“Chị mà cân điêu em cứ đốt nhà chị đi!”

Nguyễn Yến

Hiện nay ở các chợ, hầu hết những chiếc cân bàn, cân điện tử trước khi được đưa vào sử dụng đều đã được chỉnh lại, làm lợi cho người bán hàng từ vài lạng đến vài kilogram.

“Không lẽ tới đốt nhà bà bán cá”

Chị Mai (Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) đi chợ mua cá về nấu cơm thiết khách.  Thấy  con cá nhỏ mà người bán bảo đến 2 kg, chị không khỏi nghi ngờ. Cũng không biết làm thế nào để kiểm tra chị đành nhắc khéo người bán:  “Chị cân đủ vào lần sau em còn tới mua”.

Tình trạng cân thiếu diễn ra tràn làn tại các chợ.
Tình trạng cân thiếu diễn ra tràn lan tại các chợ.

Bà bán cá tươi cười như hoa, xoen xoét nói: “Chị bán hàng ở đây bao nhiêu năm chưa cân điêu cho ai bao giờ. Thiếu hoa nào chị không lấy tiền của em. Chị mà nói sai em cứ đốt nhà chị đi”.

Về nhà, mẹ chồng chị cũng thấy nghi mới đem cân ra thử . Con cá chỉ có … 1,5kg. “Không lẽ mình lại mang con cá tới chỗ bà ấy để đòi đốt nhà”, chị Mai bức xúc nói.

Giá non thì…cân non

Bạn Liên, sinh viên năm thứ ba ĐH Sư phạm Hà Nội, thì lại có kinh nghiệm dở khóc dở cười khi thường xuyên mua hoa quả tại chợ Xanh trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy): “Mua ở cửa hàng anh bán hoa quả mặt rỗ giữa chợ, lúc mua nhớ đòi cân trong nhà thì may ra còn thiếu ít thôi. Chứ cái cân ở ngoài cửa hàng, mua 3 thì hao 1 là chắc!”.

Với những loại mặt hàng giá rẻ thì cân thiếu một vài lạng, người tiêu dùng cũng chỉ mất vài nghìn đồng. Tuy nhiên, với những mặt hàng đắt tiền thì số tiền bị “móc túi” lại không phải là nhỏ.

Với mỗi một kg thịt bò, nếu cân thiếu  nửa lạng là người bán đã có thể lãi từ 8.000-10.000 đồng. Còn đối những loại hải sản như cua , tôm, ghẹ biển đắt tiền thì số tiền lãi có thể lên đến mấy chục nghìn đồng.

Việc cân thiếu không chỉ diễn ra tràn lan tại các điểm bán dạo, hàng rong,  mà tình trạng này còn rất phổ biến tại các điểm bán lẻ cố định tại các chợ.

Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi bán hoa quả, miệng rao liên hồi: “26 ngàn đồng một cân cam sành đây”. Nhiều người trả giá 23 nghìn, thậm chí 20 nghìn, người bán chỉ đẩy đưa thêm vài tiếng kỳ kèo chiếu lệ rồi gật đầu đồng ý. Và lẽ đương nhiên khi cân cam, người bán hàng sẽ cân theo kiểu…giá 20 nghìn.

Xoay một cái là tăng thêm vài lạng

Tiếp xúc với những người buôn bán tại các chợ, chúng tôi được biết, hầu hết những loại cân như cân bàn, cân điện tử trước khi được đưa vào sử dụng đều đã được chỉnh lại, làm lợi cho người bán hàng từ vài lạng đến vài kg.

Khi cân ở ngoài chợ, chỉ số cân chỉ 3kg.
Khi cân ở ngoài chợ, chỉ số cân chỉ 3kg.
Nhưng khi đến cân tại tổng cục tiều chuẩn đo lường chất lượng thì chỉ có 2,44kg.
Nhưng khi đến cân tại tổng cục tiểu chuẩn đo lường chất lượng thì chỉ có 2,44kg.

Với những thực phẩm mà người tiêu dùng thường mua với số lượng ít như: thịt bò, nấm,…thì chiếc cân chỉ điều chỉnh sai lệch đi vài hoa. Tuy nhiên với những loại thực phẩm mua với số lượng lớn như: hoa quả, hải sản,…thì cân có thể điều chỉnh sai đi vài lạng.

Theo hầu hết các tiểu thương thì việc điều chỉnh cân hết sức đơn giản. Chị Mẫn, một người bán hàng ở chợ Bưởi tiết lộ: “Đối với cân đồng hồ, chỉ cần dùng kìm xoay cái tai ấn lò xo lên một vài nấc hoặc kéo giãn dây lò xo ở bên trong là trọng lượng tăng lên, sau đó kẹp lại chì, cân lại như mới. Còn với cân điện tử, do cấu tạo phức tạp nên thường chỉ có thợ chuyên nghiệp mới làm được”.

Trước đây, mỗi khi đi mua cân mới về dùng thì mọi người phải đi qua một cửa hàng chuyên chỉnh cân để điều chỉnh. Tuy nhiên, sau thấy đơn giản, nên mọi người tự truyền tai nhau cách làm và tự chỉnh lấy cho đỡ mất công lại tốn kém.

Điều đáng nói là những chiếc cân sau khi chỉnh, nếu chỉ nhìn lên mặt cân thì không thể phát hiện được. Khi chưa đặt hàng hóa lên, chúng vẫn ở mức cân bằng.

Đã ăn cắp lại còn la làng

Khi bị khách hàng phát hiện cân thiếu, nếu là ngay tại chỗ thì các chủ hàng thường nhỏ nhẹ, cười trừ rồi cân lại cho xong. Những lời giải thích mà chủ hàng thường dùng để xoa dịu khách hàng của mình là “Chắc tại vì cân bị giằn xóc do di chuyển suốt ngày nên lò xo bị … dão khiến kim đồng hồ chạy sai. Chỉnh lại một chút là đúng ngay ấy mà”.

Thậm chí có những chủ hàng cân điêu nên khi khách hàng định đi cân lại liền ra chiêu: “Chị từ trước tới giờ không bán điêu cho ai bao giờ. Thôi nếu em mua thì chị bớt cho, coi như mở hàng chị khuyến mại”.

Tuy nhiên, đó chỉ là khi bị khách hàng “bắt tận tay”, còn với những mặt hàng đã mang ra khỏi chỗ người bán rồi thì có trời mới đòi được bồi thường.

Nhân ngày 2/9, chị Cát Tiên đi chợ Bưởi mua 2kg tôm, lúc mua hàng chị đã cẩn thận cân lại ở một hàng khác ngay cạnh hàng tôm và thấy cả 2 cân này đều có chỉ số giống nhau. Tuy nhiên, khi về nhà, chị mượn cân của hàng xóm thì hết sức bất ngờ vì thấy chỉ có 1,6kg.

Vì bị “hớ” hơn 80.000 đồng nên chị Cát Tiên đành đem ra chỗ bà bán hàng lúc nãy trả lại, bà này liền lu loa: “Cô để bớt tôm ở đâu rồi đến đây đổ vạ cho tôi. Mọi người hỏi bà Hoa (bà bán hàng bên cạnh) xem cô này vừa cân lại hàng bà ấy là mấy cân. Lần sau nhìn lại mặt người đi rồi hãy nói”.

Đôi co không nổi, chị Cát Tiên đành bỏ đi mà trong bụng thì tức anh ách: “Ra chợ bây giờ không thể tin được vì hàng nào cũng cân điêu. Đã ăn cắp lại còn la làng”.

Theo một tiểu thương ở chợ Nhà Xanh, do tâm lý người tiêu dùng thích mua được đồ giá rẻ. Vì thế, muốn hạ giá cho đông khách mà vẫn có lãi thì phải cân thiếu đi một chút…

Theo BEE

haiz21

Chẳng lẽ tôi là người phải xin lỗi?

Mặc Thủy

Cách đây không lâu, tôi đáp máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng nghỉ mát cùng gia đình. Chúng tôi có cả một bầu đoàn thê tử gồm bảy người lớn và bốn đứa trẻ con. Thế nên mới cắt cử một anh làm “trưởng đoàn” lo làm thủ tục trình vé, lấy thẻ lên máy bay hộ cả nhà cho tiện.

Có lẽ vì đoàn đông nên cô nhân viên làm việc khá lúng túng, hết nhầm tên lại đến nhịu họ, làm đi làm lại mấy lần. Đứng ngoài mà tôi cũng thấy ái ngại thay cho cô, ân hận tự trách mình sao mà đi đông quá thế, chia lẻ từng người vào làm thủ tục có lẽ hay hơn! Nhưng loay hoay một hồi rồi cũng xong. Bấy giờ cũng đã muộn nên cả nhà vội lao ra cửa vào phòng đợi. Khi “trưởng đoàn” phát thẻ bay cho mọi người thì tá hỏa lên là thiếu thẻ của tôi. Mà tôi thì đi cùng thằng bé con sáu tuổi, hộ chiếu của tôi dán ảnh của con, con thì có thẻ, tôi lại không!

Ngay lập tức, tôi quay lại quầy soát vé. Cô nhân viên cho biết đã khóa máy, không làm gì hơn được. Và cô khẳng định là “lỗi do anh trưởng đoàn không kiểm tra lại”. Tôi rất mất bình tĩnh vì lo con phải bay không có mẹ kèm nên đề nghị gặp sếp của cô. Cấp trên của cô đến quầy, cũng khẳng định lỗi tại khách hàng và bảo tôi ra quầy vé đăng ký chuyến sau.

Tôi thấy bức xúc quá, bèn hỏi lại cô nhân viên với giọng căng thẳng, rằng như vậy là lỗi do khách hàng và nhân viên không có lỗi gì hết sao? Tôi lấy làm lạ vì giấy tờ của con tôi dính vào hộ chiếu của tôi, con thì qua, mẹ rớt lại! Cô nhân viên hàng không cao giọng đáp lại tôi với thái độ còn căng thẳng hơn rằng cô không cho là ai có lỗi cả, rằng nếu tôi cứ muốn tìm xem lỗi tại ai mà không “nhờ” book chỗ thì cũng không đi được chuyến sau đâu… Cuối cùng vì muốn được việc, tôi đã phải hạ giọng mà rằng: “Nhờ em…”. Lúc ấy tôi thật sự đã nuốt một cục tức rất to, để sau đó mặt ê ẩm vì cảm giác… nhục!

Tôi cho rằng trường hợp nhầm lẫn, sai sót luôn có thể xảy ra. Song điều mà bất kỳ một người làm việc chuyên nghiệp nào cũng nên nghĩ đến là một câu “xin lỗi” khách hàng, thay vì đổ lỗi cho họ. Câu ấy vừa thể hiện cảm nhận về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ đối với khách hàng, vừa là một lời xoa dịu hữu hiệu nhất đối với người khách đang hoang mang. Hơn thế nữa, “xin lỗi” là một biểu hiện của hành vi văn hóa.

Cô nhân viên không xin lỗi. Anh sếp của cô cũng không xin lỗi. Tôi thầm nghĩ cuối cùng cũng phải có ai xin lỗi chứ nhỉ? Có lẽ là tôi!

Tôi chợt nhớ một cảnh chứng kiến được trên đường phố London khi tôi có dịp đi qua. Hai người đi bộ ngược chiều nhau, do vội vàng mà va rầm vào nhau. Hai người cùng thốt lên: “Xin lỗi…”. Dù va chạm khá mạnh, gương mặt hai người cũng lập tức giãn ra. Và không có ai mắng ai có mắt như mù, đi không nhìn đường. Không có đứng lại giằng co. Không có đám đông nào xúm lại cổ vũ…

Thế giới thật yên ổn và bình tĩnh nếu có nhiều người biết xin lỗi nhau như vậy.

Ấy nhưng bạn bảo tôi phải xin lỗi cô nhân viên hàng không kia á? Lẽ nào lại thế. Để tôi ngồi phân tích đúng sai đã nha!

(Tuổi trẻ cuối tuần)

Những điều trông thấy: Ở công viên nước

Hồng Lĩnh

Hà nội vào thu mà kể chuyện công viên nước thì có vẻ không phù hợp đúng không ạ? Nhưng thôi thì cứ kể chuyện để mọi người có thể áp dụng cho năm sau, và hy vọng năm sau có mùa hè thú vị vậy.

Chúng tôi đến Công viên nước Vinapearl vào mùa hè và có buổi vui chơi thích thú. Khi cháu nhỏ cần đi vào khu vực vệ sinh, tôi phải công nhận rằng ở đó khu vệ sinh rất hiện đại, tương tự các khu vui chơi giải trí ở nước ngoài. Trông bên ngoài rất lịch sự trang nhã. Tuy nhiên, khi chúng tôi mở cánh cửa đi vào thì thấy ngay cảnh sàn nhà lênh láng nước, vì sao thế? Vì có các bạn nữ đang vừa trò chuyện vui vẻ vừa tranh thủ giặt giũ mấy thứ đồ ngay ở bồn rửa và nước tràn ra lênh láng như thế. Và vì là vừa đi chơi mà lại tranh thủ giặt luôn được những thứ cần giặt ngay ở đó nên các bạn cảm thấy tiết kiệm được thời gian, rảnh rang khi đi về nên rất vui. Chỉ khổ cho chúng tôi lại phải vôi vã đi tìm chỗ khác mà giải quyết vấn đế vốn đã cấp bách!

Thiết nghĩ để giữ cho một khu vui chơi công cộng lớn luôn sạch sẽ đã là một việc không đơn giản tí nào rồi, nhưng nếu những người đến chơi không có ý thức chia sẻ không gian công cộng, giữ vệ sinh chung thì càng khó khăn gấp bội cho những người quản lý. Những tiện nghi công cộng nếu không được giữ gìn và sử dụng đúng chức năng thì xuống cấp càng nhanh.Những khu vực như thế dành cho mọi người vì thế chỉ cần một số không có ý thức thì sẽ gây phiên hà cho người khác bao nhiêu.

Đến lúc chúng tôi ra về, ra đến phòng giữ đồ dung cho du khách, khi tôi đến thì đã có một người khác, vì thế tôi đứng sau người đó chờ đến lượt mình, tuy nhiên ngay khi đó có một chị từ phía sau đến và điềm nhiên đứng ngay trước tôi và đề nghị cho lấy đồ của chị, không những là của chị mà chị còn nhiệt tình đề nghị lấy cho mấy người khác trong nhóm bạn của chị nữa.

Sự việc xảy ra quá nhanh đến nỗi tôi không kịp có thời gian nói là: Tôi đã đến trước chị và chờ đến lượt tôi. Cho dù sự kiện này không lớn nhưng rõ ràng gây sự khó chịu không cần thiết cho người khác. Lỗi một phần do nhân viên không bảo vệ quyền của khách hàng là ai đến trước thì sẽ sử dụng dịch vụ trước, nhưng nếu như chúng ta có ý thức hơn, khi đến quầy chỉ cần để ý xem có ai trước mình không và xếp hàng theo thứ tự thì tất cả đều vui đúng không ạ? Hơn nữa khi chúng ta đã là người trưởng thành, còn có những người nhỏ hơn sẽ nhìn vào hành vi của chúng ta để học tập.