“Biến rác thành tiền” ở Đà Nẵng

Quốc Nam
Hiện nay, nhiều ngõ phố ở quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) sạch đẹp hơn nhờ mô hình “biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận vận động thực hiện cách đây bốn năm. Nhiều nơi còn giúp được các gia đình nghèo, tặng học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh.

Theo bà Huỳnh Thị Túy Hồng – chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu, việc vận động phụ nữ thực hiện phân loại rác thải để tạo quỹ Hội LHPN ở quận do bà đề xuất được thực hiện từ cuối năm 2005. Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng Đỗ Thị Kim Lĩnh nói: “Việc xử lý rác thải sinh hoạt vốn khó giải quyết tận gốc. Nhưng từ khi có mô hình thu gom rác của Hội LHPN quận Hải Châu đã giải quyết hợp lý và hiệu quả số lượng lớn rác từ các hộ gia đình của đông đảo chị em phụ nữ trong TP. Kết quả đã khiến nhiều người bất ngờ”.

Một trong những người thực hiện tốt việc “biến rác thành tiền” là bà Lê Thị Thuận (tổ 12, phường Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu) cho biết cách làm rất đơn giản. Ở nhà bà luôn có hai thùng đựng rác, một thùng đựng các loại rác như chai lọ, bìa cactông để bán, thùng còn lại chứa những loại rác không bán được như bao nilông, lá gói cho công nhân môi trường gom đi. Ban đầu việc gom, tách rác tại nhà ít người chịu làm nhưng dần dần sẽ quen, vừa có thêm thu nhập lại sạch đường sạch xóm.

Bà Đỗ Thị Ngời, chi hội trưởng Hội LHPN tổ 12, kể: “Rác ở đây không còn là đồ bỏ đi như trước. Cứ hai tuần cả khu phố lại tổ chức thu gom rác một lần. Chi hội trưởng phụ nữ khu phố gom rác cho cả tổ, tập kết tại một điểm rồi gọi cho các cơ sở mua bán phế liệu đến bán luôn”. Kết quả là nguồn quỹ hội từ tiền gom, tách rác thu được hơn 400.000 đồng vào năm 2005, từ đầu năm đến nay tổ đã góp được gần 2,6 triệu đồng.

Chưa dừng ở đó, cuối năm 2005, sau khi dẹp xong rác ở các hộ gia đình bằng mô hình “biến rác thành tiền”, Hội LHPN quận Hải Châu lại vận động thu gom rác ở các ngõ phố vốn trước đây có cảnh “cha chung không ai khóc” nên tồn đọng nhiều rác thải gây ô nhiễm. Chị em phụ nữ các tổ đã cùng thực hiện “Sạch từ nhà ra ngõ”, “Ngày chủ nhật sạch”, “Xây dựng đoạn đường văn minh sạch đẹp”.

Mỗi đoạn hẻm được giao cho một chi hội phụ nữ tổ dân phố phụ trách cả về trật tự và môi trường. Những khu phố có những hàng quán thường xả rác bừa bãi cũng được triển khai thành những tổ nhóm buôn bán văn minh lịch sự… Nhờ đó mà nhiều ngõ phố trong quận giờ đây đã sạch sẽ và thông thoáng hơn.

Phong trào “biến rác thành tiền” của Hội LHPN quận Hải Châu đã được nhân rộng ra các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và cũng phát huy tác dụng. Phó chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê Nguyễn Thị Hà Thu cho biết ở hai phường Tam Thuận, Chính Gián đã áp dụng mô hình này hơn một năm qua.

Kết quả thật bất ngờ, nguồn thu từ rác ở đây lên tới hơn 22 triệu đồng và đã được dùng để hỗ trợ hàng chục chị em nghèo trong quận như tặng xe đạp, áo quần, sách vở cho con em các gia đình khó khăn, trao 20 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho học sinh nghèo học giỏi trong quận. Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh cho biết Hội LHPN TP Đà Nẵng đang triển khai nhân rộng mô hình này cho phụ nữ toàn TP.

(TTO)

haiz21

Sâm cầm sẽ bay về.

Nguyễn Đăng Tấn

Hà Nội bây giờ bắt đầu đã vào đông. Cái lạnh se se làm lòng người nôn nao. Một cảm giác lành lạnh, trống trải. Tôi lại tìm về nơi ngày ấy. Mặt hồ mênh mang chỉ có gió là gió. Ánh chiều như dát bạc xuống mặt hồ. Tôi cứ thầm ước ao giá lúc này chim quí sẽ bay về.
Có thời gian độ vài năm tôi ở khu biệt thự Hồ Tây. Nói là ở cho oai chứ khu này dành riêng cho quan chức không phải ai cũng được đến.

 

Mô tả ảnh.

 

Sâm cầm (Ảnh: Tư liệu)

Chả là khi cơ quan đang đóng tại một biệt thự ở phố Phan Đình Phùng thì một vị lãnh đạo được phân làm nơi ở, thế là cơ quan chuyển lên khu biệt thự này. Anh em nói vui: mấy khi được đi nghỉ dưỡng.

Quả là những nhà kiến trúc cảnh quan Hà Nội có con mắt xanh. Họ chọn nơi này làm chỗ nghỉ dưỡng thật là đắc địa. Ở ngay Hà Nội lại có một nơi vừa như rừng vừa như biển. Giống rừng bởi ở đây tràn ngập cây xanh, tràn ngập cỏ cây hoa lá, mùi hương hoa lúc nào cũng phảng phất trong sự tĩnh lặng của không gian. Như biển bởi sóng nước Hồ Tây luôn xôn xao. Gió Hồ Tây luôn mát rượi.

Những lúc vừa làm xong công việc, tôi lại tự thưởng cho mình những phút dạo bên hồ. Mặt trời chiều như đang tiếc nuối dùng dằng chưa muốn lặn xuống phía bên kia bờ. Bầu trời như một bức tranh ngũ sắc với những đám mây màu vàng óng, đỏ rực in xuống mặt hồ đang nhấp nhô sóng lượn.

Dạo ấy cơ quan tôi mới nhận về một cô gái người của làng Quảng Bá, Nghi Tàm. Một cô gái xinh xắn của những vườn đào vườn quất, của những “bến trúc lao xao tự thưở nào”. Tôi đã được nghe em kể về những huyền thoại Tây Hồ. Chuyện nào em kể cũng thích thú.
Chúng tôi thường có những buổi chiều ngồi ngắm hoàng hôn đang dần buông xuống mặt hồ. Chiều đang tím thẫm ánh xuống mặt hồ, màu sắc đẹp như những chùm violet lả tả rơi xuống mặt hồ trong xôn xao con sóng. Những lúc như thế em lại kể về những huyền thoại Tây Hồ. Những trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, đến đây quần thảo làm đất sụt thành hồ khiến hồ có tên là Kim Ngưu (Trâu Vàng). Cáo chín đuôi ẩn nấp làm hại dân, Long Quân dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ gọi là hồ Xác Cáo. Hồ trong sáng như gương, sóng vỗ dạt dào nên gọi là Lãng Bạc. Hồ cong cong như vầng trăng khuyết nên gọi là hồ Nga My. Hồ được gọi là Dâm Đàm (đầm Mù Sương) vì hồ luôn phủ một lớp sương mờ mờ huyền ảo. Hồ ở phía tây kinh thành Thăng Long, nên được gọi là Hồ Tây…

Một hôm đang ngồi bên hồ cùng em sau ngày làm việc thì bỗng một bầy chim sà xuống hồ. Tôi hơi ngạc nhiên vì trông giống như chim quốc ở quê tôi. Em có biết chim này là gì không? “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” đấy. Tôi có vẻ thành thạo. Em liền cười: Không, đây là sâm cầm, đặc sản Hồ Tây đấy. Sâm cầm tôi đã nghe nhiều rồi. Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn cũng có một đoạn viết về loài chim này. Kỳ lạ thật, từ tên gọi đến quê hương cứ như là huyền thoại. Em kể rằng ở tận xứ Kim chi xa xôi, dân một làng nọ có dạo bị một loại bệnh dịch chết dần chết mòn. Tình cờ nhờ bắt được chim lạ ăn một loại rễ cây trong núi cao mà họ đã trở nên khỏe mạnh. Loài rễ ấy sau này trở thành thứ Sâm nổi tiếng xứ Hàn. Không biết có phải là loài chim ăn sâm ở tận xứ Kim chi hay không mà thành tên gọi.

Còn chuyện em kể các vua triều Nguyễn ra lệnh cho quan trấn thủ Hà Nội buộc các làng bên Hồ Tây hàng năm phải tiến chim sâm cầm lên vua để làm thức thuốc tăng cường sinh lực làm tôi khó tin. Nhưng em nói làng em còn ghi trong Hương ước hẳn hoi. Hương ước chép rằng “Hàng năm, mỗi giáp phải nộp năm con sâm cầm. Nhà nào không nộp là trốn lệ vua, thiếu một chim, phạt vạ bạc mười nén, dây dưa thì lý bị trưởng lôi lên phủ đánh một trăm roi!”. Và chả biết có quí như sâm hay không, tăng lực đến mức nào nhưng chuyện mỗi năm dân làng quanh Hồ Tây phải nộp là có thật.

Mô tả ảnh.
Ảnh (tư liệu)

Sâm cầm đi vào câu ca của người Hà Nội như là những đặc sản: Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm; cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây…

Ở khu biệt thự Hồ Tây mấy năm và cứ mỗi độ đông về, tôi lại nôn nao nhớ đến những bầy sâm cầm. Có lần bầy chim còn sà cả xuống sân để ăn những trái hồng xiêm rụng. Những lúc đó thường là rét quá chim không ngụp lặn dưới hồ để mò thức ăn. Tôi định mượn súng săn, để hạ mấy con định thưởng thức hương vị Tây Hồ, nhưng em liền ngăn lại, làm thế thì chim sẽ bay đi không trở lại. Em bảo bây giờ rất buồn chim về thưa hơn trước rồi. Thức ăn ngày càng hiếm, bờ cũng đã bê tông hóa, không có nơi để chim trú ngụ, xung quanh hồ nhiều khu nhà đã mọc lên sừng sững. Có nhiều người chỉ chuyên rình rập để săn bắt chim. Ngay gần hồ có cả những quán nhậu trong đó có đặc sản sâm cầm. Em nói vậy nhưng tôi chưa từng gặp.

Rồi em băn khoăn sao Hà Nội không có qui định gì để bảo vệ loài chim quí và độc đáo này. Giả sử Hồ Tây không có sâm cầm bay về thì sẽ ra sao, giống như Hồ Gươm nếu sẽ không còn cụ rùa nữa?

Tôi cũng đã từng gặp trên nhiều đoạn đường như Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn (bên công viên Thống Nhất) ở giữa Thủ đô có những người thường đem bán các loài chim. Không biết họ bắt ở đâu mà nhiều đến thế. Chim sẻ, chim ngói thì là bình thường. Có loại chim tôi cũng chịu không biết là chim gì. Chắc là loài chim quí. Có những chú chim đã vặt trụi lông không nhận ra được chim gì nữa. Chúng co ro trước gió khi thấy người lạ đến và sợ hãi, rúc vào chân người bán như một sự van xin trông mà tội nghiệp. Các bạn đã gặp cảnh này chưa, những chú chim bị vặt lông ấy.

Tôi đã đọc được trên một diễn đàn, một bạn tên Phương đã viết thế này: Họ không cảm nhận được sự đau đớn của con vật nhỏ bé khi vặt lông sống rồi để đứng co ro chờ người mua thịt..chẳng lẽ không còn cách hành xử nào mang một chút văn minh tối thiểu đối với con chim sao? thử hỏi nếu những người đó bị vặt tóc sống… vặt trụi cho đến sợi cuối cùng thì họ có chịu được những cơn đau đớn hay không mà lại làm thế với những con vật bé nhỏ đó ..con thú có khát máu thì bao giờ nó cũng giết rồi mới ăn

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều có lý khi viết rằng: Nếu con người biết yêu một con chim thì sẽ biết yêu một con người. Đấy là một chân lý đơn giản mà ai cũng biết, dù bây giờ quá ít người muốn nghe.

Mô tả ảnh.
Chiều Hồ Tây

Sâm cầm chắc không nhiều nên không có ai đem bán như thế. Giả sử có bán cũng chỉ để những người nhiều tiền lắm của chứ người dân lấy đâu ra tiền để mua loài chim quí này để mà thưởng thức. Tôi đã kịp dừng lại cái ý nghĩ điên rồ đem súng ra bắn những chú chim vô tội kia trước sự can ngăn của một cô gái làng hoa Nghi Tàm. Chắc em biết rất rõ giá trị của thứ chim này nhưng cái cao hơn là sự nghĩ suy về một danh thắng.

Hồ Tây đã trở thành huyền thoại. Sâm cầm cũng  thành huyền thoại của Hồ Tây. Bây giờ tôi không còn được ở khu biệt thực đó nữa, cô gái ấy cũng đã theo chồng đi xa. Nhưng cứ đến gần ngày đầu đông tôi lại nôn nao nhớ về loài chim ấy. Cái cảm giác hạnh phúc sau giờ làm việc được thả bộ trên những con đường quanh hồ hay ngồi bên cô gái của làng Nghi Tàm mà đón đợi sâm cầm bay về để được chiêm ngưỡng đàn chim “vỗ cánh mặt trời” sao mà da diết.

Hà Nội bây giờ bắt đầu đã vào đông. Cái lạnh se se làm lòng người nôn nao. Một cảm giác lành lạnh, trống trải. Tôi lại tìm về nơi ngày ấy. Mặt hồ mênh mang chỉ có gió là gió. Ánh chiều như dát bạc xuống mặt hồ. Tôi cứ thầm ước ao giá lúc này chim quí sẽ bay về.

(VNN)

haiz21