Sinh viên gương mẫu nhưng giảng viên thì không

Ý thức không thể một sớm một chiều có được mà cần được bồi đắp qua thói quen tốt, và thói quen tốt đôi khi cũng cần phải được tập luyện và hướng dẫn

1. Tại căngtin một trường đại học

Buổi trưa, căngtin đông nghẹt sinh viên nhưng các bạn cũng có ý thức khá tốt khi xếp hàng mua cơm. Bỗng nhiên một giảng viên xuất hiện, chen vào ngay trước mặt người bán hàng yêu cầu: “Lấy cho tôi một phần đầy vào nhé, nhanh nhanh vào!”. Vậy là cô bán hàng ngay lập tức nói với cả hàng sinh viên đang đứng: “Các em chờ chị làm cho thầy trước!” và quay sang hô hào tất cả người bán (4-5 người) tập trung vào làm phần cơm của thầy thật cẩn thận. Vừa xong phần cơm đó, hai cô giảng viên khác lại vào luôn khu vực của người bán chỉ trỏ yêu cầu phần cơm “nhanh nhanh lên”…

Cứ thế, khoảng mười giảng viên liên tục vào ra và có phần cơm thật nhanh chóng, trong khi một hàng dài sinh viên đứng ngơ ngác, bực bội, chẳng lẽ lại đi đôi co với thầy cô mình. Và “bi kịch” hơn là sau phần “nhường nhịn” thầy cô thì hàng lối đã biến mất, tất cả sinh viên nhao nhao lên muốn lấy phần cơm trước, vậy là hỗn loạn, tranh cãi… Chen chân mãi mới có một phần ăn, một bạn sinh viên ngao ngán: “Nếu thầy cô cũng chịu khó xếp hàng thì chắc chắn tụi mình sẽ nhường mà không phiền gì cả, đằng này bị chen lên giữa chừng như thế cảm giác cứ thất vọng làm sao ấy…”.

2. Tại chùa Hoằng Pháp

Tôi đến chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM) chiêm bái tượng Phật Ngọc khoảng 9g30 ngày 19-4-2009. Nhìn hàng người chen chúc trên đường vào chùa, tôi thấy hơi tiếc khi chọn ngay giờ nóng bức, đông đúc nhất mà đi, chắc chắn đến 12g trưa cũng chưa ra được! Nhưng khi đã bước vào cổng chùa thì mọi thứ khác hẳn, tất cả dòng người hỗn loạn ngoài kia lập tức được đưa vào một trật tự kỳ lạ theo lời hướng dẫn của các nhà sư. Phía đầu hàng, một nhà sư cầm loa đội nón lá liên tục nhắc nhở rất nhẹ nhàng: “Đề nghị quý phật tử xếp hàng, giữ gìn trật tự nơi tôn nghiêm”.

Giữa hàng, một nhà sư lo phân phát nước đá lạnh cho những người đi viếng chùa để tránh say nắng. Tôi nhìn quanh, từ cụ bà lụm khụm tới những người nhìn có vẻ “anh chị” rồi trẻ con, phụ nữ, thanh niên, tất cả đều từ tốn bước theo hàng mặc cho nắng nóng khủng khiếp, mồ hôi nhễ nhại. Từng hàng một đi rất nhẹ nhàng, thong thả, tay chắp cung kính, không tranh cãi, chẳng xô bồ. Kết quả tôi đã được vào chiêm bái Đức Phật chỉ sau 30 phút xếp hàng, rất nhanh chóng và nhất là cảm giác hài lòng với việc tổ chức xếp hàng rất khoa học, linh hoạt tại chùa.

Có trải qua hai trường hợp trên mới thấy trong việc xếp hàng, trách nhiệm của người tổ chức, quản lý là hết sức quan trọng (đặc biệt ở nước ta). Đồng ý xếp hàng là ý thức của mỗi người, nhưng lợi ích cá nhân luôn là thứ chiếm lĩnh ý thức văn minh cộng đồng nhanh chóng nhất, chẳng ai muốn bị mất quyền lợi chỉ vì mình xếp hàng, còn người khác thì không. Sự bình đẳng khi xếp hàng là yếu tố rất cần được quan tâm. Và cái có thể tạo ra sự bình đẳng ấy không gì khác ngoài sự nghiêm túc, cẩn trọng của người tổ chức các dịch vụ công cộng: xe buýt, đền chùa, siêu thị… Ý thức không thể một sớm một chiều có được mà cần được bồi đắp qua thói quen tốt, và thói quen tốt đôi khi cũng cần phải được tập luyện và hướng dẫn.

  • Đoan Ly (Hóc Môn, TPHCM)

haiz21

*Tháng “Văn hóa xếp hàng”

Sao họ làm được mà mình không làm được?

Văn hóa xếp hàng được tạo dựng và hình thành như thế nào ở xứ người? Dưới đây là kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực.

aâ

Xếp hàng vào tham dự một hội chợ việc làm ở Singapore ngày 7-3-2009 - Ảnh: Reuters

Thái Lan: xếp hàng như một quy tắc xã hội cần thiết

Tôi không cho rằng ý thức của người Thái tốt hơn người Việt, nhưng dường như họ được tuyên truyền và nhắc nhở nhiều hơn nên xếp hàng đã thành thói quen của người Thái.

Tại các quầy cà phê và nhà hàng thức ăn nhanh, người ta dán biển “Please take queue” (Xin vui lòng xếp hàng). Tại ga xe điện ngầm và xe điện trên không, người ta lần lượt kiên nhẫn nối đuôi nhau bởi có muốn nhanh cũng không được vì phải tự băng qua hệ thống kiểm soát vé. Tại các nơi mua sắm, nếu bạn cố ý chen vào để trả tiền trước, nhân viên sẽ sẵn sàng nhắc bạn “First come, first serve, Sir/Madame” (Đến trước được phục vụ trước, thưa ông/bà). Tại ngân hàng và cơ quan hành chính công, người ta phải lấy số thứ tự và đợi đến lượt mình vì đó là quy tắc… Cứ thế, người Thái như được rèn luyện trong môi trường phản xạ có điều kiện và việc xếp hàng đối với họ như một ý thức, một phép lịch sự cần phải có.

Vy Hoàn (Bangkok)

Trung Quốc: bắt đầu từ “Ngày xếp hàng”

Ở Trung Quốc, việc vận động thói quen xếp hàng chỉ mới xuất hiện gần đây. Ngày 11-2-2007 là “Ngày xếp hàng” đầu tiên của Bắc Kinh. Kể từ đó, ngày 11 của mỗi tháng đều là “Ngày xếp hàng”. Để phối hợp với chiến dịch thúc đẩy người dân xếp hàng, chính quyền không chỉ tuyên truyền và kêu gọi mà còn phát động phong trào “xếp hàng theo tôi”, tức là cử các nhân viên và tình nguyện viên dẫn dắt hành khách xếp hàng tại các ngã tư và 1.882 trạm xe buýt, tàu điện ngầm.

Kết quả từ những “Ngày xếp hàng” là hiện nay ở những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, bất cứ mua vé xe lửa hay mua bánh bao, rất ít trường hợp tranh nhau thò tay đưa tiền để được mua trước, đa số đều xếp hàng (ngay cả khi chỉ có hai người mua). Nếu ai không xếp hàng sẽ bị mọi người đang xếp hàng chỉ trích và người bán hàng sẽ từ chối bán cho người không xếp hàng, đồng thời yêu cầu người đó phải xếp hàng.

Như vậy, nếu chính quyền muốn xã hội vận hành hiệu quả hơn và người dân có thói quen lịch sự, văn minh nơi công cộng thì phải chủ động tạo điều kiện cho người dân thực hiện nếp sống văn minh, chứ không thể cứ chờ người dân nâng cao ý thức trong khi người quản lý vẫn giữ lối làm việc cũ.

Chúc Xin (người Trung Quốc)

Singapore: “Hãy biến sự văn minh lịch sự thành lối sống của chúng ta”

Tại đảo quốc sư tử, thói quen xếp hàng nơi công cộng ngày nay là kết quả của một chiến dịch sống văn minh lịch sự xuyên suốt được chính phủ phát động 30 năm trước. “Chiến dịch sống văn minh lịch sự toàn quốc” được cựu thủ tướng Lý Quang Diệu phát động ngày 1-7-1979, nhằm tạo môi trường xã hội lịch sự, trong đó người Singapore đối xử tử tế với nhau và biết nghĩ đến nhu cầu của người khác.

Thật ra chiến dịch này ra đời sau khi Cục Xúc tiến du lịch Singapore vận động dân chúng cư xử lịch sự và thân thiện với du khách để thúc đẩy ngành du lịch Singapore phát triển. Sau đó Thủ tướng Lý nhận thấy không nên chỉ gói gọn trong cách ứng xử với du khách. Lúc đầu, chiến dịch này dự kiến chỉ diễn ra mỗi năm một tháng và tháng 7 được chọn là “tháng văn minh lịch sự”. Chiến dịch có hẳn một logo là biểu tượng mặt cười Smiley và câu khẩu hiệu “Hãy biến sự văn minh lịch sự thành lối sống của chúng ta”. Biểu tượng Smiley sau đó được thay thế bằng biểu tượng chú sư tử Singa vào năm 1982. Từ năm 1985, thực hiện nếp sống văn minh lịch sự trở thành chiến dịch xuyên suốt trong năm với kinh phí 700.000 đôla Singapore/năm. Từ ngày 1-3-2001, chiến dịch sống văn minh lịch sự quốc gia chính thức được đổi thành Phong trào Singapore tử tế.

Trong 30 năm qua, chiến dịch đã được triển khai rất đa dạng, phong phú, mỗi năm nhắm đến một đối tượng và trọng tâm khác nhau. Các hành động mà chính phủ khuyến khích dân chúng thực hiện cũng rất đơn giản, như nói với nhau “Xin chào” và “Xin vui lòng/Cảm ơn”, nhường ghế xe buýt và xếp hàng đợi đến lượt… Các biện pháp thường dùng để quảng bá là tặng quà (thẻ đánh dấu sách, mũ lưỡi trai…) cùng nhiều câu khẩu hiệu dễ nhớ. Chiến dịch còn được đưa vào quảng cáo trên tivi, chương trình hài kịch truyền hình, các hoạt động ở trường và các cuộc thi viết văn, sáng tác nhạc…

Kết quả của chiến dịch này là hiện nay người dân ở đảo quốc sư tử không chỉ tự giác xếp hàng mà còn thể hiện tác phong văn minh, lịch sự mọi lúc mọi nơi.

THANH TRÚC (Theo infopedia.nl.sg, Wikipedia)

Theo TTO


Vừa mệt, vừa đau, vừa lâu, vừa không văn minh mà ai cũng muốn chen, chen, chen!

Sau bài viết  của cô Yoon Sun Ae (Hàn Quốc) đăng trên Tuổi Trẻ, chúng tôi đã nhận hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc bày tỏ ý kiến, bàn bạc thêm về chuyện này.

Lạ thật, chuyện không chịu xếp hàng ở VN vốn là “chuyện thường ngày” quá quen thuộc sao lại tạo nên sự bức xúc đến vậy? Hóa ra chuyện không chịu xếp hàng là không thể chấp nhận được trong văn hóa ứng xử nơi công cộng, nhưng vì nó diễn ra khắp  nơi, thường xuyên, quá quen thuộc trong mắt chúng ta đến độ trở thành… chuyện bình thường! Cho đến khi cô Yoon Sun Ae – “khách đến chơi nhà” – góp ý thì “chủ nhà” mới giật mình nhìn lại.

Bức ảnh này được chụp trong dịp người hâm mộ săn lùng vé xem trận bóng đá VN - Brazil. Người ta đã không xếp hàng, chen lấn thoải mái, bất kể một phụ nữ phải kêu thét lên vì chịu không nổi sự chèn ép của các đấng mày râu!- Ảnh: CÙ ZAP

Chợt nhớ cách đây không lâu, giám đốc một công ty du lịch tư nhân kể cho nghe một chuyện thế này: công ty của ông ấy tổ chức tour cho một nhóm khách Tây đi từ TP.HCM ra Hà Nội bằng xe 50 chỗ chất lượng cao. Mới đến Long Khánh (Đồng Nai), nhóm khách Tây gọi điện về công ty nằng nặc yêu cầu phải đổi tài xế, nếu không họ sẽ hủy tour.

Hỏi lý do thì nhóm khách Tây bảo họ không thể nào chịu được chuyện bác tài bấm còi inh ỏi liên tục trên đường. Hóa ra đó là điều tối kỵ và biểu hiện thiếu văn hóa ở nước ngoài, nhưng ở ta thì chuyện thường ngày ấy mà!

Tương tự, câu chuyện xếp hàng cũng thế. Đi mua vé xem bóng đá, vé tàu xe về quê, đi siêu thị, chạy xe trên đường…đâu đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh chen nhau để vượt lên trước. Chẳng phải người Việt mình thiếu thời gian đến độ phải bon chen khốc liệt đến thế!

Có lẽ nhiều người chúng ta vẫn chưa quên bài học từ mẫu giáo, bài “Hai chú dê con” chen nhau qua cầu, chẳng ai nhường ai nên kết quả cả hai cùng rơi tõm xuống kênh; nhưng ra đời thì ai cũng như mang tâm lý “đi sau về sau” là một sự thua kém đáng xấu hổ!? Và thế là hình ảnh xấu xí không chịu xếp hàng đã trở nên bình thường như chuyện đương nhiên phải thế!

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những hình ảnh quen thuộc hằng ngày dễ gặp mọi lúc mọi nơi. Những hình ảnh tưởng như bình thường này thật đáng suy nghĩ: nó vốn… không bình thường đâu!

Đi cũng chen…

Cầu sắt Bình Lợi – cầu của xe lửa nối liền quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, TP.HCM. Bên hành lang chiếc cầu này có một phần đường hẹp dành cho hai làn xe máy lưu thông. Trong giờ cao điểm sáng và chiều, ở hai đầu cầu thường xuyên quá tải, người đi xe máy mạnh ai nấy chen gây ùn tắc khiến chẳng ai qua nhanh được (ảnh chụp chiều 17-4) – Ảnh: N.C.T.

Giải trí cũng chen…

Chỉ một ô cửa nhưng bao nhiêu cánh tay thò vào, quyết giành trước một chiếc vé xem một trận bóng đá (ảnh chụp tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội) – Ảnh: Cù Zap

Khám bệnh cũng chen…

Nơi đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thường xuyên quá tải vào buổi sáng. Mặc dù ở đây có phát số thứ tự nhưng nhiều người vẫn cứ chen lấn, khiến anh bảo vệ (trong khoanh tròn) phải tới lui nhắc nhở, vãn hồi trật tự – Ảnh: N.C.T.

Khuyến mãi cũng chen…

Không ai nhường ai. Trong ảnh là cảnh chen nhau để nhận điện thoại khuyến mãi tại Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp sáng 18-4) – Ảnh: MINH ĐỨC

Lên xe cũng chen…

Lên xe buýt cũng khỏi nghĩ đến chuyện nam nhường cho nữ. Trong ảnh: chen nhau lên xe buýt ở bến xe An Sương, Q.12, TP.HCM (ảnh chụp sáng 18-4) – Ảnh: N.C.T.

“Ăn” cũng chen…

Chỉ một người bán nhưng bao nhiêu người mua… giơ tay. Trong ảnh: tranh nhau mua bánh mì tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận,TP.HCM (ảnh chụp tối 18-4) – Ảnh: MINH ĐỨC

Theo TTO

Rất nhiều thứ tuyệt vời, trừ..

…việc xếp hàng!

Tôi là sinh viên đến từ Hàn Quốc. Tôi theo học tại Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) gần ba năm nay. Môi trường học tập và sinh sống ở đây khá lý tưởng vì ai cũng thân thiện, thời tiết ôn hòa và thức ăn thì quá đỗi tuyệt vời.

Tuy nhiên điều khiến tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác hết sức ngỡ ngàng và cảm thấy tiếc là nhiều người VN không có thói quen xếp hàng, ý thức xếp hàng còn rất kém!

Bức ảnh này được chụp trong dịp người hâm mộ săn lùng vé xem trận bóng đá VN - Brazil. Người ta đã không xếp hàng, chen lấn thoải mái, bất kể một phụ nữ phải kêu thét lên vì chịu không nổi sự chèn ép của các đấng mày râu!- Ảnh: CÙ ZAP

Tôi có thể kể ra một số ví dụ mà ai cũng có thể nhìn thấy hoặc kiểm chứng như sau:

Hằng ngày, tôi thường ăn cơm ở căngtin trường, nơi đang theo học. Mỗi lần đến căngtin, tôi phải chờ rất lâu mới len lên được để gọi món ăn của mình. Lý do là một số người khác không bao giờ xếp hàng theo thứ tự mà luôn tìm cách chen lên một cách thản nhiên, thậm chí họ đi từ ngoài vào và bước lên trước tôi như thể tôi là “người vô hình”! Có nhiều người còn chỉ trỏ, cười nhạo khi thấy tôi và một vài người khác cứ đứng theo hàng mà tiến lên trong khi ai cũng ùa lên từ phía bên phải hoặc bên trái.

Không chỉ ở căngtin, nhiều nơi khác cũng xảy ra chuyện chen lấn tương tự: nhà vệ sinh công cộng, xe buýt… Lúc nào tới những nơi này tôi cũng đều phập phồng lo sợ không biết mình sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để thoát khỏi đám đông chen lấn. Và chen lấn còn kinh khủng hơn nếu gặp những đợt khuyến mãi lớn trong siêu thị: mọi người ào tới và “cuốn trôi” mọi thứ đi, để mặc những ai xếp hàng một cách nghiêm túc cảm giác bàng hoàng, nghẹn ngào quá đỗi.

Những lần đầu xếp hàng nghiêm túc mà bị người ta lấn tới, chen ngang vào, tôi ức lắm vì thấy mình không được tôn trọng. Tuy nhiên, sau đó tôi “nhập gia tùy tục” vì không thể xếp hàng nghiêm túc để lúc nào cũng chịu thua thiệt. Tôi đành “học tập” lối cư xử không tốt này và phải… lăn xả để lấn lướt dẫu thật tình không hề muốn. Bạn thử nghĩ xem khi một người đang sống trong một trật tự xã hội nghiêm túc giờ buộc phải phá lệ, vi phạm trật tự đã thành nếp thật không dễ chịu chút nào! Vì vậy, sau những lần hòa vào dòng người không xếp hàng tôi đều có cảm giác khổ sở vì mình đã đánh mất một thói quen đẹp và đánh mất cả cái tôi của mình…

Hành khách chen nhau lên xe buýt 33 tuyến An Sương – Suối Tiên (ảnh chụp tại bến xe An Sương, TP.HCM ngày 10-4-2009)-Ảnh: THANH QUÝ

Tôi nhớ nhiều năm về trước Hàn Quốc cũng gặp vấn đề tương tự. Tuy nhiên Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi mọi người nên tuân theo nguyên tắc “đứng xếp hàng ở bất cứ nơi đâu” bằng các biển báo, slogan treo khắp nơi, ngoài ra còn đưa ra những hình ảnh hơi phóng đại về hậu quả của việc chen lấn nơi công cộng. Việc tưởng chừng nhỏ mà không nhỏ này cũng được đưa vào các bài giáo dục trong trường cho học sinh. Kết quả là sau đó mọi người đều đồng lòng hưởng ứng việc xếp hàng một cách mạnh mẽ từ trạm xe buýt tới siêu thị, hay tàu điện ngầm…

Ý thức trật tự xã hội là một điều kiện tiên quyết để tạo nên một quốc gia tiên tiến. Nhiều người nước ngoài cũng đánh giá một đất nước qua ý thức của người dân ở đất nước đó.

Tôi biết những lời nói của mình tuy nghe không được xuôi tai lắm nhưng đó thật sự là một thông điệp mà tôi đã suy nghĩ mãi và muốn gửi gắm đến các bạn trẻ VN từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ nếu mọi người bỏ thói quen không tốt thì hình ảnh VN vốn đã xinh đẹp sẽ càng xinh đẹp hơn trong mắt bạn bè nước ngoài.

YOON SUN AE
(sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM)