Cụ già 73 tuổi tự nguyện quét rác cho khu phố

Hằng đêm, khi những âm thanh ồn ào, rộn rã của thành phố lặng xuống, mọi người chìm sâu vào giấc ngủ say là lúc ông bắt đầu công việc của mình. Mỗi ngày như mọi ngày, dù mưa gió, lạnh buốt ông vẫn hoàn thành tốt công việc tự nguyện: Quét rác không công. Nhiều người sẽ cảm thấy khó tin khi nghe chuyện một cụ già ngoài 70 tuổi tự nguyện quét đường, dọn rác phố từ 1 giờ đêm đến hơn 4 giờ sáng. Nhưng đó là sự thật và trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Ông tên Nguyễn Văn Nhẹ, có “thâm niên” quét rác ở các hẻm phố hơn 7 năm nay.

Làm theo suy nghĩ…

Đến tổ 26, khu phố 2, phường 9, quận 5 (TPHCM) hỏi “ông già lao công” thì người dân sống ở đây ai cũng biết. Chúng tôi tìm đến ông trong căn nhà cũ nát, đơn sơ được xây cách đây hơn 30 năm, nằm ở cuối hẻm 172 Trần Phú. Một ông già hiện ra trên khuôn mặt đầy nếp nhăn khắc khổ, trên tay đang sửa cây chổi tre, ông vừa làm vừa nói: “Chú ngồi chơi, chờ tôi làm nốt cái cán chổi để tối nay còn đi quét”.

Mỗi ngày như mọi ngày, cụ Nguyễn Văn Nhẹ vẫn tự nguyện dọn rác

Công việc quét đường, dọn rác phố của ông bắt đầu vào một đêm cuối tháng 6-2001, khi đó trên các hẻm phố, đường nhỏ vào sâu bên trong các tổ, phường ngập đầy rác và kim tiêm của tệ nạn ma túy.

Có lần ông tận mắt nhìn thấy nỗi lo lắng đến tuyệt vọng của một cậu sinh viên vừa đi làm thêm về, đạp phải kim tiêm của một kẻ nghiện chích vừa vứt lại bên đường. Từ đó trong ông luôn có một nỗi ray rứt, phải làm gì để phố phường, hẻm ngõ không còn rác, kim tiêm không còn xuất hiện và không tái hiện những cảnh đau lòng như cậu sinh viên kia?

Hàng loạt câu hỏi trong suy nghĩ  làm ông nhiều đêm không ngủ được! Cuối cùng, ông quyết định sẽ đi quét rác hằng đêm. “Lộ trình” quét đường, dọn rác phố của ông diễn ra trên khắp các con hẻm, đường nhỏ ở khu phố 2, phường 9, quận 5.

Những ngày đầu làm công việc tự nguyện, ông luôn phải đối diện với sự cản trở của vợ và các con. Bà Nguyễn Thị Út, vợ ông, tâm sự: “Ổng làm việc đó là tốt cho dân, cho khu phố, có điều với chừng đó tuổi, sức khỏe yếu, đi quét đêm hôm rủi có chuyện gì thì sao? Nhiều đêm mưa gió thấy ổng cầm chổi đi quét đường, xót lắm… Nhưng biết sao được, ổng vẫn một mực với công việc của mình, dần rồi cũng chỉ biết động viên thôi”.

Chưa kể, ông còn phải chịu bao lời dị nghị của người dân khi lần đầu tiên thấy ông quét rác trong đêm. Tuy vậy, “Việc tôi làm tôi biết, ai nói gì kệ người ta, miễn sao mình làm đúng, làm tốt cho dân, cho phố phường là thỏa nguyện rồi”, ông Nhẹ bộc bạch.

Từ ngày ông bắt đầu công việc quét đường tự nguyện, trên các con hẻm, đường nhỏ không còn cảnh nhếch nhác, tràn lan rác thải, đặc biệt nỗi lo sợ từ mối nguy hiểm đạp phải kim tiêm ở những con nghiện không còn ám ảnh người dân mỗi khi đi trên các con hẻm này.

Đầu năm 2008 khi lãnh đạo TPHCM đưa ra chủ trương “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” và vận động người dân TP thực hiện tốt, ở địa phương, chính ông là người tiên phong trong vấn đề vận động ý thức. Từng việc làm cụ thể, lời nói thiết thực của ông giúp người dân trong khu phố ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, xây dựng khu phố sạch đẹp. Tự hào về ông, bà Nguyễn Kim Phượng, tổ trưởng tổ 26, KP2 cho biết: “Tôi thật sự rất vui mừng khi tổ mình có một công dân tốt như  ông Nhẹ, ông là tấm gương sáng để các hộ dân trong tổ noi theo”.

Tiếng chổi trong đêm

Trong không gian im ắng của trời đêm, tiếng chổi “sột soạt” cứ lần theo các con hẻm… Ông Nhẹ chỉ tay về phía cuối hẻm nói: “Ngày nào tôi còn sống, tôi sẽ không để những con phố này bị ô nhiễm, dơ bẩn vì rác thải, không để cho những người dân đạp phải những kim tiêm độc, tôi sẽ quét đến khi nào kiệt sức mới thôi”.

Công việc cứ diễn ra trong đêm trên suốt các con hẻm. Đủ loại rác: Bao ni lông, giấy, báo, hộp đựng… được ông quét gom và cho vào một bao ni lông lớn để những người lao công đỡ vất vả trong khâu lấy rác.

Dưới ánh sáng mập mờ của bóng điện đường, đôi mắt già kém của ông cụ phải nhìn rất gần mới phân biệt được cây kim tiêm, ông nhặt kim tiêm cho vào một bịch ni lông để sáng mai đưa cho những người lao công xử lý riêng. Sau hơn một giờ đồng hồ ông quét rác trong đêm, con hẻm dài ngoằn ngoèo 172 bỗng trở nên sạch đẹp, không còn một mảnh giấy nhỏ sót lại. Người đã thấm mệt nhưng ông không dừng lại đó mà chuyển sang quét ở hẻm số 5 Trần Nhân Tôn, hẻm 36 Sư Vạn Hạnh và những con hẻm quanh co nối liền các tuyến đường Trần Phú, Trần Nhân Tôn, Sư Vạn Hạnh…

Kết thúc hành trình quét rác trong một đêm, nhìn lại kết quả mình đã làm, ông thở phào “rồi cũng xong…”, lúc này trời cũng đã hừng sáng. Những người dân ở khu phố 2 cảm thấy dễ chịu  khi hẻm phố sạch đẹp. Để có được điều đó, ông cụ 73 tuổi Nguyễn Văn Nhẹ phải bỏ ra bao mồ hôi, công sức, thậm chí phải đối diện với nhiều nguy hiểm. Nếu như mỗi cá nhân, người dân trong TP này đều ý thức và làm được như ông thì phố phường này sẽ sạch đẹp biết bao.

Bà Nguyễn Kim Phượng, tổ trưởng tổ 26, KP2, cho biết: “Gia đình ông cụ Nguyễn Văn Nhẹ nằm trong số những gia đình nghèo khó nhất tổ hiện nay. Từ chỗ hiểu rõ gia cảnh khó khăn, biết được việc làm tự  nguyện cao cả của ông, mỗi tháng lãnh đạo khu phố 2 đã ủng hộ gia đình 5kg gạo, quỹ hỗ trợ ở phường tặng ông 100.000đ. Bên cạnh đó, người dân sống xung quanh có gì cho nấy, cơm khô, rau, thực phẩm… chỉ đủ để ông và người vợ già sống qua bữa trong những tháng ngày còn lại”.

TUẤN VŨ

DecorXanh: Góc nhỏ kí ức

Nụ cười hồn nhiên của nhóc con nhà bạn, hay những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình và bạn bè chắc chắn sẽ làm dịu bớt những căng thẳng trong công việc. Hơn thế, những bảng ghi nhớ độc đáo này còn có tác dụng trang trí, khiến cho góc làm việc của bạn thêm màu sắc nữa 😉

memoryboard

Để làm một góc ghi nhớ như trong hình vẽ, bạn sẽ cần:

–       4 miếng bìa carton cứng, kích thước khoảng 30x30cm

–       Giấy hoa văn ( giấy gói quà chẳng hạn )

–       Dây ruy-băng hợp với màu giấy

–       Keo dán, đinh ghim

Cách làm đơn giản thôi:

–       Bọc giấy hoa văn bên ngoài bìa carton

–       Căng dây ruy-băng thành những đường song song như hình vẽ

–       Ghim những dây này vào bìa carton tại các điểm giao nhau và ở mặt sau miếng bìa

Giờ thì bạn đã có một góc xinh xắn lưu giữ những bức ảnh, những tấm postcard … và có thể thay đổi bất cứ lúc nào bạn thích.

Nhóm Hà Nội Xanh chúc các bạn một cuối tuần vui bên gia đình và bạn bè 😉

HN: hơn 20m3 khí ô nhiễm vào phổi một người dân mỗi ngày!

Xem phần 1 của bài này ở đây: Càng sống lâu ở Hà Nội, tỉ lệ mắc bệnh càng cao

GS Phạm Duy Hiển, cán bộ Chương trình Không khí sạch Việt Nam – Thụy Sỹ cho rằng, để biết không khí ở Hà Nội ô nhiễm đến mức nào cần xem xét 5 chỉ tiêu về chất lượng không khí gồm PM10 (bụi khí); SO2 (điôxit lưu huỳnh); NO2 (điôxit nitơ); O3 (ozôn); CO (ôxit cacbon).

Mờ mịt bụi trên nhiều con đường ở Hà Nội. Ảnh: Xuân Long

Theo kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất những năm gần đây tại Trạm khí tượng Láng (Trung tâm khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ), hàm lượng bụi khí vượt tiêu chuẩn quy định ở mức 50 microgram/m3.

Đối với 4 chất khí còn lại chưa vượt tiêu chuẩn Việt Nam nhưng SO2 vượt tiêu chuẩn EU 20 microgram/m3.

Lượng bụi ở Hà Nội luôn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7-2,2 lần (tại 65 vị trí quan trắc trên các tuyến đường chủ yếu của 9 quận và 5 huyện TP), còn các khí gây ô nhiễm (CO, CO2, SOx, HC…) ở mức xấp xỉ tiêu chuẩn cho phép.

Sự ÔNKK trên của Hà Nội từ 3 nguồn chính: nguồn thải công nghiệp với 9 khu công nghiệp (KCN) cũ, 5 KCN mới và nhiều hộ sản xuất tư nhân nằm xen kẽ trong nội ngoại thành; nguồn thải giao thông với gần 200.000 ô tô và khoảng 1,9 triệu xe máy không đảm bảo các tiêu chuẩn xả khí thải, cùng với hiện trạng tắc nghẽn giao thông phổ biến gây ÔNKK cục bộ; và nguồn thải sinh hoạt với việc sử dụng bếp than, bếp dầu, tình trạng nhà ở mái thấp, chật chội dẫn đến ô nhiễm khí SO2, CO, NOx…

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết,  2 vạn lần hít thở mỗi ngày của mình đã đưa vào lá phổi 20m3 không khí từ các nguồn ô nhiễm đó!

Theo các nhà nghiên cứu về thực trạng các bệnh tật của nhân dân nội thành Hà Nội liên quan đến ÔNKK thì, những người dân (hoặc nhóm người dân) tỏ ra rất ít thông tin về những tác hại có thể có của biến đổi môi trường. Điều này có thể do việc giáo dục truyền thông tại nơi làm việc sinh sống diễn ra chưa thật có hiệu quả!

Ông Phạm Tùng Lâm, cán bộ Chương trình Không khí sạch Việt Nam – Thụy Sỹ nhận định, nhận thức của người dân Hà Nội và thậm chí của cả những nhà quản lý về ÔNKK còn… tương đối thấp. Nguyên nhân ÔNKK chủ yếu từ chính con người gây ra!

Cộng đồng vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân

Nhiều giải pháp khác cũng được Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất (TNMT&NĐ) Hà Nội đưa ra trong thời gian tới như: không đầu tư và phát triển mở rộng diện tích các khu công nghiệp cũ mà khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất, di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm trong nội thành ra các khu công nghiệp; đầu tư xây dựng các ngành sản xuất sạch, ít phát sinh chất thải, đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng và kiểm soát thực hiện các giải pháp BVMT; không cấp phép cho các cơ sở nhỏ gây ô nhiễm mà không có khả năng xử lý; khen thưởng đối với các doanh nghiệp có thành tích trong BVMT…

KS Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Khí tượng và Thủy văn Sở TNMT&NĐ nêu, đối với ÔNKK do các hoạt động giao thông vận tải, cần áp dụng một số chính sách cụ thể ưu tiên đầu tư hiện đại hoá các phương tiện giao thông công cộng, giảm thuế, bù lỗ để giảm giá vé xe công cộng, tăng thuế và lệ phí đối với xe cá nhân. Theo ông Bình, cần cải tiến kiểu dáng và hạ giá thành xe đạp, khuyến khích mọi người sử dụng xe đạp nhiều hơn, đồng thời xây dựng các tuyến đường dành riêng cho xe đạp…

Tuy nhiên, GS Phạm Duy Hiển cho rằng: ’’Ở Việt Nam mới chỉ có văn bản luật pháp về BVMT nhưng chế tài thực hành chưa có, mới đây thành lập cảnh sát môi trường nhưng không hiểu thế nào? Chính sách giảm phương tiện cá nhân sử dụng phương tiện công cộng cũng đâu có giảm được, mà ngay cả xe buýt cũng bị kêu là ’’chúa’’ gây ô nhiễm. Hiện nay, nhiều người vẫn ’’đổ tội’’ ÔNKK tại công nghiệp, tại phương tiện giao thông thì… hòa cả làng!’’

Theo ông Phạm Tùng Lâm: ’’Người dân vẫn còn ’’hồn nhiên’’ điều khiển xe cộ xì khói, đun nấu bếp than hàng ngày, đốt rác, đổ đất ra đường… thì còn ÔNKK. Nâng cao chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho mình, mỗi người dân hãy cứ bắt đầu bằng hạn chế những việc tưởng như vô thức đó’’!

  • Kiều Minh

  • Theo Vietnamnet