Một Hà Nội chúng ta muốn có?

Tháng Bảy, 1991. Đó là lần đầu tôi đến Việt Nam, cùng một nhóm nhỏ các dân biểu Phần Lan.

Chúng tôi rất vui và ngạc nhiên vì sự quyến rũ của Hà Nội. Những công viên yên bình, ở đó mọi người tập dưỡng sinh, đi bộ hay chơi cầu lông. Hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ đẹp như một người đã già rồi, nhưng rất khôn ngoan và đầy cá tính.

Cho dù lúc ấy thành phố còn nghèo, kém phát triển, cho dù tôi đã đến nhiều nước trước đó, nhưng không có nơi nào giống Hà Nội. Mà đâu phải chỉ có tôi. Hồi thập niên 1990, một ban giám khảo quốc tế đã chọn Hà Nội là thành phố thủ đô đẹp nhất châu Á. Không phải vì đó là một đô thị hiện đại như Seoul, Tokyo hay Singapore, nhưng vì chỉ vài thành phố sở hữu cái mà Hà Nội có – nhiều công viên xanh, đường phố sống động, một cảm giác văn hóa truyền thống lâu đời cùng sự trộn lẫn kiến trúc bản địa và Pháp.

7

Tháng Ba 2009. Chúng ta chứng kiến cuộc tranh luận về tương lai Công viên Thống Nhất.

Câu hỏi thực sự là những nhà hoạch định đô thị Hà Nội cân nhắc đến đâu nhu cầu và khát vọng của người dân bình thường. Một công viên được ưa thích biến thành không gian của những quyền lợi kinh doanh, nó có lợi cho ai? Chắc chắn không phải cho những người dân thường dùng công viên. Không phải cho các du khách yêu mến vẻ đẹp tự nhiên của Hà Nội.

Một khách sạn đắt tiền sẽ hủy hoại khung cảnh. Nhưng việc xây cất khách sạn trên nền công viên chỉ là một ví dụ về những thách thức cho người Việt Nam trong quá trình phát triển.

tre7za2ta7

Nụ cười hồn nhiên trên vỉa hè thênh thang

Năm ngoái, Hà Tây được sát nhập vào Hà Nội. Với nhiều nông dân nghèo, thu nhập thấp, điều này càng làm tăng sự lo lắng vì đô thị hiện đại đòi hỏi có thêm đất xây nhà, công nghiệp và các loại hình kinh doanh khác. Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng hiện đại, chúng ta sẽ càng thấy nhiều người lao động, đặc biệt thanh niên, đổ vào lòng thành phố tìm việc. Ngay từ bây giờ đâu đó đã có tranh chấp giữa chính quyền địa phương và những người dân cố gắng giành quyền sử dụng đất.

Nghị trình hiện đại hóa thường mạnh mẽ hơn những lo lắng của gia đình, làng xã. Có những tổ chức xã hội dân sự chia sẻ quan ngại của dân, nhưng họ vẫn yếu thế trong trò chơi ta gọi là phát triển. Những tổ chức dân sự mạnh nhất là những nhóm gần chính phủ nhất. Ngôn ngữ phát triển chính mạch ưa chuộng những kế hoạch lớn, khách sạn to đẹp, vỉa hè sạch sẽ. Cái nghèo bị đối xử như căn bệnh mà hiện đại hóa sẽ chữa lành.

Những nhà tài trợ quốc tế bị hấp dẫn bởi câu chuyện thành công của Việt Nam. Ngay cả ngôn ngữ tài trợ nay cũng bị vướng bận bởi quyền lợi kinh doanh. Nhưng những thay đổi mà chúng ta thấy là thế nào? Phải chăng là nạn kẹt xe, ô nhiễm ở Hà Nội, và tiếng ồn mà người dân phải tập quen? Những tòa tháp cản ngăn tầm nhìn. Chuyện gì sẽ xảy ra cho phố cổ, khi bao quanh nó là những văn phòng cửa kính? Còn ai để ý hành động của chính quyền với người bán hàng rong? Phải chăng chính quyền thành phố muốn loại bỏ hàng rong để du khách không vấp ngã lên rổ giá của họ? Và bây giờ toàn bộ vỉa hè chật cứng xe máy? Tại sao có thể đuổi người dân và chào đón xe máy?

Cho tôi bày tỏ sự bất đồng. Tôi muốn thấy không gian công cộng có người chứ không phải là vật. Tôi sẽ không cho người ăn xin tiền, nhưng sẽ chọn nải chuối từ một người bán rong kiếm sống nuôi gia đình, chứ không muốn vào siêu thị mua chuối giá đắt gấp đôi.

Nhiều người Hà Nội bắt đầu chia sẻ với tôi lo ngại về sự phát triển của thành phố. Một số muốn rời khỏi đây vì nó không còn giống với ý niệm của họ về một môi trường sống tốt.

Một thiếu nữ trẻ vừa tốt nghiệp đại học, bày tỏ bất đồng về việc người nước ngoài chiếm mọi chỗ tốt nhất trong thành phố. Cô nói: “Chúng tôi còn lại gì khi ngày càng nhiều công ty nước ngoài xây văn phòng, và nhân viên của họ được cho những căn hộ có vị trí đẹp nhất.”

Liệu sẽ có thêm những kênh và không gian để người dân tác động lên kế hoạch phát triển thành phố? Hay liệu chúng ta nên đồng ý với một viên chức địa phương, trong một phim tài liệu về khu tập thể Thành Công (2004) ở Hà Nội, rằng “nếu chúng tôi nghe lời dân, thì sẽ chẳng việc gì hoàn thành được đâu.”

Minna Hakkarainen

NCS Viện nghiên cứu và phát triển, University of Helsinki, Phần Lan

HNX: Đây là ý kiến riêng của một người nước ngoài có lòng với Hà Nội. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

Posted in Chính sách. Nhãn: . 1 Comment »

Cậu bé tự kỷ được vinh danh “Nhà lãnh đạo cộng đồng”

Qua blog của mình, Lewis Schofield, 14 tuổi, hiện sống ở TP Peterborough (bang Ontario, Canada), cung cấp đến mọi người thông tin xác thực về bệnh tự kỷ (một dạng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến sự phát triển của con người) mà bản thân cậu đang mắc phải.

“Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi” Lewis Schofield. Với kiến thức về công nghệ, Schofield đã dùng blog để chuyển cho mọi người thông tin về bệnh tự kỷ – Ảnh: CBC News

Những nỗ lực vì cộng đồng của cậu học sinh lớp 9 Trường cấp II Holy Cross được ghi nhận và vinh danh bằng giải thưởng Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi của Trường đại học Trent (TP Peterborough). Giải thưởng này được Trường đại học Trent trao hằng năm, vinh danh những cá nhân dưới 25 tuổi đóng vai trò dẫn đầu trong cộng đồng.

Bà Elyse Bruce, mẹ Schofield, cho biết con trai bà rất ngạc nhiên khi biết mình được đề cử giải thưởng Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi. Schofield cũng không ngờ là sau đó mình thật sự giành giải thưởng vinh dự này.

Trả lời phỏng vấn của CBC News, Schofield nói một cách giản dị: “Cháu chỉ làm những gì cháu luôn làm thôi. Cháu luôn cố gắng ở mức tốt nhất. Đó là những gì cháu được bố mẹ nuôi dạy”.

Suốt 9 năm nay, Schofield bị hội chứng Asperger, một dạng của bệnh tự kỷ. Mới đây Schofield còn bị Myasthenia Gravis, một dạng rối loạn thần kinh cơ rất nguy hiểm đến tính mạng, hiện không có biện pháp điều trị triệt để.

Dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng Schofield rất say mê công nghệ và thành thạo các kỹ năng đồ họa. Sở thích công nghệ đã khiến Schofield nảy ra ý tưởng chia sẻ những hiểu biết của mình về bệnh tự kỷ nhằm giúp mọi người nắm được sự thật về căn bệnh này.

Schofield thường xuyên online, tải lên blog các video, podcast, hình ảnh đồ họa và bài viết cung cấp thông tin về các bệnh mà cậu mắc phải, trong đó có hội chứng Asperger. Cậu còn tham gia diễn đàn tự kỷ gia đình trên Yahoo.

“Tôi chỉ muốn mọi người biết sự thật về bệnh tự kỷ thay vì những thông tin không chính xác – Schofield lý giải – Tôi nghĩ nếu mọi người đều cố gắng chút ít thì rất nhiều điều sẽ được hoàn thành”.

Bạn không phải làm những gì to tát để mang lại sự thay đổi. Bạn chỉ phải làm một cái gì đó. Không thì sẽ chẳng có gì thay đổi hay trở nên tốt hơn cả“.

“Nhà lãnh đạo cộng đồng” tuổi teen Lewis Schofield

Hội chứng Asperger mà Schofield bị mắc từ khi lên 5 tuổi đã ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác với người khác của cậu bé. Khi ấy, các bác sĩ đã tiên đoán Schofield khó sống sót. Nhưng thật tuyệt vời là cậu bé đã chung sống với bệnh suốt 9 năm nay và còn mang lại hy vọng cho những người khác thông qua kiến thức về bệnh tự kỷ được cậu chuyển lên blog.

Không chỉ dành thời gian chăm sóc trang blog, Schofield còn quyên góp tiền cho các tổ chức tự kỷ ở Canada và Mỹ bằng cách bán các tấm thiệp cậu thiết kế trên mạng.

Ngoài ra, từ năm 2006, Schofield là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí đa phương tiện Irked. Những bài viết, bài phỏng vấn và những video hài hước của Schofield đã thu hút đông đảo độc giả trên toàn cầu.

Ngày 26-10, Schofield sẽ được trao giải thưởng Nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tuổi tại buổi lễ diễn ra tại Trường đại học Trent.

THƯƠNG VŨ (Theo CBC News/Trentu)/TTO

Làm sao để vô ý thức đừng tự nhiên như ăn cơm, uống nước?

HNX: Sau khi đăng loạt bài về văn hóa cư xử và ý thức cộng đồng  của người Việt Nam chúng ta (Chúng tôi là công dân văn minh của một đất nước đang phát triển, không phải các sinh vật lạPhải biết phản kháng trước sự mông muội hoang dã), HNX nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc trên wordpress, facebook và một số diễn đàn khác. Xin phép được trích đăng lại một trong những phản hồi đó.

“Nói chung người Việt Nam không có ý nghĩ đấy là hành động gì sai trái khi vứt rác bừa bãi ra đường. Không phải là họ cố tình hay là muốn thế. Chẳng qua là tiện tay thì ném, thì vứt bừa bãi thế thôi. Vì người người, nhà nhà làm thế. Người ta được nuôi lớn như thế, nên có lẽ đó chỉ là hành động bình thường như ăn cơm, uống nước mà thôi.

Tôi lớn lên ở Hà Nội. Cũng thường quen với những cảnh tượng như thế, hay có lẽ chính tôi cũng đã từng nhiều lần làm thế. Hồi bé thì thấy bố mẹ, hay mọi người tiện tay ném đi thì cũng bắt chước thôi. Khi lớn lên có ý thức một chút thì cũng hay đi tìm thùng rác để ném vào, nhưng đôi khi không tìm thấy thùng rác thì cũng tặc lưỡi “kệ” rồi tìm bụi rậm nào ném vào, vì cũng chẳng ai phản đối.


Khi tôi sang Mỹ học, tôi mới được biết thế nào là “văn minh”. Là đường phố sạch bong. Là những ngã rẽ không có đèn giao thông nhưng người ta vẫn cứ nhường nhau đi. Là người dân tự có ý thức xếp hàng khi mua bán hay làm bất cứ thứ gì. Không bao giờ có chuyện gây hấn hay xô xát gì. Đơn giản vì đó là “luật”, là phép lịch sự. Và đúng là người ta nhìn những kẻ chen lấn, xô đẩy, vứt rác ra đường như UFO thật, chẳng ai muốn như thế cả, nên phải chấp hành. Cũng không mất nhiều công sức cho lắm, mà mọi người được lòng nhau.

nhuongduongwhynot

Lúc mới đầu đến Mỹ nhiều lần tôi thấy thực sự rất xấu hổ vì những thói quen vô ý thức của mình. Tôi vào siêu thị mua đồ, không để ý nên chen ngang vào hàng người ta đang chờ thanh toán. Người ta cũng cười lịch sự nhường cho mình thôi, nhưng cô bạn người Mỹ đi cùng huých tay tôi bảo “Người ta đang xếp hàng chờ đấy” Tôi ngượng đến chín cả mặt. Tôi thực sự cảm thấy mình là “thổ dân” ở chỗ đó. Và lúc đó tôi cảm thấy mình đang làm xấu thể diện của đất nước mình, vì tôi đã một lần nữa tô đậm cái ấn tượng “mông muội hoang dã” trong mắt bạn bè quốc tế. Từ đó tôi luôn phải tự nhắc mình nên ý tứ trước những việc như thế, vì đó là “văn minh”

Tôi nghĩ người Việt Nam không tuân thủ những quy tắc “Văn minh” như vậy là vì chúng ta vẫn coi vứt rác, chen lấn là những điều bình thường, ai ai cũng làm. Chúng ta không có luật (hoặc có nhưng hình phạt không cao). Chúng ta hô hào người dân cư xử văn minh nhưng nhiều lúc vẫn dung túng cho những hành động thiếu văn minh. Chẳng hạn như mùa hè tôi ở Hà Nội, tôi vào một quán đồ lưu niệm cạnh Hồ Hoàn Kiếm để mua mấy thứ tặng mấy đứa bạn Mỹ. Lúc đó trên tay tôi vẫn đang cầm cốc trà sữa đang mút dở, và khi tôi mua đồ xong thì cốc trà sữa cũng hết. Tôi hỏi chị bán hàng “Chị ơi ở đây có thùng rác không để em vứt cốc trà sữa”, chị này mới trả lời : “Em cứ để đấy rồi đến tối người ta đến dọn ấy mà?” rồi chỉ ra ngoài cửa (ở đấy cũng đã có một đống rác to). Tôi đi ra ngoài tìm một cái thùng rác (chỉ cần băng qua đường vì bên Hồ rất nhiều thùng rác) rồi quay lại lấy đồ, chị bán hàng mới cười rồi hỏi: “Em là Việt kiều hay du học ở nước ngoài hả?”, tôi mới ngạc nhiên hỏi: “Làm sao chị biết?”, chị này mới trả lời: “Vì người ở Việt Nam toàn tiện thể ném luôn vào đấy chứ không đi tìm thùng rác để vứt như em”.

Tôi cũng không hiểu đấy có phải là lời khen hay không nữa nhưng rõ ràng là có một ranh giới về sự văn minh giữa người Việt Nam và bạn bè quốc tế, người ta biết ngay đâu là người Việt Nam “chính gốc”, đâu không phải. Tôi cũng chỉ biết thở dài vì rõ ràng người ta coi những hành động văn minh là “không bình thường”, và vẫn tiếp tục với thói quen sống “tiện thể” của mình.

Tôi thấy Blog Hà Nội Xanh thực sự rất hữu ích, vì nhiều lúc đọc những bài viết ở đây tôi rất xấu hổ vì những hành động “thổ dân” của mình, dù đã là nhiều năm về trước rồi. Mong là nhiều người sẽ đọc được những bài viết này và cư xử văn minh hơn, vì như thế là giúp cho chính chúng ta chứ không phải ai khác.”

Louie (viết cho HNX)


Làng xanh, làng sạch ở Ấn Độ

TT – Làng Mawlynnong ở phía đông bắc bang Meghalaya được đánh giá là sạch nhất, xanh nhất tại Ấn Độ. Người dân trong làng ai cũng biết đọc, biết viết và mỗi nhà đều có một nhà vệ sinh riêng.

Những dịch vụ cơ bản này tưởng là chuyện bình thường, nhưng lại là bước tiến bộ lớn của ngôi làng này ở một đất nước có hơn 1 tỉ dân mà phần lớn nông dân còn rất thiếu nước sạch và hệ thống vệ sinh.

.

Ngôi làng xanh, sạch đẹp nhờ ý thức của người dân và sự quyết tâm của chính quyền

Môi trường sống tuyệt vời của ngôi làng là do sự góp sức của chính dân làng. Dù hội đồng làng có thuê người quét dọn nhưng các tình nguyện viên trong làng vẫn chung tay dọn dẹp vệ sinh nhiều lần trong ngày “vì không thể trả tiền cho quá nhiều người được” – tình nguyện viên Henry Khyrrum nói.

Các con đường đi lại trong làng luôn sạch sẽ, có những thùng đựng rác bằng tre. Túi nilông bị cấm tuyệt và rác được xử lý theo cách thân thiện với môi trường. Dân làng cho biết các bài học về vệ sinh cùng cách thức giữ môi trường xanh, sạch được bắt đầu từ trường học.

Hội đồng làng cũng rất nghiêm khắc. Trưởng làng Thomlin Khongthohrem cho biết nếu bị phát hiện vứt rác hay chặt cây, người dân sẽ bị phạt khoảng 1 USD. Khoản tiền nhỏ nhưng điều quan trọng là người bị phạt sẽ cảm thấy xấu hổ vì sự vô ý thức và thiếu tôn trọng người khác để lần sau cẩn thận hơn. Hội đồng làng liên tục đi kiểm tra các thiết bị vệ sinh ở mỗi ngôi nhà, tổ chức các đợt thảo luận về giữ gìn vệ sinh…

Các chuyên gia cho rằng Mawlynnong có hệ thống quản lý cấp địa phương rất hiệu quả. Dân cư ở đây yêu thiên nhiên. Họ bảo vệ rừng, chỉ lấy từ rừng những gì cần thiết cho bản thân chứ không buôn bán thương mại lâm sản.

Du khách khắp Ấn Độ đang đến thăm ngôi làng và rất ấn tượng về sự thành công của làng Mawlynnong hoàn toàn từ quyết tâm gìn giữ những tập tục truyền thống tốt đẹp trong bảo vệ môi trường.

  • Hạnh Nguyên (Theo TTO)