Các cụ Rùa và những tai nạn thương tâm

Đúng lúc “cụ đang dạo phố” thì mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt “cụ”… phi nước đại.

PGS-TS Hà Đình Đức với niềm đam mê rùa “ngồ ngộ” của mình, cứ kể mãi với tôi chuyện mấy người trẻ đã xơi tái “cụ rùa” Hồ Gươm.

Hồi ấy, vào khoảng năm 1963, trời mưa to, nước ngập, một “cụ rùa” hứng chí muốn ngắm phố phường Hà Nội, đã bò lên vườn hoa Chí Linh. Đúng lúc ấy, mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt cụ… phi nước đại.

“Cụ rùa” phơi nắng và nhắm mắt ngủ ngon lành trên bãi cỏ.

Chở mấy thanh niên nghịch ngợm một lúc thì “cụ” mệt, nằm thở phì phò. Không còn sức chống cự, mấy anh chàng bám một bên mai vật ngửa “cụ”, rồi hè nhau khiêng về mổ thịt, đem xương đi… nấu cao! Mấy người này, ông Đức thường gọi họ là mấy ông “ăn thịt di tích”!

Ngược dòng thời gian vào năm 1945, đúng dạo nước sông Hồng lên cao, mưa lớn ngập khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” đã bò lên phố Lê Thái Tổ. Mấy ông chạy xe ba gác nhìn thấy con “ba ba” khổng lồ liền đuổi theo tóm lại rồi khiêng lên xe ba gác chở về… nấu chuối xanh. Cũng may mà chính quyền đuổi theo đòi lại được. Nhưng số phận “cụ rùa” này đến nay vẫn là một ẩn số.

Sau đó hơn chục năm, vào năm 1956, bão gió, lụt lội khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” lại mò lên đền Hàng Trống. Một ông đạp xích lô đâm phải gã chỏng vó. Tức mình, ông ta hô người khiêng “cụ” lên xe, kéo về phố Hàng Hành.

Thi thoảng “cụ rùa” lại nổi.

Người ta dùng thừng thít cổ cụ, treo lên xà nhà để chuẩn bị chọc tiết, xẻ thịt như mổ heo trong nhà máy bên Tây. Cũng may mà quần chúng phát hiện báo công an giải cứu “cụ rùa” đúng lúc cụ đang ngắc ngoải. Do “cụ” yếu quá, nên người ta thả cụ vào ao bán nguyệt trong Vườn Bách Thảo.

Sau vụ “cụ rùa” bị đâm chết bằng xà beng năm 1967, người ta chỉ còn thấy hai cụ rùa nữa mà thôi, một cụ rùa khổng lồ là “cụ bà”, nặng đến 2 tạ và một “ông rùa” chưa đến một tạ, nhỉnh hơn bánh xe đạp một chút. Theo dự đoán của một số người, có thể “ông rùa” nhỏ này chỉ là hàng cháu chắt của “cụ rùa” khổng lồ kia.

Nhưng đau xót thay, năm 1997, PGS Hà Đình Đức đã phải viết “huyết thư” gửi ông Võ Văn Kiệt và các cán bộ chủ chốt của Hà Nội. Thư rằng, một “cụ rùa” đã bị đả thương rất nặng. Theo như mô tả của ông Phùng Quang Bỉnh, đội trưởng đội bảo vệ trật tự an ninh khu vực Hồ Gươm, thì “ông rùa” có cái mai bằng vành xe đạp bị thương nặng, vết thương lở loét, trắng bợt ở phần mai và chân trái.

“Cụ rùa” trong đền Ngọc Sơn.

Không hiểu “ông rùa” kia bị thương vì lý do gì, bị kẻ trộm đâm bằng đinh ba, hay móc vào lưỡi câu khổng lồ của bọn câu trộm, nhưng có một điều, từ bấy không ai thấy “cụ rùa” này nổi lên nữa. Bao nhiêu năm nay, dù có người nói nhìn thấy hai “cụ”, người thấy những 4 “cụ”, song ông Đức khẳng định chỉ còn một “cụ rùa” duy nhất.

Có thể nói, một thời Hồ Gươm có rất nhiều “cụ rùa”, nhưng giờ đây, người ta chỉ dám chắc chắn có một “cụ rùa” mà thôi. Thi thoảng, vào những dịp trọng đại, “cụ rùa” này hứng chí nổi lên, khiến bao trái tim người Việt lại bồi hồi xúc động.

Theo PGS Hà Đình Đức, Hồ Gươm nhỏ vậy, mà “cụ rùa” tồn tại được đến ngày hôm nay, sống thọ đến mấy trăm tuổi, ngoài nỗ lực bảo vệ của chính quyền và toàn thể nhân dân, thì “cụ” cũng phải tinh lắm.

Hàng trăm năm qua, không ít kẻ trộm nhòm ngó tìm cách làm thịt “cụ”. Rồi mấy chục năm trời, đến tận năm 1993, Quốc doanh cá vẫn còn kéo lưới ở Hồ Gươm, song “cụ rùa” vẫn thoát khỏi lưới vét cả ngần lần.

Thời đó, những người ở Quốc doanh cá chẳng ưa gì mấy “cụ rùa” Hồ Gươm, vì các “cụ” xơi mất không ít cá của họ. Rồi khi lưới mắc, các “cụ” dùng móng vuốt xe toạc lưới, thậm chí làm kênh lưới cho cá trốn thoát hết. Chẳng thế mà, hồi năm 1967, khi phát hiện một “cụ rùa” dính lưới, họ đã lấy xà beng đâm cụ chí chết, rồi khi tóm được cụ, thì liền gọi Công ty Thực phẩm đến định giá liền.

Rùa tai đỏ xuất hiện rất nhiều ở Hồ Gươm do người dân thả xuống.

Hồi năm 1992, ông Chử Văn Chừng (giờ là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường độ thị), thuê 3 thợ lặn để vừa tóm “cụ rùa”, vừa tìm hiểu xem dưới lòng hồ có mấy “cụ rùa”. Việc bắt rùa là để bảo toàn tính mạng “cụ” trong quá trình nạo vét, hút bùn dưới đáy hồ. Những thợ lặn này được trang bị đầy đủ bình ôxy, kính lặn. Họ mang theo một cây gậy, đoạn dây thừng dài hơn 5m làm thòng lọng, rồi lặn xuống hồ càn quét suốt mấy ngày liền.

Thế nhưng, suốt mấy ngày lặn ngụp, dùng gậy chọc nát cả đáy Hồ Gươm, song tuyệt nhiên không thấy “cụ rùa” nào. “Cụ rùa” to như cái nong, bơi lội chậm chạp, bì bạch như vậy, lại sống trong cái hồ không phải lớn lắm, lại rất nông, mà những thợ lặn tìm mãi không thấy kể cũng lạ.

Theo ông Đức, loài rùa khổng lồ ở Hồ Gươm có 95% thời gian sống dưới bùn. Khi nằm dưới bùn, chúng thở rất ít. Chỉ khi cần thở, chúng mới nổi mình lên để lấy ôxy. Do đó, để tìm được “cụ rùa” không phải đơn giản.

Tôi rất ngạc nhiên khi ông Đức cho biết, vào mùa mưa, nước lớn, chỗ sâu nhất của Hồ Gươm chỉ là 1,4m. Mùa nước cạn, Hồ Gươm chỉ sâu chừng 1m mà thôi. Nhiều chỗ ven bờ, chỉ sâu 30-40cm. Thế nhưng, lớp bùn dưới đáy hồ lại sâu đến hơn 1m.

Hồ Gươm với vẻ đẹp thanh bình.

Lý giải chuyện Hồ Gươm mỗi này một nông hơn, ông Đức cho biết, ngoài việc rác rưởi, chất thải, rong tảo, lá cây trút xuống hồ, thì hiện tượng sụt lún, xây dựng quanh khu vực Hồ Gươm mới là thủ phạm chính biến Hồ Gươm thành đầm lầy. Việc người ta đóng cọc xây nhà cách Hồ Gươm hàng cây số, cũng có thể khiến lớp nền đất yếu dưới đáy Hồ Gươm trồi lên.

Những tòa nhà cao tầng quanh Hồ Gươm đang lún hàng ngày, rồi xe cộ trọng tải lớn chạy trên mặt đường, khiến đường lún xuống, cũng là tác nhân khiến lòng Hồ Gươm dâng lên. Và theo ông Đức, cứ với tình hình này, chỉ vài chục năm nữa, Hồ Gươm sẽ biến thành đầm lầy. Lúc đó, không hiểu “cụ rùa” sẽ sống ở đâu?

Sửa sang lại “ngôi nhà” cho “cụ rùa” là chuyện khoa học hiện đại làm được dễ dàng. Nhưng giữ được mạng sống “cụ rùa” để con cháu nhiều đời sau được chiêm ngưỡng “cụ” mới là điều mà các nhà khoa học cũng như người dân Việt Nam mong muốn.

Còn tiếp…

Theo Phạm Ngọc Dương, Tintuconline.

3 bình luận to “Các cụ Rùa và những tai nạn thương tâm”

  1. thuỷ Says:

    thợ lặn cùng bình dưỡng khí, vậy mà độ sâu của Hồ Gươm có hơn 1m thôi ư ? thông tin này có chính xác hok thưa tác giả ???

  2. hoacaivensong Says:

    Bai ve Cu Rua rat hay , minh da song o HN khoang 50 nam nhung lai biet ve cac Cu rat it , Cam on bai viet rat nhieu nha !


Gửi phản hồi cho thuỷ Hủy trả lời