Chú ý:Chạy vì trẻ em ung thư và bệnh tim ngày 22/11

Sau chín lần chạy thường niên từ năm 2000 đến nay, chương trình chạy Terry Fox diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Hà Nội sẽ có sự thay đổi, khi đối tượng thụ hưởng tiền quyên góp mở rộng cho cả trẻ em bị bệnh tim chứ không chỉ trẻ em ung thư.

Tham gia chạy Terry Fox tại hồ Thiền Quang, Hà Nội

Tại cuộc họp báo về sự kiện hôm 30-9 do Đại sứ quán Canada tổ chức, bà Deanna Horton, đại sứ Canada tại Hà Nội, đã công bố sáng kiến cá nhân của bà khi đổi tên cuộc chạy Terry Fox thành cuộc chạy vì trẻ em nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng. Tính đến hết cuộc chạy năm ngoái, các thành viên tham gia chín cuộc chạy quanh hồ Thiền Quang gây quỹ được 2,2 tỉ đồng.

Năm nay cuộc chạy sẽ diễn ra ngày 22-11 vẫn tại địa điểm truyền thống là hồ Thiền Quang. Toàn bộ số tiền thu được sẽ chuyển cho Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương và Quỹ Nhịp đập trái tim (Heart Beat) Việt Nam để giúp đỡ các em mắc bệnh ung thư và bệnh tim thuộc các gia đình khó khăn.

HƯƠNG GIANG

Theo TTO

haiz

Chuyện cuối tuần: Lạ quá, lạ quá!

Vợ chồng Nguyễn Ngu Ngơ về quê thăm ông bà nội. Chưa uống xong chén nước, Mũm Mĩm đã nhảy xuống bếp, lát sau chạy lên la rầm trời,Ngơ ơi Ngơ, Ngơ xuống mà xem, tuyệt vời! Mũm Mĩm lôi Ngơ xênh xệch xuống bếp. Ngơ cười hi hi hi, nói trời đất, tưởng gì hoá ra cái thùng rác, thế mà reo mừng giống Alibaba bắt được kho vàng.

aa

Mũm Mĩm nhọn môi dài giọng, nói anh ngơ lắm. Đây không phải là cái thùng rác bình thường. Anh ngó mà coi: nó có hai ngăn, một ngăn đựng rác vứt đi, một ngăn đựng rác tái chế. Ngơ dòm vào. Ờ nhỉ. y chang thùng rác ở nước Tây, ơn trời có lần Ngơ đã mục sở thị. Công nhận hiện đại, nhưng hiện đại bằng giời thì nó cũng chỉ là cái thùng rác.

Ngơ vuốt má Mũm Mĩm, nói, em ở Thủ đô về, đâu phải từ hang đá ra mà thấy cái thùng rác cũng ngơ ngác như thấy người ngoài hành tinh. Mũm Mĩm nhăn nhó lắc đầu, nói Ngơ phải nghe cho thủng nhìn cho thấu, đâu phải một cái thùng rác này. Một cái thùng rác ba trăm ngàn có gì đáng nói! Cả làng cả tổng cả huyện cả tỉnh này ai ai cũng có cái thùng rác này, hiểu chưa!

Ngơ xuýt xoa thán phục, nói ua chầu chầu, hay hè hay hè. Một dự án làm sạch môi trường hàng trăm tỉ đồng đem về cho tỉnh. Tỉnh triển khai lẹ làng, nhà nhà có thùng rác hai ngăn. Mỗi gia đình tự phân loại rác tái chế và rác vứt đi. Rồi đem ra thùng rác công cộng to đùng được đặt khắp hang cùng ngõ hẻm. Chúng cũng có hai ngăn, ngăn rác vứt đi và ngăn rác tái chế. Các xe chở rác sẽ đem về nơi qui định, người ta đỡ mất công phân loại, rác vứt đi thì huỷ, rác tái chế được đưa về nhà máy. Công trình hoàn hảo như mơ.

Mủm Mĩm cười he he he, nói thế này thì đất nước mình chẳng mấy chốc mà sạch sẽ thơm tho, bọn đế quốc sài lang nhìn vào chỉ có mà lác mắt.

Ngu Ngơ và Mũm Mĩm tung tăng đi khắp xóm, cùng làng, say sưa ngây ngất, nói ôi chưa có bao giờ sạch như hôm nay…

Xe chở rác đến, nó đổ cả rác tái chế với rác vứt vào thùng xe rồi chạy đi. Ngơ trợn mắt, nói lạ quá lạ quá, công khó dân ngồi nhà phân loại rác, tốn tiền mua thùng rác hai ngăn từ góc bếp nhà, ra ngõ tới đầu đường, đến xe chở rác thì đổ dập cục cả hai lại một là thế nào.

Hoá ra tất tần tật đều hai ngăn trừ xe chở rác, hu hu. Ngu Ngơ mồm méo mắt trợn, nói cái sự đồng bộ trời ơi đất hỡi! Chợt Mũm Mĩm reo lên, nói xe chở rác hai ngăn đến đó kìa! Anh đừng có mà suy diễn linh tinh.

A, xe chở rác hai ngăn tỉnh mới mua về.! Hoan hô! Sau nửa năm dân kêu thán rằng bắt dân phân loại thành công cốc, tỉnh cũng đã thấu hiểu lòng dân, mua liền mấy chục chiếc xe chở rác hai ngăn. Mủm Mĩm cười he he, nói tỉnh ta sáng suốt.

Ô kìa! Có xe chở rác hai ngăn rồi sao người ta vẫn đổ rác đập cục hai loại làm một?- Cái mặt Mũm mĩm đang tròn vo chuyển sang méo xẹo. Ờ nhỉ! Có xe chở rác hai ngăn, nhưng ai hơi sức đâu đi đổ rác ngăn nào ra ngăn đó. Người ta đổ rác cho là may rồi, còn bắt người ta phân loại! Một xe chở rác, một ông lái xe, một cần cẩu, cứ thế bê thùng lên đổ vào xe, chẳng cần biết ngăn nào ra ngăn nào.

kerbside-family

Mũm Mĩm thở ra, nói mất công, tốn tiền tỉ sang tận nước Tây mua xe chở rác hai ngăn, về tỉnh lại đổ lộn bậy, có xót của mất công không hả trời. Mẹ Ngu Ngơ nghe vậy thì ngáp mấy ngáp, nói thế là may lắm rồi, tụi bay còn kêu chi? Chúng mày không ra tỉnh lị, huyện lị mà coi hàng trăm thùng rác công cộng không có ai chở, để lâu ngày thối inh lên khắp phố khắp phường.

Ngu Ngơ, Mũm Mĩm ngơ ngác nhìn nhau, nói ua chầu chầu lạ quá lạ quá. Mẹ Ngu Ngơ ngao ngán thở dài, nói dự án tổ chức quốc tế cho tiền mua thùng rác, mua xe chở rác đầy đủ cả. Nhưng quốc tế không cho người sang đổ rác, không cho lái xe đi lái xe. Thành ra rác từ nhà ra đường rồi nằm yên chờ hết tháng này sang tháng khác.

Ngu Ngơ kêu to, nói trời ơi chỉ mấy ông lái xe, mấy công nhân phục vụ mà không lo được sao. Mẹ Ngu Ngơ nhả miếng trầu, từ tốn vuốt mép, nói dời sông lấp núi tỉnh còn lo được, đồ mấy ông lái xe, mấy người đổ rác là cái gì đâu. Có điều tỉnh không cần lo.

Ngu Ngơ, Mủm Mĩm nhìn nhau, nói sao tỉnh lại không lo. Mẹ Ngu ngơ ho ho khạc khạc, nói tỉnh cần những dự án mua sắm, phết phẩy xong rồi thì tỉnh không cần gì hết, chẳng cần ai hết. Dân kệ dân, quốc tế mặc kệ quốc tế.
Ngu Ngơ kêu to, nói trời ơi rác ơi là rác. Mũm Mĩm vội vàng bịt miệng Ngơ, nói bé mồm thôi, không người ta lại bảo mình nói xấu cấp trên thì khốn đó Ngơ ơi!

Nguyễn Quang Lập/ Blog Quê choa

Trầm ấm quán trà phố

Một khoảnh vỉa hè, chiếc bàn gỗ nhỏ, mấy chén trà nghi ngút khói… sang thêm thì mấy chiếc kẹo lạc, vài điếu thuốc… cũng đủ làm “mồi” cho trăm thứ chuyện trên trời dưới biển. Địa thế tuy chật hẹp mà không gian lại vô biên, đấy là văn hóa trà chén.

Khi bình minh lên, Hà Nội bắt đầu một ngày mới. Nhưng nhịp sống của đời thường không bắt đầu từ phía sau cánh cửa của mỗi gia đình hay các công sở, chợ búa… mà bao đời nay bình minh trên phố thức dậy cùng ánh sáng đèn của những quán trà chén khiêm nhường trên vỉa hè phố. Hà Nội hiện có tới 610 tuyến phố khang trang, hiện đại và đương nhiên cũng tấp nập, sầm uất hơn nhiều so với ba bốn mươi năm về trước. Thời bấy giờ người già, con trẻ tối tối thường ra ngồi trước cửa nhà hóng gió. Hộ có nhà mặt phố năn nỉ với hàng xóm xin được đổi lên tầng hai yên tĩnh hơn. Hộ có những căn nhà mặt tiền (chân đê Trần Khát Chân, Hoàng Hoa Thám…) lại nhìn những căn hộ dãy nhà phía sau với ánh mắt thèm muốn. Những năm tháng ấy, đường phố yên tĩnh lắm, trẻ con chạy đuổi nhau thoải mái dưới những tán cây cổ thụ.

traviahe1.jpg

Khác chăng là hình ảnh leo lét ánh đèn dầu trên chiếc bàn gỗ vẹo vọ, bán nước trà chén của mấy cụ già. Một cái ấm tích, chục chiếc chén (ít khi được trắng bong như bây giờ), vài lọ kẹo lạc, kẹo dồi, mấy chiếc bánh gai, bánh tẻ… Vậy nhưng là nơi thu hút cánh đàn ông với những câu chuyện “vô tiền khoáng hậu”. Từ chuyện trong nhà ngoài ngõ đến chuyện bên trời tây. Những câu chuyện thời cuộc bao giờ cũng hấp dẫn cánh đàn ông nhất, đây là những chuyện về chiến tranh.

Hè nắng như đổ lửa, gió mùa đông bắc heo hút tê tái đến rúm người. Mặc! Cứ đúng “tầm”, chẳng hẹn mà quán trà lại đông người. Quán thời đó mời gọi khách chủ yếu là ở mỗi cái “tang” chè, phải là loại chè “móc câu” của Thái chuyển về, thuốc lá toàn không đầu lọc, đấy chính là thời “hoàng kim” của những điếu cày. Nhiều ông chủ quán kỹ tính, việc dọn hàng, đun nước, tráng ấm vào lúc sáng sớm là của bà lão, còn ông loay hoay gần nửa tiếng đồng hồ để rồi thông điếu, nhiều hàng xóm cứ căn theo tiếng rít ròn tan khi ông lão thử điếu cày để thức dậy, thay cho đồng hồ báo thức. Một thời Hà Nội là vậy, đã định hình và tạo văn hóa trà chén, mỗi thứ văn hóa vỉa hè tiếp nối tập tục sinh hoạt kiểu làng, kiểu chợ quê. Ngày nay, giữa muôn vàn nhà hàng máy lạnh, cửa hàng hiệu sách, uống nước trà chén vẫn không hề bị “cơn lốc” thời đại xóa nhòa.

Ở những phố cũ, phố cổ tuy chẳng còn nhiều như trước kia, nhưng vẫn còn những quán trà chén mộc mạc, có ý nghĩa vẫn là cái “tang” chè móc câu Thái Nguyên. Khách kêu chén trà nóng, chủ hàng đủng đỉnh cặp chiếc chén bằng cây kép tre, dúng vào nồi nước đang sôi, tráng qua tráng lại dơ lên cho ráo nước rồi mới rót trà đặt trước mặt khách.

Lạ! Từ xưa các bà cứ thắc mắc, cái thứ nước đậm đặc màu xanh trộn sắc nắng vàng, hương ngai ngái, uống vào chát xít, uống vào còn mất ngủ sao vẫn mê hoặc được các ông ấy? Mà từ xa xưa đến nay đàn ông Hà Nội còn có thói quen riêng, thích ngồi co ro giữa cái giá lạnh, rụt đầu vào cái áo blouson dựng ngược, cầm chén trà nóng nghi ngút khói ấp trong lòng bàn tay. Người sành uống trà ít ai nhấc lên uống ngay mà cứ phải hít hà, đưa qua đưa lại mũi ngửi lấy cái hương thơm, cái nồng nàn của chén trà nóng, lim dim mắt rồi mới khẽ nhấp ngụm trà.

Có pha, uống trà thể nào cũng chẳng thể nào bằng ra quán, tràn ngập không khí đường phố, vô tư trò chuyện với nhau, đủ thứ chuyện tới mức “Thông tấn xã” chịu thua “vỉa hè”. Mỗi quán trà là một cộng đồng nhỏ, kẻ ngồi trong nhà, người trên vỉa hè thoải mái chuyện trò, tạm lãng quên những ưu phiền cuộc sống. Một vài vị khách nước ngoài thích khám phá cũng quen dần và tìm ra cái thú uống trà với những người bản địa mà trước đó họ chẳng hề quen biết. Phải chăng vì sự bình dị, nét văn hóa lạ lùng ấy khiến mấy ông tây mũi lõ mới thật sự cảm thấy hòa mình với cộng đồng, với không gian mang đậm bản sắc Á Đông ở chốn này.

traviahe2.jpg

Tôi có anh bạn, từ khi anh còn là công chức cho đến khi về hưu, anh vẫn “nghiện” ngồi uống trà chén. Hồi còn làm “sếp”, nếu cần gặp anh mà không phải việc công, bất kể ai anh cũng hẹn ra quán trà tuốt. Đến chơi nhà, anh cũng tiếp mươi, mười lăm phút cho phải đạo, rồi lại nhắc khéo: “cạnh nhà tớ có quán trà chén vỉa hè hay lắm…”. Anh tâm sự, ở phòng làm việc hay ở nhà, lúc nào cũng có trà ngon, nhưng không thể có không khí cởi mở, vô tư như ở ngoài quán. Rồi anh kết luận, cái văn hóa trà chén vừa lạ lại vừa quen, ông cứ thử vài lần mà xem, khó bỏ được.

Nhiều khi chỉ dăm vị công chức, đôi ba vị khách qua đường, tóm lại hơn chục vị khách là quán đã “khởi sắc” lắm rồi, đông hơn quán trà “giãn nở” quanh gốc cây, góc phố, dọc vỉa hè trên những chiếc ghế con con, những manh chiếu san sát, nhưng thế mới thấy “ngấm” hết cái thú vị của trà chén. Bây giờ văn hóa trà chén tuy vẫn tồn tại, nhưng bị biến tướng khá nhiều. Đằng sau những chén trà “thứ phẩm”, những chai coca, 7up… là những bảng ghi lô đề, là điểm “phát sóng” của kênh cá độ và của cả không ít điều nhức nhối của xã hội nữa.

Tìm một quán trà chén ngon giữa thành phố bây giờ quả không dễ. Khách thập phương bảo rằng, Hà Nội chả thiếu những góc đẹp mê hồn để ngồi, để ngắm mà thư giãn. Cái góc ở khách sạn Metropole trông sang phía vườn hoa con Cóc chẳng hạn, nhiều người bảo đấy là “góc” châu Âu duy nhất ở thủ đô. Khách sạn Sofitel Metropole HaNoi đã phải “nhọc nhằn” để mở quán cà phê, quán trà trên vỉa hè của khách sạn, chỉ với mục đích tái tạo một khung cảnh văn hóa ngay giữa lòng thành phố như Paris.

Thời nay, Hà Nội vẫn âm thầm duy trì dòng chảy văn hóa ẩm thực vỉa hè. Quán nhỏ, chỗ ngồi ít, đồ ăn thức uống đơn giản mà lúc nào cũng đông khách đến lạ. Phần đông người đến đây ngồi vì bầu không khí vỉa hè sống động của nó. Sớm cũng như tối, mấy chén trà nóng, chỉ vài ba người quây quanh chiếc ghế “đẩu” được dùng làm bàn, chuyện trò tán ngẫu, rôm rả. Chuyện đời, chuyện người… bỗng như thấy được cái hồn, sự tinh tế đến nhọc nhằn của người pha lẫn kẻ uống. Còn một nét văn hóa căn bản của quán nước trà chén mà phòng trà không thay thế được, đấy là sự bình dị dân dã mà vô cùng gần gũi, chỉ ở chốn này cái ranh giới về tuổi tác, sự khác biệt về địa vị, chỗ đứng trong xã hội bỗng nhạt nhòa, tự nhiên như chính bản chất vốn có tự bao giờ của ấm trà.

Theo Vũ Lưu
Lấy từ Blog Ế bồ

Các bạn Tây “hiến kế” bảo tồn Hà Nội hoa lệ

Charles Coutris (Công ty L’Indochineur, Pháp)

Hà Nội phải bảo tồn được những đặc trưng của mình, khu phố cổ và những kiến trúc từ thời Pháp (như phố Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng…).

Có lẽ thành phố nên xem xét việc cấm ôtô vào khu phố cổ và hạn chế cả xe máy lưu thông ở khu vực này, đồng thời bố trí một vài đường dành riêng cho người đi bộ ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Tôi biết nhiều người VN cũng đã nghĩ đến điều này và mơ về một ngày Hà Nội của mình bình lặng hơn, đỡ tiếng động cơ và còi xe bát nháo hơn, ít nhất ở các khu phố cổ.

Về xây dựng, theo tôi, thành phố phải kiểm soát việc xây mới và sửa sang khu vực phố cổ, phố xưa với một hội đồng kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị và nhà sử học. Hội đồng này sẽ phải ký vào các văn bản cho phép xây dựng hay sửa chữa và chịu trách nhiệm về sự cho phép của mình.

Paris có kinh nghiệm rất hay là có hệ thống cho thuê xe đạp (http://www.velib.paris.fr/). Đó là thành công lớn và rất tiện dụng cho dân thành phố và cả khách du lịch. Đất đai Hà Nội cũng khá bằng phẳng và đường phố còn giữ được nhiều cây xanh nên việc này là hoàn toàn có thể. Kinh nghiệm của nhiều thủ đô cho thấy ôtô là phương tiện dở nhất để di chuyển ở trung tâm thành phố.

Theo tôi, các nhà quy hoạch đô thị của thủ đô phải có tầm nhìn mang tính toàn cầu hơn và suy nghĩ tỉ mỉ xem chúng ta muốn tổ chức Hà Nội như thế nào, vì tôi thấy dường như việc tổ chức hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phản ứng (một cách thụ động) trước sự phát triển, chứ chưa có sự dự báo, kiểm soát và dẫn dắt sự tổ chức ấy.

* Ara Hwang (Hàn Quốc):

Người châu Âu, đặc biệt là người Pháp, vẫn quen nghĩ về Hà Nội như là Paris của châu Á, nhưng ngày càng nhiều người thất vọng và buồn vì Hà Nội đang dần đánh mất những nét đặc trưng của mình. Chẳng hạn đi đâu tôi cũng thấy Hà Nội xây dựng ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng và phát triển đô thị tương tự TP.HCM.

Thực tế cho thấy về mặt cạnh tranh để thu hút người nước ngoài tới làm ăn, kinh doanh, có lẽ đa số sẽ chọn TP.HCM chứ không phải Hà Nội. Người ta tới Hà Nội và chọn ở lại Hà Nội để sinh sống vì những lý do khác, chứ không phải chỉ vì môi trường kinh doanh. Đó là những hồ nước hết sức lãng mạn, trong lành, hàng cây xanh tươi, những khu phố cổ lâu đời, cách cư xử thanh lịch và nói năng nhã nhặn của người thủ đô…

Nhưng những điều độc đáo và dịu dàng đó đang mất dần. Người ta dựng hàng loạt đèn cao áp chiếu sáng giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, nên bây giờ đi qua đó vào buổi tối bạn sẽ không thể cảm nhận vẻ đẹp của chúng nữa mà chỉ thấy ánh đèn rực rỡ và xe cộ nườm nượp đi lại.

Khung cảnh nên thơ bên hồ Gươm – Ảnh: N.C.T.

John Ball (Úc):

Khi nghĩ về Hà Nội, tôi nhớ tới màu xanh tuyệt vời, những con phố đầy cây… Hà Nội cần tôn vinh hơn vẻ đẹp ấy bằng việc làm ngầm toàn bộ dây cáp, dây điện, có thể bắt đầu từ khu vực trung tâm Hà Nội và mở rộng dần ra xung quanh.

Thành phố cũng cần ngăn chặn sự xâm lấn của hàng quán, nhà ở vào đất đai của các khu đền, đình, chùa… cổ kính vốn đã có hàng trăm năm tuổi. Các bạn hãy chăm sóc các cụ rùa trong hồ Hoàn Kiếm, chăm sóc đền Cổ Loa… và những danh lam lịch sử khác. Hãy giữ gìn các khu chợ kiểu truyền thống và lập kế hoạch để giữ lại một số nơi họp chợ gần đường.

Theo tôi, đó là những đặc trưng khiến Hà Nội có nét riêng, như một thứ “đặc sản” Hà Nội. Với sông Hồng, tôi hi vọng sẽ sớm có ngày được thong thả dạo mát ở hai bờ sông với các công viên và nơi thư giãn. Tôi nghĩ đó chính là món quà hôm nay dành tặng các thế hệ tương lai của Hà Nội nói riêng và cả VN nói chung.

Theo TTO