Lâm tặc lộng hành giữa thủ đô

Chỉ hơn hai tháng, Hà Nội xảy ra 19 vụ chặt trộm cây gỗ sưa, trong đó 17 cây đã bị cưa tận gốc với những thủ đoạn ngang nhiên, trắng trợn. Có nhiều vụ nhóm lâm tặc lấy dây thép buộc cửa nhà dân, dùng cả dao, kiếm đe dọa khi bị phát hiện. Tất cả vì gỗ sưa có giá tới trên 3 triệu đồng/kg!

aa

Mặc dù giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có vụ chặt trộm sưa nào bị xử lý. UBND TP Hà Nội phải yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kêu gọi nhân dân bảo vệ giống cây quý trước tình trạng lâm tặc lộng hành ngay giữa lòng thủ đô.

Gỗ quý bị tàn sát

Đường dây nóng bảo vệ cây xanh Hà Nội

* Số trực ban Phòng CSHS Công an Hà Nội: 043.9396242/ 043.9396500.

* Đường dây nóng của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội: 043.9764540/043.8237114.

“Ngang nhiên, trắng trợn”, đó là nhận xét của một số người dân dãy nhà D2, ngõ 7, phố Hoàng Đạo Thành, P.Kim Giang, Q.Thanh Xuân khi nói về nhóm trộm cây tại khu vực này rạng sáng 26-7.

Theo đó, khoảng 1g45 người dân nghe tiếng cưa máy rền rĩ trên phố sau đó phát hiện một nhóm thanh niên đang cưa cây sưa đỏ có tuổi đời khoảng 20 năm. Ngay lập tức, nhiều người ở khu D2 mở cửa ra để ngăn chặn thì phát hiện toàn bộ cửa nhà đã bị dây thép cột chặt, không thể đi ra được.

Một vài người dân hô hoán thì bị một thanh niên vác kiếm đến tận cửa dọa chém. Chỉ đến khi Công an P.Kim Giang và lực lượng cảnh sát 113 rú còi inh ỏi chạy đến, nhóm lâm tặc mới lên xe bỏ trốn, để lại hiện trường một cây sưa đã bị cưa lìa gốc và một cây bị cưa khoảng 1/3. Trước đó, ngày 16-8 hai cây sưa này cũng từng bị cưa nhưng khi thấy người dân phát hiện, nhóm lâm tặc đã bỏ chạy

Tương tự, sáng sớm 8-9, người dân khu K16-K17, P.Bách Khoa cũng phát hiện một cây sưa đỏ nằm giữa hai dãy nhà đang bị “lâm tặc” dùng cưa máy đốn gốc, cắt rời từng phần để mang đi. Theo bà Đặng Vũ Thinh –  tổ trưởng dân phố, nhóm lâm tặc khoảng 4-5 thanh niên có phân công người cưa cây, người dùng kiếm đứng cảnh giới. Khi người dân hô hoán, chúng ngang nhiên khuân một gốc sưa to nhất lên taxi chờ sẵn và chở đi.

Lâm tặc còn nghĩ ra nhiều chiêu trộm cây, tránh khỏi sự phát hiện của người dân và cơ quan chức năng. Để chặt cây một cách công khai, chúng cưa (hoặc chặt) vòng xung quanh lớp vỏ cây (rồi đắp đất để che giấu), làm cây khô héo dần. Sau đó, lâm tặc sẽ công khai đến chặt hạ cây với lý do “để trồng cây mới cho bóng mát”.

Thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội cho thấy từ ngày 2-7 đến 17-9 đã có 19 vụ chặt trộm 17 cây sưa. Địa điểm cây bị chặt trộm chủ yếu ở những khu vực khuất nẻo. Chiêu thức chủ yếu của lâm tặc là thường sử dụng ôtô tải hạng nhẹ đỗ cạnh gốc cây nổ máy để át tiếng cưa cây. Nếu bị lực lượng chức năng hoặc người dân phát hiện, chúng sẽ nhanh chóng lên xe bỏ chạy. Nếu không bị phát hiện, chúng cưa thân cây thành từng đoạn và cho lên thùng xe mang đi.

Một cây sưa trong công viên Thống Nhất bị chặt trộm còn trơ gốc – Ảnh: Lâm Hoài

Cả Hà Nội vào cuộc bảo vệ cây xanh

Theo thống kê của Công ty TNHH nhà nước một thành viên cây xanh Hà Nội, tính đến cuối tháng 7 trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 717 cây sưa đỏ, phân bổ nhiều nhất tại các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. Ông Nguyễn Xuân Hưng, phó giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết không chỉ trên đường phố mà ngay trong công viên, cây sưa cũng bị chặt trộm.

Có những cây bọn trộm khoanh vài đường sát gốc cây thăm dò thì bị phát hiện nên công ty phải tăng cường kiểm tra, canh gác để bảo đảm an toàn cho cây. Thậm chí ngay tại vườn ươm giống của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, kẻ trộm cũng nhiều lần đến nhổ trộm những cây sưa còn non.

Để bảo vệ cây quý, hiện công ty đang cung cấp thông tin về phân bố cây sưa cho UBND và công an các quận để lên phương án bảo vệ. Tất cả công nhân công ty khi tiến hành chặt cây hoặc tỉa cành đều phải có quần áo đồng phục và không có bất cứ trường hợp nào chặt cây diễn ra nửa đêm trừ trường hợp khẩn cấp đối phó với thiên tai, cây đổ.

Trước tình trạng cây sưa bị cưa trộm liên tục, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có văn bản yêu cầu UBND các quận phối hợp với những cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có phương án bảo vệ cây xanh quý hiếm trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi chặt trộm cây xanh.

UBND TP cũng giao Công an Hà Nội tiến hành điều tra những trường hợp chặt trộm gỗ sưa đỏ thời gian qua để xử lý theo quy định của pháp luật. UBND TP còn chỉ đạo các lực lượng tuần tra của cảnh sát cơ động, công an các quận, phường lưu ý phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng có hành vi phá hoại, chặt hạ cây xanh quý hiếm trên địa bàn.

Hôm qua hầu hết địa bàn các quận có cây sưa quý đều đã được dán thông báo về tình trạng cây gỗ sưa, số điện thoại đường dây nóng để nhân dân tham gia bảo vệ giống cây gỗ này nói riêng và cây xanh nói chung.

Gỗ cây sưa bán cả triệu đồng/kg

Gỗ sưa (tên địa phương: trắc thối, huỳnh đàn, huê mộc vàng), tên khoa học là Dalbrgia tonkinensis Prain, thuộc loài quý hiếm nhóm IA, Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Thượng tá Lê Hồng Sơn, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội, cho biết gỗ sưa thời điểm rẻ nhất cũng 700.000-800.000 đồng/kg đối với loại cây lõi bé. Đối với khối xẻ lõi to, kích thước 2m x 10cm x 55cm, có thể lên đến trên 3 triệu đồng/kg (tương đương nhiều tỉ đồng/m3). Gỗ sưa chủ yếu được sử dụng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Đỗ Trọng Quang – một thợ mộc lâu năm tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội – khẳng định không chỉ nước ngoài mà ngay cả trong nước, gỗ sưa cũng là loại gỗ quý hiếm. Gỗ sưa đỏ càng lớn, lõi cây càng to, có độ rắn chắc cao, vân gỗ khi xẻ ra rất đẹp và có mùi thơm.

Đặc biệt, sưa đỏ là một trong những loại gỗ khi phơi không xuất hiện kẽ nứt, không biến dạng, có khả năng bài trừ mối mọt nên có thể dùng đóng giường, tủ và đồ nội thất cao cấp. Ngay cả những lõi bé của cành sưa cũng có thể sử dụng để làm những xâu tràng hạt với giá cả lên đến hàng triệu đồng/xâu.

Theo ông Quang, người Trung Quốc gọi cây sưa là cây hoàng hoa lý, thường dùng trong thiết kế nội thất cung đình và đồ thờ tự ở các gia đình quan lại. Gỗ sưa còn được dùng để tạc tượng cho đình, chùa nhờ đặc tính mùi thơm mát, lâu bền. Theo lý giải của ông Quang, nhiều sản phẩm đồ gỗ cổ của Trung Quốc đặc biệt quý hiếm còn lại đến nay được tạc, đẽo từ lõi sưa đỏ.

Ngoài ra, trong dân gian cũng đồn thổi có người mua gỗ sưa về đóng quan tài do có khả năng giữ thi thể được lâu, không phân hủy. Hoặc cây sưa khi đốt cháy hoàn toàn để lại tro than trắng muốt giống như chính hoa sưa, có thể trộn để ướp thi thể hoặc pha trộn vào ma túy. Tuy nhiên những thông tin này chưa có ai kiểm định xác thực. Thậm chí ngay cả việc bán gỗ sưa đi đâu, làm gì vẫn chưa được làm rõ.

Minh Quang

Theo TTO