loa: “Cô để bớt tôm ở đâu rồi đến đây đổ vạ cho tôi. Mọi người hỏi bà Hoa (bà bán hàng bên cạnh) xem cô này vừa cân lại hàng bà ấy là mấy cân. Lần sau nhìn lại mặt người đi rồi hãy nói”.

Đôi co không nổi, chị Cát Tiên đành bỏ đi mà trong bụng thì tức anh ách: “Ra chợ bây giờ không thể tin được vì hàng nào cũng cân điêu. Đã ăn cắp lại còn la làng”.

Theo một tiểu thương ở chợ Nhà Xanh, do tâm lý người tiêu dùng thích mua được đồ giá rẻ. Vì thế, muốn hạ giá cho đông khách mà vẫn có lãi thì phải cân thiếu đi một chút…

Theo BEE

haiz21