Mẹ sề & Trẻ thơ

Ngày xưa, các cụ thường đông con. Một bà mẹ nuôi hàng chục đứa lít nhít. Mấy ông đồ gàn, chưa được học về “bình đẳng giới”, gọi các bà là “nái sề”, để rồi hai bên cười…hề hề, nhưng không ai để bụng. Chả là, lợn nái sề đẻ rất nhiều lứa, mỗi lứa hàng chục con.

dan-le1bba3n

Còn có ca dao ví von Gái một con trông mòn con mắt//Gái hai con, con mắt liếc ngang//Ba con cổ ngoảnh, răng vàng//Bốn con quần áo đi ngang khét mù//Năm con tóc rối tổ cu//Sáu con yếm trụi, váy dù vắt ngang”…, rồi, “Gái mười con, vú vắt ngang vai ???”.

Ca dao trên không còn đúng với thời nay, các chị ít con nên ít “sề” hơn. Nhưng con cháu của đồ nho vẫn còn nhiều, nhất là bợm bia rượu. Cũng chả trách đàn ông được, vì đôi khi, các chị sinh con đầu lòng, trông trẻ măng, vừa tiếp khách vừa vạch ti cho con bú.

Dù là người đẹp hay hoa hậu, nhưng lấy chồng, sinh vài đứa con, thân thể cũng khác đi…một chút so với thời son rỗi. Phần cần nở lại teo đi, phần không muốn phát triển lại phì ra. Đôi khi, da bụng hơi nhăn nheo, vú hơi chảy xuống, đôi người lắm điều hơn, không thanh lịch như thời đang yêu.

Đấy là các sắc nước hương trời. Còn phụ nữ bình thường “xuống cấp” nhanh hơn vì ít thời gian và kinh phí eo hẹp để…bảo trì.

Không ai chống lại được với …tự nhiên, chỉ vì một thiên chức của phụ nữ là đẻ ra…thế giới. Từ vua chúa, tổng thống, thủ tướng đến dân thường hay kẻ hành khất đều cùng một…nơi sinh  .

Vì thế, không thể gọi các nàng là…gái sề. Gọi thế là xúc phạm phái đẹp, một nửa thế giới.

Gần đây, có cuộc thi “Hoa hậu Qúy bà đẹp và thành đạt”.  “Trông mòn con mắt” cũng nên mặc áo tắm cho người đời chiêm ngưỡng. Thưở chưa chồng bận học, bận yêu, bận đẻ, bây giờ thành đạt, có tiền, tự tin hơn, tại sao không?

Tuy vương miện đã trao nhưng vẫn nhiều chuyện lùm xùm và đồn đại sau cuộc thi đó.

Bỏ qua chuyện ông Võ Thanh Kỳ, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trưởng BTC cuộc thi, có công văn gửi Bộ VH-TT&DL, Tổng cục An ninh và cả Bộ Công an đề nghị “điều tra, làm rõ và xử lý” hai thí sinh dám…láo.

Số là, sau cuộc thi, do quá bức xúc vì không được giải, thí sinh Trần Bảo Ngọc có những phát biểu trên báo chí về “nguyên nhân” thất bại của mình. Chị Doãn Thị Phương đòi kiện ban tổ chức, vì cho rằng, một số thí sinh vi phạm quy chế nhưng vẫn đoạt giải.

Làm đến Phó Chủ tịch tỉnh mà lại áp luật không đúng chỗ, đưa công an ra dọa các quí bà, phải chăng ông Kỳ đã đi quá xa.  Mà sao các quan nhà mình thích “xử lý” dân thế nhỉ? Thiếu hiểu biết luật pháp hay lạm dụng quyền lực?

Chuyện nặng “đô” hơn là gần đây trang Web Trẻ thơ (webtretho) đã mở chủ đề “Hoa hậu nái sề” với nhiều lời lẽ không hay về cuộc thi, bình luận mang tính tấn công cá nhân nhằm vào các thí sinh, hiện đang thu hút rất nhiều người truy cập.

Web Trẻ thơ có vài trăm ngàn thành viên tham gia, hầu hết là nữ giới. Các bà, các chị muốn nuôi con nhỏ một cách khoa học nên rất thích trang chia sẻ tri thức này. Phụ nữ Tây muốn giữ “ti” đẹp nên không cho con bú. Trang web khuyên các chị nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng với chủ đề “nái sề”, web Trẻ thơ định gửi thông điệp gì đây?

Chị Hoàng Thu Hường, nhà báo VietnamNet, đoạt giải “Quý bà có hình thể đẹp nhất”, vừa đưa đơn khiếu kiện lên các cơ quan chức năng có cả Tổng Cục An ninh và Hội Nhà báo, vì cho rằng mình bị xúc phạm trên diễn đàn web Trẻ thơ.

Thật thú vị, quí bà này lại lôi…công an ra dọa, có lẽ bệnh nghề nghiệp thế chăng? Thẻ nhà báo chưa đủ mạnh, lại lôi cả sắc phục cảnh sát vào. An ninh và nhà báo mà hợp tác với nhau thì Trẻ thơ (bên bị) nắm chắc phần thua  .

Quả thật, diễn đàn trên web Trẻ thơ đã đi hơi xa so với hình ảnh…”mẫu giáo” của mình. Với hàng trăm ngàn thành viên là nữ, lại để những phản hồi nhậy cảm, trưởng ban biên tập không có ý kiến gì. Không thể nói các thành viên tự chịu trách nhiệm với những lời bình phản cảm.

Chị Thu Hường vô cùng bức xúc “Chỉ  ở góc độ một thí sinh dự thi, tôi cảm thấy bị xúc phạm và bôi nhọ. Tác giả dùng những ngôn từ phản cảm như “nái sề” “chị nái” “mấy chị già” “Các chị đây chỉ có nhõn một thứ nổi bật, đó là rất nhiều tiền”.

Báo Tiền phong trích một phản hồi thú vị “Đi làm từ thiện, ở địa điểm thứ nhất, một chị rút phắt ra 200 triệu đồng để ủng hộ, ngứa mắt mấy chị khác, đến địa điểm thứ hai, một chị khác rút phắt ra hẳn 300 triệu ủng hộ, vả vào mặt chị thứ nhất kia một phát khá đau. Chị bị vả cay cú lắm, kích thích bà bạn chị, thế là đến địa điểm thứ ba, bạn chị bị vả rút ra hẳn… 500 triệu để vả vào mặt chị thứ hai kia”.

Có lời bình khác :”Chị này thuộc hàng điện 380 vôn, cắm bút thử điện vào là đèn sáng quắc. Chị có một vẻ đẹp không khác gì một con cá ngựa ngâm rượu. Đó là thân hình tong teo, mắt thâm quầng lờ đờ như bị nghiện ma túy, đầu luôn rối bù như Xúy Vân”.

Nếu đặt mình vào địa vị của người bị bình phẩm, nhiều vị sẽ viết đơn lên Thủ tướng, xem ông giải quyết ra sao. Chả là, có mấy con hổ dân nuôi TT cũng phải quyết. “Hổ” trên web Trẻ thơ thì nhiều vô kể, phải tầm VIP may ra mới trị được.

Tuy nhiên, nếu những lời “vàng” trong thời gian thi như “Vỗ ngực, chị không có đối thủ”, khích bác lẫn nhau, nói xấu sau lưng… nếu có thật, các công nương nên rút kinh nghiệm.

Nhiều người bình tĩnh hơn, thấy câu chuyện trên web trẻ thơ và “nái sề” lại bình thường và liên quan đến nhau. Không có các bà mẹ, ai đẻ ra dân tộc này, không có trẻ thơ, làm sao hội nhập.

Hơn nữa, nếu các quí bà rút túi hàng trăm triệu cho người nghèo thì cũng đáng được trân trọng và khích lệ. Người ta chia sẻ nỗi đau cũng không đáng nhận những lời bình phẩm vượt quá giới hạn của văn hóa online.

Người thi hoa hậu rồi mới dám chửa, có chị sinh 3 đứa con rồi mới đi thi. Sắc nước mỗi thời có hương trời khác nhau. Người ta thi thố trong không gian “quí bà”, sao các anh lại thích xía vô, bình luận lung tung trên mạng ảo, giấu mặt, giấu tên, tưởng không ai tìm ra mình. Hình thể đẹp như thế mà gọi là “cá ngựa ngâm rượu” hay “cắm bút thử điện là sáng quắc” thì điện 380v giật “bị cáo” chết ngất trước tòa.

Từ nay, cánh đàn ông bia rượu, lười biếng lại hay coi thường phụ nữ và cả mấy bà lắm điều, thích tự giễu mình, nhớ tránh xa những từ nhậy cảm. Tuy vậy, nếu ai nhỡ mồm “sề sề” thì đối phương cũng nên…hề hề như các cụ bà nhai trầu ngày xưa.

Xin các đấng mày râu đừng quên, các chị có danh hiệu mới “Quí bà đẹp và thành đạt”. Nhớ chưa, nhớ chưa và nhớ chưa

Có ai đi giữa lòng Hà Thành, chợt muốn hét lên kêu cứu?

Hà-nội Xanh thân mến,


Ba tôi người Huế, mẹ là con gái Hà-nội. Tôi sanh ra ở cố đô Huế nhưng lớn lên ở Sài-thành, giữa hai khoảng giai đoạn ấy là những mảnh ký ức mỏng tang của những năm đầu đời, khi nhà tôi ra Hà-nội ở (ắt để mẹ tôi ở gần bà ngoại, cũng vì công việc của ông thân tôi khi ấy). Những mảnh ghép mong manh mập mờ mùi hoa nhài nhà ngoại tôi ở Lý Thường Kiệt, có cái cầu thang gỗ mà tôi mỗi lần nhìn thấy lại rất sợ, vì thấy nó to to, tối tối…ang ác, có màu xanh của balcon sắt uốn như tấm ren tinh xảo trên mấy căn nhà thời Pháp.

Tôi mang máng nhớ những khi ba tôi cõng tôi lên vai tản bộ ra cái mà tôi gọi là “công viên con cóc” (ắt hẳn nhà tôi xưa phải gần đây lắm do trong kí ức của tôi, ba đã cõng tôi đi bộ suốt ra đến công viên). Trong những nhập nhằng hồi tưởng ấy, là đoạn đê đường Thanh Niên mà với một đứa trẻ như tôi khi ấy, là cả một cái đồi cỏ thoai thoải thênh thang, một bên là cỏ xanh và gió se se, phía bên kia là dãy tường ố vàng của dãy nhà to trông buồn, già và u uất.

Hà-nội của tôi còn là bát bún ốc nước trong vị thanh thanh nhẹ nhõm, quả cả muối đến rúm ró quăn queo mà đậm đà đến tận chân tóc, cốc đỗ đen không có cái ngọt hào sảng đến dư dật của chè miền Nam, mà thanh như tiếng, như người, như trời Hà-nội.


Về sau, khi lên concept cho bộ hình Hanoi Daily và viết bài thơ Nostalgia (lấy làm thớ lợ lắm cách bày tựa nạc mỡ của mình, nhưng tại thói quen chọn ngay từ đầu tiên đến trong đầu làm tựa, về sau được tòa báo sửa lại thành Chị Tôi, nghe giống tựa bài ca, nhưng thôi kệ!), tôi vẫn thắc thỏm nhắc nhớ lại hết những hình ảnh quá vãng ấy.
Ba tuổi, tôi lớn lên làm con gái Sài-gòn nhưng có cái biệt tài tùy người đối diện mà dùng giọng Bắc, giọng Nam bộ hay giọng Huế, cái nào cũng lơ lớ, lai lai, nhưng được cái về chốn nào nơi 3 thành phố lớn cũng dễ bề hòa hợp mà nhập gia.
Ấy nhưng lần nào cũng vậy, ra Bắc công tác cũng chỉ được dăm ba hôm, khi về vẫn nắc nỏm thòm thèm bởi nỗi chưa được ngụp lặn cho thỏa trong cái không khí vừa quen vừa lạ ấy, chưa có buổi rảnh rang mà tìm ghé qua coi thử chốn xưa liệu còn nhắc nhớ gì không những mảnh mỏng tang kí ức tôi ép kỹ trong tiềm thức thiếu thời. Hà-nội vẫn “sống” quá, trôi nhanh và ồn ào, không dừng lại cho tôi được ngắm kỹ đặng mỏi mòn tìm nét thân quen. Vậy nên, mỗi bận về, lòng lại càng đòi đoạn cơn hoài cố, nhớ lại càng nhớ thêm.
Rồi mãi cho đến về sau, được vời về làm cho một tạp chí tại Hà-nội, nhờ cái duyên may được ban biên tập cưng chiều trọng dụng, lại nhiều việc cậy nhờ nên có lắm dịp được lưu lại khá lâu, thậm chí có lần còn được mời cân nhắc chuyện chuyển hẳn ra Bắc để tiện cho công việc.


Nhớ lần chụp bộ ảnh Hanoi Daily, tôi tham lam với ước nguyện chả gì hơn là hối hả tom góp lại những nét còn nét mất, cậy nhờ kỹ thuật nhiếp ảnh tân kỳ, hòng mong lưu giữ lại cho kịp, kẻo nuối tiếc khi về sau mai một.
Ngoài chuyện đã kể ở dòng tâm sự lần trước với Hà-nội Xanh, một kỷ niệm không quên của chuyến làm ảnh lần ấy là chuyện về chiếc áo cánh. Thương tiếc cái duyên nền nã, kín đáo của chiếc áo cánh bằng phin nõn mà mẹ tôi kể lại rằng bà ngoại vẫn khâu tay cho các con gái. Vậy mà giữa lòng Hà-nội, tôi mất trắng một ngày ròng mải miết tìm nơi mua chiếc áo cánh phin nõn. Đến được địa chỉ có người tốt bụng mách cho thì đã tự khi nào là cửa tiệm bán đồ chơi Tàu cho nít nhỏ. Cùng đường, hỏi liều bà chủ nhà, nghe từ “áo cánh”, bà “scan” tôi từ đầu dưới chân như nhìn một con nhỏ hoặc là “ở bển mới về, trển mới xuống” hay “ở dưới mới lên”, hoặc tệ hơn là “ở trỏng (nhà thương) mới ra”. Tôi cảm ơn (?) và đi ra sau lời mắng “Ăn mặc như dân Sài-gòn mà hỏi lạ thế?”
Chuyện thứ hai là việc quyết định về kiểu tóc. Tôi khăng khăng muốn được nhìn lại cái gáy cong, cái khóe tai trang nhã sau nét tóc vấn trần kiểu cách ngày xưa, nhưng không một hair stylist nào của Hà-nội làm tôi hài lòng. Chỉ đến buổi sáng cuối cùng, may mắn cậy được người chuyên hóa trang của hãng phim đến làm tóc cho cô minh tinh Minh-Châu, tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận.


Dự tính chuyển đổi phương án tóc sang lối bánh bẻ. Lại hàng chục cú điện thoại, những chuyến đi tận mọi ngõ ngách Hà-thành, được cái được tòa soạn cưng chiều nên tôi huy động mọi anh em trong tòa soạn cùng tham gia vào cuộc “truy tìm hiện vật” rầm rộ và quy mô. Nhưng mọi cố gắng đều đã không tìm ra được cho tôi một chiếc cặp ba lá. Chỉ một chiếc cặp ba lá.


Than ôi Tràng-an thanh tú trong tôi, giờ phải chăng chỉ còn là hiện vật, là lớp hóa trang giả hiệu vụng về, là giả cách ngô nghê mất gốc?


Tôi ra về với một nỗi sợ, mỏng tang như những ký ức thiếu thời của mình vậy, rằng đã có một điều gì đó, nhỏ thôi, đã mất đi trước khi tôi kịp sờ tay vào, được ướm thử lên người cái cảm giác “hè thì mát, đông lại ấm áp” như mẹ tôi từng kể. Một điều gì đó, nhỏ thôi, như bàn tay bà tôi thoăn thoắt vấn lượt tóc nuột nà quanh đầu, nửa dung dị nửa trang đài. Hay thậm chí chỉ mấy lá nhôm lá thép kẹp lấy mái tóc đàn bà con gái cho chân phương kẻ chỉ…

Tôi muộn rồi chăng?

Vồ vập ôm vào lòng, những muốn biến thành của riêng để ấp yêu bảo vệ, tôi đặt để vào đấy hình ảnh vườn hoa con cóc, cái mũ cối bộ đội, nét tóc bánh bẻ, vấn trần duyên dáng ngày xưa, cái phối màu ố của tường vàng và xanh xỉn của balcon sắt, cái mùi giấy của hiệu sách cũ ọp ẹp thiếu sáng, cả cái huy hoàng quá lứa của một Hà-nội đang mất dần, loãng dần, ô tạp dần. Tôi thiết tha níu giữ trong ngậm ngùi thực tế của thời gian và thời cuộc.

Có ai đi giữa lòng kinh đô văn hiến, ngậm ngùi nhìn một tòa lầu chết trong một nhan sắc đã từng hoàng kim nay hoang phế đến rợn người?

Có ai đi giữa lòng Hà-thành, đã bao giờ chợt muốn thắp một nén nhang cho một ngôi cổ tự?

Có ai đi giữa lòng Hà-thành, chợt muốn hét lên kêu cứu?


Hoa Nhài Đen