Thực phẩm độc: Sợ cứ việc sợ, ăn thì… vẫn ăn

Đã gần cuối hè nhưng nỗi lo của NTD về chất lượng thực phẩm vẫn chưa dịu bớt: nước cốt hóa chất thay cho sinh tố hoa quả; váng sữa mốc; sữa bột trẻ em lắng cặn… Các nhà sản xuất thì dửng dưng, mặc người tiêu dùng kinh hãi.

Kinh hoàng thực phẩm mùa hè

Những nỗi lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm đầu mùa hè vẫn tiếp tục nóng bỏng khi phát hiện ra nước sinh tố trái cây bổ dưỡng tại các cửa hàng được pha chế từ… nước cốt hóa chất còn sữa bột trẻ em lắng cặn trắng, quấy kĩ đến đâu cũng không tan. Cho dù người tiêu dùng “cẩn trọng” chọn mua thực phẩm tại các siêu thị thì vẫn gặp phải váng sữa mốc, bởi vậy thật khó trách niềm tin của người tiêu dùng dần tan chảy trong cái nóng oi nực cuối hè. Niềm tin đó đôi khi cạn kiệt đến mức nhìn bánh ngọt có bề mặt phủ trắng, khách hàng kiên quyết nói “không” với sản phẩm vì nghi ngại… bánh mốc.

Vào quán gọi sinh tố trái cây, nhiều khách hàng được phục vụ nước cốt hóa chất thơm ngon. Ảnh: C.T

Chất lượng là thế nhưng các nhà sản xuất thì vẫn mặc nhiên cho mình quyền quảng cáo “một tấc lên đến… vũ trụ”, hãng sữa thì kiên quyết nói không với giảm giá trong khi những nhà sản xuất bó tay mặc bia “loạn giá”. Người tiêu dùng ấm ức: nhà sản xuất chỉ cần lợi nhuận, còn quyền lợi của khách hàng thì sao?

Chẳng riêng gì thực phẩm, những nỗi lo điện – nước muôn thuở mỗi mùa hè của người dân vẫn chưa giảm bớt. Mang tiếng là “thượng đế” nhưng với nhà cung cấp dịch vụ “một đường dây”, thượng đế cũng phải chấp nhận chịu thiệt, như chi lương cả tháng chỉ để mua… nước sạch. Trong khi đó, người dân cứ đến ngày nóng lại sẵn sàng “sống chung với nến”, có thắc mắc thì nhà điện xúi… hỏi phường.

Khổ với sản phẩm, mệt vì bảo hành

Tivi dùng 3 năm mất 30 triệu phí sửa.

Bên cạnh nỗi lo về các mối nguy cơ mất VSATTP mùa hè, người tiêu dùng vẫn tiếp tục với những nỗi khổ “muôn thuở” vì bảo hành bởi mỗi khi có sự cố, nhà sản xuất lại “lạnh lùng nắm lý đằng chuôi”, mặc khách hàng loay hoay với sự cố. Vậy mới có chuyện xe máy đang chạy thì bốc cháy, khách hàngạngamjnguif gánh chịu thiệt hại, TV dùng 3 năm, sửa 30 triệu”. Cuối cùng, muốn được bảo hành hàng hoá, khách hàng chỉ còn nước “gõ phèng la” hay tìm sự giúp đỡ từ báo chí.

Bảo hành khổ là vậy, người tiêu dùng Việt tiếp tục bị lừa bởi “bánh vẽ” khuyến mại, ngậm ngùi dùng những sản phẩm kiểu xe máy “hen suyễn” hoặc sau 4 tháng bị người bán bỏ rơi mới quyết “rũ áo” ra đi.

Ngay những dịch vụ văn hóa như thăm quan bảo tàng, người tiêu dùng cũng bắt đầu cảm thấy ái ngại vì chụp ảnh phải mất phí. Nỗi khổ tiêu dùng hiện hữu khắp nơi và giải pháp để người tiêu dùng Việt thoát khổ thì vẫn như “bóng cá, chim trời”.

Theo Vietnamnet

Nỗi buồn trên một bức tường công cộng

Hình ảnh mà tôi đã chứng kiến là hình ảnh một bức tường của Trụ sở Hội đồng nhân dân thành phố Hà Đông. Và tôi nhìn thấy trên bức tường ấy, có ai đó viết một chữ rất BẬY. Cái chữ này to đến mức dù đang phóng xe máy với tốc độ khá cao người ta vẫn có cảm giác như cái chữ đó đập vào mắt.

Những dòng kẻ vẽ, quảng cáo bôi bẩn khắp nơi. Ngay cả trên thùng rác công cộng, trong ngõ xóm… Ảnh: VnExpress

Hàng ngày, chúng ta thấy những cảnh sát khu vực, những bảo vệ dân phố, những người quản lý trật tự giao thông đi bộ, đi xe máy và xe hơi có loa phóng thanh rà đi quét lại ở các khu phố mà họ đảm nhiệm. Họ “săn lùng” những gánh hàng rong, những quán xá xâm lấn vỉa hè, những chiếc xe đậu không đúng nơi quy định… Họ xua đuổi những cậu bé đánh giày hay những người hát rong khi họ đến gần khu vực một số trụ sở của chính quyền. Cùng với họ là hệ thống “đài phát thanh phường” ra rả. Thú thật, với cá nhân mình, tôi chưa bao giờ thấy hệ thống phát thanh này có tác dụng gì trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin như bây giờ. Đã không ít lần, báo chí đưa vấn đề “đài phát thanh phường” thành một “vấn nạn”.

Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng, tất cả những việc làm trên là nhằm để cho phố phường trở nên sạch đẹp và văn minh, văn hoá hơn. Chỉ có phương pháp của họ là bất ổn. Bạn có thể hình dung được Nhà nước phải tốn phí biết bao nhiêu cho lực lượng này không? Câu trả lời là quá tốn phí. Nhưng hiện thực cho thấy, cứ khi cảnh sát đi khỏi, bảo vệ dân phố đi khỏi… là mọi chuyện đâu lại vào đấy. Lấn chiếm vỉa hè lại vẫn lấn chiếm vỉa hè, vứt rác ra đường lại vẫn vứt rác ra đường, đậu xe không đúng nơi quy định lại vẫn đậu xe không đúng nơi quy định, vượt đèn đỏ lại vẫn vượt đèn đỏ… Chuyện này giống như người ta ném một hòn đá xuống ao bèo tấm. Khi hòn đá chạm vào mặt nước thì đám bèo tấm dạt ra để lộ một khoảng mặt nước. Nhưng ngay sau đó thì mặt nước lại bị phủ kín bởi đám bèo.

…Hay cả trước cổng ủy ban một phường của Hà Nội… Ảnh: Vnexpress


Chỉ vớt hết bèo thì mặt nước mới không bị che phủ. Chứ phương án ném đá xuống ao bèo chỉ tốn công, tốn của mà không giải quyết được việc gì. Có nghĩa là, để giải quyết được chuyện ấy, người ta phải giải quyết từ gốc của vấn đề. Vấn đề vệ sinh môi trường và vấn đề văn minh đô thị đang trong tình trạng cấp báo mà muốn được cải thiện thì nguồn gốc chính là văn hóa của con người. Nhưng sự thật cho chúng ta thấy: con người hiện nay rất ít tự giác vì những người có trách nhiệm đã không bắt đầu từ gốc của mọi vấn đề.

Chỉ với một hình ảnh mà tôi chứng kiến đã cho thấy, chúng ta không hề quan tâm đến phần gốc mà chỉ quan tâm đến phần ngọn của vấn đề. Đây là “di sản” của cái gọi là chủ nghĩa hình thức và một lối sống hời hợt. Hình ảnh mà tôi chứng kiến là hình ảnh một bức tường của Trụ sở Hội đồng nhân dân thành phố Hà Đông. Lần ấy, bạn tôi mời tôi vào Hà Đông uống cà phê. Và tôi nhìn thấy trên bức tường ấy, có ai đó viết một chữ rất BẬY. Đương nhiên là tôi không thể chép cái chữ ấy ra đây được. Cái chữ này to đến mức dù đang phóng xe máy với tốc độ khá cao người ta vẫn có cảm giác như cái chữ đó đập vào mắt.

Bạn tôi bảo: đi qua cái chữ đó ngày ngày là công an phường, là các cán bộ của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Đông (hình như bây giờ là của cả Hà Nội), là các trật tự viên khu phố v.v… Nhưng hình như chẳng ai thèm để ý đến việc phải xoá cái chữ đó đi. Đã một lần, bạn tôi dừng xe máy và nói về cái chữ rất BẬY ấy với một người ăn mặc lịch sự từ trụ sở hội đồng đi ra. Có lẽ đó là một cán bộ làm việc trong trụ sở đó. Bạn tôi đề nghị cơ quan nên xoá cái chữ kia đi. Nhưng mấy tháng sau bạn tôi đi qua thì cái chữ ấy vẫn nằm đấy. Bạn tôi lại nhắc một lần nữa với một người khác cũng ăn mặc lịch sự từ trụ sở đó đi ra. Nhưng chẳng có chuyện gì thay đổi cả.

Nếu ai cũng có ý thức xóa những dòng chữ kia thì mỗi thành viên đó sẽ trở thành một cảnh sát, một trật tự viên, một kiến trúc sư, một nhà văn hóa, một chuyên gia môi trường… Ảnh: tuoitre


Nếu người ta có ý thức xóa cái chữ kia đi thì đó chính là thể hiện cái gốc của mọi vấn đề văn hóa. Khi những người quản lý xã hội xây dựng được nền tảng văn hóa cho mỗi thành viên trong xã hội thì mỗi thành viên đó sẽ trở thành một cảnh sát, một trật tự viên, một kiến trúc sư, một nhà văn hóa, một chuyên gia môi trường… Nếu không, chúng ta có biến cả thành phố này thành cảnh sát vẫn không giữ được an ninh trật tự, biến cả thành phố này thành trật tự viên khu phố cũng không đuổi hết người xâm chiếm vỉa vè hay lòng đường, biến cả thành phố này thành những chuyên gia môi trường thì cây vẫn bị chặt, hồ nước vẫn bị san lấp và công viên vẫn bị phát quang để xây dựng những công trình kinh doanh…

Có thể lại có những người kêu tôi rỗi việc nên mới nói những điều nhỏ bé như thế. Có người sẽ lại bảo tôi chẳng có lý do gì khi liên hệ một cái chữ viết trên tường với những vấn đề to lớn của cuộc sống. Nhưng việc xóa cái chữ kia là hành động Văn hóa. Và không có văn hóa thì không làm được gì hết, cho dù chúng ta có giàu có đến đâu.

Sỹ Hoàng

Theo vietnamnet