Không có toilet, thì đừng mơ tới cô dâu!

HNX: Đọc câu chuyện này mới thấy, nhiều khi những phong trào cộng đồng, quần chúng trong nước có sức lan tỏa và khả năng thành công cao hơn nhiều so với những dự án hỗ trợ do người ngoài phát động và thực hiện.

Một chú rể lý tưởng ở Ấn Độ phải là một người ăn chay, không uống rượu, có tương lai nghề nghiệp ổn định và phải hứa đảm bảo được với cô dâu tương lai một thứ tiện nghi đang rất cần ở nước này: nhà vệ sinh riêng.

Bà Indra Bhatia, mẹ của bảy đứa con ở Panchgujran, Ấn Độ, nói việc có nhà vệ sinh đã thay đổi cuộc sống của bà – Ảnh: Washington Post

Ở các vùng quê Ấn Độ, nhiều cô gái trẻ đang từ chối lấy chồng nếu người theo đuổi không đảm bảo nhà có được nhà vệ sinh riêng để tránh những cảnh bất tiện và xấu hổ mỗi khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay phải giải quyết ngoài cánh đồng.

Theo Washington Post, hiện có khoảng 665 triệu người Ấn Độ (một nửa dân số) không có nhà vệ sinh. Hai năm gần đây, ở nước này đã phải phát động chiến dịch “Không nhà vệ sinh, không cô dâu” để thay đổi điều này. Chỉ ước tính tại bang miền bắc Haryana đã có 1,4 triệu nhà vệ sinh được xây mới nhờ chiến dịch này.

Các nhóm vận động nữ quyền đã gọi chương trình là một “cuộc cách mạng” ở các vùng quê nghèo của Ấn Độ. Usha Pagdi, người có cô con gái Vimlas Sasva mới 18 tuổi đang học điện tử tại một trường kỹ thuật, cho biết: “Tôi không để con gái tôi đến gần cậu nào không có nhà vệ sinh riêng”.

Trong quá khứ, con gái thường bị coi là gánh nặng tài chính vì các hủ tục về của hồi môn – nhiều khi là bằng tiền tiết kiệm cả đời – mà người cha phải trả cho nhà chú rể. Nhưng điều này đang thay đổi dần vì phụ nữ giờ cưới muộn hơn và độc lập hơn về mặt tài chính. Các cô gái ở quê giờ ngày càng đi học nhiều hơn.

Tivi vệ tinh và Internet giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Ấn Độ cũng khiến người dân ở các thị tứ nhỏ muốn thay đổi hơn. Với kinh tế phát triển, phụ nữ ngày càng nhiều hơn và nhà vệ sinh là một trong những điều tối thiểu đầu tiên. Thiếu nhà vệ sinh không chỉ bất tiện mà còn gây ra nhiều chứng bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, thương hàn, sốt rét.

Các chương trình trước đây đưa nhà vệ sinh tới người nghèo ở Ấn Độ hầu hết đều thất bại. Một chương trình do Ngân hàng Thế giới tài trợ năm 2001 đổ bể do nhiều người dùng nhà vệ sinh làm nhà kho hoặc tháo rời ra để xây nhà.

“Không nhà vệ sinh, không cô dâu” đã trở thành chương trình thành công nhất cho tới nay. Rất nhiều ngôi làng giờ có các khẩu hiệu bằng tiếng Hindu như “Tôi sẽ không để con gái tôi cưới nhà nào không có nhà vệ sinh”.

THANH TUẤN (Theo Washington Post)/TTO

Bình luận về bài viết này