Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ nhất thế giới

Các nghiên cứu tại VN cho thấy những hậu quả do hút thuốc lá gây ra đã lên đến mức báo động: 25 căn bệnh khác nhau, trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và phổi tắc nghẽn mãn tính. Thế mà, tại các gia đình nghèo ở VN, chi phí mua thuốc lá đã lớn hơn phần chi cho y tế và giáo dục!

* Gia đình nghèo VN: Chi mua thuốc lá cao hơn chi y tế và giáo dục!

Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM từ lâu đã cấm toàn bộ cán bộ, CNV, sinh viên hút thuốc lá trong trường học – Ảnh: MINH ĐỨC

Nghiên cứu “Chi phí khám chữa bệnh liên quan hút thuốc lá” của thạc sĩ Vũ Xuân Phú và Đặng Vũ Trung (ĐH Y tế công cộng) cho thấy tổng chi phí xã hội do ba loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ hút thuốc lá gồm ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và phổi tắc nghẽn mãn tính là 1.160 tỉ đồng, trong khi thuốc lá liên quan tới 25 căn bệnh khác nhau thì chi phí còn lớn hơn nhiều. Tại các gia đình nghèo ở VN, chi phí mua thuốc lá đã lớn hơn phần chi cho y tế và giáo dục!

Giá quá rẻ, mua quá dễ

Ông Lý Ngọc Kính – Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá – đánh giá thuốc lá ở VN vào loại rẻ nhất thế giới khiến thanh thiếu niên mới bắt đầu hút thuốc dễ tiếp cận với thuốc lá hơn. Bà Hoàng Anh – Tổ chức Health Bridge tại Hà Nội, một tổ chức chuyên về phòng chống tác hại của thuốc lá – cho biết cùng nhãn thuốc M thì giá một gói thuốc ở VN rẻ nhất thế giới. Chưa kể VN đang có những loại thuốc lá chỉ trên 2.000 đồng/gói, mức giá không có ở bất kỳ đâu.

Theo nghiên cứu “Chi phí khám chữa bệnh liên quan hút thuốc lá”, các hộ nghèo VN có người hút thuốc phải chi 5% thu nhập gia đình vào thuốc lá, bằng 1,5 lần chi phí cho y tế/người và gần bằng mức chi cho giáo dục/người.

Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết qua các nghiên cứu cho thấy khu vực Nam Trung bộ và ĐBSCL có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất, nhóm tuổi hút thuốc lá cao nhất là 25-44 tuổi và nghề nghiệp hút thuốc lá nhiều nhất là xây dựng và lái xe. Sản lượng thuốc lá điếu của VN đã tăng gần gấp đôi từ năm 2000-2007 và đã ở mức 4 tỉ bao! Trong khi nếu không chi cho thuốc lá, sẽ có hàng triệu người nghèo được hỗ trợ để thoát nghèo.

Cũng theo bà Hoàng Anh, giá thuốc lá rẻ một phần do thuế thuốc lá ở VN vào loại thấp nhất thế giới. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo thuế thuốc lá nên ở mức 65%/giá bán lẻ, nhưng tại VN mới đạt 46%.

Trong khi đó tại Thái Lan, Chính phủ Thái đã tăng thuế thuốc lá đều đặn 9 lần trong 15 năm từ 1992-2007 và hiện ở mức 80% giá bán buôn, vì vậy lượng thuế thuốc lá thu được từ 450 triệu USD năm 1992 lên 1,2 tỉ năm 2007. Chính vì lý do này, bà Phan Thị Hải – Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá – cho hay sản lượng thuốc lá Thái Lan chỉ bằng 1/2 VN, lượng người hút thuốc lá cũng chỉ bằng 2/3 nhưng thuế thu được gấp 2-3 lần VN.

Tại cuộc họp báo tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội, ông Lý Ngọc Kính đánh giá khi tăng thuế lên 20%, giá bán lẻ tăng 10% sẽ giúp Chính phủ thu thêm thuế thuốc lá 1.500-2.000 tỉ đồng/năm. Lợi ích lớn hơn nhiều là sẽ tránh được 100.000 ca tử vong sớm do thuốc lá tính đến năm 2050.

Theo bà Phan Thị Hải, năm 2008 VN thu được 7.500 tỉ đồng từ thuế thuốc lá, cao hơn 1.000 tỉ so với trước đây do thực hiện tăng thuế. Đã có những ý kiến lo ngại tăng thuế sẽ làm tăng thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên, ông Kính cho rằng các nhãn thuốc nhập lậu vào VN chủ yếu là thuốc lá đắt tiền như 555, Jet, Hero, Marlboro, Dunhill đều là những loại giá cao hơn thuốc lá sản xuất trong nước. “Người hút thuốc VN thường coi thuốc lá nhập lậu có chất lượng cao hơn thuốc sản xuất trong nước. Mua thuốc lá tại VN rất dễ” – ông Kính lý giải.

Nửa vời, cấm cho có

Trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi vẫn tự nhiên mua thuốc lá và hút vô tư (ảnh chụp tối 30-5 tại quán giải khát trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM) -Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Theo ông Lý Ngọc Kính, hiện chưa có thống kê nào về lượng người bị phạt do vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng tại VN. “Có quy định đầy đủ về cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng tổ chức thực thi rất yếu, quy định chưa đi vào cuộc sống”, bà Phan Thị Hải cho biết.

Theo Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá, quy định phòng chống tác hại của thuốc lá ở VN khá đầy đủ, ngay quy định cấm hút thuốc tại nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, phương tiện giao thông công cộng đã ban hành nhiều năm nhưng cơ quan chức năng chưa tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra hay có phương án xử phạt người vi phạm! Nửa vời nên cấm cũng là cấm cho có!

Một chính sách cũng rất nửa vời trong phòng chống tác hại của thuốc lá nữa là quy định cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá. Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm (WHO tại VN), đến tháng 5-2009 đã có 23 nước cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh (50% diện tích) trên vỏ bao thuốc lá. VN cũng đã thực hiện cảnh báo sức khỏe nhưng chỉ bằng lời và trên diện tích 30%. Hiệu quả cảnh báo rõ ràng đã giảm. “Chính một số nhà máy VN sản xuất thuốc lá xuất khẩu đã thực hiện cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh như quy định nước bạn, nhưng thực hiện tại VN thì nhà máy nào cũng kêu là khó khăn” – ông Lâm than thở.

Bà Hải cho rằng mỗi năm có tới 40.000 người VN tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, gấp gần bốn lần số ca tử vong do tai nạn giao thông! Gần 10 năm nay, mỗi năm chúng ta đã dành 1 tuần từ ngày 26 đến 31-5 phòng chống tác hại của thuốc lá, nhưng lượng người hút thuốc không giảm mà có xu hướng tăng! Đã đến lúc không thể nửa vời trong chống thuốc lá.

LAN ANH

Theo TTO

Cái quý, cái riêng, cái duyên Hà Nội không nằm ở những điều to tát

Nhìn, ngắm, ngẫm về vốn liếng đô thị thủ đô, từ cái tâm hoài cổ, từ sự khát cái tân tiến và từ sự so sánh với những gì các thủ đô nước người có, đành nhận ra trong vốn liếng ấy không có gì là đồ sộ, nguy nga, kỳ quan. Cái quý, cái riêng và cái duyên chính là ở những cái không to tát mà nho nhỏ.

Có thể từ hôm nay, hoặc ở năm 2030 hay 2050 Hà Nội sẽ xuất hiện những kiến tạo đồ sộ, nguy nga có một không hai. Song hợp tầm, hợp sức và trong tầm tay hơn lại chính là những cái nho nhỏ, mà gộp lại tạo thành vốn liếng, đơn sơ và đượm thắm của thủ đô ta hôm nay.

Những cái nho nhỏ ấy đòi hỏi ở ta sự để ý đến, sự chu đáo, chăm chút y hệt việc nhà mình.

1. Vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm, thành phố có sự đầu tư lớn: lát lại vỉa hè khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm bằng những viên đá cỡ 400x400x40mm. Lát lần này xem ra là vĩnh viễn. Thế nhưng chỉ một đoạn dài 100m trước cơ quan tôi trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sau khi hoàn thành đã có hàng chục điểm hư hỏng. Tôi nhờ tòa soạn báo Hà Nội Mới nhắn giùm công ty nọ làm lại. Vài ngày sau, một tốp thợ hấp tấp sửa những chỗ hư hỏng tiêu biểu nhất.

Đoạn vỉa hè sau đó vẫn đầy những chỗ khấp khểnh, long lở, lún và vỡ; ở các đoạn vỉa hè khác quanh hồ Hoàn Kiếm cũng vậy. Thế là chủ trương làm vỉa hè bền đẹp, dùng vật liệu đá vừa chắc và vừa đắt lại bị làm tạm bợ. Xem ở Huế người ta lát vỉa hè đường Lê Lợi phải tấm tắc mà khen: xây dựng ở đô thị phải thế mới đúng.

Kiến trúc ven đường phố thủ đô đặc trưng bởi những bức tường rào có công năng che chắn là chính chứ không phải để làm đẹp. Nay chúng đang bị bệnh đậu mùa: những bản rập “khoan cắt bêtông” phủ dày đặc. Tường rào một ngôi biệt thự đẹp trên đường Bà Triệu bị hàng trăm hàng chữ – số “khoan cắt bêtông” bâu kín. Một bức tường bao ngôi chùa mới quét vôi cũng bị giặc quảng cáo khoan cắt bêtông xâm lăng tức thì.

aa

Bức tường của báo Hải Quan (159 Bà Triệu) được “trang trí” bởi những số điện thoại của “khoan - cắt bêtông”... - Ảnh: Cù Zap

Nhìn hàng vạn hàng chữ – số ấy cứ tưởng thủ đô có cả một ngành kinh doanh khoan cắt bêtông phát đạt. Chưa thấy ở thành phố nào mà lại chịu nạn dịch đậu mùa trên tường rào như vậy!

Nói thêm chuyện tường rào. Có lẽ đã đến lúc bàn tới chuyện dẹp hoặc bỏ hẳn hay thay bằng hàng rào sắt. Các ngôi nhà sẽ bước thẳng ra đường phố, tạo thành những không gian đô thị liên hoàn. Các ngôi nhà quan trọng thì có bảo vệ, ít quan trọng hơn thì sử dụng kỹ thuật bảo vệ.

Một ngôi trường phổ thông trên đường Chùa Hà xây lại, phá quách cái tường con kiến bổ trụ cao và dài, dựng hàng rào sắt, tạo ngay được một không gian ngăn cách ước lệ, đường phố tưởng như mở toang con mắt. Ước sao hồ Gươm sẽ giải thoát khỏi những bức tường rào che bịt để cho nước và cây cối, cho bầu không khí len vào và luồn vào từng góc phố và từng con ngõ, cho không gian hồ vốn hạn hẹp lan tỏa ra.

2. Làng quê và phố xá mình thuở xưa có những phương tiện khuếch tán âm thanh để truyền đạt thông tin. Đó là cái tù và, mõ, loa mo cau hoặc loa bằng tôn, dăm chục năm nay tiến bộ hơn – cái loa phường. Quả thật loa phường từng phát huy tối đa khi báo ít, radio thiếu, lại càng không có tivi. Giờ thì ta có vô vàn phương tiện tăng âm, phương tiện truyền tin, vô vàn thực đơn thụ hưởng thông tin. Ta lại có sự tự do lựa chọn thông tin và nguồn cung cấp thông tin. Để truyền đạt thông tin nội bộ cũng có những cách thức mới mẻ hơn là cái loa phường đáng tuổi cụ kia.

aa

Dường như cột điện không thể thiếu những vật “trang sức” như chiếc loa phóng thanh ầm ĩ và côngtơ đo điện - Ảnh: Cù Zap

Vài năm trước tôi chuyển lên tầng 14, tưởng thoát được loa phường và hộp côngtơ điện có ghi tên mình ngự trên cái cột đứng đầu ngõ. Thoát được cái thứ hai, còn cái thứ nhất thì không. Ngay buổi sáng đầu tiên dọn về, âm thanh hào phóng của loa phường đã tìm đến đúng địa chỉ: lỗ tai tôi. Sáng sáng đi làm, trong sự nhộn nhạo tột bậc của giao thông, vẫn vang vọng xen vào cái loa phường.

Hà Nội nay không chỉ cần chống ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí mà còn phải chống cả ô nhiễm con mắt và cái tai. Khó tưởng tượng được một ngày nào đó bước ra phố mà không nghe thấy tiếng loa phường, ngửa mặt lên trời không thấy vô số khẩu hiệu, treo níu vào những thân cây và cột điện.

Hơn 20 năm nay bàn và nói về bảo tồn khu phố cổ. Các con phố khang trang lên bởi nhà xây mới và cửa hiệu làm mới, chứ hoàn toàn không bởi những nhà cổ và cũ được bảo tồn và tu sửa, không bởi những dãy phố được chỉnh trang. Con phố Hàng Bông – Hàng Gai sự phát đạt buôn bán đã dẫn tới việc chỉnh trang, chứ không phải bởi chủ trương và kế hoạch từ những cấp quản lý và nhà chuyên môn.

Có biết bao những cái nho nhỏ, mà hợp lại tạo thành quỹ kiến trúc và quỹ cuộc sống thành thị Hà Nội của ta. Mọi thứ nho nhỏ ấy cần sự suy nghĩ và tấm lòng, cần sự chăm sóc đến mức chăm chút, trước tiên từ những người quản lý, sau là bởi người dân. Thủ đô cần những ông chủ.

3… Tôi cứ ước mơ dai dẳng một ngày nào đó sẽ có một quan chức lớn của thủ đô, hằng tuần hằng tháng đi trên chiếc xe mui trần dọc những con phố, chỉ chỉ chỏ chỏ, dẹp cái này, thêm cái kia cho phố nom ra phố, cho thủ đô ra dáng thủ đô. Chưa giàu song cũng sang.

HOÀNG ĐẠO KÍNH

Theo TTO


Hội nghị thú rừng

Mỗi năm ở VN có 1 triệu động vật hoang dã bị dân nhậu xơi tái. Thông tin trên được các tổ chức về bảo vệ động vật hoang dã loan báo khiến lũ thú rừng nhớn nhác. Và chúa tể Cọp triệu hồi một hội nghị khẩn cấp.

– Bao nhiêu bà con của ta đã bị nấu cao hổ cốt! – vị chúa tể rừng xanh tức tưởi.

– Một bàn tay của tui đã bị ngâm rượu…- cụ Gấu giơ bàn tay cụt, thút thít.

– Người ta còn bắt chồng em để nấu món giả cầy! – chị Chồn hương liếc xéo anh Sói xám, nghẹn ngào…

Nhưng phải làm sao, không thể than khóc mãi. Ông Voi huơ huơ mãi cái vòi mà chẳng nghĩ ra được điều gì khiến chị Gà rừng sốt ruột cục ta cục tác mãi.

“Nên viết một tâm thư…” – Heo rừng ồm ồm đề nghị. Thế nhưng cả bọn bế tắc vì chẳng ai biết chữ. Chị Hươu, vốn nhút nhát, đề xuất: “Hay là mình tìm nơi sinh sống khác…”. Chưa dứt câu cả bọn nhao nhao: ”Đi đâu cũng thế, đi đâu cũng thế!…”.

Anh Voọc chà vá coi bộ thông thái nhất bọn, đề xuất: ”Loài người có một hình thức đấu tranh, đó là biểu tình. Ngày mai chúng ta sẽ xuống đường!”.

– Xuống đường! Xuống đường! – hàng vạn con thú phấn khích.

Nhưng riêng chị Cù lần không la hét, cứ úp mặt vào hai bàn tay lẩm bẩm: ”Coi chừng có đi mà không có về…”.

Bút Bi

Theo TTO

Trung Thu: Đừng dùng lồng đèn xài pin!

Mùa trung thu đã bắt đầu. Hàng triệu chiếc lồng đèn nhựa dùng pin đã xâm nhập vào thị trường VN, tiếp tục đánh dạt những chiếc lồng đèn truyền thống. Không chỉ vì “người Việt dùng hàng Việt”, không chỉ vì những cảm xúc giàu tính giáo dục đang bị mai một, mà quan trọng hơn tất cả là sự uy hiếp về môi trường. Vì vậy, cần ủng hộ những người nói “không” với lồng đèn xài pin.

Nhân chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và mùa Trung thu bắt đầu, chúng tôi đã nói “không” với lồng đèn nhựa xài pin – một mối hiểm họa của môi trường do lượng pin khổng lồ thải ra.

Lồng đèn nhựa xài pin lại chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trung thu năm nay – Ảnh: T.Đạm

Nói đến Trung thu phải nghĩ ngay đến lồng đèn. Không người VN nào không có một tuổi thơ gắn với những chiến đèn xếp hình quả trám, hình mặt trăng, những chiếc đèn ông sao, con gà, con bướm…làm bằng nan tre dán giấy bóng kính xanh, đỏ, tím, vàng. Dưới ánh trăng rằm tháng 8 sáng vằng vặc, trẻ con tụ nhau lại rước đèn, phá cỗ và cùng nhau hát vang “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già…”.

Dễ đến chục năm nay, những hình ảnh đó ngày càng vắng dần. Thay vào đó là làn sóng nhập khẩu những chiếc lồng đèn bằng nhựa, thắp sáng bằng pin và eo éo cái thứ nhạc Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu. Những làng nghề làm lồng đèn truyền thống đã và đang mất dần. Đặt chân đến các phố bán lồng đèn trung thu, ở Hà Nội hay TP.HCM, đâu đâu cũng thấy sự áp đảo của những chiếc đèn nhựa xài pin.

Trưa 20-9, ở một tiệm bán đồ chơi trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), lồng đèn nhựa đỏ chót và vàng chói chang chiếm phần lớn diện tích của cửa hàng có mặt tiền ngang 4m, đẩy những xâu đèn lồng truyền thống vào một góc nhỏ nhoi trong nhà. Bà chủ cửa hàng đon đả chào mời: “Đèn Trung Quốc có mắc hơn, khoảng 40.000-55.000 đồng một chiếc nhưng tiện lắm. Còn lồng đèn mình thì chỉ 5.000 đồng đến khoảng 30.000 đồng/chiếc nhưng ít ai mua”.

Vâng, nói về chuyện tiện thì lồng đèn truyền thống không thể nào sánh được với lồng đèn nhựa xài pin. Nhưng một chữ “tiện” liệu có đủ để đánh đổi tất cả? Đầu tiên nhìn về mặt sức khỏe, tôi ngờ lắm cái thứ nhựa rẻ tiền xanh xanh đỏ đỏ làm lồng đèn, khi chưa có ai kiểm nghiệm và kết luận nó không gây hại cho trẻ con.

Nói về giáo dục, tôi cũng bảo đảm đèn nhựa xài pin không thể nào đem lại cảm xúc cho trẻ như là đèn truyền thống – cảm xúc mà những người lớn chúng ta đã mang theo suốt cuộc đời. Nhưng nếu hai điều vừa nói có thể còn cảm tính hoặc chưa được kết luận thì chuyện thứ ba dám đoan chắc, đó là mối nguy hại về môi trường của đèn nhựa xài pin.

Lồng đèn truyền thống sản xuất tại phường Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm

Nhựa ai cũng biết là một chất liệu đang được kêu gọi hạn chế tối đa trong đời sống. Kiểm soát nó không chặt, để vứt bừa bãi ra môi trường thì hàng trăm năm sau mới tiêu hủy. Kiểm soát chặt là thu gom để tái sinh hoặc đốt cũng chưa phải là hay, khi để lại những tác hại cho môi trường như về vấn đề khí thải chẳng hạn. Nhưng nguy hại nhất của lồng đèn nhựa xài pin là thải ra một lượng pin vô cùng lớn.

Chúng ta thử tính nhẩm một em bé chơi đèn nhựa xài khoảng 20 viên pin tiểu (con số không nhiều) trong mùa Trung thu, thì với cả triệu trẻ em chơi đèn này, môi trường phải gánh chịu một lượng pin khổng lồ thải ra. Mà pin thì cho dù loại rẻ tiền nhất là zinc carbon, alkaline cho đến cao cấp như silver oxide, lithium… đều để lại tai họa cho môi trường những chất nguy hại như chì, thủy ngân…

Vì vậy trong gia đình mình, chúng tôi hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng một hành động cụ thể trong mùa Trung thu, đó là nói “không” với lồng đèn nhựa xài pin.

Huy Tường (TPHCM)

Theo TTO

HUY TƯỜNG (TP.HCM)

<!—-><!—-> Tự Hào Việt NamTuổi Trẻ Cuối TuầnTuổi Trẻ CườiMedia OnlineViệc LàmTủ SáchThiệp