Hà Nội trong những giấc mơ (2)

Giấc mơ thứ hai

Phạm Thị Bích Thủy

Hà Nội trong mơ của tôi sẽ là nơi có nhiều thùng rác công cộng hơn. Tuy là thùng rác nhưng cũng thật sạch thật thân thiện để ta không ngại tới gần mà bỏ rác.

Hà Nội trong mơ của tôi là một Hà Nội mà ở đó thanh niên, sinh viên không xéo lên các bãi cỏ đẹp đẽ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng để làm sinh nhật, để đón trung thu và rồi khi “tiệc tàn” để lại một bãi rác “hiện đại” với vô vàn bao nylon, vỏ chai nước, vỏ lon bia, bao cao su và… cả kim tiêm.

Hà Nội trong mơ của tôi có những nhà lãnh đạo thật lòng yêu HN mà tiết kiệm “tiền dân”: Tôi cứ ước một điều “giá như thay vì liên tục đào vỉa hè ở những tuyến phố chính, hết thay gạch con sâu lại đổi gạch lá dừa mỗi năm một vài lần. Các nhà quản lý đô thị của chúng ta, UBND Thành Phố dùng kinh phí đó để lát thêm một vài đoạn phố sâu, phố nghèo khác để dân bớt phải lội bùn!”. Thay gạch đẹp mà không giữ sạch thì cái xấu, cái bẩn, cái nhếch nhác lại càng tương phản rõ hơn. Chúng ta còn nghèo lắm, tôi chỉ ước mỗi năm thành phố được lát thêm một phần vỉa hè mới thì “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, chúng ta sẽ có Hà Nội sạch, Hà Nội không bụi.

Hà Nội trong mơ ước của tôi là một Hà Nội thật giản dị, tiết kiệm. Đó là Hà Nội không có các “cô tú, cậu tú” mua một lọ nước rửa tay có giá bằng nhiều tạ thóc của bà con nông dân, không có quan chức xây nhà có toilet trị giá bằng nhiều căn nhà của thường dân!

Hà Nội trong mơ ước của tôi là một Hà Nội hồn nhiên nhưng sâu sắc với vận mệnh của thành phố mình, đất nước mình. Hà Nội trong mơ của tôi là nơi con trẻ không phải gò lưng cõng sách tới trường và đầu tắt mặt tối làm bài của lớp trên để được công nhận là học sinh giỏi vì làm được bài chưa đuợc dạy ở phần chương trình của khối mình học.

Hà Nội trong mơ ước của tôi là Hà Nội với toàn người ngượng ngùng khi vứt rác, ngượng ngùng khi đường tắc leo lên cỏ, lên vỉa hè mà chạy. Hà Nội trong mơ của tôi là Hà Nội với những con người biết làm đẹp cho thành phố từ mỗi việc làm ngày thường: Nếu ta làm nghề xe ôm ta không bắt chẹt khách, nếu ta là người buôn thúng bán bưng ta ngồi vào đúng chỗ của ta, nếu ta là cô giáo ta hãy nói thẳng, nói thật với Bộ Giáo dục và Đào tạo “sách cải cách mới quá nhiều điều bất cập và phi thực tế đối với con trẻ, nếu ta là sinh viên sắp ra trường ta hãy chuẩn bị cho mình hành trang quan trọng nhất là “nghe tích cực và thực hành mọi thứ” trước khi mơ uớc làm sếp, nếu ta là công nhân môi trường đô thị ta hãy tra dầu vào tất cả các xe đẩy cho đêm khuya và sáng sớm tiếng kêu cót két không đánh thức cả phố dậy, nếu ta là quan chức ta hãy cố gắng mỗi ngày một việc thực làm cho dân chứ không ký giấy “chuyển cấp trên giải quyết”, nếu ta là người yêu HN thực sự ta phải nhận ra một điều thực tế rằng: Hà Nội của chúng ta còn quá nghèo, quá lộn xộn mà phần đông chúng ta, mỗi ngày đang “vô tình” đóng góp vào cái nghèo, cái lạc hậu đó bằng cách vứt rác ngay dưới chân bàn ăn của mình, bằng cách chê mà không kiếm cách cải thiện bằng những hành động cụ thể của mình mà lại cứ mơ về “Hà Nội trong mơ“.

(VNN)

haiz21

Hà Nội trong những giấc mơ

Giấc mơ thứ nhất

Kiều Phương Nam

Những mái ngói lô xô phố cũ xưa kia có thể đã từng đẹp lắm, đi vào tranh vẽ, đi vào thi ca để rồi làm nên những tác phẩm bất hủ, làm nên một cái tên “Phố Phái”, nhưng ngày nay nhìn chúng mà đôi lúc chợt buồn. Sự lô xô không còn là nhịp điệu của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt mà cũng rất mực kín đáo của người Hà thành nữa rồi, những mái ngói rêu phong còn sót lại nay trông xập xệ và luôn bị khuất bóng bởi những tầng nhà bê tông khung kính, một sự lô xô của hỗn độn. Người ta phải tốn rất nhiều giấy mực, tâm huyết, thời gian và tiền bạc để nói, viết, bàn thảo và níu giữ cái chất “cổ” của 36 phố phường nhưng xem ra chẳng mấy kết quả.

Phố Phái

Phố Phái

Những hội thảo về bảo tồn tranh Hàng Trống, những thí nghiệm về môi trường nước và rùa hồ Hồ Gươm, những dự án bảo tồn làng đào Nhật Tân…, và đã có cả những thứ đã thành hiện thực như phố ẩm thực, phố đi bộ…, nhưng tất cả là chưa đủ, chưa thỏa mãn sự mong đợi của người dân thủ đô và cả nước.

Hơn 20 năm đổi mới, mở cửa, đời sống đã có nhiều khởi sắc, nhiều toà nhà cao tầng mọc lên với những văn phòng đại diện, những nhà hàng, khách sạn. Và khắp Hà Nội và ven đô, sao mà nhiều quán karaoke, gội đầu, nhà nghỉ đến vậy? Nhưng hình như trường học và bệnh viện thì vẫn không tăng lên là bao trong khi dân số mỗi lúc một đông! Vẫn Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn… đông nghẹt người, chen chúc nhau trong bệnh hoạn và lo toan, héo hắt đợi chờ..

Vẫn còn đó những xóm liều, những xóm lao động nghèo với những công việc bấp bênh, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền nên lúc nào cũng phải lăn như hòn đất mà chưa đủ ăn. Vẫn còn đó những bất công, người ăn không hết kẻ lần không ra bởi tệ tham nhũng, cửa quyền… Vẫn còn đó những toà chung cư cao tầng dù phải mua với cái giá chênh lệch cả vài trăm triệu đồng mà mới ở vài hôm đã thấy xuống cấp. Vẫn còn đó những đoạn đường hôm qua mới lấp, nay đã lại… đào, bụi mù ô nhiễm. Vẫn còn đó những lời than, tiếng trách…

Nhưng tôi yêu Hà Nội lắm! Hà Nội trong tôi đẹp lắm. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi không biết hình dung Hà Nội sẽ ra sao khi đẹp hơn. Nhưng ai cũng hiểu mỗi thời đại, mỗi thế hệ có những thành tựu riêng, sở dĩ chúng ta vẫn phải day dứt, tiếc nuối là bởi vì những gì mà chúng ta làm được hôm nay vẫn chưa đáp ứng được với sự mong đợi của chính mình. Hãy làm ngay một điều gì đó bạn ơi, dù nhỏ, tỷ như không xả rác ra đường nữa, Hãy bắt đầu ngay hôm nay để ngày mai không phải nuối tiếc!

Thế, từng tý, từng tý một và xin đừng bao giờ nản chí mà bỏ cuộc. Chắc chắn sẽ có một ngày không xa chúng ta có thể cùng tự hào mà hét to lên với toàn thế giới rằng: Hà Nội của chúng ta thật hoàn mỹ! Và chính tôi đã góp một phần nhỏ bé để làm nên điều đó.

(VNN)

haiz2