Bạn có thật sự yêu quý những người thân của mình?

Cùng thảo luận nào!

Tôi muốn đưa ra một đề tài đề các bạn có dịp ghé thăm Hanoigreen cùng thảo luận, để xem bạn và những người xung quanh bạn đang thực sự nghĩ gì và làm gì.

Đề tài: “Bạn có thật sự yêu quý những người thân của mình?”

“Bạn đang làm gì cho tương lai của họ?”

Nhưng trước tiên, bạn hãy cùng đọc câu chuyện sau với tôi nhé!

Tôi có xem một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bên lề hội nghị Copenhaghen vừa qua, một người Anh tâm sự như thế này: “Tôi có một đứa con gái 6 tuổi, tôi thật sự không muốn con gái tôi phải sống trong một môi trường ô nhiễm.“ Nghe cuộc phỏng vấn đó tôi giật mình suy ngẫm, anh ta không chỉ quan tâm chăm sóc cho con gái có được môi trường vật chất mà lo cho con gái mình một bấu không khí trong lành để thở, để sống trong tương lai nữa.

Tương lai thuộc về thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp, phải không? Trong số đó, có người thân của bạn  không? Có người ruột thịt, bạn bè của bạn không? Trả lời thành thật nhé!

Vậy những việc làm sau có phải là vì tương lai con em chúng ta:

–       Không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cho chính mình và khi đèo cho con trẻ ( -> Chẳng may, khi ngã con nó đau, mình có đau không nhi?)

–       Vượt đèn đỏ ( -> gây tai nạn, có chắc là bạn sẽ không sao không?. Nếu có chuyện không may xảy ra thì khổ cả mình lẫn người thân của mình đấy!)

–       Xả rác gây ô nhiễm môi trường (->môi trường đâu phải muốn thay thì mua cái khác thế chỗ, vả lại người thân của bạn cũng phải hít  thở cùng trong một bầu không khi này mà)

–       Hút thuốc là nơi công cộng, trước người thân của bạn ( thì chắc phổi ai hỏng thì người ấy thiệt, bạn có cảm thấy thương xót?)

Còn nhiều nữa, các bạn bổ sung tiếp nhé, rồi mình cùng thảo luận.

Những câu chuyện về gan

Một cuộc nói chuyện về gan rất bổ ích của bác sĩ Lê Đình Phương. Những lời giải thích hóm hỉnh, dễ hiểu của bác sĩ đã làm sáng tỏ nhiều ngộ nhận của cộng đồng về chức năng gan và các bệnh liên quan đến gan. Mong rằng những thông tin giúp “cứu mạng người” như thế này sẽ đến được với càng nhiều bạn càng tốt.

Dr. Nikonian

Năm 2008, một trong những điều làm tôi ưng ý nhất là serie truyền hình “Những câu chuyện về gan” do tôi thực hiện với HTV. Thực sự, đây là một thách thức lớn với tôi. Vì nó khó khăn hơn rất nhiều, so với những presentation dành cho y giới. Nó phải dễ hiểu, thân thiện, chứa đựng take home messages mà không tràng giang đại hải. Nó cũng phải cô đọng, gói gọn trong đúng 10 phút và có những thông điệp “nén” mà ngừơi ta sẽ từ từ nghiệm ra sau khi xem xong chương trình.

Nhưng điều quan trọng, tôi ao ứơc những thông điệp y học này không mang tính hù doạ. Tôi không phải đóng vai một gã thầy thuốc khó đăm đăm, mở miệng ra là cấm cản, không đựơc ăn cái này, không đựơc hưởng thụ cái nọ… “Sống không phải để kiêng khem”, nhưng sống để hưởng thụ một cách thông minh mà không tổn hại đến sức khoẻ. Vì điều này, tôi đã khá lao tâm tổn trí để soạn dàn kịch bản cho chương trình. Với sự chuyên nghiệp của các bạn MC nhà đài, quả thực nó đã là một thành công lớn. Tôi có đất dụng võ để làm một loạt chương trình liền mạch, không bị đứt quãng. Nó đã được khen ngợi từ rất nhiều phía.
Quan trọng hơn hết, nó được nhớ lâu. Đến giờ này, thỉnh thoảng ra đường, tôi vẫn được bà con chỉ chỏ: “Hình như cha này có lên tàng hình nói chiện dìa gan dui quá xá cỡ!”

Tôi cũng vui nữa, thưa bà con!

Bạn bè có nhã ý copy lại vài trăm DVD để phân phát cho người bệnh. Nay số đó cũng hết. Phải nhờ YouTube đưa lên đây để bạn khỏi hì hục chép đĩa giùm.

Cảm ơn tất cả các bạn MC của chương trình này. Không có các bạn, ắt hẳn tôi vẫn sẽ là một gã “tuyên giáo y học”: nói như hát mà rỗng tuếch, nói một câu thì răn đe hăm doạ hết mười câu… Thế thì chán quá!

Các clip này sẽ xuất hiện lần lượt trong các entry sau dưới nhãn tag “Liver stories” (không phải Love Story nghen :-) )

Xin post lên hầu các bạn chương trình đầu tiên: “Các chức năng của gan”. Mọi góp ý của các bạn sẽ được hoan nghênh (kể cả ném giày :-) ), để cho các chương trình sắp tới được hoàn thiện hơn.

Một phần cơm dùng… 10 túi nilon

Một phần cơm dùng tới… 10 túi nilon. Ti tỉ các hàng hóa khác, thứ nào cũng có túi nilon “đồng hành”. Túi nilon được người dân sử dụng “xả láng” mà chẳng mấy ai bận tâm đến tác hại nghiêm trọng của nó.

Mỗi ngày dùng 5kg túi nilon

Hàng trăm túi nilon đựng thức ăn đã sẵn sàng tới tay người dùng.

Túi nilon bao lâu nay đã quá gắn bó với cuộc sống con người. Đây là mặt hàng không thể thiếu ở hầu hết các cửa hàng từ lớn đến nhỏ. Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, túi nilon đang được tận dụng một cách vô tội vạ. Từ quán cơm bình dân, các khu chợ cho tới các cửa hàng, siêu thị, chỗ nào cũng “ngập” túi nilon.

Có mặt tại quán cơm tấm Cây Khế trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp, TPHCM) vào giờ cao điểm, đập vào mắt PV là từng thùng cơm, canh, nước mắm… được chia nhỏ trong hàng trăm túi nilon với đủ kích cỡ. Tất cả được đóng gói sẵn để có thể đáp ứng nhanh nhất cho khách hàng có nhu cầu mua cơm về. Ngay trên tủ chứa đồ ăn, ba bịch lớn hộp xốp đựng cơm vừa được một cậu nhân viên giao hàng đưa đến.

Một phần cơm mua tại đây để mang về sẽ sử dụng không dưới 10 bao bì nhựa: hộp đựng cơm, thìa nhựa, đũa bọc trong túi nilon mỏng, canh, nước mắm, nước tương, nước thịt, thức ăn, rau sống… mỗi thứ đều được gói trong một túi bóng nhỏ. Tất cả các món trên trước khi trao cho khách sẽ được cho vào một bao xốp lớn.

Cô chủ quán cơm tấm này cho biết, mỗi ngày họ bán trên 100 phần cơm mang về, sử dụng hết trên 5 ký túi nilon, đồ nhựa các loại. “Đâu phải mình tiệm tôi, chỗ nào bán cơm cũng vậy thôi”, người phụ nữ này khẳng định.

Túi nilon, hộp xốp, bao bì nhựa không chỉ ảnh hưởng lâu dài tới môi trường mà khi đựng thức ăn còn độc hại với người dùng.

Cửa hàng tạp hóa của anh Huấn ở chợ Tân Trụ (Q.Tân Bình), túi nilon được treo ngay phía trước để khách hàng rút cho tiện. Anh Huấn cho biết: “Mỗi ngày tôi dùng hết khoảng 3kg túi bóng. Mình muốn hạn chế cũng đâu được, không có túi đựng, ai mua”.

Theo anh Huấn, nhiều khách hàng làm như “nghiền”… túi nilon, mua món gì cũng đòi bỏ riêng từng bọc, “Lẽ ra tất cả có thể bỏ chung một bịch. Có người chỉ mua có mấy chục ngàn mà dùng hết hàng chục bịch nilon. Nhiều bà nội trợ xách làn đi chợ nhưng hàng hóa vẫn đóng bịch”.

Biết hại vẫn phải dùng

Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM công bố cuối tháng 9/2009: mỗi ngày người dân TP sử dụng khoảng 70 tấn bao bì nhựa, trong đó hơn 50 tấn là bao bì nilon.

Theo kết quả này, tỷ lệ bao bì nhựa dùng trong mặt hàng thực phẩm cao hơn bao bì giấy gần 2 lần; mặt hàng quần áo 2,51 lần. Có đến gần 78% người tiêu dùng mua hàng yêu cầu được cung cấp bao bì nhựa.

Đảo lộn chuỗi thức ăn trong tự nhiên, thải khí độc ra môi trường, gây tắc nghẽn các hệ thống thoát nước, khó phân hủy… tác hại nghiêm trọng của túi nilon nhiều người biết, nhưng điều này không mấy tác động đến thói quen khi đi chợ, đi mua sắm của người dân bởi túi nilon dường như đã trở thành vật không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ ở phường Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) cho biết, do ý thức được tác hại của túi nilon nên chị đã mua 2 chiếc túi làm từ sợi tổng hợp để sử dụng dài lâu. Thế nhưng, nếu chị nhớ không nhầm thì 2 chiếc túi đó vẫn nằm yên trong tủ bếp gần hai tháng nay. “Mình toàn đi mua sắm đột xuất. Hơn nữa, túi nilon sẵn quá, rất tiện nên khó mà “nói không” với chúng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên ngân hàng làm việc ở Q.1 cho biết, việc mua cơm đựng trong túi nilon đã quá quen thuộc với chị. “Tôi rất ngại ăn ở tiệm nên toàn mua cơm đưa về văn phòng. Mỗi phần cơm tầm mười bịch đó, mỗi lần mở bịch lấy đồ ăn đã đủ mệt”.

Không chỉ quán cơm, các quán nước cũng tận dụng triệt để túi nilon.

Chị Thanh cho hay, sau mỗi bữa trưa, thùng rác cơ quan lại đầy ắp, chủ yếu là hộp xốp đựng cơm và túi nilon. “Mọi người đều biết là độc nhưng không thấy được tác hại trước mắt nên cứ dùng đều đều. Mà có thấy ai chết vì ăn cơm đựng trong bịch đâu cơ chứ!”.

Giả sử trung bình mỗi người dân Việt Nam dùng 1 túi nilon/1 ngày nghĩa là 1 ngày có 86 triệu chiếc túi được dùng, 1 năm tổng số túi nilon được dùng là 31,4 tỉ chiếc, có khối lượng tương đương với 1 triệu tấn nhựa. Số nilon con người thải ra 1 năm có thể phủ kín bề mặt trái đất với độ dày tới 0,8mm.

Túi nilon khi chôn vùi dưới đất phải mất 40 – 60 năm mới có thể phân huỷ hết. Ước tính trên thế giới 1 năm có 9,3 tỷ tấn túi nilon không được thu gom, phải tự phân huỷ. (Theo Phụ nữ Việt Nam)

Thuốc lá và mũ bảo hiểm

Hiệu Minh.

Theo Blog Hiệu Minh

Ảnh: xaluan.com

Ảnh: xaluan.com

Con người có cái đầu để suy nghĩ và có lá phổi để thở. Phổi cung cấp oxi cho não làm việc và não thì nghĩ cách làm thế nào thở hít cho phổi được khỏe mạnh. Không biết giữ gìn hoặc nhà nước không có chế tài xử lý nghiêm thì cả hai sẽ làm hỏng cả đời ta.

Chuyện hai anh bạn

Tôi có hai người bạn, mỗi anh có kiểu sống và bảo vệ sức khỏe riêng. Một chàng không hút thuốc vì muốn bảo vệ cho cái phổi, nhưng đi xe máy, không thích đội mũ bảo hiểm. Anh thứ hai đi xe máy, đội mũ bảo hiểm vì lo cho cái sọ, nhưng lại nghiện thuốc lá nặng.

Có chi tiết quan trọng, cả hai đều có vợ rất xinh như hoa hậu. Hóa ra các nàng thích các anh vì trông rất nam nhi, hút thuốc lá hay đi xe máy không…sợ chết.

Một lần tôi nhận được cú điện khẩn cấp vào bệnh viện Việt Đức. Anh chàng không đội mũ bảo hiểm bị tai nạn đang nằm trên giường cấp cứu. Đầu băng bó kín và đang thở ôxi.

Tay nghiện thuốc lá tới thăm và cười vào mũi “Đã bảo rồi, đời người có cái gáo thì phải giữ lấy. Bây giờ thì quá muộn”.

Nhưng độ một năm sau, tôi lại nhận được tin, anh chàng nghiện thuốc lá đang trong Bệnh viện Bạch Mai, bị nghi ung thư phổi. Tay không đội mũ bảo hiểm có dịp nói kháy “Thấy chưa, có cái phổi mà không biết giữ, suốt ngày phì phèo”.

Một anh đùa với cái đầu thì suýt bị mất đầu, anh kia đùa với cái phổi thì đang sắp mất phổi. Hiện nay một anh mất trí nhớ thường xuyên, anh thứ hai lúc nào cũng sẵn một máy trợ thở dù mới ở tuổi U50.

Thử hỏi, tay nào vừa nghiện thuốc và không đội mũ bảo hiểm thì tai họa sẽ như thế nào.

Qui định cấm hút thuốc lá

Hút thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà làm hại cả người bên cạnh. Các số liệu thống kê được phổ biến cho biết, 56% nam giới Việt Nam thường xuyên hút thuốc lá. Những người “ngửi ké” khói thuốc, dù không biết hút thuốc, lên tới trên 65%.

Về chuyện này, anh Xuân Sương từ Paris viết trên TTO “Trên thế giới 30% phụ nữ, 40% nam giới hút thuốc. Mỗi năm 4 triệu người chết trên khắp thế giới vì thuốc lá. Một điếu thuốc cướp đời ta 7 phút. Vậy mà vẫn có những người thích đời mình bị cướp như vậy, thật lạ!”

Cũng chẳng lạ, ở nước mình hay trên thế giới cũng thế, hút thuốc lá là do phần nhiều đua đòi từ thưở thanh niên. Giống như đi xe máy không dùng mũ bảo hiểm do muốn yêng hùng, ta đây không sợ chết. Một số khác thì không hiểu hết tác hại, bạn bè rủ rê, cứ thế đi theo thần chết. Các nàng trẻ đôi khi nhận lời yêu vì thấy chàng hơn người, biết hút thuốc.

Như báo chí đưa tin, ngày 1/1/2010 quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng sẽ có hiệu lực, theo công văn số 1315 của Thủ tướng chính phủ.

Những địa điểm cấm nhả khói bao gồm trường, lớp học, thư viện, cơ sở y tế, nhà hát, rạp xi nê, nhà văn hóa, khu vực sản xuất, nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Dù qui định này đã có hiệu lực cả tuần, nhưng như TPO đưa tin, tại nhiều bến xe, nhà chờ xe bus, các khu chợ hay bên quán trà đá nơi vỉa hè người dân vẫn ngang nhiên hút thuốc mà không có lực lượng chức năng nào xử lý.

Dư luận tin là qui định này khó thực hiện vì nhiều lý do. Ai phạt và phạt ai, lực lượng cảnh sát, nhân viên bảo vệ nơi công cộng chỉ có thể nhắc nhở chứ chưa có chế tài xử phạt.

Có thực hiện được không?

Chợt nhớ ra câu chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây. Nhiều người nhớ thì qui định này cũng do chính ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là PTT, đưa ra. Hàng chục triệu người phản đối, số ủng hộ rất ít.

Sau hai năm, được tuyên truyền vận động, kể cả các nhà tài trợ quốc tế giúp đỡ, ngày nay trên đường chỉ còn vài người không đội mũ đi lén lút trong số hàng chục triệu xe máy lưu thông .

Lý do ư, khi đã là quy định của Thủ tướng, nếu được quán triệt từ trên xuống, và thực thi nghiêm túc thì không có lý do gì mà không thực hiện được. Ổng có tiền, có quyền, được dư luận ủng hộ, tại sao không? Làm đến chức Thủ tướng, ra quyết định mà bên dưới không thực hiện, hoặc phải xem lại quyết định hoặc đuổi việc cấp dưới.

Giống như qui định đội mũ bảo hiểm, cấm hút thuốc lá là vì sức khỏe của người đang hút và cộng đồng quanh người nhả khói. Việc này cần được thực hiện như giám sát người đi xe máy đội mũ bảo hiểm.

Qui định này chắc chắn được sự ủng hộ của 44% nam giới không hút thuốc lá tại Việt Nam, cộng với 99% các bà các cô.

Ảnh: tinnhanh.com

Ảnh: tinnhanh.com

Các bạn nữ trẻ chưa yêu chắc không ai thích những tay nghiện ngập. Cứ tưởng tượng, khi chàng trai mồm hôi như ống khói, hôn vào môi, lưỡi bạn, mùi kinh khủng gồm bia rượu và nicotin truyền sang. Hôn như hôn cái ống xả xe máy thì yêu đương cái nỗi gì.

Như vậy, cánh hút thuốc lá kia đứng về bên thiểu số. Chỉ cần thấy ai rút điếu thuốc ra nơi cấm, những người không hút thuốc lên tiếng, sẽ làm cho người vi phạm hết cơn thèm.

Các quan hãy làm gương

Đương nhiên, chế tài này cần được giao cho những cảnh sát, bảo vệ nơi công cộng, với điều kiện các vị này…không hút thuốc và được thưởng xứng đáng khi bắt được ai vi phạm.

Các quan chức cũng nên làm gương. Nếu các vị còn hút thuốc lá, chơi tá lả thì khó mà bảo được dân đừng phì phèo hay đánh bạc.

Mấy năm trước, còn nhớ hình ảnh ông Bộ trưởng Bộ Giao thông đi xe máy đến công sở với mũ bảo hiểm khi tuyên truyền cho dân.

Nếu các quan bên Bộ Y tế, Công an, kể cả chức sắc Chính phủ đang nghiện thuốc lá, lên tivi nói rằng, từ nay sẽ bỏ vì cộng đồng. Nếu quay phim chụp ảnh được các vị phì phèo thì hãy xin từ chức. Làm được thế, qui định cấm hút thuốc lá sẽ có hiệu lực và thi hành nghiêm túc.

Viết câu chuyện này, chợt nhớ ra anh bạn làm việc bên Mỹ. Anh đang tính bỏ thuốc, vì mỗi lần hút phải đi từ tầng 90 xuống đường, đứng giữa trời đông giá rét, hút một mình. Người qua lại nhìn anh như một kẻ phạm tội, rất xấu hổ. Cấm hút thuốc và chế tài phạt hàng ngàn đô la, kể cả đưa vào tù, đã làm cho những người yêu khói mây trở thành bơ vơ. Anh bảo rằng, số đồng nghiệp hút thuốc đang ít dần đi.

Con người có cái đầu để suy nghĩ và có lá phổi để thở. Phổi cung cấp oxi cho não làm việc và não thì nghĩ cách làm thế nào thở hít cho phổi được khỏe mạnh.

Ai không biết giữ gìn hai thứ đó thì dễ trở thành như hai anh bạn trên kia, dù cưới được vợ đẹp như hoa hậu. Các nàng cũng nhận ra, thứ yêng hùng rẻ tiền thời trẻ lại trở thành quá đắt trong cuộc sống gia đình sau này.

Đàn ông Việt Nam, các anh hãy làm gì đi chứ?

Theo Blog Xuân Bình

Kính gửi Ba của Phim và Bút,

Tôi là một người mẹ trẻ. Tôi mới nhận được cái link đến blog của anh từ một người chị làm cùng cơ quan. Tôi chưa biết anh là ai, qua bài viết này tôi đoán công việc của anh thiên về nghệ thuật (Phim và Bút-chụp ảnh, quay phim, vẽ…?). Tôi xin được mạo muội chia sẻ cảm giác của tôi sau khi đọc bài “Bao nhiêu năm làm kiếp con người” của anh.

Cảm giác của tôi là bực bội và chán. Vì sao? Vì tôi lại một lần nữa lại phải đọc về vấn đề nhức nhối rất xưa cũ này. Vấn đề mà hầu hết các bà mẹ và các em bé Việt Nam đều đã quen thuộc, nhưng chưa bao giờ tôi được đọc một giải pháp nào cả.

Tôi rất thông cảm khi “Bác và bố con ra ban công hút thuốc, tán gẫu. Từ trên cao các chi tiết của đời sống dưới đường phố bị thu nhỏ kích cỡ nên có phần đáng yêu hơn một tẹo”. Vì không chỉ riêng anh em nhà anh làm như thế, mà hầu hết đàn ông Việt Nam đều đã và đang làm như thế trước nỗi đau, nếu không muốn nói là nỗi nhục của phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Phụ nữ chúng tôi đều biết rằng một trong những lý do mà đến lúc này, đầu thế kỷ 21, chúng tôi vẫn bị đối xử không hơn gì những con vật khi phải vào bệnh viện, đó là vì cách ứng xử của các anh trước vấn đề này. Chúng tôi không dám đòi hỏi, mà chúng tôi chỉ buồn.

Tôi nghĩ rằng, nếu tất cả đàn ông Việt Nam, thay vì ngồi tán gẫu và hút thuốc, thay vì ngồi “buôn dưa lê” ở quán nhậu, hãy dành thời gian đó để nghĩ xem phải làm gì để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Tôi tin là các anh, những tài năng của đất nước, sẽ có được một kế hoạch hành động cụ thể, để Việt Nam chúng ta có thêm nhiều bác sĩ giỏi, để chúng ta có thể xây thêm nhiều bệnh viện. Và các anh sẽ biến kế hoạch này thành hiện thực.

Chúc anh nhiều sức khỏe, làm việc tốt và hiệu quả!

PS: Thông thường, tôi sẽ tò mò đọc tiếp những bài viết khác của anh, để biết anh là ai. Nhưng tôi chẳng hiểu sao hôm nay tôi chán đến mức không muốn biết điều đó. Tôi hiểu đây là cảm giác tiêu cực, một biểu hiện của sự mất niềm tin và bế tắc. Nhưng tôi sẽ tự mình thoát ra khỏi cảm giác này. Tôi sẽ phải tin rằng những tài năng của Việt Nam sẽ không bế tắc mãi được.

  • Hpleiku

Trích bài viết “Bao nhiêu năm làm kiếp con người”:

Bác đến thăm khi con đã được hai ngày tuổi. Con đừng trách bác đến thăm muộn nhé. Đã lâu bác không ra đường vào giờ cao điểm. Hôm đó, trên đường đến bệnh viện, bác phải rất khó khăn để vượt qua những con đường ngùn ngụt người đi, ầm ầm tiếng các loại động cơ, quá nhức óc vì tiếng còi xe, ngột ngạt khói bụi, phố phường xộc xệch…Cũng như những tháng ngày khác trong năm, mùa thu quánh lại quá nhiều nỗi lo âu, mỏi mệt trên bao gương mặt người.

Nơi con chào đời cảnh tượng cũng chẳng có gì đẹp đẽ hơn ngoài đường nếu không muốn nói rằng còn có nhiều điều vô cùng tồi tệ. Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này bác vẫn choáng váng bởi khái niệm về bệnh viện phụ sản. Những căn phòng chật chội và cả hành lang nhập nhoạng, nơi nào cũng đầy ứa, ngổn ngang bà đẻ. Căn phòng của con kê sát ba chiếc gường inox lạnh tanh. Chân tường được ốp gạch men trắng, đầu gường hai mẹ con nằm có gắn một cái lavabo.

Bác điếng người vì ý nghĩ là con và biết bao sinh linh đã sống những ngày đầu tiên của kiếp người trong… toilet. Trong một không gian ngự trị bởi một thứ mùi tanh tanh đặc trưng, mẹ con và các phụ sản khác như dính bết xuống gường bởi họ choàng đắp trên người một kiểu áo quần cùng loại vải với chăn và ga. Những tấm vải rẻ tiền có in đoảng những cánh hoa màu gì đó tạm gọi là hồng hồng. Những cánh hoa đã thực sự úa tàn, tất cả đều không thể cũ và bẩn hơn. Trong vỏ lốt ấy các bà mẹ đều bay biến đâu mất dáng vẻ gợi cảm và kiêu hãnh của phái đẹp.

Không phải bây giờ các thiên thần bé nhỏ mới sinh ra trong điều kiện bĩ cực thế này đâu Mi ơi. Hai con bác, anh bé (Bút) sinh cách đây 4 năm ở một bệnh viện lớn, anh lớn (Phim) sinh cách đây 9 năm ở một nhà hộ sinh nhỏ nhưng các anh con cũng chung cảnh ngộ thê lương tựa như thế này!?

Ở nhà hộ sinh X, cái chốt của chiếc gường gấp bị hỏng. Khi bác bước chân lên để nằm với Phim, hai nửa của giát gường bất ngờ gập lại. Phim chưa đầy 5 giờ tuổi, tí nữa bị kẹp dí như mẩu bánh mì trong máy nướng bánh Cucina.

Ở bệnh viện Y, bác sỹ khám cho bác Huyền (khi mang bầu But) ghi hẳn vào bệnh án: nghi bệnh…. Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam??? Nơi bác Huyền nằm chữa bệnh phải gọi chính xác là lò… mổ. Bác rất tiếc là đã bỏ lỡ cơ hội chụp một dãy phụ sản kiễng chân trên ghế nhựa, gếch mũi lên lỗ tò vò để… thở. Ngoài trời dông gió lạnh người. Bên trong Lò Mổ, hai chiếc quạt công nghiệp chạy 24/24 cũng đang muốn …chảy mỡ.
….
Bác phải cúi người để chụp những bức ảnh đầu tiên về con. Tư thế ấy hình như giúp bác bẻ gập và cất giấu đi những ẩn ức, đau đớn. Lúc ấy bố con đăm đắm nhìn con và thở dài một câu Kiều: Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Bác và bố con cùng lúc nhìn nhau thảng thốt như lần đầu chúng ta bàn luận truyện Thiên thần sám hối của nhà văn Tạ Duy Anh. Câu chuyện kể về một thai nhi đã chần chừ khi chưa muốn chui ra khỏi bụng mẹ ấm êm để sống kiếp người sau khi cảm nhận thấy bao câu chuyện đau đớn, nhiêu nhương trong bệnh viện.