Cơm bụi: Nhìn từ mặt bàn đến gầm bàn

Tác giả: Thảo Dân

Theo Tuanvietnam

Cứ ngỡ chuyện về cơm bụi thì chẳng có gì mà nói, mà bàn. Ấy thế mà lại có chuyện. Có ai nghĩ rằng từ chuyện cơm bụi ngày ngày người ta lại nhìn ra cái ngàn năm không nhỉ?

Cái nhìn về cơm bụi hay nói chính xác là từ cơm bụi nhìn ra văn hóa sống của người Việt Nam ta không phải là cái nhìn của tôi. Mà tôi chỉ nhìn thấy một điều gì đó từ cái nhìn của một người khác.

Đó là cái nhìn của một nghiên cứu sinh người Anh ở Hà Nội. Trong thời gian sống ở Việt Nam, người đàn ông Anh quốc này đã có được một bộ sưu tập ảnh do anh ấy chụp về cơm bụi.

Thường thì chúng ta chụp cơm bụi sẽ chụp toàn cảnh. Hoặc chụp từ mặt bàn trở lên chứ mấy ai chụp gầm bàn ăn. Gầm bàn ăn thì có gì mà chụp cơ chứ. Nhưng anh đã chụp trong mỗi bức ảnh của mình cả mặt bàn và gầm bàn. Vậy tôi đã thấy gì từ những bức ảnh đó?

Trên mặt bàn: Những gì tôi thấy trong bức ảnh thì mặt bàn quả là phong phú. Phóng phú thứ nhất là gương mặt những người ăn cơm bụi. Chủ yếu là trai thanh gái tú và các công chức đi làm không về nhà buổi trưa. Những công chức này bao gồm từ những nhân viên xã hội đến các trí thức. Nghĩa là đủ cả. Phong phú thứ hai là thực phẩm trên bàn bao gồm các loại đồ uống từ trà đá đến đồ uống cao cấp. Rồi đến các loại món ăn từ rau lang xào tỏi cho đến chim quay, lợn rán rồi cá chép, bò xào..

Nhìn những thứ ấy trên bàn, ai cũng phải cúi đầu thừa nhận đời sống của người Việt nam đã được ải thiện với một tốc độ rất nhanh, kinh tế đang phát triển. Và những người ngồi ăn cơm bụi thường nói về cuộc sống vô cùng thiếu thốn cách đây chừng 15 hay 20 năm. Có những món ăn, đồ uống chỉ cách đây mươi năm họ có muốn ăn trong mơ thôi thì cũng không có. Bây giờ chỉ cần bước mấy bước ra khỏi công sở là ngập tràn cao lương mỹ vị.

Đến đây, có bạn đọc sẽ hỏi; kể những chuyện ăn uống như tôi thì để làm gì? Ai mà chẳng biết. Vâng xin quý vị cùng tôi đi “thăm quan” gầm bàn để xem có gì nhé.

Dưới gầm bàn : Tất nhiên dưới gầm bàn thì có những đôi chân. Nghe có vẻ ngớ ngẩn quá nhỉ. Những đôi chân được xỏ trong những đôi giày, đôi dép không ít tiền và đánh xi bóng loáng. Kể thế cũng vẫn chẳng có ý nghĩa gì. Ai bây giờ mà không đi giày hay dép.

Đúng thế. Nhưng có những gì xunh quanh những đôi chân giày dép ấy. Tất nhiên dưới đế giày dép là sàn nhà lát ghạch hoa rất đẹp. Còn xunh quanh thì ngập tràn những thứ mà nếu ta chỉ chụp ảnh gầm bàn thôi người xem sẽ nghĩ ngay đến những những đôi giày, dép là của những người đang phải đi qua một bãi rác thải khổng lồ.

Một bãi rác với xương gia súc, xương cá, mẩu thuốc, tăm gãy hay tăm tõe đầu vì đã xỉa, cuống rau sống, thịt nhai dở, da gà da vịt… và bạt ngàn giấy ăn. Chỉ riêng giấy ăn được nhuộm màu vô cùng sặc sỡ. Giấy ăn của người ăn tiết canh thì thấm màu đỏ vì lâu miệng, giấy ăn của người ăn món giả cầy thì màu vàng bởi nghệ, giấy ăn của người ăn thịt chó thì màu nâu đen, giấy ăn của người khạc nhổ thì màu nhờn nhợt…

Có lần tôi chở con gái tôi trên xe máy, cháu chợt hỏi: Bố ơi, tại sao bác kia lại lót giấy ở đế giày? Tôi nhìn thì thấy một người phóng xe máy phía trước và dưới đế giày của anh ta phấp phới giấy ăn. Đó là giấy ăn mà anh ta kéo theo từ dưới gầm bàn trong quán cơm bụi. Mảnh giấy ăn có màu ấy sẽ theo anh ta đến đâu? Đến công sở? Đến nhà trường? Đến nhà hát nữa chăng?

Khi nhìn thấy đầy đủ mặt bàn và gầm bàn, chúng ta thấy ngay một điều là: đời sống vật chất được biểu hiện trên mặt bàn. Còn đời sống văn hóa được biểu hiện dưới gầm bàn. Hay nói vòng vo thêm là  kinh tế nước ta đang phát triển còn văn hóa thì đang tụt lùi. Sự thật có đúng như thế không, thưa các quí vị???

Câu chuyện cuối tuần của tôi chỉ như thế. Xin chúc quí vị một  “cuối tuần” vui vẻ.

Và sau giao thừa là…rác

Nô nức chung vui đón giao thừa, thế nhưng sau giao thừa, rác tràn ngập ở khu vực Hồ Gươm- trung tâm của Thủ đô Hà Nội

Sau giao thừa, xung quanh hồ Gươm đã biến thành một bãi rác khổng lồ. Giấy báo, áo mưa, vỏ lon…được để “quên” một cách không thương tiếc.

Sau màn pháo hoa, mọi người ra về để lại toàn là... rác

Sau màn pháo hoa, mọi người ra về để lại toàn là... rác

Rác ở khắp mọi nơi

Rác ở khắp mọi nơi...

...dưới hồ

...dưới hồ

... và cả trên vỉa hè

... và cả trên vỉa hè

...trên thảm cỏ

...trên thảm cỏ

... dưới nước

... dưới nước

Trên ghế đá...

Trên ghế đá...

Thùng rác có ở khắp mọi nơi nhưng đều... trống rỗng

Thùng rác có ở khắp mọi nơi nhưng đều... trống rỗng

Những người lao công phải vất vả ngay trong đêm để thu dọn khối lượng rác khổng lồ

Những người lao công phải vất vả ngay trong đêm để thu dọn khối lượng rác khổng lồ

Biết đến bao giờ mọi người mới có ý thức hơn để niềm vui đêm giao thừa được trọn vẹn…

  • Quang Trung (Theo VOVNEWS.VN)

Những hình ảnh không đẹp ở nơi văn hiến

Quang cảnh Văn Miếu những ngày này không gợi nên một truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo mà thật xô bồ, hỗn độn, bởi nhiều hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng chốn thâm nghiêm

Nước ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo.
Dân ta có thói quen đi lễ đền, chùa đầu năm, ấy là một tập quán đẹp.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong những ngày đầu xuân luôn đông nghịt người. Nơi đây là cửa thánh hiền, là ngôi đền thờ chữ. Những người đi Văn Miếu thường cầu may mắn về đường học hành, thi cử, cầu hoạn lộ công danh.

Những năm gần đây Văn Miếu luôn quá tải người viếng thăm trong các dịp Tết hay dịp thi đại học. Người ta quan tâm tới học hành thi cử nhiều hơn, nên “lễ nghĩa”, cầu cúng cũng nhiều hơn. Quang cảnh Văn Miếu những ngày này không gợi nên một truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo mà thật xô bồ, hỗn độn, bởi nhiều hành vi thiếu văn hóa, thiếu sự tôn trọng cần có ở chốn thâm nghiêm, và thậm chí còn xâm hại di tích.

Những hình ảnh dưới đây do phóng viên VOVNews ghi lại chiều mồng 3 Tết Canh Dần tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đông nghịt người tới Văn Miếu trong những ngày đầu năm. Ngay ngoài cổng là hàng rong vây kín.

Dòng người đi vào trong không ngớt. Chen chúc nhau trước dãy nhà bia để… sờ đầu rùa lấy may mắn. Không biết bao giờ mới chấm dứt được tình trạng xâm hại di tích như thế này???

Ban quản lý đã lập một hàng rào xích sắt quanh dãy nhà bia. Nhưng hàng rào này quá yếu trước sự “nhiệt tình” của những người “hiếu học”!

Người ta chen nhau mua chữ cầu may. Mua- bán như ở chợ vì chữ được viết sẵn, treo sẵn để bán!

Hàng ăn uống nhếch nhác ngay bên của thánh hiền, rác xả ra bên cạnh.

Bái đường Đại Thành Điện là một cái chợ bán chữ, và bán đủ thứ…

Chen nhau khấn vái trong Đại Thành Điện – nơi thờ Khổng Tử và các học trò. Trong tay là tiền may mắn hay tiền công đức ???

Đặt tiền lẻ bừa bộn trên ban thờ…

Cài cả vào gốc cây…

thả lên mái Nhà Thái học…

Hình ảnh cuối cùng này…

… không cần kèm theo lời chú thích hay bình luận.

Nhưng đã đến lúc phải gióng lên một tiếng trống báo động về sự biến tướng truyền thống tốt đẹp của dân tộc; báo động về sự xâm hại giá trị vật thể và cả phi vật thể ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám./.

  • Hà Thành ( Theo VOVNEWS.VN)

Lễ hội qua đi, điều gì ở lại?

“Tôi vẫn tưởng tượng Đại lễ 1000 năm phải là cơ hội để người dân ôn lại lịch sử, nhìn lại nền văn hóa lâu đời, và là dịp phát huy lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn tưởng tượng, lẽ ra từ lâu rồi, các nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ ngồi lại với nhau say sưa tranh luận về cội nguồn dân tộc, về các bài học lịch sử, chính trị, hay văn hóa của tiền nhân; cùng đưa ra các ý tưởng xây dựng kịch bản đại lễ trong niềm tự hào…”

Lễ hội: nơi phơi bày văn hóa dân tộc

Những ngày cuối năm, thời gian của Tết, của mùa xuân và của mùa lễ hội, hẳn là thời điểm mang nhiều cảm xúc và chờ mong đối với nhiều người. Đặc biệt với những người đang ở xa quê, sự nôn nao này càng rõ ràng hiện hữu hơn hết.

Một phần trong đó, lễ hội nơi quê nhà cũng là một phần nhung nhớ xao động, nơi ấy có bản sắc văn hóa, có truyền thống địa phương, có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên quê hương để thẩm thấu vào tiềm thức và trái tim mỗi con người.

Hẳn nhiên, lễ hội là một giá trị tinh thần rất thân thiết.

Nhưng ở khía cạnh khác, lễ hội cũng là nơi thể hiện rõ ràng nhất văn hóa sống, văn hóa cư xử hay sự văn minh của con người, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Lễ hội Ký ức cầu Long Biên, Ảnh: VNN

Có lẽ không cần nhắc lại, nhưng những gì diễn ra ở các lễ hội hoa, hay nhiều sự kiện văn hóa khiến mỗi người dân Việt có tự trọng đều không khỏi cảm thấy xót xa day dứt.

Đất nước chưa giàu, người dân còn vất vả, bài ca đó chúng ta đã thuộc làu, nhưng đâu có nghèo đến nỗi phải tranh giành dẫm đạp nhau vì vài bông hoa, mấy quả bóng bay hay vài tấm giấy màu lấp lánh. Cái sự nghèo này, hóa ra không nằm ở khía cạnh kinh tế nữa, mà ở đâu đó sâu sắc hơn, chua chát hơn.

Gương mặt ngỡ ngàng của người nghệ sĩ nước ngoài nhìn cảnh người dân lao vào tranh cướp những chiếc nón treo trong một triển lãm sắp đặt ngoài trời; hay những giọt nước mắt xót xa của người nghệ nhân già bất lực nhìn những chiếc vẩy kết bằng hoa của hai con rồng – công trình ông đã dốc sức cả tháng ra làm – phút chốc đã xác xơ dưới những bàn tay thô lậu; đã tạo thêm những cảm xúc không muốn có trong những trái tim nhạy cảm.

Lễ hội hoa – được hiểu là một sự kiện để con người có dịp thưởng lãm, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên đất trời, để thu hút nhiều hơn du khách đến với nơi được gọi là chiếc nôi văn hiến, đương nhiên là sự kiện quá đẹp, quá có ý nghĩa. Cái đẹp cứu rỗi cuộc đời, ai đó triết lý, để làm được một thủ đô đẹp hơn, để con người văn minh hơn, công sức ấy, mười mấy tỷ đồng ấy chẳng xứng đáng lắm sao?

Nhưng khi hội hết, hoa tan, còn lại điều gì, phải chăng là một đống rác, cả ở trên đường phố lẫn trong cảm xúc. Dĩ nhiên đó là cách nói tiêu cực nhưng không phải không chính xác.

Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái từng day dứt: “Hoa là biểu tượng cái đẹp rồi, nhưng lần nào tổ chức lễ hội cũng lộ cái xấu. Lễ hội là để vui chơi, ngắm nhìn và tận hưởng, là để làm con người hạnh phúc, mà lần nào cũng để lại dư âm buồn, lần nào cũng đau lòng thì làm làm gì?”

Đành rằng là vui, là xì xụp đông đúc nhưng dân trí có cao lên không, kiến thức về danh nhân, lịch sử, văn hóa địa phương có được người dân biết đến nhiều hơn không; sau lễ hội chúng ta thu hoạch được điều gì? chẳng ai biết.

Việt Nam đã cùng nhân loại bước sang năm 2010, năm của các sự kiện quan trọng và các đại lễ hội. Nhân tài vật lực sẽ bỏ ra là không nhỏ, có quá nhiều điều để chúng ta suy nghĩ băn khoăn.

Đạo diễn Lê Quý Dương từng bày tỏ: “Chiếc đồng hồ đếm ngược đến Đại lễ 1000 năm đã được dựng lên từ lâu. Chưa qua Bờ Hồ chưa đến Hà Nội, ai đến thủ đô cũng phải tranh thủ đi qua nơi thiêng liêng này, và đều nhìn thấy đồng hồ đếm ngược.”

Điều tôi mong mỏi và không khỏi ngạc nhiên là hình như ngoài đồng hồ ra, tôi không thấy không khí chờ đợi đại lễ ở thủ đô. Tôi vẫn tưởng tượng Đại lễ 1000 năm phải là cơ hội để người dân ôn lại lịch sử, nhìn lại nền văn hóa lâu đời, và là dịp phát huy lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn tưởng tượng, lẽ ra từ lâu rồi, các nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ ngồi lại với nhau, bất kể trong các hội thảo nghiêm túc hay nơi vỉa hè trà đá để say sưa tranh luận về cội nguồn dân tộc, về các bài học lịch sử, chính trị, hay văn hóa của tiền nhân; cùng đưa ra các ý tưởng xây dựng kịch bản đại lễ trong niềm tự hào”.

‘Tôi cũng tưởng tượng, trong các trường học hay các diễn đàn văn học nghệ thuật đang diễn ra những cuộc thi tìm hiểu hay sáng tác để các em hiểu hơn về cội nguồn và đề cao lòng tự tôn dân tộc; hoặc trên các mặt báo hoặc các diễn đàn khác đang sôi nổi những ý kiến xây dựng đất nước, vẽ bức tranh 1000 năm sau… vv.. ”

Năm 2010, năm của các sự kiện quan trọng và các đại lễ hội. Nhân tài vật lực sẽ bỏ ra là không nhỏ, có quá nhiều điều để chúng ta suy nghĩ băn khoăn. Ảnh: VNE

Thật ra mong muốn của Lê Quý Dương cũng là mong muốn của nhiều người. Không phải ở chuyện sẽ múa gì hát gì, bao nhiêu người sẽ diễu hành, bao nhiêu hoa cờ biểu ngữ sẽ được chăng, mà sự trông đợi ở ngày Đại lễ to lớn hơn, dài rộng hơn, sâu xa hơn như thế.

Trên phố các quý ông quý bà với áo hai dây quần cộc hay cởi trần ngồi vắt chân hút thuốc lào nơi vỉa hè. Những cảnh tượng như mô tả của nhà báo Nguyễn Quang Thiều trong bài: Nỗi xấu hổ ở sân bay quốc tế Nội Bài có thể bắt gặp  tại nhiều chỗ, nhiều nơi. Người ta thản nhiên đến vô tình thảy rác xuống đường, trong khi người lao công gần đó đang cặm cụi quét quét, dọn dọn.

Đường phố ngày càng trở nên ngột ngạt hơn với lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng dày đặc, khói xăng mịt mù, ngập ngụa. Nhưng vật chất ngày càng giàu có hơn nhưng dường như lại làm văn hoá  eo hẹp đi. Quá dễ dàng để nhìn thấy những vụ cãi cọ xô xát trên đường.

Những lỗ hổng đó có tổ chức hàng ngàn sự kiện văn hóa, hàng trăm lễ hội cũng chẳng lấp đầy được trong mắt du khách.

Đôi khi tôi cứ bị ám ảnh với những ý nghĩ lẩm cẩm: Liệu trong lễ hội Ký ức cầu Long Biên, chúng ta có thể thay việc treo đèn, kết hoa, thả diều hay triển lãm trên cầu bằng cuộc ra quân của thanh niên, sinh viên thủ đô trong việc dọn sạch môi trường hai bờ sông, tẩy xóa những bút tích vô ý thức trên thành cầu; thay các buổi biểu diễn bằng các cuộc thi diễn thuyết về lịch sử cây cầu gắn liền với công cuộc bảo vệ thủ đô…

Hay số tiền tổ chức lễ hội này khác được tổ chức các phong trào làm đẹp thủ đô, hay thưởng những sáng kiến giải quyết các vấn đề tồn tại  đang làm Hà Nội xấu xí….

Tôi cũng bị ám ảnh mãi câu nói đùa của một chị lao công hôm dọn rác lễ hội phố hoa: “Vì là hoa họ mới tranh nhau thế chứ! Nếu thay hoa bằng lễ hội… rác thì chẳng có cảnh đó đâu!”

Với tôi, câu đó không đùa chút nào. Triển lãm sắp đặt, hay lễ hội sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu phế thải, tại sao không? Không kém phần hấp dẫn và chắc chắn thông điệp về môi trường của nó sẽ có tác động mạnh mẽ.

Văn hóa của một xã hội, đôi khi lại được xây đắp từ những thứ rất bình thường, rác chẳng hạn!

  • Hoàng Hường (Theo Tuanvietnam.net)

Nói tiếng Anh được đối xử tốt hơn?

Nguyễn Thân Hiệp

Tôi là người gốc Việt nhưng sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Có thể mọi người không tin, nhưng tôi thật sự không gặp bất cứ vấn đề gì trong giao tiếp bằng tiếng Việt dẫu đây là lần đầu tiên tôi về thăm quê.

Ở Mỹ, tôi trân trọng và thật sự tự hào về ngôn ngữ quê hương nên luôn tận dụng cơ hội sử dụng mỗi khi có thể. Cùng với việc học tập, trau dồi tiếng Việt, tôi luôn nuôi hi vọng và mong ngóng ngày được về thăm, tận mắt nhìn thấy hình ảnh quê hương mà lâu nay chỉ thấy trên mạng. Vì vậy, ngay khi tốt nghiệp đại học và đi làm một thời gian, tôi đã lên kế hoạch về Việt Nam du lịch.

Thân Hiệp trước biển quê hương - Ảnh: Công Nhật

Không thể tả xiết niềm vui, hạnh phúc khi tôi được đặt chân lên quê cha đất tổ. Cùng với bao điều thú vị khám phá được từ quê hương mình, tôi nhận ra ở đây nếu ai nói tiếng Anh sẽ được nhìn nhận và đối xử bằng thái độ rất khác so với những người nói tiếng Việt. Cụ thể có một lần trên chuyến bay của hãng hàng không trong nước, tôi thấy các tiếp viên nói năng rất hòa nhã và lịch sự với khách nước ngoài. Thế nhưng đến lượt tôi và nghe tôi nói bằng tiếng Việt, hầu hết các câu mời chào, hỏi đều bị cô đọng hết mức có thể.

Chẳng hạn như trước đó họ hỏi người khách Tây ngồi kế tôi: “Thưa ông, ông muốn uống gì ạ? Chúng tôi có nước suối, bia ở đây”… với nụ cười tươi tắn hết cỡ, nhưng khi đến tôi câu hỏi được rút gọn thành: “Muốn uống gì? Bia hay nước suối?”… với sự thờ ơ, hờ hững. Trường hợp buồn lòng này không phải xảy ra một lần với tôi nên sau này tôi đã có kinh nghiệm, chuyển từ nói tiếng Việt qua nói tiếng Anh và được các tiếp viên đối xử hòa nhã, lịch sự như khách Tây!

Không chỉ trên máy bay mà ở các nhà hàng, quán ăn sang trọng, việc dùng ngoại ngữ để nói dường như cũng là một phần của việc thể hiện “đẳng cấp”. Tại những nơi này, tôi thường nhận được nhiều nụ cười và sự quan tâm hơn khi nói chuyện bằng tiếng Anh.

Nếu không tin, bạn cứ thử mặc quần đùi, nói tiếng Việt, mang dép Lào rồi đến các quán bar trong thành phố xem bảo vệ có cho bạn vào không. Chắc chắn là không có cửa cho bạn đâu, nhưng nếu bạn cũng ăn mặc như thế mà xổ một tràng tiếng Anh thì bảo vệ sẽ cho bạn vào ngay vì tưởng là người nước ngoài!

Còn một chuyện nữa là khi tôi đến các quán ăn, siêu thị, khu giải trí… ở nhiều nơi trong thành phố, tôi thật sự ấn tượng về việc giới trẻ Việt đang dùng tiếng Anh ngày càng nhiều. Đây là điều rất tốt và trong một chừng mực nào đó nên ủng hộ hết mình, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần nhìn nhận lại. Một lần tôi đếm được hơn chục lần những từ nói tục, chửi thề bằng tiếng Anh thốt ra từ miệng một số bạn trẻ ở quán nước.

Tôi rất sốc khi nghe những người trẻ sử dụng tiếng Anh như vậy. Tôi cũng thắc mắc không biết người sử dụng những từ nói trên có hiểu được nghĩa và mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào không?

Cuối cùng, tôi từng gặp rất nhiều trẻ em Việt Nam sử dụng tiếng Anh tốt hơn… tiếng Việt! Những lần đầu mới tiếp xúc, tôi cứ nghĩ đó là những em từ nước ngoài về thăm quê, nhưng sau đó tôi khá ngạc nhiên khi biết nhiều em trong số đó hoàn toàn được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam (chẳng hạn như ở khu Phú Mỹ Hưng) nhưng lại nói tiếng Việt lơ lớ hơn cả tôi. Tôi sốc vì dẫu có học ở trường quốc tế, xem tivi nước ngoài thì môi trường sống và gia đình của các em vẫn được bao phủ bởi tiếng Việt cơ mà.

Và tôi thật buồn khi nghe một phụ huynh giải thích thế này: “Thôi kệ, cứ để nó sử dụng tiếng Anh cho thật xịn để còn đi du học, cơ hội rộng mở hơn. Còn tiếng Việt lúc nào học chẳng được, biết sơ sơ là đủ xài rồi”(?!).

  • Theo TTO

Thân Hiệp trước biển quê hương – Ảnh: Công Nhật