Thùng phân loại rác 3R dùng để đựng ốc luộc!

Khi nhắc  đến dự án 3R (phân loại rác thải tại nguồn theo phương pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) thì đa phần người dân cũng như các công nhân môi trường đô thị đều thừa nhận rằng : “hiệu quả của chương trình ngày càng giảm đi”.

Thùng rác được dùng để đựng… ốc

Cô Nguyễn Thị Thanh, số nhà 103, ngõ 10, phố  Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội cho biết : “ Ban đầu khi mới thực hiện thì người dân còn hào hứng hưởng ứng, nhưng giờ thì rác lại được vứt linh tinh, chẳng được phân loại gì hết”.

Chỉ tay sang nhà đối diện, là một cửa hàng bán đồ thủy hải sản, cô cười nói : “Đến cái thùng rác mini được UBND phường phát để phân loại rác thì giờ được họ dùng để đựng ốc bán kia kìa”.

Rác đựng trong thùng cam được vứt vào rác hữu cơ. Ảnh : Dương Hưng
Rác đựng trong thùng cam được vứt vào rác hữu cơ. Ảnh : Dương Hưng

Cô Thanh nhớ lại, trước khi triển khai chương trình mỗi gia đình đều được hướng dẫn cách thực hiện, còn được phát cho 2 thùng rác mini màu xanh và màu cam để phân loại rác hữu cơ và vô cơ tại nhà nhưng chỉ được khoảng hơn một tháng thì đâu lại vào đấy, người dân lại trở lại với cách vứt rác cũ.

Những người dân ở cùng khu phố thuộc phường Láng Hạ (Đống Đa ) khi được hỏi về chương trình phân loại rác tại nguồn đều tỏ thái độ thờ ờ. Có nhiều người còn trả lời một cách thản nhiên rằng : “Chương trình này có còn thực hiện nữa đâu ?”. Tưởng chương trình đã chấm dứt nên nhiều người dân cứ để rác chung với nhau mà không hề phân loại.

Tại  điểm thu gom rác ở gần trường Tiểu học Nam Thành Công có 10 thùng rác được phân đi các  điểm trong khu dân cư. Chị Nguyễn Thu Thoảng, công nhân Xí nghiệp môi trường đô thị ( XN MTĐT) thừa nhận : “ Mới đầu người dân còn thực hiện khá nghiêm túc, còn giờ thì coi như thôi hẳn, bọn tôi làm sao có thể phân loại hết ngần ấy rác mỗi ngày được”.

Bác Nguyễn Quang Giáp, khu tập thể G3 A, phường Thành Công, Ba Đình thẳng thắn : “Tôi vẫn thấy các thùng rác màu xanh và màu cam được để ngay lối vào khu tập thể nhưng cách phân loại và hiệu quả đến đâu thì không thể biết được”.

Chỉ  cần đưa mắt nhìn vào thùng rác hữu cơ cũng có  thể nhìn thấy được những loại rác mà đúng ra phải nằm ở thùng rác vô cơ như  chai nhựa, mảnh thủy tinh, giấy ăn…

Vẫn nhặt được chai nhựa, thủy tinh trong thùng tác hữu cơ. Ảnh : Dương Hưng
Vẫn nhặt được chai nhựa, thủy tinh trong thùng tác hữu cơ. Ảnh : Dương Hưng

Chỉ tại trận lụt lịch sử ở Thủ đô?
Anh Nguyễn Tiến Hoàng, công nhân tổ 49, xí nghiệp 4, XN MTĐT Quận Đống Đa cho biết : “Kể từ sau trận lụt năm 2008 thì hiệu quả của chương trình giảm đi rất nhiều do ý thức của người dân ngày càng kém. Nếu như thời gian đầu có thể phân loại được hơn 60% là rác tái sử dụng thì con số này giờ đây chỉ còn khoảng 40 %, và số còn lại là rác phải chôn lấp”.

Anh Hoàng giải thích thêm: “Người dân thường vứt chung rác với những đồ đạc hư hỏng do lũ lụt gây nên khi dọn nhà nên một thời gian sau họ dần quen với nó và quên luôn việc phải phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ ra hai nơi khác nhau”.

Vì ý thức của người dân ngày càng kém nên sức ép công việc đối với công nhân môi trường càng nặng nề. Dù cho thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở ý thức người dân nhưng số lượng rác phân loại được vẫn chiếm tỷ lệ thấp và giảm xuống.

Công nhân môi trường ở phường Phan Chu Trinh ( quận Hoàn Kiếm ), phường Nguyễn Du ( quận Hai Bà Trưng) cũng cho biết : “ Ý thức người dân là vấn đề nan giải nhất. Với số lượng rác lớn như thế thì chúng tôi không thể phân loại hết được”.

công nhân môi trường vất vả hơn khi người dân không phân loại rác tại nhà. Ảnh : Dương Hưng
Công nhân môi trường vất vả hơn khi người dân không phân loại rác tại nhà. Ảnh : Dương Hưng

Hơn nữa, các loại rác thải được người dân cho vào các  túi ni lông rồi buộc chặt lại nên công đoạn phân loại rác cũng gặp không ít khó khăn. Việc lẫn lộn giữa rác vô cơ và rác hữu cơ là không thể tránh khỏi.

Ở nhiều phường khác cũng đang đưa những thùng rác vô cơ và thùng rác hữu cơ vào các khu dân cư để người dân dần làm quen với cách phân loại rác tại nguồn, nhằm giảm lượng rác thải phải chôn lấp, nhưng xem ra người dân những nơi này chẳng mấy mặn mà.

  • Dương Hưng/bee.net.vn

2 bình luận to “Thùng phân loại rác 3R dùng để đựng ốc luộc!”

  1. thang Says:

    khi quan niệm là bình quân nghĩa vụ thì không thể tiến bộ được. Tại sao lại phát miễn phí thùng rác cho các hộ gia đình ??? lẽ ra thùng rác họ phải mua vì họ làm sạch cho chính cuộc sống của họ cơ mà !!!

  2. thuy an Says:

    Tai sao o trung tam ca nuoc ma nguoi dan Ha Noi lai co cach cu xu thieu van hoa vay. Dang le duoc ap dung dau tien nen phai lam guong cho moi nguoi chu? Con dau la Ha Noi co kinh,dep de nua khi Ha Noi day rac?


Bình luận về bài viết này